Truy tìm những đứa trẻ thích đi bụi
Bị bố mắng, nữ sinh bỏ nhà, Dỗi người yêu, bỏ nhà, chán đời, bỏ nhà đi hoang, nhớ bạn tình, bỏ nhà đi… những dòng tít như thế này có thể thấy nhan nhản trên các báo. Ai là người chịu trách nhiệm khi những đứa trẻ bỏ nhà? Gia đình, nhà trường, hay xã hội? Gia đình ư, bố mẹ còn bận không quan tâm được đến con cái. Nhà trường ư?, đó chỉ là trường hợp cá biệt làm sao mà quản cho xuể. Xã hội ư? Lại đổ dồn gánh nặng lên xã hội, một khái niệm rất chung chung. Và chỉ đến khi đứa trẻ bỏ đi, bố mẹ chúng mới tá hỏa đi tìm. Tìm ở đâu? Chả có cách nào khác là đến trình báo công an…
Teen và sở thích “ dạt vòm”
Tuổi “ô mai”, ăn chưa no, lo chưa tới nhưng lúc nào cũng nghĩ mình đã là người lớn, trưởng thành không ai phải lo lắng cho mình. Teen sẵn sàng bỏ nhà đi, không biết phía sau mình là ai, không biết hậu quả sẽ ra sao. Câu chuyện mới đây, vào những ngày đầu năm mới, L.T.H vừa mới bước sang tuổi 17, quê ở Bình Lục, Hà Nam, chỉ vì bị bố mắng mà quyết tâm bỏ lên Hà Nội lập nghiệp, kéo theo cô bạn thân tên Y. Gia đình lo lắng, tìm kiếm khắp nơi nhưng không có hiệu quả. 1 tuần sau, trong lúc tuyệt vọng nhất bố H đã tìm đến CAQ Thanh Xuân trình báo.
Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, những người chiến sỹ công an vốn quen với việc truy bắt tội phạm trở thành những chuyên gia tâm lý, các anh động viên, an ủi gia đình bớt lo lắng, bình tĩnh cung cấp thông tin liên quan để cơ quan điều tra truy tìm các cháu. Các trinh sát Đội điều tra hình sự CAQ Thanh Xuân nhanh chóng nhận định, cháu H chỉ là nông nổi bỏ nhà đi, nhưng cũng không loại trừ trường hợp bị bạn xấu rủ rê rồi lừa bán ra nước ngoài. Cùng chung tâm lý của những người làm cha, làm mẹ, CAQ Thanh Xuân đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác xác minh chỗ 2 nữ sinh này đang có thể tá túc. Rà soát, gọi hỏi nhiều đối tượng có dấu hiệu hoạt động mua bán người và các đối tượng có quá khứ “bảo kê”, chăn dắt gái mại dâm, để lần tìm manh mối 2 nữ sinh lớp 11 mất tích. Mặt khác, CAQ Thanh Xuân phối hợp với các đơn vị giáp ranh kiểm tra hành chính các nhà nghỉ, nhà trọ trên địa bàn. Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi nhận được đơn trình báo, sau khi tổ chức các biện pháp nghiệp vụ tìm kiếm 2 nữ sinh mất tích, CAQ Thanh Xuân phát hiện tại một nhà trọ ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, có 2 cô gái đến thuê trọ được khoảng 1 tuần để xin việc làm. Họ được xác định là H và Y, 2 người mất tích quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Nếu như H, Y vì bị bố đánh, tủi thân mà bỏ nhà ra đi thì T.B.K lại đi theo tiếng gọi của tình yêu và điểm đến của K ở tận Cao Bằng. Một điều tra viên của đội 12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội kể cho biết khi tiếp nhận đơn trình báo của bố mẹ K, dù gia đình cho rằng con mình đã bị bắt cóc và bán qua biên giới, những trinh sát của đội 12 cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, nhưng vẫn thiên nhiều về khả năng cháu đi chơi với bạn. 1 ngày sau khi bỏ nhà đi, K đã bị bạn trai rủ chơi trò “người lớn”. Cô bé sợ hãi và gọi điện về cho gia đình. Nghe tiếng con thảng thốt: “Mẹ ơi con đang ở Trùng Khánh, Cao Bằng, con sợ lắm, mẹ lên cứu con…” mẹ cô quả quyết rằng con mình đã bị bọn tội phạm dụ dỗ, đang trên đường đưa ra nước ngoài bán.
Xác định vụ việc không đơn giản, một tổ công tác của đội 12 – Phòng chống tội phạm về buôn bán phụ nữ và trẻ em đã khẩn trương lên Cao Bằng để tìm kiếm nạn nhân. Không nhanh chóng như ở Hà Nội, các anh phải mất 4 ngày, mới bắt đầu có manh mối nơi cô bé K có thể đang trú ẩn. Không thể nói hết tâm trạng của những chiến sĩ trong tổ công tác. Đây không đơn thuần là vụ việc bỏ nhà đi như các anh vẫn gặp mà có thể là vụ bán người qua biên giới, chỉ một phút chậm chân, cô bé K rất có thể sẽ bị đưa vào những tổ quỷ ở nước ngoài, trở thành món hàng siêu lợi nhuận như rất nhiều vụ việc đã xảy ra trước đó. Phối hợp cùng công an địa phương, sau 4 ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác xác định K đang ở một quán điện tử ở km90 thị trấn Trùng Khánh. Khi các anh đến nơi, tim đập rộn ràng hơn vì thấy K đang cùng người yêu chơi điện tử, chứ không phải đang ở trong một ngôi nhà chờ bị chuyển ra nước ngoài.
Tìm thấy lại bỏ nhà đi tiếp
Với cái lắc đầu ngán ngẩm, Trung tá Nguyễn Tiến Tần – Đội trưởng Đội 12 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố Hà Nội cho rằng khổ nhất là những vụ tìm nữ sinh có “tiền án” bỏ nhà đi. Có em sau lần bỏ nhà đi, khi về thay đổi hẳn, trở nên ngoan ngoãn nhưng cũng có em tâm lý trở nên khó nắm bắt và việc tự làm mình mất tích như một nhu cầu cần có. Đa phần những em này, những lần bỏ đi sau đó việc tìm kiếm thường khó khăn gấp bội bởi chúng đã “rút được kinh nghiệm” trong lần bỏ nhà trước. Chúng trốn kỹ hơn, xóa “dấu vết” cũng kinh nghiệm hơn trong khi các điều tra viên đôi khi đến tấm ảnh nhận dạng cũng không có. Trung tá Tần cho biết, những nữ sinh có “tiền án” bỏ nhà đi này đại đa số nằm trong diện nghiện “yêu”, muốn sống lại những cảm giác “người lớn” sau lần ăn trái cấm.
Điển hình như vụ đi tìm hai cô bé Nguyễn Thị T và Phạm Thị Vân A, nhà ở Tây Hồ, Hà Nội. Đang học lớp 10, nghe theo lời rủ rê của nhóm bạn chat, hai cô bé bỏ nhà ra đi và cuộc sống bầy đàn với những cậu choai cùng lứa đã khiến hai nữ sinh này trở nên già dặn. Sau nửa tháng đi bụi, hai cô gái được lực lượng công an tìm thấy khi đang “ẩn” trong một phòng trọ, thế nhưng chưa đầy tháng sau khi được giao cho gia đình quản lý, bố mẹ hai cô lại khóc mếu với lá đơn trình báo mất con. Bị bắt trở về lần thứ ba, hai cô gái hồn nhiên tâm sự do “nhớ bạn tình nên lại bỏ đi”. Có cô bé, trong khi bố mẹ hết nước mắt vì lo lắng, các trinh sát thì tốn bao công sức đi tìm vẫn thản nhiên nhai bánh mỳ và còn nói “sẽ bỏ đi lần nữa nếu thấy ở nhà quá tẻ nhạt”.
Hay như Trần Diễm H, 17 tuổi, ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, dù đã được các trinh sát tìm về đến 3 lần vẫn không lý giải nổi tại sao mình vẫn muốn bỏ đi. Bố đi tù về tội ma túy, còn mẹ lấy chồng khác, H được ông bà nội đón về nuôi. Sự dạy bảo của ông bà dù có chu đáo tới đâu cũng không bù lấp nổi sự thiếu vắng tình mẫu tử mỗi ngày một lớn trong lòng cô bé đang tuổi lớn này. H được một nhóm bạn rủ đi chơi và ngay đêm đầu tiên, những người bạn mới quen này đã “cắn xé” cô một cách không thương tiếc. Hẫng hụt, đau khổ, thế nhưng khi được tìm về nhà, chỉ vài hôm H lại muốn bỏ đi bởi không chịu được những lời nhắc nhở của ông bà. Cô cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt nếu cứ luôn phải nghe những bài giáo huấn của ông bà và ánh mắt dò xét của mẹ. Cứ như vậy cô trượt dài, sẵn sàng bỏ nhà đi để lấy sự sôi nổi, bất cần đời của nhóm bạn hòng vùi lấp sự chán nản, dù biết điều gì đang chờ mình sau đó.
Đắng lòng những đứa trẻ tập làm người lớn
Video đang HOT
Có những người cho rằng, với những đứa trẻ thường xuyên bỏ nhà đi, thì không nên mất công tìm kiếm, vì chúng đi chán, hết tiền chúng lại mò về. Nhưng với những chiến sĩ công an thì không thể như vậy được, lương tâm của người chiến sĩ công an không cho phép các anh nghĩ như vậy. Thêm một ngày những đứa trẻ bỏ đi, là thêm một ngày cha mẹ chúng thắt ruột chờ đợi, và cũng là cả chuỗi ngày các chiến sĩ công an phải dày công tìm kiếm. Cha mẹ mất con, dù lần đầu hay lần thứ 3 đều đến báo án, thì mỗi người chiến sĩ công an đều xác định đó là một vụ án, phải khẩn trương điều tra, truy tìm bởi nó liên quan đến tính mạng của một con người. Nhiều khi những chiến sĩ công an phải đi tìm con cho họ với tâm thế của những người bố, người mẹ đi tìm con mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được điều đó. Trong tâm lý rối loạn vì bị mất con, nhiều gia đình coi việc tìm con họ là nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an, thậm chí có những lời nói khó nghe, đôi khi không cung cấp đúng, đủ thông tin. “Dù gì thì đây cũng là nhiệm vụ của chúng tôi, nhưng day dứt nhất là những vụ trẻ bỏ nhà đi rồi làm chuyện “người lớn” trong khi chúng đều chưa đến tuổi làm người lớn. Chiểu theo Luật thì không thể khởi tố người xâm hại nhưng không phải ai nghe giải thích cũng hiểu ra mà nhận thấy trách nhiệm của mình. Những vụ như thế này, chúng tôi chỉ biết tìm các em về, giao cho gia đình quản lý, dạy bảo. Lỗi một phần là ở các em nhưng chúng quá nhỏ. Người lớn mình chịu trách nhiệm là chính. Cũng vì thế mà việc quan tâm, giáo dục con cái cần phải được thường xuyên, sát sao bởi những vụ như thế này, phần thiệt thòi luôn thuộc về các em gái” – Trung tá Tần chia sẻ.
Rời khỏi nhà với thân xác và suy nghĩ của những đứa trẻ, các nữ sinh chẳng thể lường hết những cạm bẫy cuộc đời. Thường thì các cháu bị kẻ xấu lợi dụng, biến thành đàn bà ở cái tuổi còn quá nhỏ. Hơn nữa, khi đi bụi, thường những nữ sinh này chỉ có những đứa bạn hư. Cùng sống bầy đàn với nhau, khi hết tiền thì sẵn sàng phạm tội để có tiền tiếp tục lối sống ấy. Theo một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng thanh thiếu niên, trong đó có cả học sinh, sinh viên bỏ nhà đi sống bầy đàn, rồi rủ nhau phạm tội. Để bớt đi những xót xa, những bậc làm cha làm mẹ cũng cần quan tâm hơn nữa đến con cái của mình, nhất là trẻ vị thành niên.
Theo ANTD
'Dạt vòm', teen sớm nếm trái đắng
Muốn trả thù gia đình vì thất vọng, một cậu ấm đã gom đồ đạc bỏ đi mà chưa biết về đâu, trong khi đó, một teen girl bỏ nhà đi chỉ vì "thích thì đi thôi".
Những lý do... rất teen
Muốn..."trả thù" gia đình vì bức bối, thất vọng khi bị bố la mắng suốt ngày mà L (15 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh) đã bỏ nhà đi bụi. Bạn kể: "lúc nóng giận đã gom đồ đạc muốn bỏ đi chứ chưa hề nghĩ sẽ đi đâu, làm gì ngoài đường".
Thế mà cuộc "dạt vòm" ấy cũng diễn ra được ba ngày: Ngày đầu tiên, đến ngủ nhờ nhà bác bảo vệ khá thân ở trường cấp 2; đêm thứ hai ù tai trong quán net; đêm thứ ba lang thang ở cầu Sài Gòn và hoảng sợ trước những lời mời mọc của các cô gái "ăn sương".
Tiền hết, không có nơi để đi. Rồi như một thói quen, L lên xe buýt trên con đường quen thuộc dẫn về nhà với ý định nếu không có ai ở nhà sẽ lấy tiền trong hũ tiết kiệm và tiếp tục đi bất định nhưng bị người anh trai bắt gặp và bạn được đưa ngay về nhà.
Chỉ vì những một vài lời rủ rê mà các bạn trẻ bỏ mái ấm gia đình lao vào những cuộc vui không giới hạn (Ảnh minh họa: Người lao động)
Cũng vì buồn chán, Trần Minh Minh, học sinh THPT tư thục Khai Trí, đường Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, TP.HCM đã rủ một người bạn gái cùng trường bỏ nhà đi bụi. Ban đầu, cả hai thuê phòng khách sạn ở TP.HCM để ở. Bốn ngày sau, cậu và bạn gái bắt xe đò đi thành phố Đà Lạt tiếp tục thuê phòng trọ sinh sống cho đến khi bị phát hiện.
Lại có cô bạn gái, cha mẹ vì cuộc sống "cơm áo, gạo tiền" mà không có nhiều thời gian chăm sóc cho con, chỉ trông cậy vào bà giúp việc. Bỗng một ngày, cô con gái cưng bỏ đi, tìm khắp mọi chỗ quen biết đều không thấy đâu. Chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc cha mẹ mới ngã ngửa: cô con gái cưng bỏ nhà đi bụi chỉ vì lời rủ rê của một cậu bạn mới quen qua mạng và được tìm thấy trong nhà nghỉ cùng người yêu. Khi ấy, cô mới 14 tuổi, học lớp 9 của một trường trung học phổ thông ở Hà Nội.
Người lớn hỏi nguyên nhân cô bỏ nhà thì cô nói ráo hoảnh: "Thích thì đi thôi!" Một nhóm học sinh khác chỉ vì xem một bộ phim trên mạng, muốn khẳng định bản thân mình cũng có thể làm được như nhân vật trên phim đã lấy trộm tiền của bố mẹ, chia nhau rồi cùng nhau bỏ trốn. Chỉ đến khi một trong số các em không thể chịu được cảnh đói, rét, gọi điện về cầu cứu gia đình thì cả nhóm mới được tìm thấy và đưa về nhà an toàn.
Những chia sẻ của người trong cuộc Không phải bất cứ teen nào khi bỏ nhà "đi bụi" cũng cảm thấy thoải mái, sẵn sàng lao vào các cuộc chơi thâu đêm. Cũng không phải bất cứ teen nào "dạt vòm" cũng được trở về nhà an toàn trong vòng tay cha mẹ. Có những teen sau một thời gian bỏ nhà đã bị lừa bán, trở thành con mồi béo bở cho các chủ nhà chứa, hay làm nô lệ tình dục ở vùng giáp ranh biên giới...
Báo chí cũng đã đăng tải nhiều trường hợp như: Ngày 9/3, một cô học trò 15 tuổi, trú tại Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị một "yêu râu xanh" lợi dụng giở trò đồi bại khi bỏ nhà đi vì bị bố mẹ mắng bởi kết quả học tập sút kém;
Đào Thu Hương, mới 14 tuổi đã cầm đầu nhóm cướp, hiếp dâm trẻ em, bị Công an Hà Nội bắt vào cuối tháng 7/2010, cũng là một nạn nhân của xã hội bởi gia đình ly tán, Hương ở với bố, nhưng lại không được sự quan tâm của bố, cảm thấy lạc lõng và tủi thân, Hương bỏ nhà đi bụi và phạm pháp. Bạn L (TP.HCM) sau ba ngày "dạt vòm" chia sẻ:
"Ý định của tớ là trả thù bố. Ý định độc ác đó đã khiến bố tớ gầy rộc người đi sau 3 hôm tớ bỏ đi. Bước chân vào nhà, tớ cúi đầu đi thẳng, chẳng nói câu nào. Tớ đặt bức thư xuống bàn và bước vào phòng khóa trái cửa. Tớ ngủ một giấc gần 12 tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, tớ thấy ân hận vô cùng về những chuyện đã xảy ra. Tớ mong nó chỉ là giấc mơ mà thôi. Mâm cơm bố nấu mấy ngày vẫn còn nguyên trên bàn. Những mẩu giấy nhỏ ông ghi số điện thoại của các bạn tớ để hỏi tình hình. Tờ giấy nhỏ dán trước cửa: "Về đi con, bố chờ con đấy" vẫn còn nguyên. Tớ thấy ngực mình đau nhói. Sống mũi cay xè, tớ chạy vào nhà tắm để không ai nhìn thấy nước mắt của tớ. Tớ đã hiểu, bố tớ và anh trai đã lo lắng như thế nào. Tớ biết tớ quan trọng trong lòng bố".
Teen "dạt vòm" không chỉ làm cha mẹ lo lắng mà chính bản thân các bạn trẻ còn có thể gặp phải những tổn thương khó lành (ảnh minh họa: forum.vietyo.com)
Trải qua một lần dạt vòm vào tận Sài Gòn, Tuân (học lớp 10 tại một ngôi trường nổi tiếng TP Tam Kỳ - Quảng Nam) vẫn còn cảm thấy ngượng ngùng khi kể lại câu chuyện của mình khi chia sẻ trên báo Mực Tím: "Vào đầu năm học, được mấy tuần, mình bỗng cảm thấy chán nản, chẳng muốn học gì cả, chỉ muốn đi làm thôi. Một phút bốc đồng, mình chuẩn bị quần áo và đón xe vào Sài Gòn để tìm việc làm và cũng tiện thể... tham quan thành phố này một lượt. Vào đến nơi, mình đi mãi mà chẳng ai muốn thuê một thằng nhóc gầy còm chỉ quen cầm bút như mình. Vừa hoảng loạn, vừa đói bụng mình chả biết làm thế nào. Vét sạch tiền trong túi để gọi một cuộc về nhà để cầu cứu bố... Một lần thôi mình cạch đến già".
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong một lần trả lời phỏng vấn của PV Chuyên đề ANTG về những bất thường có tính chất tiêu cực trong hành vi và lối sống của giới trẻ, tiến sĩ (TS) tâm lý học Hoàng Bích Ngọc - Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân - người đã từng có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tâm lý tội phạm khẳng định: Chuyện cá bạn trẻ bỏ nhà "đi bụi" là kết quả của sự lệch chuẩn trong nhận thức, biến thái của nhân cách. Khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội quá nhanh kéo theo là sự xuất hiện ồ ạt của những giá trị mới, trong tâm lý của con người bắt đầu xuất hiện những xung đột giữa giá trị mới và truyền thống cũ.
Sự xung đột đó có thể tìm thấy ở xã hội, ở trong một nhóm người hoặc thậm chí ở ngay trong chính một con người. Trong sự xung đột đó, nếu con người không có những lựa chọn đúng, không biết lựa chọn những giá trị ổn định thì nhân cách sẽ biến thái lệch lạc.
Còn TS xã hội học Khuất Thu Hồng lại phân tích hiện tượng này ở một góc nhìn khác. Là một nhà nghiên cứu xã hội, bà cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn bao gồm cả những người làm công tác quản lý, giáo dục và phụ huynh học sinh: Xã hội đang càng xuất hiện nhiều những gia đình mà cha mẹ vì quá mê mải với việc kiếm tiền mà lơi là trong việc quản lý con cái. Họ chỉ lo đáp ứng được nhiều, thật nhiều nhu cầu vật chất cho con và tưởng rằng chỉ cần thế là đủ. Khi con cái vuột khỏi vòng tay của cha mẹ và sa ngã, họ mới tỉnh ngộ rằng, vật chất không phải là thứ duy nhất cần thiết.
Không phải tất cả những em gái "đi bụi" đều là hư hỏng, có hoàn cảnh gia đình éo le, phức tạp, khó khăn về kinh tế, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ...
Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ trong những gia đình khá giả, cha mẹ là cán bộ nhà nước hoặc có địa vị xã hội, nhưng vẫn bỏ đi lang thang. Không ít em gái khi bị mắng là "ăn bám", "vô tích sự" đã nổi tự ái, bỏ nhà tìm đường thoát li để... tự lập, rồi bị xâm hại tình dục, bị lừa bán, hoặc bị dụ dỗ tham gia các băng nhóm giang hồ...
Trong khi có biết bao nhiêu người ước mơ có một mái nhà để nương náu thì các teen lại sẵn sàng từ bỏ mái ấm ấy để chạy theo những cuộc vui nhất thời, vô bổ. Giới trẻ không nên coi việc bỏ nhà "đi bụi" là một trào lưu bởi nó đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức sẵn có, không chỉ làm cha mẹ lo lắng mà chính bạn thân các bạn trẻ còn có thể gặp phải những tổn thương khó lành.
Theo Vietnamnet
Giật mình những đứa trẻ "dạt nhà" đi bụi Trong gian nhà trọ tồi tàn, những cô, cậu bé mặt búng ra sữa truyền tay vẻo thuốc lá rít như đói khát. Mặt đứa nào đứa ấy đều câng câng thốt ra những câu nói đẫm vị tiêu cực, bất cần đời. 13 tuổi, có đứa đã thâm niên 5 năm bỏ nhà đi bụi. Số phận của những đứa bé "không...