Truyền thông Ấn Độ: Việt Nam sẽ góp phần thay đổi động lực của HĐBA
Trang mạng IANS của Ấn Độ ngày 8/6 nhấn mạnh trên cương vị mới được bầu, Việt Nam có thể góp phần làm thay đổi động lực của cơ quan quyền lực nhất HQ này, vốn đã tê liệt vì nhiều vấn đề quan trọng.
Niềm vui của các thành viên của đoàn Việt Nam khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối..(Ảnh:PV/TTXVN)
Với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (192/193), Việt Nam đã được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Trang mạng IANS của Ấn Độ ngày 8/6 nhấn mạnh trên cương vị mới được bầu, Việt Nam có thể góp phần làm thay đổi động lực của cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc này, vốn đã tê liệt vì nhiều vấn đề quan trọng như Syria, Yemen và Venezuela.
IANS dẫn lời Thứ trưởng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu, khẳng định việc Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an cho thấy sự công nhận các nguyên tắc độc lập và hợp tác đang định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam sẽ nỗ lực không chỉ để đối phó với các thách thức truyền thống, mà cả các thách thức phi truyền thống mới nổi đối với an ninh quốc tế.
Là quốc gia bước ra từ nhiều thập kỷ chiến tranh, Việt Nam sẽ đóng góp cho Hội đồng Bảo an từ những kinh nghiệm của mình về tái thiết, đặc biệt là trong việc xử lý bom mìn vốn gây ra không ít trường hợp tử vong tại nhiều khu vực.
Với việc Indonesia được bầu năm ngoái, năm tới, ASEAN sẽ có hai quốc gia thành viên được bầu vào ghế ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, Thủ tướng Ralph Gonsalves của quốc đảo Saint Vincent và Grenadines – quốc gia nhỏ nhất được bầu vào Hội đồng Bảo an với dân số chỉ 109.000 người – nhấn mạnh nước này sẽ ủng hộ sự công bằng giữa các quốc gia trong Liên hợp quốc.
Video đang HOT
Một ưu tiên của Saint Vincent và Grenadines là hành động chống biến đổi khí hậu.
Về vấn đề Venezuela, ông tái khẳng định cam kết của nước mình và Cộng đồng các nước Caribe (CARICOM) về việc không can thiệp và sự thay đổi chỉ nên diễn ra hòa bình thông qua đối thoại./.
Theo Huy Lê (TTXVN/Vietnam )
Ngóng chờ giây phút Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn - lần thứ 2 trúng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tất cả các con mắt đều đang hướng về New York vào tối nay (giờ Việt Nam), chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu bầu ra 5 Ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí này sau khi được 54 nước trong nhóm nhất trí để cử.
Để trở thành 1 trong 5 cái tên được chọn, Việt Nam cần nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng tương đương với 129/193 phiếu.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Đại sứ Đặng Đình Quý trong cuộc phỏng vấn mới đây với Thông tấn xã Việt Nam, đã có hơn 120 nước thể hiện ủng hộ việc Việt Nam ứng cử vào vị trí này trong khi 30-40 quốc gia đưa ra cam kết miệng. Điều này khiến giới quan sát tin rằng cơ hội trúng cử của Việt Nam là rất lớn.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Kịch bản này nếu xảy ra sẽ lặp lại "quả ngọt" mà Việt Nam hái được cách đây 12 năm khi lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với 183/190 phiếu bầu.
HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Khác với 5 cơ quan còn lại, các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện thay vì chỉ mang tính khuyến nghị. Vì vậy HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.
HĐBA có 15 thành viên với 5 ủy viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ cùng 10 ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới được bầu.
Điều đáng lưu tâm là so với 5 nước thành viên thường trực, các vị trí ủy viên không thường trực thậm chí còn được đánh giá cao hơn về uy tín do phải trải qua quá trình bỏ phiếu.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách ủy viên không thường trực của cơ quan quyền lực nhất LHQ, Việt Nam đã để lại những đóng góp, dấu ấn quan trọng được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong 2 năm, Việt Nam bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của cơ quan quyền lực nhất LHQ. Việt Nam tham gia 1.500 cuộc họp, 2 lần làm Chủ tịch tháng của HĐBA, xây dựng Báo cáo năm về công việc của HĐBA; soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua 1 Nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh.
Tới đây, Việt Nam tiếp tục đứng trước cơ hội một lần nữa chứng tỏ niềm tin, vị thế của chúng ta trong mắt bạn bề quốc tế.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: "Với kinh nghiệm đã đúc kết được, với tinh thần hợp tác tích cực và chân thành và sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ, chúng ta tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới".
Ông Olof Skoog - Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thụy Điển tại LHQ nhận định Việt Nam là một ứng viên nặng ký nhờ kinh nghiệm có được cách đây 1 thập kỷ.
Trong khi đó, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam cho rằng việc liên tục đăng cai các sự kiện quốc tế quan trọng trong nhiều năm trở lại đây cho thấy Việt Nam là một quốc gia có năng lực hậu cần, an ninh đảm bảo và rất chuyên nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu của các sự kiện lớn. Ông này cũng khẳng định nếu tiếp tục trúng cử vào tối nay, Việt Nam sẽ gặt hái được chiến thắng đáng kể trên mặt trận ngoại giao, giúp nâng cao vai trò và tiếng nói tại các diễn đàn song phương lẫn đa phương.
Trong bài viết "Việt Nam sẵn sàng cho một ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" được đăng tải trên chuyên trang quan sát và phân tích địa chính trị Geopolitical Monitor, cây viết James Borton khẳng định trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã được toàn cầu công nhận là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế của nước ta cũng đã có những tăng trưởng ấn tượng trong 20 năm trở lại đây. Các thành tựu đó đạt được trong bối cảnh nền kinh tế chính trị cơ bản của đất nước được giữ gìn nguyên vẹn.
Đáng chú ý, Việt Nam cho thấy sự vươn mình, hòa nhập với thế giới bằng việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Trọng tâm của sự cởi mở và hội nhập với thế giới là việc Việt Nam sẵn sàng giành được tiếng nói và vị trí nổi bật hơn tại LHQ. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất trong những nỗ lực thành công gia nhập các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ đầu năm 2014. Năm 2018, Việt Nam cử bệnh viện dã chiến cấp II đầu tiên tới Nam Sudan với 63 y, bác sỹ quân y, đóng góp vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột, tạo dựng hòa bình ở các khu vực và trên thế giới.
Trên thực tế, việc trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA là mục tiêu của đại đa số của nước thành viên LHQ. Riêng với Việt Nam, vị trí đặc biệt này sẽ tạo điều kiện giúp chúng ta tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn thông qua việc tham gia thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, chiếc ghế Ủy viên không thường trực lại giúp chúng ta nâng vị thế trên trường quốc tế lên một tầm cao mới.
Theo ông Bolton, với tư cách ủy viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng lớn của ASEAN, muốn triển khai chiến lược ngoại giao mềm của mình và mở rộng hội nhập quốc tế. Chiếc ghế tại HĐBA LHQ lần này đưa Việt Nam lên vị trí cao nhất trong hội nhập quốc tế của đất nước.
Tương lai hứa hẹn là vậy nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn mà Việt Nam cần phải đương đầu nếu ngồi vào chiếc "ghế nóng". Đó là diễn biến phức tạp từ tình hình chính trị trên khắp thế giới, bất đồng ngày càng gia tăng giữa các nước thành viên thường trực và đòi hỏi tạo ra dấu ấn rõ nét trong 2 năm ngắn ngủi nắm giữ vị trí này.
Đứng trước những thách thức đó, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó có việc tổ chức một hệ thống linh hoạt sẵn sàng ứng phó với mọi vấn đề, tinh gọn bộ máy nhân sự, rõ người rõ việc.
"Làm sao ngay lập tức chúng ta có thể bố trí được nhân sự bảo đảm thực hiện được trọng trách của mình ở đầu LHQ và nhân sự bảo đảm hỗ trợ các kênh thông tin, liên lạc, chỉ đạo ở đầu Hà Nội. Tại Hà Nội, chúng ta cần phải phối hợp liên ngành từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đây là khâu rất quan trọng. Tôi tin rằng các cán bộ của chúng ta hoàn toàn có năng lực để giải quyết vấn đề này", ông Vinh nói.
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết để chuẩn bị cho việc tham gia HĐBA, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
"Thành công của các hoạt động chính trị đối ngoại Việt Nam có sự đóng góp rất to lớn của các tầng lớp nhân dân. Do đó, việc chuẩn bị cho công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân cũng rất quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về các sự kiện và vai trò của Việt Nam trong các công việc chung của khu vực và thế giới", bà Hằng cho biết thêm.
Theo VTC
Việt Nam và cơ hội để trở thành thành viên của Hội đồng bảo an LHQ 10 năm sau lần ứng cử đầu tiên, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của Liên hợp quốc với nhiệm kỳ hai năm (2020-2021). Vào ngày 7/6 tới, Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức bỏ phiếu cho 5 vị trí...