Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí’
Cho rằng lãng phí hiện diễn ra phổ biến, sự thiệt hại chẳng kém gì tham nhũng, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra tình trạng này.
Sáng 18/6, góp ý cho dự luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu nhìn nhận lãng phí hiện diễn ra phổ biến, dường như chỗ nào cũng có. Nói như đại biểu Trịnh Ngọc Thạch thì “ở ta lãng phí thoải mái, lãng phí rất dễ, không ngăn ngừa được”, trái ngược với nước ngoài “có muốn lãng phí cũng không được”.
Khâu gây lãng phí nhiều nhất, là khởi nguồn của nhiều thứ lãng phí, đó là quy hoạch. Theo đại biểu Ngô Thị Minh, chính việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, để những kẻ cơ hội, lợi ích nhóm thao túng, dẫn đến hậu quả nặng nề là hàng loạt dự án bất động sản, nhà máy, bến cảng, trường học đang phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, gây lãng phí rất lớn.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Văn Tân cho rằng công tác quy hoạch, kế hoạch về kinh tế – xã hội, về các ngành, lĩnh vực nếu làm không tốt sẽ gây ra lãng phí rất lớn cho nguồn lực xã hội. Ông Tân đơn cử việc quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư như hiện nay gần như không có sự kiểm soát trong phạm vi quốc gia gây ra lãng phí đất đai, tiền vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.
“Quy hoạch cảng biển, sân bay hiện rất lãng phí. Hai sân bay quốc tế cách nhau khoảng 100 km nếu đi đường bộ hết khoảng 1 giờ; hay là 2 sân bay nội địa cách nhau khoảng 40 km; hay một nơi cách Hà Nội đi đường bộ, đường cao tốc khoảng 3 giờ, nhưng vẫn quy hoạch một sân bay, một tuần chỉ có mấy chuyến bay”, ông Tân dẫn chứng thêm.
Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
Khẳng định hiện trạng lãng phí ở Việt Nam thực ra không kém gì tham nhũng, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ dẫn ví dụ điển hình là lễ khởi công các công trình được làm “linh đình quá, tốn kém quá, lễ hội nhiều quá” và gần đây lại thêm hội chứng Festival rất tốn kém. “Có những hội nghị Chính phủ triệu tập mỗi tỉnh trên dưới 5 chức danh tập trung họp 1 ngày, thậm chí họp có một buổi, trong khi mạng lưới trực tuyến đã có. Tiết kiệm được vấn đề này thì sẽ xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo”, ông Kỷ phát biểu.
Bên cạnh việc lãng phí tiền bạc, tài nguyên, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra tình trạng lãng phí thời gian. Ông Thân Đức Nam dẫn ví dụ, trong xây dựng cơ bản nhiều công trình có thể thi công ba ca để rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả, nhưng trong quy chế đấu thầu không xem là điều kiện quan trọng, do quá chú trọng đến yếu tố giá cả nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí.
Video đang HOT
Đề cập tới các giải pháp để khắc phục quốc nạn lãng phí, nhiều đại biểu cho rằng phải quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí. Khẳng định thị trường bất động sản ảm đạm với những khu đô thị bỏ hoang, gây lãng phí đất, tiền bạc, đại biểu Cao Thị Xuân chỉ ra nguyên nhân là người quyết định quy hoạch, quyết định đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau đó là động cơ vụ lợi.
“Nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra lãng phí. Thực chất ý chí cả cá nhân ai đó chính là người quyết định nhưng khi hậu quả xảy ra được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can”, bà Xuân phân tích và kiến nghị dự luật phải sửa đổi theo hướng quy rõ các hình thức xử lý hành chính, hình sự nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, thất thoát.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch góp ý cần đưa ra những chế tài, điều luật để hạn chế đến mức tối đa việc lãng phí và có cơ chế phòng, chống tình trạng này. “Chống lãng phí của ta trong luật nêu phần lớn là khuyến khích, cổ vũ còn chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai lãng phí bao giờ, chỉ có nhắc nhở nên tôi nghĩ chưa được”, ông Thạch nói.
Dự luật thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được tiếp tục chỉnh lý, dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Theo VNE
Không để đơn của dân bị "chuyển qua chuyển lại"
Góp ý cho Dự thảo Luật tiếp công dân, đa số các đại biểu cho rằng Dự thảo vẫn cần phải chỉnh sửa rất nhiều trước khi trình ra Quốc hội, đặc biệt là những quy định liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu...
Nhận định về Dự thảo Luật Tiếp công dân, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) đánh giá, khâu chuẩn bị còn lúng túng. Trước hết, về tên gọi của luật, ông Thảo đề nghị nên đổi thành "Luật tiếp dân", bởi ngay cả những người không phải là công dân Việt Nam (như du khách hoặc người nước ngoài làm việc tại Việt Nam), nếu có nhu cầu thì vẫn phải được tiếp một cách bình đẳng như công dân Việt Nam.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cũng cho biết, bà hoàn toàn đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật rằng Dự thảo nhìn chung chưa đáp ứng được một cách toàn diện về tổ chức hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế bất cập hiện nay để công tác tiếp dân đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức.
Đại biểu Hồng Hà cũng đồng tình nên để tên luật là Luật Tiếp dân chứ không nên để là Luật Tiếp công dân.
Về trụ sở tiếp dân, đại biểu Hồng Hà nhận xét, trong dự thảo có sự lẫn lộn giữa khái niệm trụ sở tiếp công dân và nơi tiếp công dân. "Tôi vẫn hiểu đây là nói về cơ sở vật chất, chỉ là địa điểm, nhưng khi nghiên cứu thì thấy rằng Dự thảo Luật quy định trụ sở tiếp công dân là một cơ quan, là một đơn vị và điều này là không hợp lý" - Phó đoàn đại biểu Hà Nội nói.
Đại biểu Hồng Hà cho rằng, không thể coi trụ sở tiếp công dân là một cơ quan, đơn vị mà chỉ nên là một địa điểm tiếp dân, như trụ sở UBND thành phố hay Quốc hội.
Tuy nhiên, nói về vấn đề này, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cần phải có một trụ sở tiếp công dân cho đàng hoàng, trang trọng, thể hiện thái độ tôn trọng người dân.
Còn theo đại biểu Trịnh Ngọc Thạch nhận định thì nếu Dự thảo luật có ý định thống nhất chuyện tiếp công dân "tất tần tật của Quốc gia vào đây, kể cả Trung ương Đảng, Quốc hội, HĐND, các cơ quan đơn vị sự nghiệp... vào để Thanh tra Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo là không hợp lý.
"Viết như vậy là chưa đảm bảo. Trụ sở tiếp công dân và nơi tiếp công dân là 2 khái niệm chồng chéo, lại còn quy định có con dấu, tài khoản như một cơ quan, đơn vị là không hợp lý" - đại biểu Trịnh Ngọc Thạch thẳng thắn bày tỏ.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch: Dự thảo viết như vậy là chưa đảm bảo
Về vấn đề này, trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cũng cho rằng, trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Không nên xác định Trụ sở tiếp công dân là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như quy định trong dự thảo Luật vì các Trụ sở tiếp công dân không có tổ chức bộ máy riêng (do người làm việc tại các Trụ sở này chỉ là đại diện của các cơ quan khác nhau, không chịu sự quản lý chung về mặt tổ chức nhân sự, những người làm việc trong Trụ sở tiếp công dân chỉ có chức năng giúp việc cho cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền tiếp công dân mà không đủ thẩm quyền giải quyết).
"Nếu coi đây là cơ quan độc lập thì vô hình trung sẽ tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, không phù hợp với các luật hiện hành. Bên cạnh đó, việc tổ chức các Trụ sở tiếp công dân chung như vậy sẽ mâu thuẫn với trách nhiệm tiếp công dân của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị" - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích rõ.
Luật phải chặn "nạn" chuyển đơn thư
Mặc dù đã có Luật tố cáo, khiếu nại riêng nhưng góp ý cho Dự thảo Luật Tiếp công dân, các đại biểu vẫn cho rằng, "tiếp" không có nghĩa là chỉ nhận rồi "chuyển" như một "anh bưu tá". Người tiếp công dân vẫn phải có trách nhiệm xử lý vụ việc ở một mức độ nào đó.
"Có vụ việc qua 5 đời Bí thư, Chủ tịch (trên 20 năm) vẫn "chuyển" do các Bộ, chính quyền địa phương không thống nhất cách giải quyết nên cần phải có giải pháp để ngăn chặn hiện tượng "chuyển" này" - Đại biểu Hà Sơn Nhin (Trưởng đoàn tỉnh Gia Lai) kiến nghị.
Đại biểu Phạm Văn Tam (tỉnh Hà Nam ) cũng phản ánh về hiện tượng một vụ việc nhiều cơ quan "chuyển qua chuyển lại", việc tiếp công dân chưa đáp ứng yêu cầu, chưa góp phần giảm bức xúc của người dân.
"Phải ràng buộc trách nhiệm của những người đứng đầu chứ hiện nay, hiếm người đứng đầu tiếp công dân, thường phân công cấp phó "ù ờ". Nếu Chủ tịch tiếp sẽ không còn ai giải quyết sau đó, không giải quyết được thì niềm tin của dân như thế nào? Chủ yếu tiếp để "nhận" thôi chứ không giải quyết ngay. Vì vậy, nếu không có quy định phù hợp thì khó cho cả cơ quan nhà nước" - đại biểu Phạm Văn Tam nói.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phân tích rằng đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri cũng là một kênh để tiếp nhận phản ánh của người dân. "Tuy nhiên, nhiều khi những ý kiến bị "rơi đi đâu không biết" nên phải có chế tài, trách nhiệm, thời hạn xử lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đại biểu Quốc hội chuyển đến sau khi tiếp dân. Vì thực tế, nếu vấn đề liên quan đến Bộ, ngành trung ương thì hầu hết không được hồi âm, thời gian kéo dài.
Đồng quan điểm với đại biểu tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, Dự thảo luật chưa quy định việc xử trí các vụ việc khi tiếp dân và như vậy, bất cập về tiếp công dân chưa giải quyết được.
Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật tập trung vào tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo nghĩa "đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân". Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, nếu tiếp nhận rất tốt nhưng phần giải quyết khiếu nại sau đó không đồng bộ thì vẫn không tốt.
"Vì vậy, trong luật cần thêm như báo cáo thẩm tra đã nêu, tức là luật này cũng cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác. Mục tiêu tiếp công dân của người đứng đầu là phải có xử lý, trả lời, khác với việc tiếp công dân của những đại biểu bình thường" - đại biểu Ý Nhi đề xuất.
Cũng đặc biệt quan tâm đến quy định về người đứng đầu, tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo lại cho rằng, việc người đứng đầu tiếp dân một tháng hay một tuần một lần là điều cần thiết nhưng vẫn là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là trách nhiệm của người đứng đầu việc tổ chức tiếp dân như thế nào, xử lý vụ việc ra sao. "Làm thế nào để thể hiện sự gắn kết giữa dân với Đảng, giữa dân với nhà nước... nhân viên cũng có thể tiếp đón, trao đổi, nghe, ghi chép... chứ không chỉ có người đứng đầu mới làm được" - đại biểu Đinh Xuân Thảo nói.
Theo vietbao
Cần truy trách nhiệm lực lượng quản lý để MBH "giả" tràn lan "Lực lượng xử phạt không thê kiêm cơ quan giám định MBH nên viêc triên khai quy định trên thực tê là điêu không đơn giản. Giả sử người tham gia giao thông bị xử phạt oan thì hoàn toàn có quyên khởi kiên cơ quan chức năng đã ra quyêt định xử phạt mình". Liên quan đến Thông tư liên tịch số...