TT Trump thất bại ở hai bang ông đầu tư vận động nhiều nhất
Việc ông Trump xuất hiện ở bang Louisiana và Kentucky vận động tranh cử càng khiến cử tri Dân chủ bất bình, ồ ạt đi bỏ phiếu làm Đảng Cộng hòa chịu hai thất bại lớn.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Louisiana lần thứ ba trong vòng một tháng để giúp ứng viên Cộng hòa tranh cử thống đốc bang, đó là canh bạc lớn.
Trước đó, ngay trong tháng này, ứng viên mà ông ủng hộ ở bang Kentucky đã thất bại trong cuộc đua thống đốc.
Ông Trump cần thắng lợi ở Louisiana đến mức ông gạt đi bài diễn thuyết đã chuẩn bị sẵn, và nói thẳng là tôi cần phải thắng.
“Các bạn hãy giúp tôi thắng đi nào, tôi xin đấy, OK”, tổng thống đề nghị trước đám đông ở Bossier City, Louisiana.
Nhưng đến tối 16/11, canh bạc của ông thất bại. Không chỉ đương kim Thống đốc John Bel Edwards của đảng Dân chủ tái đắc cử, mà ông còn đắc cử theo y như cách mà ứng viên khác của phe Dân chủ thắng cử ở Kentucky trước đó.
Cách thức đảng Cộng hòa thất bại ở hai bang liên tiếp có thể khiến chính ông Trump thất bại năm 2020, theo New York Times.
Tổng thống Trump tới thăm bang Louisiana ngày 6/11 để ủng hộ Eddie Rispone, ứng viên Cộng hòa. Ảnh: New York Times.
Hai thất bại đáng lo ngại
Cả hai ứng viên Dân chủ ở Kentucky và Louisiana đều kêu gọi được khối cử tri người Mỹ gốc Phi và những người da trắng ôn hòa ở quanh khu vực thành phố của mỗi bang, chẳng hạn như New Orleans, Baton Rouge và Shreveport.
Bản thân ông Trump luôn coi mình là người thu hút được cử tri, giúp được đảng mình giành các thắng lợi bầu cử giữa kỳ năm ngoái. Nhưng trên thực tế, ông lại mang đến một số thất bại cho đảng mình.
Video đang HOT
Hai thất bại của đảng Cộng hòa ở Kentucky và Louisiana tiếp nối hàng loạt thất bại khác ở Virginia, Pennsylvania và Missouri. Cử tri quanh khu vực thành phố ồ ạt đi bầu đã mang lại nhiều chiến thắng cho phía Dân chủ.
Hai thất bại gần đây ở Kentucky và Louisiana đặc biệt nguy hiểm, vì chúng cho thấy ngay cả ở các bang miền Nam vốn bảo thủ, cử tri quanh các khu vực thành phố cũng chống lại ông.
Nếu điều này tiếp diễn vào năm sau ở các bang miền Trung Tây, sẽ còn nguy hiểm hơn cho ông Trump, vì các bang này có xu hướng trung dung hơn, không bảo thủ như các bang miền Nam, theo nhận định của New York Times.
Hai thất bại ở Kentucky và Louisiana cũng cho thấy sự yếu thế chính trị ở một tổng thống đang trải qua cuộc điều tra luận tội, và vì vậy càng cần chứng tỏ sức mạnh.
Cuộc bầu cử 2020 đầy khó khăn chỉ còn cách một năm, nhưng dường như ông Trump đi tới đâu, không chỉ cử tri của ông tới chào đón và đi bầu, mà cử tri phe Dân chủ cũng ồ ạt ra bỏ phiếu vì bất bình với tổng thống.
Tim Miller, chiến lược gia đảng Cộng hòa và là người thường chỉ trích tổng thống, cho biết: “Nếu bạn còn nghi ngờ việc Tổng thống Trump bị các cử tri ngoại ô và thành phố ghét, thì việc đảng Cộng hòa bại trận ở ngoại ô các thành phố New Orleans, Louisville và Lexington chứng minh rõ ràng điều này”.
Tổng thống Trump (trái) và Eddie Rispone, ứng viên Cộng hòa cho chức thống đốc bang Louisiana. Ảnh: New York Times.
Cố vấn thiếu kinh nghiệm hay ông Trump bốc đồng?
Đi sâu hơn, thất bại tại Louisiana là “trái đắng” đối với tổng thống, vì ông đã tới đó vận động nhiều lần và những cố vấn của ông không thể đổ lỗi cho các yếu tố ngoài tầm kiểm soát như ở Kentucky. Ở Kentucky, họ có thể nói ứng viên Matt Bevin vốn không được lòng dân.
Nội bộ cố vấn của ông Trump cũng chia rẽ về việc tại sao Nhà Trắng lại đưa ông tới những bang không quá quan trọng cho tái tranh cử tổng thống, và để ủng hộ những ứng viên mà ông không hề biết rõ như Eddie Rispone.
Các cố vấn còn bào chữa rằng ông Trump không nhận được số liệu thăm dò chính xác, để nhận ra các đối thủ bên phía Dân chủ đang được lòng cử tri như nào, thậm chí là trong số những cử tri nghiêng về Cộng hòa.
“Các kết quả ở Kentucky và Louisiana không phản ánh gì về Tổng thống Trump hay cuộc bầu cử tổng thống năm 2020″, phát ngôn viên Mike Reed của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) lập luận. “Các ứng viên Dân chủ chạy đua thống đốc khác hẳn các ứng viên Dân chủ tranh giành chức tổng thống với ông Trump”.
Nhưng New York Times nhận định không phải các cố vấn đã để ông Trump tham gia vận động rồi thất bại, mà chính ông Trump là người thích đi vận động tranh cử, thích được đám đông người ủng hộ tung hô. Ông còn muốn đi như vậy hơn vì đang dính ồn ào điều tra luận tội.
Ông cũng đã tuyển mộ nhiều cố vấn hoặc là không biết nhiều về chính trị, hoặc là mặc kệ để ông Trump thoải mái bốc đồng bất chấp những rủi ro rõ rệt trước mắt.
Những người thân cận với ông Trump nói ông coi những chuyến vận động như một cách thỏa mãn ý thích bản thân. Xung quanh ông không có nhiều cố vấn dày dạn về chính trường.
Con rể ông, Jared Kushner, người điều hành chiến dịch tái tranh cử, chưa bao giờ điều hành một chiến dịch nào khác. Không ai nói với họ rằng nếu trước một ứng viên Dân chủ rõ ràng là bảo thủ như ông John Bel Edwards (chống quyền phá thai, ủng hộ sở hữu súng), nếu công kích ông là người cấp tiến, thì sẽ là điều vô ích. (Ông Edwards đánh bại ông Rispone của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử thống đốc Louisiana.)
Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards đang nói với đám đông người ủng hộ ở thành phố New Orleans ngày 16/11. Ảnh: Getty Images.
Ở Louisiana, ủng hộ dành cho ông Edwards tăng vọt sau hai lần ông Trump tới vận động. Sự hiện diện của ông Trump chỉ tăng lượng đi bỏ phiếu ở vùng nông thôn một cách tương đối, nhưng đã tăng lượng đi bỏ phiếu tới 29% ở thành phố New Orleans, 25% ở quận có Shreveport, và các mức tương tự ở Baton Rouge cũng như các vùng ngoại ô lớn của New Orleans.
Điều đó cho thấy sự hiện diện của ông Trump thúc giục cả cử tri ủng hộ ông lẫn cử tri chống lại ông ra hòm phiếu vào ngày bầu cử.
“Bắt người ta xem quảng cáo về Trump trên TV, qua thư và trên radio khiến các cử tri Dân chủ bất bình, đặc biệt là các cử tri Mỹ gốc Phi”, Zac McCrary, chuyên gia thăm dò chính trị, cho biết.
Trọng Thuấn
Theo news.zing.vn
Tổng thống Trump có thể sang Nga dự duyệt binh Ngày Chiến Thắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc lời mời từ Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến Thắng vào năm sau. Ông chủ Nhà Trắng cho biết ông rất muốn tham gia sự kiện này nếu có thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters).
"Tôi đã được mời. Tôi đang suy nghĩ về nó. Sự kiện này diễn ra vào ngay giữa chiến dịch vận động tranh cử tổng thống (năm 2020) nhưng tôi đang cân nhắc. Tôi chắc chắn sẽ nghĩ về điều này. Tổng thống Putin mời tôi. Đó là một sự kiện rất lớn, chào mừng dấu mốc chiến tranh kết thúc vì vậy tôi rất trân trọng lời mời này. Tôi thích sang Nga dự sự kiện nếu có thể", CNN dẫn phát biểu ngày 8/11 của ông Trump, đưa tin.
Cuộc duyệt binh Ngày Chiến Thắng được xem như là dịp để Nga phô diễn sức mạnh quân sự nhân sự kiện quân Đồng minh chiến thắng phát xít Đức thời Thế chiến 2. Nó thường diễn ra vào đầu tháng 5 hàng năm ở Moscow.
Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ tới thăm Nga là năm 2013 khi cựu Tổng thống Barack Obama tới St. Petersburg dự thượng đỉnh kinh tế G20. Cựu Tổng thống George W. Bush cũng từng tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến Thắng tổ chức vào năm 2005.
Lễ duyệt binh năm 2020 sẽ đánh dấu 75 năm phát xít Đức bị đánh bại, khép lại Thế chiến 2.
Ông Trump và ông Putin lần gần đây nhất gặp nhau là tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua. Ông Putin đã gửi lời mời tham gia duyệt binh tới ông Trump vào dịp này.
Tại G20, ông Trump gọi ông Putin là "một người tuyệt vời". "Chúng tôi đã có một cuộc họp rất tốt. Tôi nghĩ ông ấy là người tốt, chúng tôi đã bắt đầu bàn bạc về thương mại", ông Trump nói.
Trong lễ duyệt binh Ngày Chiến Thắng năm nay, Nga đã điều hơn 13.000 quân nhân, hàng trăm khí tài quân sự từ máy bay, xe tăng, hệ thống phòng không tham gia sự kiện quy mô lớn tại Quảng trường Đỏ.
Theo Dân Trí
Tỷ phú giàu thứ 9 thế giới gia nhập cuộc đua tổng thống Mỹ Ông trùm tập đoàn truyền thông Bloomberg với khối tài sản hơn 55 tỷ USD vừa nộp đơn đăng ký trở thành ứng viên của đảng Dân chủ, chuẩn bị chính thức tranh cử ghê tổng thống Mỹ. Theo AFP, tỷ phú 77 tuổi Michael Bloomberg đã đăng ký tư cách ứng viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ...