Ts Trần Công Trục: Trung Quốc đã nhảy lên võ đài và ra chưởng ở Biển Đông
Con sư tử Trung Quốc không còn nằm ngủ. Nó đã thức giấc, vươn vai, giơ nanh vuốt và có những cú tát cú vồ hết sức nguy hiểm.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một bài bình luận của ông về cục diện đối nội, đối ngoại của Trung Quốc hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến Biển Đông. Những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay sẽ khiến ông Tập Cận Bình đẩy mạnh bành trướng ở Biển Đông hay tạm dừng, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc, rối loạn của thị trường cổ phiếu, bong bóng bất động sản, phá giá đồng nhân dân tệ cho đến những tai nạn kinh hoàng như vụ nổ Thiên Tân xảy ra liên tiếp khiến không ít người có cảm giác Trung Quốc đang đứng trước những khó khăn nội tại chưa từng có. Thậm chí có quan điểm cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ và ông Tập Cận Bình đang cố níu giữ cho quả bong bóng khủng hoảng khỏi “xì hơi”.
Những biến động trong chính sách đối nội và đối ngoại của ông Tập Cận Bình rõ ràng có tác động, ảnh hưởng đến khu vực và quốc tế bởi mối liên hệ tương hỗ trong quan hệ giữa các nước hiện nay. Ở Biển Đông, điều này càng trở nên rõ nét nên việc nhìn nhận sao cho khách quan và đúng đắn về những nguy cơ Trung Quốc phải đối mặt có ý nghĩa quan trọng.
Diễn biến kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Biển Đông?
Ngày 27/8 giáo sư Mỹ người Hoa Bùi Mẫn Hân đã bình luận về nguy cơ “sụp đổ” của nền kinh tế Trung Quốc, ông cho rằng điều này xảy ra có thể “cứu” cả Biển Đông. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng nếu chúng ta nghĩ nền kinh tế Trung Quốc có thể “sụp đổ” hay một kịch bản tồi tệ nào đó tương tự thì e rằng hơi thái quá, thậm chí là lạc quan “tếu” và dễ dẫn tới tâm lý chủ quan. Tại sao?
Trung Quốc đã thành công trong một phần tư thế kỷ qua về phát triển kinh tế, chỉ trong 10 năm trở lại đây đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Những gì đang xảy ra như truyền thông đề cập, suy giảm tăng trưởng, rối loạn thị trường chứng khoán, bong bóng bất động sản…cũng giống như các “phép lạ” của nền kinh tế Nhật Bản đột ngột kết thúc vào những năm 1990. Lúc đó nhiều người dự báo kinh tế Nhật sụp đổ, nhưng rồi thời gian cho thấy Nhật Bản lại vươn lên mạnh mẽ.
Mặc dù cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ nhiều vấn đề, nhưng với kích thước hiện nay của nó, Trung Quốc sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Chắc chắn Trung Quốc vẫn sẽ là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mạng lưới kinh doanh, mặc dù những khó khăn, thách thức đặt ra với họ không hề nhỏ.
Câu hỏi quan trọng hơn đặt ra là, có nước nào được lợi lộc gì nếu xảy ra kịch bản kinh tế Trung Quốc “sụp đổ” như ông Hân nói? Tôi tin là không. Nói nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ có thể “cứu” cả Biển Đông lại càng không. Bởi lẽ Bắc Kinh đã dành 20 năm qua để phát triển sức mạnh quân sự cho mình và đang leo thang quyết liệt ở Biển Đông để theo đuổi yêu sách phi pháp và vô lý – đường lưỡi bò của họ.
Nhiều học giả đã nhận định rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có “truyền thống xì hơi bức xúc của dư luận trong nước ra bên ngoài” như Chiến tranh Trung – Ấn 1962, Chiến tranh Biên giới Trung – Xô 1969, Chiến tranh xâm lược Hoàng Sa -1974, Chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam 1979 đều có mối liên hệ với những nguy cơ khủng hoảng nội tại trong xã hội Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình tuần du phương nam, thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải ngay khi lên nắm quyền Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Nếu theo logic này thì khi kinh tế Trung Quốc “sụp đổ” như giáo sư Hân nói, phải chăng Bắc Kinh sẽ “xì hơi” ra Biển Đông? Nếu điều này xảy ra, không phải cả Biển Đông được cứu mà cả Biển Đông có nguy cơ thành ao nhà Trung Quốc.
Trong trường hợp ngược lại, khó khăn chỉ là tạm thời và những gì nền kinh tế Trung Quốc đang gặp, thế giới cũng đang gặp và nó không còn là câu chuyện riêng của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao G-20 đã ép Trung Quốc phải cam kết không tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ. Câu hỏi đặt ra là, nếu như trong 3 – 5 năm tới, thậm chí là khoảng thời gian dài hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc vẫn khó khăn, trì trệ thì liệu Trung Quốc có tiếp tục leo thang bành trướng trên Biển Đông hay không?
Với những gì đang diễn ra hiện nay, tôi e rằng xu hướng đáng lo ngại ấy sẽ vẫn tiếp tục.
Trung Quốc còn giấu mình chờ thời hay đã nhảy lên võ đài và ra chưởng?
Video đang HOT
Nhiều học giả quốc tế đã nhận xét rằng giai đoạn giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã bị Tập Cận Bình đào mồ chôn lấp. Nhưng vẫn có những ý kiến còn băn khoăn cho rằng Trung Quốc với cách hành xử hiện nay thì “còn lâu” mới trở thành cường quốc khu vực chứ đừng nói chuyện đuổi kịp Mỹ hay vượt Mỹ.
Có lẽ có sự nhầm lẫn hay đánh đồng nào đó giữa khái niệm “cường quốc” với chính sách giấu mình chờ thời, và việc “xếp hạng” Trung Quốc có phải cường quốc khu vực, cường quốc thế giới hay không không nên căn cứ vào những giá trị giàu cảm xúc như có trách nhiệm/vô trách nhiệm.
Thực tế kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông đã tập trung phát triển mạnh mẽ sức mạnh quân sự, chú trọng không quân – hải quân – tên lửa chiến lược. Cũng chính ông Bình là người khởi xướng ý tưởng, chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển, công khai hóa và cụ thể hóa cái Bắc Kinh gọi là “lợi ích quốc gia cốt lõi” ở Biển Đông.
Trong quan hệ đối ngoại có thể thấy rõ, với Mỹ thì Trung Quốc thường ra đòn thăm dò phản ứng để điều chỉnh chiến lược. Với các nước láng giềng trong khu vực, Trung Quốc phân hóa rõ nét thành hai nhóm, một nhóm họ xem là thân thiện thì sẵn sàng rót tiền, cung cấp các lợi ích kinh tế cũng như chính trị, điển hình như Campuchia
Nhóm họ xem là đối địch với lợi ích của họ thì rõ ràng ông Tập Cận Bình có xu hướng gạt sang một bên, gây sức ép về cả kinh tế – chính trị – quân sự – ngoại giao. Philippines là trường hợp điển hình nhất. Việt Nam chúng ta cũng đã từng chứng kiến và phải đương đầu với ngón đòn mang tên giàn khoan 981 tháng 5 năm ngoái.
Và hiện tại, bất chấp mọi tiếng nói phản đối của các bên liên quan cũng như dư luận khu vực, quốc tế, Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng và đang quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp với quy mô chưa từng có, tiến tới làm thay đổi cán cân lực lượng ở Trường Sa.
Với những nước cờ rõ ràng như vậy thì không thể nói Trung Quốc còn “giấu mình chờ thời”, mà nói như ông Tập Cận Bình, Trung Quốc là con sư tử đã bị đánh thức. Mặc dù ông Bình nói Trung Quốc là con sư tử “hiền hòa”. Không những con sư tử thức giấc, mà nó còn nhảy lên võ đài và thực sự đã tung ra những đòn tấn công rất hiểm.
Mặt khác, bối cảnh quốc tế và khu vực, trong nước cũng như ngoài nước cho phép Trung Quốc thi triển điều này. Mỹ đang phải căng mình đối phó với nhiều điểm nóng như Trung Đông, Ukraine, chủ nghĩa khủng bố, đồng thời có nhiều điểm cần phải hợp tác với Trung Quốc. Nga đang khó khăn do phương Tây bao vây, cấm vận và các vấn đề nội tại về kinh tế, các nước trong khu vực ASEAN đang trong giai đoạn giao thời…Với Bắc Kinh, có thể nói là thiên thời địa lợi để thực hiện giấc mơ xưng hùng xưng bá.
Những ngón đòn thâm hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông
Nếu như năm 1956, 1974, 1988 Trung Quốc lợi dụng bối cảnh khu vực và quốc tế để cất quân xâm lược chớp nhoáng, đánh chiếm Hoàng Sa và 6 bãi đá ở Trường Sa thì ngày nay điều kiện không cho phép Bắc Kinh làm như vậy. Nhưng họ lại nghĩ ra chiêu mới nguy hiểm hơn nhiều mà có người gọi là cắt lát xúc xích, có người gọi là chiến lược cờ vây, rồi chiến lược bắp cải.
Cảnh sát biển, ngư dân biển trở thành lực lượng chủ lực, đòn âm nguy hiểm đánh vào yếu huyệt đối phương trên Biển Đông. Ảnh: Philnews.
Điển hình như việc Trung Quốc cố tình gây sự đưa Philippines vào tròng rồi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trên Biển Đông năm 2012. Mỹ đưng ngoài cuộc không làm gì cả. Sự kiện này trở thành mô hình kiểu mới, thành “đòn âm” nguy hiểm đánh vào trúng yếu huyệt của đối phương. Rõ ràng con sư tử Trung Quốc không còn nằm ngủ. Nó đã thức giấc, vươn vai, giơ nanh vuốt và có những cú tát cú vồ hết sức nguy hiểm.
Vụ giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam là một “đòn hiểm” tiếp theo Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, đồng thời cũng nhằm lôi kéo sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Nó “hiểm” ở chỗ hút hết mọi sự chú ý cũng như nguồn lực của chúng ta vào sự vụ này để rảnh tay làm việc lớn hơn, nguy hiểm hơn ở Trường Sa. Trường hợp Việt Nam phản ứng không đủ mạnh thì họ sẽ còn lấn tới xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đe dọa các hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam tại đây.
Đòn nguy hiểm nhất của Trung Quốc hiện nay nằm ở các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trên 7 bãi đá chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa. Chắc chắn không lực lượng nào ép được Trung Quốc “trả lại nguyên trạng”, đó là còn chưa nói đến hoạt động quân sự hóa, biến chúng thành những pháo đài quân sự nguy hiểm, đe dọa trực tiếp an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tất cả những điều này cho thấy, Trung Quốc đã cởi áo, thượng đài và ra chưởng, không còn phải giấu mình chờ đợi thời thế gì nữa. Các bên liên quan và Việt Nam cần tìm cách đối phó.
Mời bạn đọc đón đọc phần bình luận thứ 2 của Tiến sĩ Trần Công Trục: Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo trên Biển Đông, chìa khóa nằm ở Tập Cận Bình
Ts Trần Công Trục
Theo giaoduc
CNRP "tạm gác" chống Việt Nam, lại thêm đảng cực đoan bài Việt ngóc dậy
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của một bộ phận những kẻ muốn làm chính trị ở Campuchia bằng máu và nước mắt của đồng bào mình.
"Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia"Sam Rainsy vẫn tiếp tục tuyên truyền chống phá Việt Nam từ ÚcNghị sĩ đối lập Campuchia tiếp tục xúc phạm Việt Nam, chống phá biên giới
Thua trận "bản đồ", CNRP đổi chiến thuật - tạm gác vấn đề chống phá biên giới với Việt Nam
The Phnom Penh Post ngày 10/9 đưa tin, sau 3 tuần đi nước ngoài gây quỹ cùng với Sam Rainsy - Chủ tịch CNRP, hôm qua Kem Sokha, Phó Chủ tịch đảng này đã trở về Campuchia và đến nhà tù thăm các nghị sĩ bị bắt giữ vì tuyên truyền xuyên tạc, làm giả tài liệu về biên giới Campuchia - Việt Nam.
Kem Sokha tại sân bay quốc tế Phnom Penh sau khi trở về từ Úc. Ảnh: The Phnom Penh Post.
Phát biểu với báo giới bên ngoài nhà tù Prey Sar, Sokha nói rằng đảng CNRP sẽ "thay đổi quan điểm của mình" khỏi chủ đề nhạy cảm về chính trị, thay vào đó tập trung vào việc tìm kiếm chiến thắng cho cuộc bầu cử sắp tới. Kem Sokha từ chối thảo luận các vấn đề về biên giới với Việt Nam mà CNRP đã đào xới suốt mấy tháng qua để chống đảng cầm quyền CPP.
"Kế hoạch của tôi là để cho bầu không khí chính trị nguội xuống. CNRP sẽ tập trung vào bầu cử. Bản thân tôi chưa bao giờ đưa ra vấn đề về bản đồ biên giới vì tôi nghĩ rằng nó không phải mấu chốt vấn đề. Mọi việc sẽ được giải quyết khi CNRP thắng cử", The Phnom Penh Post thuật lại lời Kem Sokha.
Còn theo tường thuật của The Cambodia Daily ngày 10/9, Kem Sokha giải thích với báo giới rằng ông ta không bao giờ kêu gọi chú ý đến (cái gọi là) xâm nhập của người Việt Nam sang Campuchia vì ông ta cho rằng, nâng cao chủ đề này dưới thời Hun Sen là vô dụng?!
"Bản thân tôi chưa bao giờ đưa ra các bản đồ biên giới, bởi vì tôi nghĩ rằng đó không phải là giải pháp, mà giải pháp là CNRP phải thắng cử. Khi chúng tôi điều hành đất nước, chúng tôi có thể giải quyết các vấn đề quốc gia một cách phù hợp. Bây giờ chúng tôi phải đi chung với CPP và chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì", Kem Sokha được The Cambodia Daily dẫn lời tuyên bố.
Phó Chủ tịch phe đối lập CNRP nói rằng những "anh em trong tù" của ông ta ủng hộ quan điểm này, làm "nguội" bầu không khí chính trị Campuchia trước bầu cử. Bình luận về động thái này của CNRP, Meas Nee, một giáo sư về khoa học xã hội nói với Khmer Times hôm 9/9, CNRP chỉ thay đổi chiến lược vì họ đã thua trong "trận chiến bản đồ".
Khi CPP chứng minh được bản đồ họ dùng đàm phán, phân giới với Việt nam là chính xác, CNRP đã mất cái cớ để tấn công đảng cầm quyền. Bây giờ CPP cho dư luận thấy rằng họ đáng tin cậy hơn CNRP về vấn đề bản đồ biên giới với Việt Nam.
Phay Siphan, người phát ngôn chính phủ Campuchia được Khmer Times dẫn lời bình luận: "Các nhà lãnh đạo CNRP đang lừa đảo người dân Campuchia, họ không giải quyết các vấn đề của địa phương". Ông cho rằng phe đối lập đã sử dụng thủ đoạn "chính trị bẩn thỉu" để tạo ra xung đột xã hội và sau đó tuyên bố họ có thể giải quyết các tệ nạn xã hội nếu họ chiến thắng. Điều này chỉ khiến CNRP chuốc lấy thất bại.
Campuchia lại thêm 1 đảng chính trị cực đoan bài Việt ngóc đầu dậy
Mam Sonando, ảnh: The Cambodia Daily.
The Cambodia Daily ngày 10/9 cho biết, Mam Sonando, cựu Giám đốc đài phát thanh Beehive ở Campuchia hôm qua đã tổ chức đại hội thành lập đảng Dân chủ xã hội (BSDP) với chủ trương chính trị cực đoan, điên cuồng chống phá kịch liệt quan hệ Việt Nam - Campuchia và "đòi" cả Nam Bộ, Thổ Chu, Phú Quốc của Việt Nam?!
Khoảng một ngàn người đã có mặt trong bữa tiệc giảm giá mà Sonando tổ chức tại nhà mình ở tỉnh Kandal. Mam Sonando 73 tuổi được bầu làm Chủ tịch đảng BSDP, ông ta nói rằng CNRP đã quá "mềm yếu" trước CPP, chỉ trích Sam Rainsy và Kem Sokha đã hứa xuông.
Nhân vật này hùng hồn tuyên bố: "Cho dù là biên giới hay bất cứ vấn đề gì khác, tôi có giải pháp. Cả Sam Rainsy và Kem Sokha không thể tìm ra giải pháp, nhưng Mam Sonando có thể."
Sonando tuyên bố ông ta sẽ đi xa hơn CNRP nếu được bầu, trong đó sẽ "lấy lại" Nam Bộ, Phú Quốc của Việt Nam (?!). Nhân vật này còn tung ra những lời lẽ miệt thị, xúc phạm Việt Nam ghê gớm, nhuốm màu phân biệt chủng tộc, cực đoan và thù hận.
"Để giải quyết điều này, tôi sẽ khiếu nại với chính phủ Pháp vì Khmer nằm dưới sự cai trị thuộc địa của Pháp. Khi họ kết thúc cai trị với người Khmer, đó là đất của Khmer, tại sao họ lại cho phép Yuon có nó", Mam Sonando nói, sử dụng một danh từ miệt thị để chỉ người Việt.
Theo Khmer Times ngày 9/10, đại hội của BSDP tổ chức tại trụ sở đảng này ở huyên Kean Svay tỉnh Kandal với khoảng 300 người tham dự. Trong cuộc bầu cử năm 2013, Mam Sonando ủng hộ chiến dịch vận động, biểu tình bài Việt, chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia mà CNRP khơi mào.
Nhưng trước sự thất bại của CNRP trong việc sử dụng chiêu bài bản đồ chống phá CPP và quan hệ Campuchia - Việt Nam, Mam Sonando quay sang chỉ trích Kem Sokha và Sam Rainsy "mị dân", "thằn lằn".
"Tôi là một kẻ cầm đầu và đã có một vai trò quan trọng trong việc kết nối Sam Rainsy với đảng Nhân quyền năm 2012 để trở thành một đảng chính trị mạnh mẽ - CNRP để cạnh tranh với CPP. Vào thời điểm đó, tôi hoàn toàn ủng hộ họ - CNRP", Khmer Times dẫn lời Mam Sonando tuyên bố.
Campuchia cần cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Bình luận về động thái mới này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: "Đúng là CNRP đã thất bại hoàn toàn trong việc sử dụng thủ đoạn bản đồ bôi nhọ CPP chiêu bài kích động bài Việt, chống phá Việt Nam và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để kiếm phiếu bầu. Nhưng tư tưởng bài Việt và con bài chính trị kích động chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia của CNRP chỉ tạm thời "gác lại".
Họ sẽ tiếp tục sử dụng nó một khi giành được lợi thế nào đó trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng người dân, cử tri Campuchia đã thấy rõ bộ mặt thật của CNRP, đảng này chẳng làm được gì cho cuộc sống của người dân mà chỉ kích động, lôi kéo họ vào một vòng xoáy không lối thoát của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. CNRP đã làm mụ mẫm đầu óc không ít người Campuchia hiền lành chân chất vì những thủ đoạn tuyên truyền nhồi sọ hết sức sai trái và nguy hiểm rằng Việt Nam "cướp đất" của Campuchia.
Và khi CNRP tạm thời "gác kiếm" thì lại nảy nòi ra một đảng phái chính trị quái thai khác, BSDP với chủ trương chính trị không những không khác, mà còn cực đoan hơn, hung hăng hơn CNRP trong việc tuyên truyền bài Việt, chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Điều này cho thấy mầm mống của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của một bộ phận những kẻ muốn làm chính trị ở Campuchia bằng máu và nước mắt của đồng bào mình, lấy sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và thừa bất mãn của một số người để làm vốn liếng chính trị ra tranh hùng với thiên hạ.
Dù là một đất nước đa đảng, nhưng thiết nghĩ nhà nước Campuchia nên hết sức thận trọng và cảnh giác với những gã "lái buôn chính trị" như Mam Sonando, Sam Rainsy, Kem Sokha. Hy vọng người dân Campuchia cũng nên tỉnh táo, đừng tự đẩy mình vào cảnh nồi da xáo thịt chỉ để thỏa mãn mưu đồ chính trị đen tối của một số kẻ cực đoan, đẩy đất nước chùa tháp vào loạn lạc không lối thoát."
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Ts Trần Công Trục: Ám ảnh "em bé Syria" và cảnh tỉnh với người Việt Tôn giáo sắc tộc, biên giới lãnh thổ, bất ổn kinh tế là những nguyên nhân phổ biến gây nên các cuộc bạo loạn xã hội, nội chiến dai dẳng không lối thoát. Ts Trần Công Trục: Chuyện "đi đêm" trên Biển ĐôngTs Trần Công Trục: Liệu có khả năng Trung Quốc và Mỹ "đi đêm" ở Biển Đông?Ts Trần Công Trục: Hun...