TT-Huế: Lạ mắt, hiếu kỳ với nghề ‘ăn tới, làm lui’ bắt con trìa mỡ
Vùng cửa biển Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) – nơi giao thoa con nước của đầm phá Tam Giang có một nghề thật đặc biệt: Nghề cào trìa (ngao). Thôn dân nơi đây gọi là nghề ‘ăn tới, mần lui’.
Làm chơi ăn thật
Hương Phong (Hương Trà), là vùng thuần nông không chỉ được biết đến với đàn trâu “có tiếng” trong tỉnh, bởi nơi đây, nhà nhà nuôi trâu, người người chăn trâu, mà còn là “thủ phủ” của cư dân sông nước với cào trìa cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Nghề “ăn tới, mần lui’ tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá.
Ghé thăm nhà anh Đặng Duy Phụng (thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong) khi mùa trìa đã vào vụ được hai tháng. Gặp được anh không phải dễ, bởi mùa này, cơm đùm gạo bới, anh cùng vợ “ăn ngủ” theo từng con nước để cào trìa kiếm kế sinh nhai.
Trìa vùng cửa biển rặt nước lợ có đặc tính thơm ngon hơn vùng phá Tam Giang, cửa sông nước cạn nhiều bùn. May thay, hôm nay giữa chừng anh Phụng nhận được điện thoại của thương lái trên bờ mang trìa vào nhập nên mới có mặt ở nhà.
Anh Phụng “cho” tôi 2 giờ đồng hồ để nói chuyện, với cam kết: “Sẽ ra vùng cửa biển xem lặn trìa, bởi mùa này ở nhà ngày nào thì mất tiền triệu ngày đó”. Anh Phụng bảo: “Dân làng Thuận Hòa B gọi nghề cào trìa là nghề “ăn tới, mần lùi”. Mần có nghĩa là làm. Làm chơi chơi mà ăn thật. Với lại, đặc tính của nghề cao trìa là đi lui. Dùng dụng cụ bằng sắt hình chữ A, đan dây, bọc lưới. Ngư cụ theo người kéo lui, bùn đất rớt ra ngoài, trìa ở lại”.
Mỗi năm “vụ” trìa kéo dài từ tháng 2- 8, khi con nước rặt ngoài cửa biển đẩy mạnh vào mang theo các loài trìa cư ngụ lại dưới lớp đáy bùn sát vùng đầm phá nước lợ cũng là lúc vụ trìa bắt đầu.
Video đang HOT
Tảo tần cào trìa – nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Hương Phong.
Thuận Hòa B có hơn 120 hộ dân chuyên làm nghề khai thác trìa các loại. Từ đầu tháng 2, họ lại mang ngư cụ từ năm trước ra đan, sửa sang lại để vào vụ chính. Trìa đánh bắt nơi vùng cửa biển Thuận An có 3 loại: trìa líp, trìa u và trìa mỡ. Trong đó giá trị kinh tế cao nhất là trìa líp, với giá mỗi kg khoảng 140 nghìn đồng. Trìa líp khi mới cào lên bằng đầu ngón tay út, nhưng nó được thương lái ưa chuộng bởi sẽ được dùng làm trìa giống.
Trìa cào lên phải nguyên vẹn, không bị xước, vỡ vỏ, đã chết. Các thương lái mua về bán lại cho các chủ vựa nuôi vùng đầm phá ươm nuôi lớn, đến khi kích thước bằng cái bát con mới nhập cho các nhà hàng tiêu thụ. Trìa u với trìa mỡ giá trị kinh tế thấp hơn, nhưng cũng được thương lái mua đều đặn ngay tại bờ phá.
Mỗi ngày, mỗi thợ cào trìa kiếm được từ 5-7 trăm nghìn đồng, so với vùng thuần nông như Hương Phong đó là nguồn thu nhập đáng mơ ước. Mỗi lúc nông nhàn, cánh đàn ông cũng tăng gia sản xuất với gánh trìa nuôi con. Trìa được mang lên bờ. Vùng quê yên bình nơi cửa biển như bị khuấy động bởi tiếng động cơ xe máy của thương lái. Mỗi vụ trìa kết thúc khi con nước bạc đổ từ các nhánh sông về, báo hiệu một mùa mưa lũ bắt đầu…
Trìa mỡ, đặc sản Hương Phong.
Mẹ gánh trìa, con “gánh” chữ
Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề cào trìa ở Thuận Hòa B đều do phụ nữ đảm nhận, bởi cánh đàn ông không theo những chuyến tàu biển ra khơi thì cũng tất bật với việc đồng áng. Hình ảnh những người phụ nữ với chiếc nón che ngang mặt trong cái nắng hanh hao của đầm phá đã trở nên quá đỗi quen thuộc nơi vùng cửa biển này. Và ở đó, những gánh trìa tươi ngon do vùng cửa biển ưu đãi đã theo những mẹ, những chị “lên bờ” mang sinh kế cho những gia đình ở vùng đất thuần nông.
Ngồi trò chuyện, được anh Đặng Duy Phụng cho thưởng thức bát trìa mỡ vừa “há miệng” còn tươi rói, thơm nức mùi sả, mới thấy hết sự nhọc nhằn của “nghề mần lui” cũng như sự ưu đãi thiên nhiên cho vùng đất nơi cuối nguồn Hương giang. Bát trìa mỡ từ vùng quê thơm thảo đã theo về các hàng quán làm phong phú thêm thực đơn thủy sản cho thực khách ở vùng du lịch Cồn Tè, Rú Chá.
Có một giai đoạn sau sự cố môi trường biển, chị em làng Thuận Hòa B vẫn bám trụ với nghề. Nghề không phụ người dẫu có những ngày đôi chân của họ rướm máu vì đạp hàu, nè tre; da mặt rộp đi vì cái nắng cùng hơi nước mặn. Không như nghề dặm, mò, lặn trìa ở các địa phương vùng đầm phá Tam Giang, nghề cào trìa ở Thuận Hòa B cho sản lượng cao hơn nhiều mặc dù phương thức khai thác hoàn toàn thủ công.
Hết “thời gian giao ước” 2 giờ đồng hồ. Tôi được anh Phụng dùng thuyền máy đưa ra một khoảng sông. Chưa kịp bật máy ảnh ghi hình thì trên thuyền, hai phụ nữ đã nhảy tỏm xuống sông với ngư cụ cào trìa hình chữ A. Mỗi một thợ trìa đều cặp theo thùng xốp nổi lềnh bềnh đi theo đựng trìa. Ngư cụ được những người phụ nữ cắm sâu xuống lớp bùn nơi cửa biển khoảng 10cm và bắt đầu đi giật lùi. Thỉnh thoảng họ lại ngoi lên khỏi mép nước để thở.
“Cào trìa phải chọn vùng nước cạn, đi giật lùi hướng dần vào bờ mới có nhiều trìa. Nghề này với phụ nữ càng vất vả hơn, ngâm mình suốt ngày trong nước buốt, nhưng làm riết rồi cũng quen chú à”, chị Nguyễn Thị Thúy trải lòng.
Từ dưới sông, chị Nguyễn Thị Nguyệt, một cư dân dặm trìa hơn 10 năm, nở nụ cười thật tươi bởi hôm ni là một ngày bội thu trìa líp đối với chị. “Làm nghề ni chủ yếu phụ nữ, cũng có cái khổ là không mạnh mẽ như cánh đàn ông nên làm không quen là không chịu được. Nhưng mà nghĩ đến mớ trìa bán trong sáng mai cho con đến trường là tan hết mệt mỏi”, chị Nguyệt tâm sự.
Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thúy tiếp lời: “Chú thấy nghề đơn giản không, nhưng kinh nghiệm chọn con nước rặt, con nước ròng thì phải có. Đến vụ trìa sinh sôi từ cửa biển theo con nước đẩy vào. Phải chọn lúc triều lên, triều xuống mà kiếm chỗ cào không thì ngày nớ về với tay không”.
Quả như lời chị Thúy nói trong phút nghỉ ngơi nơi mạn thuyền, cào trìa vất vả nhưng không thiếu vắng những nụ cười thật tươi. Bởi với họ, ở trên bờ, còn có đàn con thơ đang “gánh” chữ đến trường. Nhắc đến chuyện học, ánh mắt rám nắng của những phụ nữ cào trìa như tươi tắn hơn. Đó là gia đình chị Thúy có 3 người con thì 2 đứa đã vào giảng đường đại học, một đứa đã tốt nghiệp đi làm; gia đình chị Trần Thị Xíu 2 đứa đang ấp ủ “giấc mơ chữ” nơi trường làng.
Theo UBND xã Hương Phong, cuối năm 2017, hơn 100 hộ dân làm nghề cào trìa vùng cửa biển- đầm phá trên địa bàn xã đã được chính quyền chi trả tiền đền bù hỗ trợ sự cố môi trường biển với số tiền 5 triệu đồng/người. Việc chi trả đền bù kịp thời đã giúp các hộ dân sắm mới ngư lưới cụ, tiếp tục theo sống với nghề.
Theo Dân Việt
Thăm núi Túy Vân nhớ chuyện xưa
Du khách đến tham quan núi Túy Vân thường đi theo hai đường: từ thành phố Huế theo quốc lộ 49B xuống biển Thuận An, qua đập Hòa Duân rồi chạy thẳng khoảng 40km đến thị trấn Vinh Hiền để đến núi; hoặc từ Đà Nẵng qua quốc lộ 1A đến đoạn phía bắc đèo Phước Tượng, thuộc xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), theo quốc lộ 49B qua cầu Tư Hiền đi thêm khoảng 3km là tới núi Túy Vân.
Nơi có chùa Thánh Duyên với tháp Điều Ngự 3 tầng cổ kính thuộc xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Cửa Tư Hiền nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang, Cầu Hai với biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: Cửa biển này trước đây gọi là cửa Tử Dung. Sau này, Công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông (em vua Trần Anh Tông) trước khi xuất giá sang Chiêm Thành ghé lên đây bái vọng tổ tiên, từ đó cửa biển này có tên là Tư Dung. "Tư Dung" do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân Công Chúa mà thành.
Một số cảnh quan tại khu vực núi Túy Vân.
Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông ngự giá chinh Chiêm, khi nghỉ chân tại cửa bể này có làm bài thơ "Tư Dung hải môn lữ thứ" là một áng thơ hay, thường được đời sau truyền tụng. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, chiến thuyền từ biển đi vô không được, hiểm hoạ ngoại bang đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra nên triều Nguyễn đặt lại cái tên là Tư Hiền.
Từ xa, Túy Vân là một ngọn núi nhỏ gần cửa Tư Hiền, nổi lên bên sóng nước đầm phá Cầu Hai. Ngày xưa, có tên gọi là Mỹ Am Sơn. Núi có dáng dấp đẹp, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (năm 1648-1687) đi qua đây, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho người dân địa phương. Đến đời vua Minh Mạng cho xây dựng lại và đổi tên là chùa Túy Ba. Năm vua Minh Mạng thứ 17 (năm 1837), chùa được trùng tu và xây dựng thêm lầu. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (năm 1841), chùa được tiếp tục trùng tu và đổi tên chùa Túy Vân.
Vua Thiệu Trị liệt Túy Vân vào thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ Vân Sơn thắng tích và cho khắc bia đá dựng bên chùa đặt tên "Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh" (Linh Thái, Túy Vân đều là thắng cảnh của quốc gia). Trên đỉnh Túy Vân, nổi lên có ngọn tháp ba tầng là Điều Ngự. Đứng ở tầng 2 và 3, chúng ta có thể nhìn thấy hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc. Giữa lưng chừng núi là chùa chính, dưới chân núi còn có ngôi Chùa Lớn làm chỗ ở cho chư tăng, trước và sau chùa có nhiều cây lá sum suê. Đặc biệt, hai bên lối đi lên tháp Điều Ngự là hàng tam cấp dài bằng đá, hai bên có nhiều cây thông cổ thụ sừng sững với tiếng chim hót líu lo hoà quyện với tiếng ve kêu râm ran vào hạ của khu rừng gần như nguyên sinh với những ngôi miếu cổ rêu phong cổ kính. Núi Túy Vân có đỉnh cao 60m so với mặt nước đầm phá. Chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hoá quốc gia.
Giữa bốn bề lau lách, u tịch là tháp cổ Điều Ngự màu hồng ba tầng sừng sững "trơ gan cùng tuế nguyệt" trên đỉnh núi cao. Trèo lên cầu thang gỗ khi lên tầng ba (tầng trên cùng) với độ cao 12m này nhìn ra ba phía (tháp chỉ trổ ba cửa), tầm mắt chúng tôi được no căng bởi bán kính nhìn rộng hơn 10km trong buổi trưa trời trong xanh thanh tịnh. Xa xa, rặng Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói nối đến điểm cuối cùng là... bãi cát trắng phau của cửa biển Tư Hiền. Tức cảnh sinh tình, nhìn sóng nước trên đầm phá Cầu Hai mãi miết xô bờ, cửa Tư Hiền đã chứng kiến bao lần xuất quân đời Trần, Lê chinh phạt Chiêm quốc. Cửa biển Tư Hiền đã bao lần đóng, mở cùng với nỗi thăng trầm của ngư dân do thiên tai lũ lụt.
Dọc theo đường cái là những ngôi làng nông nghiệp hoang sơ, những đền đài miếu mạo cổ xưa. Chợ quê mua bán vào buổi chiều, với thuỷ hải sản phong phú từ đầm phá Cầu Hai nước lợ cho đến biển đông như các loại cá, ốc đá ốc hương, hàu, sò nghêu.... Riêng tôm có 12 loài như tôm hùm, tôm sú, tôm rằn... cua có 18 loài và nhiều loại thân mềm có giá trị như nuốc, rau câu... giá cả hợp lý. Bạn có thể thưởng thức món hải sản tươi rói vừa bắt lên bờ với các món như ghẹ luộc, cháo hàu bùi béo, thơm ngọt.
Vào những ngày đông, đứng trên tháp Điều Ngự nhìn bầu trời đầy mây ảm đạm, nhìn núi non trùng điệp trong màu lam sương khói xa mờ tận mũi Chân Mây. Núi Túy Vân như tuồng trầm ngâm mong đợi nàng công chúa năm xưa trên bước đường "nước non ngàn dặm ra đi" ghé lại. Lòng du khách không khỏi cảm khái, bùi ngùi tấc dạ tưởng nhớ công chúa Huyền Trân.
Theo sgtiepthi.vn
Nghỉ lễ 30/4-1/5 ghé đầm Lập An, miền đất nhỏ mơ màng xứ Huế Khác hẳn sự dữ dội của phá Tam Giang, đầm Lập An nhỏ nhưng đầy đủ mọi thứ để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là nhịp cầu dẫn du khách đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Miền đất nhỏ xinh đẹp nhưng bát ngát, mênh mông Nằm ngay dưới chân đèo Phú Gia và Hải Vân, một...