Truy vấn Bộ Công an về sự lãng phí khi áp dụng CMND mới
Tại phiên thảo luận ở tổ sáng nay (9/6), các đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM truy vấn đại diện Bộ Công an về sự lãng phí khi áp dụng đổi sớm chứng minh nhân dân (CMND) 12 số.
Sáng nay (9/6), Quốc hội thảo luận ở tổ để cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.
Tại tổ TP.HCM, ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế – Bộ Công an – đơn vị được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Căn cước công dân) giới thiệu CMND theo công nghệ mới, với 12 số, sau này là thẻ căn cước công dân, chỉ thay đổi mỗi tên gọi. CMND mới chứa đựng rất nhiều thông tin trong đó có mã vạch chứa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước. “Công nghệ mới không thể làm giả và một người không thể có 2 CMND như các đại biểu nói” – ông Cương nói.
Mẫu CMND mới.
Sau khi nghe đại diện Bộ Công an giới thiệu về CMND mới 12 số, ĐB Trần Du Lịch chất vấn: Nếu Luật Căn cước công dân được thông qua và có hiệu lực vào tháng 7/2015, thì đổi CMND mới làm gì để sau đó lại chuyển qua thẻ căn cước gây lãng phí?
ĐB Trần Du Lịch nhắc lại câu hỏi thì ông Cương cho biết, Ban soạn thảo chưa chỉnh lý kịp vẫn đưa dự thảo cũ ra. Trong dự thảo, ý định của Ban soạn thảo lấy hiệu lực từ 1/1/2016.
Video đang HOT
“Kể cả ngày 1/1/2016, tại sao đi đổi, ví dụ người chưa làm CMND đến hạn làm thì làm mới, còn người đang có rồi, đang sử dụng thì chờ đổi. Tôi cảm thấy Bộ Công an và Bộ Tư pháp cơ quan soạn thảo luật này không có thống nhất” – ĐB Lịch nêu vấn đề.
Ông Đỗ Văn Cương tiếp tục giải thích. Tuy nhiên, thấy đại diện Bộ Công an lý giải không thỏa đáng, ĐB Đỗ Văn Đương nhắc lại câu hỏi của ông Lịch một cách rõ ràng hơn: “Sao thẻ này để đến 2016 đổi luôn, tại sao giờ thí điểm làm gì cho tốn kém, cứ sử dụng cái cũ”. Đại diện Bộ Công an cho rằng chỉ làm thí điểm ở 4 quận ở Hà Nội, giờ đã làm đại trà.
“Cái đó vừa lãng phí, vừa làm ảnh hưởng đến giao dịch dân sự bình thường của người dân như nhà đất, các tài sản gắn với CMND cũ giờ theo cái mới khó cho công dân”, ĐB Đỗ Văn Đương nói.
Theo ông Cương, những ý kiến các ĐB sẽ ghi lại và phản ánh với lãnh đạo Bộ Công an.
Cũng cho ý kiến về Luật Căn cước công dân, ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) cho rằng cần lộ trình thời gian phù hợp. Nhiều cái cũ chưa bỏ, cái mới bắt đầu làm khiến chồng chéo dẫn đến sự lãng phí tiền của. Làm gì cũng phải thuận tiện cho người dân, đừng tự làm khó mình và khó người dân. Cái gì cũng cần CMND, từ hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, sổ tiết kiệm… Giờ lấy cái này thay cái kia thì làm thế nào để thay thế. Nói là đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng cái này ra đời mà cái cũ chưa có phương án khắc phục thì có khả thi không?” – ông Nghị nêu vấn đề.
ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ tác động của luật này, bởi hiện có nhiều chồng chéo. Đề án 986 không biết có chờ luật này không.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng cần phải biết việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện thế nào mới có cơ sở để bàn về dự án Luật Căn cước công dân.
ĐB Đỗ Văn Đương và ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đều cho rằng cần bổ sung thêm nội dung trên thẻ căn cước về nhóm máu. Bởi đây là vấn đề nhân đạo, khi không may người đó xảy ra tai nạn đi cấp cứu cần tiếp máu thì nhìn vào thẻ biết ngay. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi để thực hiện vấn đề trên.
Theo Lương Kết – Đức Hiếu (Dân Việt)
Công dân có thể được cấp thẻ căn cước từ khi chào đời
Thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân và được cấp từ khi công dân chào đời - dự luật Căn cước công dân quy định.
Mặt trước thẻ Căn cước công dân.
Dự luật Căn cước công dân vừa được Chính phủ trình Quốc hội chiều 4/6 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015.
Theo Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thẻ căn cước được cấp theo bốn giai đoạn phát triển của công dân: 0-14 tuổi; 15-25 tuổi; 25-70 tuổi (15 năm đổi một lần) và trên 70 tuổi (không xác định thời hạn sử dụng).
Với người dưới 15 tuổi, trên thẻ căn cước sẽ có thông tin về mã số định danh cá nhân và nhân thân. Người đủ 15 tuổi sẽ làm thủ tục đổi thẻ căn cước, trong đó bổ sung thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay.
Ngoài mã định danh, trên thẻ căn cước có họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi thường trú... được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu, thẻ căn cước có thể thay thế sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác.
Mã định danh cá nhân là một dãy gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc và không cấp trùng, sẽ giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, chứng minh nhân dân được cấp trước ngày triển khai dự luật vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. "Điều này là để tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch", Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định, việc cấp thẻ căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh cá nhân giúp việc quản lý dân cư trong tương lai đơn giản, thuận tiện, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu...
Dẫu vậy, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cùng nhiều thành viên Ủy ban cho rằng, thời điểm hiệu lực 1/7/2015 khó khả thi, cần thêm thời gian chuẩn bị khoảng 6 tháng nữa.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng lo ngại, nhiều địa phương chưa có điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý để triển khai. Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép duy trì các quy định của pháp luật hiện hành đến khi đủ điều kiện, chậm nhất là 1/1/2020.
Theon Xahoi
Truy vấn hối lộ ô tô 1,7 tỉ đồng cho nguyên Giám đốc Sở KHĐT Phượng khai, ngày 28.10.2010 đã tạm ứng tiền từ việc thi công đường liên xã Đăk Pling (huyện Kong Chro) mua ô tô BKS 81A- 00278 với giá gần 1,7 tỉ đồng tặng nguyên Giám đốc Sở KHĐT Trần Thế Vinh. Liên quan đến vụ xét xử đại án kinh tế đối với Cty Bình An, ngày 21.5, TAND tỉnh Gia Lai đã...