Truyền 10 lọ huyết thanh cứu người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cắn
6 tiếng sau khi bị rắn cắn vào mu bàn chân trái, ông L.V.P (68 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng rối loạn đông máu.
Ông P được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với chẩn đoán nhiễm độc nọc độc rắn lục đuôi đỏ giờ thứ 6, rối loạn đông máu, theo dõi tổn thương gan, thận.
Sau 10 ngày điều trị tích cực và truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục, tình trạng của ông P đã được cải thiện rõ rệt, không còn rối loạn đông máu, chân trái bớt sưng nề và đã được xuất viện.
TS.BS.Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Vết cắn của rắn lục đuôi đỏ thường gây chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Nọc độc của loài rắn này chứa hơn 20 thành phần khác nhau, có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử; hoặc gây ra hiện tượng tan máu, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch…
Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim và nguy hiểm đến tính mạng.
Từ mùa hè đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trong tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp, phải truyền tới 70 lọ huyết thanh để giải độc. Đặc biệt là bệnh nhân bị rắn hổ mang ẩn nấp trong gầm tủ phòng ngủ cắn vào chân rạng sáng 2/7, phải truyền tới 30 lọ huyết thanh.
Vào cuối tháng 9, nơi đây tiếp nhận 2 bệnh nhân là chị em sinh đôi (9 tuổi) vào cấp cứu do bị rắn hổ mang cắn, các bác sĩ đã phải truyền tới 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn.
Trong các vụ rắn độc cắn, có bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tuyến huyện cấp cứu, do không có huyết thanh nên phải chuyển lên tuyến tỉnh. BS Mai khuyến cáo, người bị rắn độc cắn, cần hạn chế tối đa vận động để không làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể.
Sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mua sắm đủ huyết thanh kháng nọc cho một số loại rắn (rắn lục, rắn hổ mang…). Từ năm 2021 đến nay, gần 100 trường hợp bị rắn độc cắn được Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.
Quảng Ninh: Nhập viện cấp cứu vì bị cả bầy ong vò vẽ tấn công
Một phụ nữ 28 tuổi (trú tại H.Tiên Yên, Quảng Ninh) trong khi đi làm vườn đã bị bầy ong vò vẽ đốt tím bầm với 70 vết trên người phải nhập viện cấp cứu, điều trị.
Ngày 20.9, thông tin từ Trung tâm Y tế H.Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết đơn vị này đang điều trị bệnh nhân P.X.M (28 tuổi, trú tại xã Phong Dụ, H.Tiên Yên, Quảng Ninh) bị thương nặng vì bị ong đốt.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân M. sau khi nhập viện vì ong đốt. Ảnh N.H
Cách đây vài ngày, chị M. trong lúc đi làm vườn không may bị ong vò vẽ đốt vào người khoảng 70 nốt.
Sau khi bị ong đốt vài phút bệnh nhân khó thở, vã nhiều mồ hôi. Chị M. sau đó được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế H.Tiên Yên cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi da lạnh, môi chi tím. Mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
Ngay lập tức, ê kíp trực đã xử trí nhanh, chính xác, kịp thời dùng các thuốc vận mạch, chống sốc cứu bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch. Sau hồi sức bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị tiếp.
Đến sáng 20.9, sức khỏe bệnh nhân M. đã tạm ổn định và có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Nhập viện cấp cứu vì bị cả bầy ong vò vẽ đốt 70 vết
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Trung tâm Y tế H.Tiên Yên), nọc của ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm. Cụ thể, khi bị đốt, nọc độc của ong vò vẽ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Những trường hợp bị ong đốt 1 - 2 nốt có thể bình tĩnh sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại vòi khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý khi có những dấu hiệu bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trường hợp bị ong vò vẽ đốt từ 5 -10 nốt trở lên và kể cả vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều... cần phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ khám, cấp cứu kịp thời.
Ngộ độc thực phẩm cần nhập viện ngay khi có dấu hiệu sau Vụ ngộ độc sau ăn bánh đêm Trung thu tại TPHCM khiến bé gái 6 tuổi tử vong và gần 50 người bị rối loạn tiêu hóa làm nhiều người lo lắng. Vậy ngộ độc thực phẩm khi nào cần nhập viện ngay? Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là tình trạng gây ra do ăn, uống...