TS Cấn Văn Lực: Có thể dùng ngân sách cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi 4%
Bình luận về phương án “giải cứu” Vietnam Airlines, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng nhà nước có thể dùng ngân sách để cho doanh nghiệp này vay với lãi suất thấp, khoảng 4%.
TS Cấn Văn Lực: Có thể dùng ngân sách cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi 4%
5 giải pháp cứu ngành hàng không
TS Cấn Văn Lực cho biết ông đã khảo sát 83 nước và nhận thấy chính phủ các nước này đều có các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không. Tựu trung, có 5 giải pháp chính.
Một là giãn hoãn thuế. Hai là giãn hoãn các nghĩa vụ trả nợ khác (ví dụ lãi ngân hàng). Ba là giảm các loại chi phí cho ngành hàng không (ví dụ phí thuê sân đỗ, phí môi trường trong xăng dầu). Bốn là trợ cấp trả lương cho người lao động. Năm là cho vay để hỗ trợ vượt qua khó khăn thanh khoản.
Theo ông Lực, “giải cứu” ngành hàng không là việc làm cần thiết và phù hợp, bởi ngành này chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 với suy giảm lên tới 60% – 70% và thời gian phục hồi mất 2 – 3 năm. Ngoài ra, hàng không cũng là một trong những ngành thiết yếu, có tác động lan tỏa tới 35 ngành nghề liên quan.
Tuy nhiên, việc “giải cứu” thế nào lại là một câu chuyện đáng bàn khác. Ông Lực cho rằng về lý, nhà nước phải hỗ trợ cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân theo nguyên tắc không phân biệt. Mức độ hỗ trợ tùy thuộc vào thị phần và đóng góp của mỗi doanh nghiệp.
“Cái này Cục Hàng không biết rõ hơn ai hết. Giả như nhà nước cứu riêng Vietnam Airlines và thiếu công bằng với các hãng khác thì họ có quyền phản ánh”, ông nói.
Được biết, Vietnam Airlines đang rất khó khăn. Doanh nghiệp này cần nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng. Phương án được đề xuất là Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước ( SCIC) đã bày tỏ mong muốn được tham gia tái cơ cấu Vietnam Airlines, với mục tiêu trở thành cổ đông của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, SCIC gặp khó khi không thể dự báo được tương lai của khoản đầu tư vào Vietnam Airlines (mà theo nguyên tắc, SCIC phải bảo toàn và phát triển vốn – PV).
Video đang HOT
Bình luận về “thế khó” này của SCIC, ông Lực cho rằng tổng công ty này đã “phát biểu có vẻ tương đối vội vàng”.
“SCIC nói khó bảo toàn vốn do không đánh giá được sự phục hồi của Vietnam Airlines. Tôi nhấn mạnh rằng đó là nghiệp vụ của SCIC. Họ phải đánh giá được mức độ phục hồi và khả năng bảo toàn vốn. Còn nếu không đánh giá được, SCIC phải thuê tư vấn để đánh giá.
“Quan điểm của tôi là ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines hoàn toàn có khả năng phục hồi tốt, vì những năm qua ngành đã tăng trưởng 20% – 25%. Bản thân Vietnam Airlines cũng tăng trưởng tốt trong những năm qua. Như vậy khả năng phục hồi là hoàn toàn khả thi”, ông Lực nêu quan điểm.
Nói về giải pháp hỗ trợ, ông Lực cho rằng việc này các nước đã làm. “Vietnam Airlines cần hỗ trợ 12.000 tỷ. Tôi nghĩ có thể dùng tiền ngân sách nhà nước để cho vay với lãi suất thấp, khoảng 4%”.
“Cái này liên quan đến dư địa. Quan điểm của tôi là ta đúng là có thâm hụt ngân sách, bài toán nợ công cũng phải tính, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, ta phải chấp nhận hi sinh một số thứ. Ta phải cứu doanh nghiệp, cứu việc làm, vì đó cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách. Nghĩa là ta phải chấp nhận trả cái giá hiện nay”.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nêu một góc nhìn rằng nhà nước hiện nay cũng như một nhà đầu tư chuyên nghiệp, rót vốn vào doanh nghiệp 3 – 5 năm rồi thoái vốn.
“Với triển vọng ngành hàng không, nhà nước sẽ có lãi sau 3 – 5 năm. Cái này chính phủ Mỹ đã làm khi cứu 3 ngân hàng, họ lãi 30 tỷ USD sau 3 năm đầu tư”, ông nói.
Dùng ngân sách để cứu nên là biện pháp cuối cùng
Cho ý kiến về việc giải cứu ngành hàng không, PGS.TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR, cho rằng trong đại dịch lần này, không chỉ riêng ngành hàng không thiệt hại. Không những vậy, ngành này còn “may mắn” khi vẫn khai thác được đường bay nội địa.
Do đó, “nếu nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines thì không thể bỏ qua những ngành bị ảnh hưởng tương tự, bất kể tư nhân hay nhà nước”, ông Thế Anh nói.
Ông Thế Anh cho rằng đối với doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của nhà nước nên hướng vào chi phí thay vì lợi nhuận, vì điều này mang lại sự công bằng.
Với riêng Vietnam Airlines, ông Thế Anh nêu quan điểm rằng dòng tiền của doanh nghiệp này còn tốt hơn các doanh nghiệp khác, trong bối cảnh chịu tác động chung của đại dịch.
“Tôi nghĩ Vietnam Airlines có thể thu được dòng tiền nhờ bán vé trả trước. Họ đã bán vé cả năm và thu trước. Thực tế là nhu cầu mua vé năm cũng khá cao. Trường hợp dòng tiền kém, tôi nghĩ họ có thể bán cả năm sau. Đó là lợi thế của Vietnam Airlines so với các doanh nghiệp khác”.
Đề cập đến phương án dùng ngân sách nhà nước “cứu” Vietnam Airlines, kinh tế trưởng của VEPR cho rằng đây nên là biện pháp cuối cùng được tính đến, vì nó liên quan đến nguồn lực tài chính.
Ông Thế Anh nêu ý tưởng nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách trợ giá vé máy bay thay vì rót tiền vào Vietnam Airlines.
“Ví dụ vé máy bay 2 triệu đồng, nhà nước bù cho dân 500.000 đồng. Cũng là dùng ngân sách nhưng cách này ‘đẹp’ hơn”, ông Thế Anh nói.
Sắp hết tiền, Vietnam Airlines xin 'giải cứu'
Dịch COVID-19 đã "càn quét" nguồn tiền của các hãng hàng không trên thế giới. Tại Việt Nam, các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines đang phải đối mặt khó khăn, cạn kiệt dòng tiền. Có giải cứu hay không và bằng cách nào đó là bài toán lớn mà cả Chính phủ, doanh nghiệp đều cần tính toán.
Máy bay "đắp chiếu" nhiều tháng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài do dịch COVID-19, và mới chỉ bay nội địa trở lại gần đây.
Lâm cơn bĩ cực
Những ngày sống trong dịch COVID -19 vừa qua, hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới đều lâm cơn bĩ cực và hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines cũng chung số phận.
Chia sẻ, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hầu như các hãng hàng không trên thế giới đều không còn tiền trên tài khoản. Dịch COVID-19 đã "đốt" 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới. Trong đó, phần tiền vé khách đã mua phải hoàn lại vì hủy chuyến bay cũng "rất kinh khủng". Riêng với VNA, phần tiền vé phải hoàn trong tháng 2-3/2020 lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng. "Đây là việc mất máu rất đột ngột", ông Hiền nói.
Ads by optAd360
Do dịch bệnh, VNA dự kiến sản lượng khai thác năm nay sẽ giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/năm (sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng). Trong đó, riêng chi phí cố định hằng tháng của VNA lên tới 2.100 tỷ đồng/tháng, chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng/tháng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các hãng VNA đang nắm nhiều cổ phần, như Jetstar Pacific dự kiến sản lượng và doanh thu cũng giảm tương ứng 64% so với cùng kỳ năm trước, lỗ 1.200 tỷ đồng; Hãng hàng không K6 (Cambodia Angkor Air) dự kiến giảm sản lượng và doanh thu khoảng 27%, lỗ 14,5 triệu USD. Các công ty thành viên khác của VNA cũng giảm lợi nhuận hơn 1.700 tỷ đồng, dự kiến VNA sẽ mất số tiền cổ tức tương đương 636 tỷ đồng. "VNA lỗ nặng nhưng vẫn trụ được, vì trước dịch, hãng có tiềm lực tài chính mạnh, khi có tích cóp hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt", ông Hiền nói thêm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch Phát triển VNA chia sẻ thêm, việc phục hồi của hãng sẽ mất nhiều thời gian, khi toàn cầu vẫn còn trên 50% máy bay nằm đất. Với VNA, dù đã khôi phục toàn bộ mạng đường bay nội địa, thậm chí mở thêm 13 đường bay trong nước mới, với hệ số ghế được lấp đầy mỗi chuyến bay lên tới 85%. Tuy nhiên, doanh thu chưa thể bù đắp được chi phí, do hãng áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá vé, cùng đó là chi phí cố định khoảng 2.100 tỷ đồng/tháng, dù bay hay không bay vẫn trả. "Nhờ có hoạt động bay nội địa, mỗi tháng hãng có thêm nguồn thu 500-600 tỷ đồng bù chi phí cố định", ông Trung nói.
Không chỉ VNA và Jetstar Pacific, các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng đối mặt không ít khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, khi kết thúc quý I/2020 vừa qua, mỗi hãng công bố số lỗ lần lượt là 989 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng.
Chờ bơm vốn
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), toàn ngành hàng không thế giới giảm doanh thu 419 tỷ USD do dịch COVID-19; dự kiến cả năm nay các hãng lỗ 84 tỷ USD. Dự kiến năm 2021, ngành này vẫn lỗ 16 tỷ USD và phải tới giữa 2022 hàng không mới thực sự phục hồi về quy mô như năm 2019. Một tính toán cũng cho biết: Các hãng hàng không cần 250 tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ. Hiện tại, một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Singapore... đã tung các gói hỗ trợ hãng hàng không, chính phủ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Dù vậy, vẫn có một số hãng đã tuyên bố phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản.
Còn tại Việt Nam, với VNA, ông Trần Thanh Hiền cho biết, từ tháng 2/2020 tới nay, VNA đã cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm lương... nhờ đó tiết kiệm chi phí khoảng 4.500 tỷ đồng; các đối tác cho thuê máy bay giảm hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay năm 2020-2021. "Nếu không có bơm vốn của Chính phủ, thì tháng 8/2020 hãng sẽ hết tiền" ông Hiền nhấn mạnh.
Hãng hàng không này cũng đã kiến nghị Chính phủ (vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước) hỗ trợ cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng, trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi. Và kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, cổ đông nhà nước có thể giao 1 đơn vị mua phần cổ phần này (như SCIC). Quy mô phát hành cổ phiếu được cân đối với phương án vay, đảm bảo tổng số vốn bổ sung cho VNA khoảng 12.000 tỷ đồng. Về trung dài hạn, VNA kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025. "VNA không xin tiền từ ngân sách nhà nước, mà chỉ xin hỗ trợ vay và sẽ trả", ông Hiền nói thêm.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất với VNA chuyển giao 30% cổ phần đang sở hữu tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho VNA. VNA đang đàm phán với Qantas và báo cáo Chính phủ Việt Nam về việc tiếp nhận chuyển giao vốn từ Qantas sang VNA. Về dài hạn, VNA dự kiến sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới cho Jetstar Pacific. Dù đã qua nhiều lần tái cơ cấu, nhưng Jetstar Pacific Airlines vẫn lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng. Năm 2018-2019, sau nhiều năm thua lỗ, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu có lãi, nhưng dịch COVID-19 đẩy hãng vào thế khó khăn hơn.
Về mở lại các đường bay quốc tế, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế trên cơ sở cho phép của Chính phủ Việt Nam và các nước. Hãng đang khai thác thường lệ đường bay chở khách từ Hà Nội/TPHCM đi Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 5 chuyến/tuần, dự kiến sẽ tăng lên 14 chuyến/tuần vào tháng 7/2020 để chở khách Việt Nam sang Hàn Quốc. Vietnam Airlines cũng đã sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngaykhi được phép.
SCIC muốn đầu tư vào Vietnam Airlines: Tránh đầu tư giải cứu Trước hết phải xác định rất rõ ràng mục tiêu SCIC đầu tư vào VNA là vì mục đích gì, chắc chắn không thể vì mục đích giải cứu doanh nghiệp này. Chưa thấy hợp lý Lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đề xuất được tham gia tái cơ cấu hãng hàng không...