Truy tố Phạm Công Danh và 45 bị can trong giai đoạn 2 đại án ngàn tỷ
Ngày 24-11, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến 3 ngân hàng, gồm Sacombank, TPBank, BIDV.
Trước đó, bị can Phạm Công Danh và 14 bị can khác đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử và tuyên án ở trong vụ án thứ nhất về hành vi Vi phạm quy định cho vay… và Cố ý làm trái các quy định… gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Qua quá trình điều tra, cho thấy Phạm Công Danh còn có nhiều hành vi sai phạm liên quan đến một số ngân hàng khác nên vào ngày 11-3-2016, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định tách vụ án hình sự với nội dung liên quan đến 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank và BIDV thành giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
Đến nay, Viện KSND tối cao đã hoàn thành và tống đạt cáo trạng truy tố giai đoạn 2 vụ án, truy tố thêm nhiều bị can khác, trong đó có nhiều bị can là nhân viên ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; người đại diện pháp nhân của các công ty do Danh lập ra và dùng hồ sơ của các công ty này đi vay vốn cho Danh sử dụng mục đích riêng…
Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), nơi mình đang là Chủ tịch hội đồng quản trị, nên Danh đã chỉ đạo, lãnh đạo nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Trầm Bê và Phạm Công Danh
Đồng thời, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường 2 tại 3 ngân hàng này và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó, để Danh sử dụng.
Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Như vậy, hành vi của Phạm Công Danh vi phạm một loạt các luật, nghị định, thông tư quy định về các hoạt động tín dụng, như: Thông tư số 01/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá trị giữa các tổ chức tín dụng quy định “Tổ chức tín dụng không được thực hiện các hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán và các giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa 3 tháng) tại tổ chức tín dụng…”; vi phạm quy định tại khoản 18, điều 4, và khoản 1 điều 126 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010… khi Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB – không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB và cũng không thuộc đối tượng được VNCB cấp tín dụng nhưng cố tình chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng với Sacombank, TPBank, BIDV, dùng tiền gửi này để cầm cố, bảo lãnh cho chính các công ty của Danh vay vốn.
Video đang HOT
Ngoài ra, Danh cũng là người chỉ đạo việc cấp bảo lãnh cho các công ty của Danh vay tiền nhưng không có tài sản đảm bảo là vi phạm các quy định của Nghị định số 163 ngày 29-12-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Thông tư số 28 của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng.
Phạm Công Danh cũng là người tổ chức việc phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung (2 công ty do Danh lập ra) khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền là trái với quy định tại Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 14-10-2011 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Việc Phạm Công Danh dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các Công ty vay vốn tại ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi và VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các Công ty của Danh.
Hành vi đó không phản ánh đúng nghiệp vụ tài chính phát sinh; không phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị nghiệp vụ kế toán; không thực hiện yêu cầu về lưu giữ hồ sơ… Trên đây đều là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật kế toán, Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số 28 của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với bị can Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB đã có các hành vi tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của Phạm Công Danh; trực tiếp chỉ đạo nhân viên ngân hàng VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho Phạm Công Danh sử dụng; trực tiếp tham gia họp bàn, thống nhất ký biên bản họp HĐQT đề ra chủ trương cấp tín dụng cho Phạm Công Danh thông qua các công ty của mình vay tiền bằng các hồ sơ trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, bị can Mai còn trực tiếp ký vào các giấy tờ quan trọng, giúp sức tích cực cho Danh gây ra thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Đối với bị can Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank, là người đã giới thiệu Danh với Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank; cùng Khang chỉ đạo các nhân viên ngân hàng Sacombank làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ lập khống. Khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng.
Như vậy, Phạm Công Danh đã chủ mưu cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng qua 2 vụ án.
Theo Minh Khoa – Trần Xuân
Đại án VNCB: Khởi tố 1 Phó Giám đốc chi nhánh, 2 cán bộ BIDV
Trong quá trình phạm tội, Phạm Công Danh đã "kịp" dùng 3 công ty "ảo" để vay 1.170 tỉ đồng từ BIDV chi nhánh Gia Định. Liên quan đến giao dịch này, ông Hoàng Long Hà - Phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định và 2 cán bộ thuộc quyền đã bị khởi tố.
Bảo lãnh cho doanh nghiệp "ảo" để vay 4.700 tỉ đồng
Liên quan đến đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an cho biết, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 25 bị can, bắt tạm giam 16 người, trong đó có 3 người nguyên là cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Gia Định.
Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Hoàng Long Hà (Phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định), Nguyễn Ngọc Sơn (Trưởng phòng Khách hàng BIDV chi nhánh Gia Định) và Nguyễn Vũ Bảo (cán bộ phòng Khách hàng BIDV chi nhánh Gia Định) về cáo buộc gây thất thoát 1.170 tỉ đồng cho ngân hàng này.
Bị án Phạm Công Danh.
Kết quả điều tra cho thấy, do không có tiền để tái cơ cấu VNCB, Phạm Công Danh đã tìm gặp lãnh đạo BIDV đặt vấn đề giới thiệu khách hàng của VNCB qua BIDV vay vốn theo đề án chuỗi liên kết 4 nhà (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng).
Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn bằng tên của 12 doanh nghiệp "ảo" do Danh thành lập để vay tiền tại 4 chi nhánh BIDV gồm chi nhánh ở Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn và chi nhánh Sở Giao dịch.
Ngoài ra, Danh còn sử dụng 6 lô đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), số 209 đường An Khê (Đà Nẵng) và 3.000 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỉ đồng.
Khi số tiền này được giải ngân vào tài khoản 12 doanh nghiệp thì Danh rút ra để gửi lại vào VNCB, trả nợ và phần còn lại thanh toán khoản vay cho BIDV. Chính việc bảo lãnh cho 12 doanh nghiệp vay 4.700 tỉ đồng từ BIDV đã gây thất thoát cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.
Sai phạm tại BIDV chi nhánh Gia Định
Trong số 4 chi nhánh đã ký hợp đồng tín dụng cho 12 doanh nghiệp do VNCB giới thiệu, riêng BIDV chi nhánh Gia Định được giao xử lý hồ sơ vay của 3 doanh nghiệp, với số tiền vay 1.170 tỉ đồng.
Điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ công an cho thấy vào ngày 7/10/2013, BIDV chi nhánh Gia Định nhận được công văn của Hội sở BIDV về việc chấp nhận chủ trương cho vay theo mô hình 4 nhà với 3 công ty: Quang Đại, Phước Đại và Phong Hiệp.
Hội sở BIDV giao cho BIDV chi nhánh Gia Định tiếp nhận, thực hiện thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, quyết định cấp tín dụng đảm bảo thu đủ nợ gốc và lãi.
Từ văn bản này, ông Văn Đình Hải (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định) đã giao phòng Khách hàng 1 (do Nguyễn Ngọc Sơn làm trưởng phòng) thực hiện. Ông Sơn lại giao cho 3 cán bộ cấp dưới, mỗi người phụ trách một hồ sơ, trong đó có Nguyễn Vũ Bảo.
Sau khi đã thu thập thông tin khách hàng, 3 cán bộ đã làm tờ trình cấp tín dụng tổng cộng 1.170 tỉ đồng cho 3 doanh nghiệp, trình ông Hoàng Long Hà - Phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định và được ông Hà phê duyệt.
Ngày 22/10/2013, ông Hà ký hợp đồng cho 3 công ty vay 1.170 tỉ đồng, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động thanh toán đợt 1 để mua vật liệu, thời hạn vay 6 tháng và lãi suất 13%.
Với khoản vay 1.170 tỉ đồng này, 3 doanh nghiệp đã tất toán khoản vay bằng số tiền bảo đảm tiền gửi của VNCB tại BIDV cũng giống như cách mà Phạm Công Danh đã thực hiện các khoản vay với Sacombank.
Và cũng giống như cách thức đã thực hiện việc vay tiền của Sacombank, 12 doanh nghiệp của Phạm Công Danh đã vay tiền tại BIDV đều không hoạt động kinh doanh tại trụ sở đăng ký, có khai báo thuế nhưng không phát sinh doanh thu mua vào, bán ra.
Theo quy định thì các cán bộ ngân hàng phải kiểm tra thực tế, xác định tính chân thực của pháp nhân vay vốn, khả năng kinh doanh, trả nợ gốc, lãi... nhưng những cán bộ ở 4 chi nhánh BIDV đã hoàn tất các thủ tục chỉ trong hơn 20 ngày, giải ngân 4.700 tỉ đồng cho 12 doanh nghiệp này dễ dàng.
Xuân Duy
Theo Dantri
Vì sao nữ đại gia Hứa Thị Phấn vướng lao lý? Viện kiểm sát cáo buộc bà Phấn có sai phạm trong vụ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho OceanBank. VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng mới, đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ đại án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương - OceanBank. Trong số 4 người bị truy tố bổ...