Truyền hình thực tế nước ngoài xử trí scandal khác Việt Nam ra sao?
Nếu scandal xảy ra ở Việt Nam luôn thành cơn bão trên khắp mặt báo thì tại Mỹ hay vài nước khác, nhà sản xuất chọn cách lên tiếng một lần duy nhất và nói ra toàn bộ sự thật.
Không ít khán giả Việt có suy nghĩ, các show truyền hình tìm kiếm tài năng tại nước ngoài thường diễn ra suôn sẻ, không có nhiều sóng gió, không có tranh cãi, “đá đểu” giữa những người liên quan trên mặt báo, thậm chí là những scandal của các thí sinh hay ban giám khảo như chuyện thường ngày ở huyện xảy ra trong nước mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy, các phiên bản Idol, Got Talent, Next Top Model… trên toàn thế giới gần như luôn có những lùm xùm xung quanh.
Điều quan trọng là cách xử lý của những người có thẩm quyền cùng trách nhiệm của những bên liên quan đã giúp họ tránh được nhiều tai tiếng không cần thiết và đặc biệt là không để scandal phát tán, hay có cơ hội tung hoành và “cưỡng bức” người hâm mộ.
Để xảy ra scandal, trách nhiệm thuộc về ai?
Nhắc lại buổi họp báo về scandal dàn xếp kết quả chương trình The Voice- Giọng hát Việt diễn ra đầu tuần (11/9), các phóng viên vẫn chưa quên được cái cảm giác quay mòng mòng trong hơn 2 giờ đồng hồ, khi các nhân vật quan trọng đua nhau phát biểu. Mỗi người một ý kiến, ý kiến này đối chọi ý kiến kia, đến nỗi đã khiến một nhà báo phải đứng lên hỏi: “Ai là người đại diện phát ngôn? Khi nào ban tổ chức mới có quyết định cuối cùng?”. Đến lúc này, đại diện Cát Tiên Sa bắt đầu tỏ ra lúng túng và dẫn đến một động thái khá “mất lòng” là đỗ lỗi cho giới truyền thông.
Cũng trong buổi họp báo trên, khi thí sinh Văn Thắng (đội Trần Lập) phát biểu, anh gần như không hiểu được vị trí và quyền phát ngôn của mình khi lên tiếng khẳng định: “Tôi nghĩ đây là một người thân cận muốn hại chị Uyên nên tung ra đoạn clip này”. Nhiều người đã không hiểu Văn Thắng đang đặt mình ở vị trí nào để khẳng định một điều mà có thể ngoài Phương Uyên, không ai biết được. Thí sinh này còn có ý “dạy dỗ” báo chí khi nói “Hãy là con ong, đừng là con ruồi”.
Tương tự The Voice, chương trình Vietnam’s Got Talent mùa giải thứ nhất cũng mắc phải một scandal khá nghiêm trọng liên quan đến nghi án dàn dựng kịch bản của thí sinh 15 tuổi Quỳnh Anh. Khi phía sản xuất là BHD chưa đưa ra bất cứ kết luận nào, giám khảo Thúy Hạnh đã nhanh chóng phát biểu trên báo chí khẳng định, thông tin này không chính xác.
Thí sinh Trang Ốc đã giật micro của phóng viên.
Tất nhiên, ai cũng hiểu thiện chí của Thúy Hạnh là muốn bảo vệ cho chương trình cô đang hợp tác. Tuy nhiên, Thúy Hạnh cần phân biệt rõ vai trò của cô tại cuộc thilà nhận định khả năng của thí sinh, không phải là người có thể quyết định tất cả mọi chuyện xảy ra.
Trái ngược hoàn toàn với showbiz Việt, những scandal từ nhỏ đến lớn của nước ngoài đều phải đợi đến khi nhà sản xuất tổ chức điều tra và có kết quả rõ ràng họ mới quyết định viết cụ thể trong thông cáo báo chí để gửi đến các đơn vị truyền thông. Trong thời điểm đó, không một ai trong ê-kip được phép đưa ra bất cứ bình luận gì liên quan.
Nói cho cùng, ở những chương trình mang tầm vóc lớn, mỗi phát ngôn được đưa ra và chuyển đến khán giả đều có những ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, những chuyện như “ông nói gà, bà nói vịt” đều có thể dẫn đến kiện tụng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Hơn nữa, điều khác biệt ở đây được thể hiện qua những bản hợp đồng được soạn thảo sẵn, và một khi những bên liên quan đặt bút ký vào, họ phải thực hiện theo không sai một lời nào. Không chỉ bởi những “hình phạt” khắc nghiệt nếu vi phạm, dù vô tình hay cố ý gây ảnh hưởng đến chương trình, mà còn là sự nghiêm túc và tính chuyên nghiệp của những người có liên quan.
Video đang HOT
Có lẽ đây cũng là điều mà những người làm nghề tại Việt Nam dường như vẫn chưa hiểu rõ khi trong thời gian qua, nhiều vụ kiện tụng liên tiếp xảy ra và cuối cùng đều do nguyên nhân chưa hiểu rõ những quy định mà họ nhất mực phải tuân theo khi tham gia chương trình thực tế. Hoặc nếu có lỡ vi phạm, thì câu chuyện của họ cũng chỉ dừng lại ở những màn đôi co trên mặt báo để rồi kết thúc trong sự cảm thông, chia sẻ của đôi bên.
Thương cho roi cho vọt
Vài năm gần đây, showbiz Việt vướng nhiều scandal liên quan đến thí sinh. Và một lần nữa, sự chuyên nghiệp trong cách giải quyết lại gần như chưa được thực hiện một cách rõ ràng. Nhà sản xuất Vietnam’s Next Top Model mùa thứ 2 từng lên tiếng sẽ kiện 3 thí sinh đã làm lộ kết quả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, câu chuyện này lại được dàn xếp khá ổn thỏa và êm ắng.
Một trường hợp tương tự cũng từng xảy ở America’s Next Top Model mùa thứ 17. Đêm chung kết và trao giải thưởng được ghi hình trước, nhưng thời điểm chương trình chưa lên sóng, thí sinh Angelea Preston đã tiết lộ lên trang cá nhân rằng, cô là người chiến thắng. Ngay lập tức, trong thời gian ngắn, ban giám khảo phải tổ chức ghi hình lại một buổi chung kết mới, trao giải nhất cho một cô gái khác. Tất nhiên, Angelea Preston phải ra về trắng tay và may mắn không bị kiện ra tòa.
Phương Uyên – Giám đốc âm nhạc của cuộc thi The Voice.
Rõ ràng, hướng giải quyết của hai phiên bản Next Top Model trên đã cũng thể hiện chính xác bộ mặt thật của những gì mà nền giải trí 2 quốc gia này đang có. Một bên là sự ồn ào và thiếu dứt khoát, bên còn lại dĩ nhiên là tính chuyên nghiệp và đặt lợi ích của người xem lên hàng đầu.
Với những thí sinh vi phạm, số phận của họ cũng sẽ được quyết định một cách nghiêm khắc và hợp lý nhất dựa theo mức độ nghiêm trọng của scandal,. Trường hợp của thí sinh Emily Nakanda tại X Factor 2007 là một ví dụ khá cụ thể. Sau khi một đoạn video ghi lại cảnh Emily đang hành hung một cô gái khác được phát tán, thí sinh này đã bị buộc phải rời khỏi cuộc thi vì đã có thái độ không tích cực.
American Idol mùa gần đây nhất cũng phải chia tay một thí sinh ở vòng chung kết vì anh đã che giấu mình từng có tiền án hình sự. Không quá ồn ào và gây nhiều tranh cãi, quyết định này được gửi đến các đơn vị truyền thông ngay khi nhà sản xuất ra quyết định, đồng thời cuộc nói chuyện giữa thí sinh này và ban tổ chức cũng phát sóng ngắn gọn ngay trong buổi thi tiếp theo.
Việc đưa ra quyết định xử lý nghiêm khắc những người vi phạm có thể gây tổn thương đến một vài đối tượng. Nhưng xét cho cùng, mục đích của những việc này vẫn là để lại lời răn đe cho những ai không trung thực và quên trách nhiệm của mình khi bước vào một cuộc thi có tầm cỡ lớn.
Tại Việt Nam, nếu việc này được thực hiện từ lâu, chắc chắn, câu chuyện thí sinh hùng hổ giật mic, trả treo với phóng viên, hùa nhau hú hét ngay trong buổi họp báochắc đã không xảy ra.
Chính vì thế, việc ban tổ chức The Voice không mạnh dạn để Giám đốc âm nhạc Phương Uyên ra đi, thậm chí là gạt bỏ cả những thí sinh có hành vi “lấy lòng” vị giám đốc âm nhạc này là một trong những lý do khiến scandal của họ dần chuyển hướng thành cơn bão.
Bên cạnh đó, dẫu biết rằng việc kiện tụng liên quan đến các chương trình truyền hình ở nước ta còn quá mới, tuy nhiên nếu không sốt sắng giải quyết một lần thì chắc chắn những câu chuyện đau đầu trên vẫn chưa thể dừng một sớm một chiều. Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, năm nay, bà Quỳnh Trang – Giám đốc sản xuất Vietnam’s Next Top Model cũng đã khẳng định từ sớm rằng nếu bất cứ một ai trong ê-kíp để lộ kết quả, sẽ không còn có sự nhân nhượng.
Các thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2011.
Nếu như những rắc rối liên quan đến các thí sinh có thể bằng cách nào đó đỗ lỗi cho sự trẻ con của họ. Thì câu chuyện về cách ứng xử của những gương mặt nổi tiếng lại nằm ở một khía cạnh khác.
Trong những ngày đầu chuẩn bị cho X-Factor mùa đầu tiên ở Mỹ, khán giả đã bất ngờ trước tuyên bố thay thành viên ban giám khảo. Theo đó, Cheryl Cole đã bị sa thải và thay thế bởi cô ca sĩ đình đám người Mỹ Nicole Scherzinger. Lý do đượcnhà sản xuất đưa ra là bởi chất giọng địa phương người Anh của Cheryl quá khó nghe đối với khán giả Mỹ.
Ngay thời điểm đó, Cheryl Cole từ chối đưa ra bất cứ bình luận gì. Mãi đến vài tuần sau, nữ ca sĩ mới gửi lời nhắn nhủ tới những người hâm mộ cô qua website riêng với những chia sẻ hết sức chân thành và nhẹ nhàng. Xuyên suốt bức thư này, cựu thành viên Girls Aloud gửi những lời cảm ơn chân thành đến người hâm mộ đã lo lắng và ủng hộ cô trong suốt những ngày qua. Không hề có một lời cay cú và phản đối quyết định của chương trình.
Cheryl Cole bị sa thải ở X Factor vẫn không một lời oán trách hay gây sóng gió trên báo chí.
Trong khi đó, Simon Cowell – nhà sản xuất chương trình X Factor và cũng là người đã đưa Cheryl đến với nước Mỹ cũng chọn cách im lặng.
Lấy một câu chuyện tương tự tại Việt Nam, ở Bước nhảy hoàn vũ, ca sĩ Minh Quân tuyên bố anh sẽ không tham gia chương trình Cặp đôi hoàn hảo nữa, dù sau đêm thi thứ 3 này, anh và Lê Khánh có lọt vào vòng trong thì anh cũng sẽ từ bỏ cuộc chơi. Và không quá bất ngờ khi kèm theo đó là hàng loạt lời giải thích, bức xúc, xỏ xiên, ức chế, cay cú chuyện anh bị BGK xử ép. Chưa dừng lại ở đây, chàng ca sĩ Hà Nội này cũng nhiều lần chọn mặt báo để giãi bày tâm sự của mình.
Không cần phải giải thích nhiều, chắc khán giả cũng không khó để nhận ra ở đây ai là người có thái độ chuyên nghiệp, ai không.
Việc phải rời bỏ cuộc chơi chắc chắn không ai muốn, nhưng họ vẫn là người làm nghệ thuật, thì đáng trân trọng hơn vẫn là người biết tôn trọng ý kiến của nhà sản xuất, hoặc cảm giác của khán giả. Đằng này, chưa nói đến việc Minh Quân tự ý rời bỏ, thì không biết việc gì anh lại phải bức xúc như vậy.
Kết
Ở X Factor Anh năm 2010, ngay trong tập phát sóng đầu tiên đã vấp phải cáo buộc chương trình sử dụng phầm mềm chỉnh lại giọng cho một vài thí sinh. Ngay sau đó, phía cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát này đã lập tức công bố một bản thông cáo báo chí và thừa nhận tất cả mọi chuyện. Kèm theo đó là lời giải thích rằng những vệc họ làm chỉ nhằm tăng tính thuyết phục và cảm hứng cho người xem, còn quyết định của giám khảo được đưa ra dựa trên năng lực lực thật sự của từng thí sinh khi thử giọng. Tuy nhiên, sự thành thật và cố gắng bào chữa cho hành động gian dối này cũng không thể cứu chương trình thoát khỏi sự tẩy chay của khán giả.
PHƯƠNG GIANG
Theo Infonet
The Voice Vietnam Vở kịch đã hạ màn?
Liệu mọi thứ đã dừng lại...
Khúc dạo đầu tuyệt vời
Trong bối cảnh bội thực gameshow hiện nay, Giọng Hát Việt xuất hiện như một điểm sáng mỗi tối chủ nhật. Format mới lạ, cách lựa chọn thí sinh dựa trên tiêu chí giọng hát làm cho The Voice khác biệt hẳn với hàng loạt những gameshow tìm kiếm tài năng nhan nhản trên các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Những tập đầu, phiên bản Việt của chương trình The Voice tạo được sức hút dữ dội đối với các bạn trẻ - đối tượng khán giả khá khó tính và khắt khe. Hàng loạt cái tên vụt sáng thành sao chỉ qua một phần trình diễn ấn tượng.
The Voice phiên bản Việt đã có một khúc dạo đầu tuyệt vời
Nhưng Giọng Hát Việt mất dần sức hút khi đi hết vòng Giấu Mặt. Hàng loạt hạt sạn được công chúng và truyền thông "nhặt" ra từ chương trình. Nghi ngờ về một sự dàn xếp kết quả ngày một lớn thêm, đến cả những người xem không có nhiều kiến thức âm nhạc cũng có thể dễ dàng nhận ra một số chiến thắng không thuyết phục. Những thí sinh được truyền thông "chăm sóc", có ngoại hình "long lanh" hơn hay có thể "đi đường dài" hơn sẽ được lựa chọn, dù người kia có thi thố tốt hơn.
Đêm không ngủ cùng video clip "định mệnh"
Như khẳng định sự nghi ngờ của khán giả, một video clip dài 8 phút "quật" tung những email trao đổi, đoạn ghi âm cuộc trò chuyện của những nhân vật quyền lực cũng như những mối quan hệ hậu trường được đưa lên mạng. Một đêm mưa gió với The Voice, với những người làm chương trình, và cả với showbiz Việt. Sau "đêm không ngủ" ấy của Ban tổ chức, những cuộc họp kín liên tục diễn ra và kết thúc bằng một lá thư mời họp báo đến cánh phóng viên, cùng lời hứa hẹn sẽ giải quyết tất cả các thắc mắc của báo chí, cũng là của công chúng và những người hâm mộ chương trình.
Các huấn luyện viên, giám đốc âm nhạc Phương Uyên và Tiến Sĩ Nguyễn Quang Minh chủ trì buổi họp báo
Thế nhưng, sau một buổi họp báo dài gần 3 tiếng được miêu tả là "căng như dây đàn". Với đủ hỉ nộ ái ố từ "tâm bão" "Mèo Cả" Phương Uyên, vị Tổng giám đốc đơn vị tổ chức đầy quyền uy, bốn huấn luyện viên và các thí sinh đang tham gia chương trình, công chúng vẫn chẳng thể biết thêm được gì ngoài một vở bi hài kịch khác - phần bonus của những gì được thể hiện trên sóng tivi mỗi tối chủ nhật.
Scandal dàn xếp kết quả - Ai nợ ai?
Đầu tiên là Phương Uyên, chị nợ khán giả một sự thật. Chẳng ai có thể phủ nhận chị và những gì chị làm cho The Voice và cả âm nhạc Việt Nam nói chung. Nhưng với cá tính mạnh mẽ và bộc trực nổi tiếng của mình, vì sao chị không cung cấp rõ ràng, chi tiết nội dung của những đoạn ghi âm bị cho là "cắt ghép và biên tập" nhằm "hãm hại" chị? Thực hư toàn bộ cuộc nói chuyện ấy là như thế nào? Và thực sự quyền hạn của chị đến đâu trong cuộc thi này? Nếu chị không sai, chị bị hãm hại, thì vì sao chị lại quyết định ra đi mà không chứng minh mình trong sạch, để được ở lại cùng các thí sinh chị rất mực yêu thương? Những giọt nước mắt cùng lời xin lỗi vì "đã ăn nói bỗ bã" dường như là chưa đủ để khán giả hài lòng...
Phương Uyên khóc trong lúc chia sẻ
Về phía Ban tổ chức, những người làm chương trình nợ truyền thông và khán giả một thông cáo báo chí chính thức giải thích tất cả những thắc mắc, chứ không phải là một thông cáo chung chung mang thông điệp xin lỗi cũng... chung chung không kém. Khi quả bóng trách nhiệm được đẩy sang cánh báo chí vì lỗi "đưa tin một chiều" nên "đẩy sự việc quá xa", câu hỏi về chiều còn lại của thông tin được đặt ra và tiếp tục nhận được câu trả lời là sự nhập nhằng đánh lạc hướng về chuyện đi hay ở của Phương Uyên. Chính cái việc ra đi và ở lại này cũng rất lằng nhằng, thể hiện sự bất nhất trước sau của Ban tổ chức, lúc "chưa thể đưa ra quyết định" lúc lại "chúng tôi mong muốn làm việc với cô ấy" và cuối cùng là "Phương Uyên sẽ ở lại". Phải chăng mọi thứ (lại) được sắp đặt? Và thông cáo báo chí xoa dịu truyền thông kia chỉ mang tính "tham khảo"?
Câu chuyện về vị trí của Phương Uyên lan tới các Huấn luyện viên với cuộc biểu quyết được cho là vô nghĩa do Đàm Vĩnh Hưng khởi xướng. Các thí sinh lấy tư cách gì để lựa chọn trong khi chính vị Tổng giám đốc Cát Tiên Sa còn đôi lần cho rằng "kết quả phải dựa trên dư luận, các huấn luyện viên và Ban tổ chức"? Họ đại diện cho ai trong số những nhân vật được đề cập kia?
Quỳnh Trang giật micro đòi phát biểu
Đó là chưa nói đến phản ứng quá khích của một số thí sinh. Văn Thắng - rocker thuộc đội Trần Lập mạnh miệng "ám chỉ" cánh nhà báo "hãy là con ong, đừng là con ruồi". Liệu có thể chấp nhận thái độ trịch thượng của một người mới tập tễnh vào nghề như thế? Còn Quỳnh Trang, chẳng hiểu lúc đó cô nghĩ gì mà dám hùng hổ giật micro từ tay một phóng viên đang chất vấn Ban tổ chức? Cô bức xúc vì điều gì? Hay chỉ đơn giả là muốn nêu lên thắc mắc "Tại sao báo chí chỉ hỏi ban tổ chức mà không hỏi tôi"? Với hành động trịch thượng vô lễ và thiếu tôn trọng truyền thông như thế, liệu cô đã đủ tư cách và thái độ để đối chất? Liệu có phù hợp với văn hóa ứng xử kính trên nhường dưới của người Việt xưa nay?
Yêu thương không có tội, nhưng hành động sai trái dẫu có xuất phát từ yêu thương thì vẫn không thể chấp nhận được. Chẳng ai trách các thí sinh yêu thương Phương Uyên, nhưng việc phản ứng thái quá với truyền thông như trong buổi họp báo là hết sức cực đoan và không cần thiết. Những thí sinh này nợ truyền thông một lời xin lỗi, với thái độ thành khẩn nhất, chứ chẳng phải là sự "thay mặt" của Cát Tiên Sa đứng ra nhận lỗi.
Và cuối cùng, Giọng Hát Việt nợ công chúng một niềm tin. Khán giả - đối tượng mà những người làm chương trình hướng tới - đóng vai trò gì trong cuộc chơi này ngoài việc "xem"? Ý kiến của họ có được lắng nghe? Phản ứng của họ có được nhà đài đón nhận? Dẫu kết quả các cuộc thi không thể làm hài lòng tất cả khán giả, nhưng chẳng ai muốn theo dõi một chương trình mà hồi kết đã có ngay từ khi bắt đầu. Có lẽ từ sau chuyện này, người hâm mộ sẽ phải đắn đo hơn trước những tin nhắn bình chọn cho thí sinh yêu thích của mình trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng, tránh việc trở thành những "con rối" của nhà tổ chức. Có phải thật đáng thương cho khán giả Việt không, khi mà họ thường xuyên đối diện với những scandal dàn xếp kết quả trong các gameshow truyền hình luôn thề thốt về tính khách quan? Chẳng biết tiêu chí hàng đầu của các chương trình thực tế là phải thực tế bị bỏ quên đâu mất?
Kết
Cuộc họp báo kết thúc nhưng có lẽ scandal này phải mất thêm khá nhiều thời gian nữa mới có thể "chìm xuồng". Và chương trình The Voice phiên bản Việt lần đầu xuất hiện trên truyền hình đã vướng vào một vụ lùm xùm cỡ "bự" của showbiz. Chẳng hiểu mục đích và kết quả buổi họp báo ngày 11/09 vừa qua, cũng như thông cáo báo chí hôm nay là gì, chỉ biết những thắc mắc của công chúng vẫn ngổn ngang, còn câu trả lời thì bị bỏ lửng ...
Trí Nguyễn
Theo VNN
Hoài Sa: 'Tôi không tự ái khi họ quyết định giữ Phương Uyên' "Tôi không muốn làm 'kẻ đục nước béo cò' và không ngại tên tuổi mình bị đưa ra làm bình phong", nhạc sĩ chia sẻ. Trước khi xảy ra "cơn địa chấn" mang tên The Voice, Hoài Sa vẫn âm thầm, cần mẫn làm công việc của mình là chỉ đạo ban nhạc sau cánh gà sân khấu The Voice. Nếu không có...