Trường Y kêu khó nếu không tăng học phí
Đào tạo một sinh viên Y tốn khoảng 20-30 triệu đồng một năm, lãnh đạo các đại học Y Dược nói khó xoay xở nếu không được tăng học phí.
Trong đề án tuyển sinh công bố đầu tháng 6 của Đại học Y Dược TP HCM, học phí năm nay dự kiến tăng 2-5 lần so với năm ngoái. Ngành Răng – Hàm – Mặt thu cao nhất 70 triệu đồng mỗi năm, tiếp đó Y khoa 68 triệu đồng, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu, Dược học 50 triệu.
Mức học phí này gây sốc với nhiều phụ huynh, sinh viên bởi quá cao, nhưng lãnh đạo các đại học khối Y Dược cho rằng điều này là cần thiết.
Một tiết học thực hành tại Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Là trường thuộc UBND TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo nhân lực ngành y cho thành phố, được ngân sách hỗ trợ và chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP HCM. Năm 2017, lần đầu trường tuyển thí sinh ở các tỉnh thành khác với hai mức học phí: sinh viên có hộ khẩu TP HCM 11,8 triệu đồng một năm; sinh viên tỉnh thành khác 22 triệu đồng.
PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết cái khó của trường là từ năm 2019 đã không còn được cấp ngân sách (trung bình khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm). Tổng nguồn thu năm ngoái, gồm học phí, tiền thu từ dịch vụ, nghiên cứu khác 261 tỷ đồng, trong khi chi phí đào tạo trung bình mỗi sinh viên là 31,2 triệu đồng/năm – khoản tối thiểu để đảm bảo chất lượng.
Theo quy định hiện nay, đại học này vẫn phải thu học phí theo nhóm số 2 của Nghị định 86/2015 (áp dụng cho cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư) với 1,18-1,3 triệu đồng mỗi tháng, khoảng 11,8-13 triệu đồng mỗi năm học. Do đó, năm nay trường dự kiến thu học phí 13 triệu đồng với sinh viên có hộ khẩu TP HCM.
Chưa có bệnh viện thực hành, sinh viên của trường phải thực tập ở 62 bệnh viện trung ương và thành phố, hầu hết cơ sở đã tự chủ. “Từ hóa chất đến cái găng tay người ta cũng phải tốn nhiều tiền hơn. Lẽ ra trường đóng góp nhiều hơn nhưng không có nguồn để chi. Chúng tôi phải năn nỉ họ ở mức giá thấp nhất cho sinh viên mình”, ông Xuân chia sẻ.
“Bối cảnh trên đặt ra bài toán rất khó cho trường. Hai năm qua, chúng tôi phải tiết kiệm, làm thêm một số dịch vụ để bù vào chi phí đào tạo”, ông Xuân nói và cho rằng học phí ngành Y hiện nay quá thấp, không đủ chi phí chứ chưa nói tới tích luỹ để phát triển. Ở các nước tiên tiến, học phí ngành Y dao động 50.000-60.000 USD một năm, thấp nhất ở Đông Âu cũng 20.000 USD, Thái Lan hơn 10.000 USD.
Video đang HOT
Không được tăng học phí, nguồn thu eo hẹp, trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn đối mặt với nguy cơ “chảy máu” chất xám. Hiện trường có hơn 520 giảng viên cơ hữu, hơn nửa có trình độ thạc sĩ. Một thạc sĩ ở trường có thu nhập chưa tới 20 triệu đồng, trong khi với trình độ này, họ có thể làm ở trường tư hoặc các bệnh viện tư với thu nhập cao nhiều lần.
PGS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết để đào tạo một sinh viên Y khoa, trường phải trải qua ba giai đoạn: dạy lý thuyết trên giảng đường và thực hành ở phòng thí nghiệm, học tiền lâm sàng qua các hệ thống mô phỏng, học lâm sàng. Cả ba đều phải chi phí rất lớn. Ví dụ, thực hành sinh lý học, nhà trường phải mua động vật như chim, lợn, chó, ếch để sinh viên làm. Hay như phần giải phẫu, trường phải chi một khoản lớn để bảo vệ xác được hiến tặng, phục vụ việc học của sinh viên.
Học phí nhóm ngành Y Dược theo quy định là 14,3 triệu đồng một năm nhưng chi phí đào tạo thực tế gấp 3-4 lần. Vì thế ông Cảnh cho rằng việc tăng học phí đối với sinh viên Y khoa là tất yếu. Những năm qua, các trường vẫn duy trì được bởi được nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, các bệnh viện thực hành cũng giúp bằng cách chưa lấy tiền của sinh viên, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ để trường có thiết bị mô phỏng tương đối tốt. Ở một chừng mực nào đó, đại học Y có các dự án của Bộ Y tế nên các thiết bị đầu tư cho phòng thí nghiệm chủ yếu từ ngân sách.
Tháng 8 tới, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam sẽ thành lập hội đồng trường, tức là tổ chức và quản trị học viện theo hướng tự chủ. Trường đang phải tính toán để báo cáo Bộ Y tế xin tăng học phí năm học 2020-2021. Nếu không tăng, trường không có kinh phí gửi tới các bệnh viện thực hành trong khi trường tư lại chi khoản này rất cao. Khi đó, sinh viên trường công khó lòng vào được bệnh viện lớn. Trường cũng không có kinh phí trả lương tốt cho giảng viên dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám, giảng viên bỏ trường công sang trường tư.
Vì vậy khi nhận thông tin trường Đại học Y Dược TP HCM đề xuất học phí lên tới gần 70 triệu đồng một năm, ông Cảnh cho là phù hợp với chi phí đào tạo và sinh hoạt ở TP HCM. Trường đã căn cứ thực tế nhà trường và thu nhập của người dân trên địa bàn để đưa ra mức học phí này.
“Tôi muốn phụ huynh và học sinh hiểu rằng việc đóng học phí là đầu tư cho chính mình. Cái mọi người cần quan tâm không chỉ đơn thuần là học phí cao hay thấp mà nên xem các nhà trường quản lý số tiền đó như thế nào để người học được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Cảnh nói.
Sinh viên Đại học Y Dược Hà Nội trong buổi học hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Hằng.
PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, cho rằng khi các trường trong khối Y Dược tự chủ, việc tăng học phí là tất yếu, thậm chí tăng mạnh bởi mức 14,3 triệu đồng cho năm học 2020-2021 theo Nghị định 86/2015 thấp hơn nhiều lần so với chi phí thực tế.
Ông Khải phân tích với nhiều khoản phí đặc thù, chi phí đào tạo ngành Y ở mức cao nhất so với các ngành khác. Năm 1996-2004, các chuyên gia Thái Lan, Hà Lan xây dựng mô hình đánh giá cho thấy nếu đào tạo đảm bảo có chất lượng, chi phí đào tạo một sinh viên Y khoa là 34-35 triệu đồng một năm. Còn theo Nghị định 86/2015, mức trần học phí đối với các trường công lập tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (tức đã tự chủ) là hơn 50 triệu đồng.
“Năm nay, khi Nghị định 86 hết hiệu lực, các trường tiến tới tự chủ, một loạt trường Y sẽ phải tăng học phí và có thể tăng cao bởi nếu không sẽ không thể duy trì đào tạo được”, ông Khải nhận định.
Để khắc phục khó khăn, trường Đại học Y Dược Hải Phòng phải tăng xin giảm mua. Trường liên kết với các đơn vị nước ngoài để được hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật. Với bậc tiến sĩ, trường khuyến khích đào tạo ở nước ngoài để giảm chi phí.
Lý giải về việc tăng học phí, PGS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP HCM, cho biết năm 2020, trường bắt đầu thực hiện tự chủ, không nhận ngân sách. Mức học phí những năm trước chỉ 13 triệu đồng, ngoài ra còn nhận ngân sách nhà nước thông qua Bộ Y tế. Vì tự chủ nên trường phải tính phương án thu học phí cao hơn để lấy thu bù chi và có tích luỹ đầu tư.
Thực tế các ngành Y Dược chi phí đào tạo rất lớn. Chẳng hạn ngành Răng – Hàm – Mặt, sinh viên phải thực hành mỗi người một máy, dụng cụ đắt tiền, nhiều thứ không thể tái sử dụng.
Ở khối trường công, học phí đa số đại học Y, Dược miền Bắc là 14,3 triệu đồng một năm. Ở phía Nam, Đại học Y Dược TP HCM 30-70 triệu đồng, Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) 55-88 triệu đồng, Đại học Y Dược Cần Thơ 24,6 triệu đồng.
Các trường đại học tốp đầu: Học phí cao, sinh viên nghèo "hẹp cửa"?
Trước kỳ tuyển sinh đại học năm 2020, nhiều trường đại học công bố mức học phí "gây sốc" cho năm học 2020-2021, có những mức học phí lên đến 50-70 triệu đồng/năm. Mức học phí này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, sinh viên nghèo sẽ không "có cửa" vào các trường đại học hàng đầu?
Năm học 2020 - 2021, một số trường dự kiến mức thu học phí lên tới 50 - 70 triệu đồng/năm. Ảnh minh họa: Q.Anh
Học phí trường công vượt trường tư
Trong Đề án tuyển sinh năm 2020, nhiều trường đại học công lập công bố mức học phí tăng mạnh so với các năm trước, khiến thí sinh và phụ huynh "choáng váng" vì thực tế các năm trước đã cao, nay lại tiếp tục được điều chỉnh, nhất là khối các trường được tự chủ. Đáng chú ý, học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa công bố học phí khóa năm 2020 từ 30 triệu - 70 triệu đồng/năm tùy theo ngành. Tại Khoa Y - (ĐH Quốc gia TP.HCM), học phí năm 2020 của ngành Răng - Hàm - Mặt là 88 triệu đồng, Y khoa 60 triệu đồng và Dược học 55 triệu đồng...
Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2020. Trường cũng công bố mức học phí dự kiến cao nhất năm học 2020 - 2021 là 60 triệu đồng/năm. Trong đó, với chương trình đại trà là 18,5 triệu đồng/năm. Học phí chương trình Chất lượng cao, chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, chương trình Kế toán, Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế dự kiến là 40 triệu đồng/năm. Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 60 triệu đồng/năm.
Năm học 2020 - 2021, một số trường dự kiến mức thu học phí lên tới 50 - 70 triệu đồng/năm. Ảnh minh họa: Q.Anh
Mới đây, Trường Đại học Luật TP.HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2020. Theo đó trường thực hiện tuyển theo hai phương thức. Bên cạnh đó, Đại học Luật TP.HCM cũng công bố học phí dự kiến năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Cụ thể, học phí đại học cho lớp đại trà: 18 triệu đồng/sinh viên; Lớp Anh văn pháp lý là 36 triệu đồng/sinh viên; Lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh: 45 triệu đồng/sinh viên; Lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật: 49,5 triệu đồng/sinh viên.
Theo đại diện một số trường đại học có mức thu học phí cao cho biết, mức thu học phí này đều không vượt quá khung quy định hoặc được tự chủ về mức thu, khi thu học phí cao sẽ cam kết cung cấp dịch vụ đào tạo đa dạng, điều kiện học tập tốt, thậm chí cam kết đảm bảo ra trường có việc làm lương cao... Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, hàng năm các trường cũng có các khoản học bổng có giá trị đối với sinh viên giỏi, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, khoản học bổng lại không đáng là bao so với khoản học phí cao, mọi chi phí sinh hoạt đắt đỏ mà sinh viên phải trang trả. Không ít gia đình đã phải vay mượn, cầm cố tài sản để cho con đi học đại học.
Tự chủ không có nghĩa là phải tăng học phí cao
Câu chuyện học phí trường đại học tăng "chóng mặt" không phải năm nay, mà từ nhiều năm trước vẫn đều đặn tăng theo lộ trình, đặc biệt là phần lớn các trường đại học khi thực hiện tự chủ tài chính là tăng học phí cao. Về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, tự chủ đại học sẽ giúp các trường được cơ hội phát huy mọi nguồn lực trong giảng dạy, nghiên cứu, đa dạng đào tạo, liên kết... Song, tự chủ không có nghĩa là phải tăng học phí ngay và cao ngất ngưởng. Nhà trường phải tìm nhiều nguồn lực, chứ không nên đẩy trách nhiệm này lên vai người học, vốn dĩ đa phần đều ở vùng nông thôn ra thành phố học đại học.
"Để đảm bảo kinh phí hoạt động, các trường đi huy động từ nhiều nguồn khác nhau, liên kết đặt hàng từ các nhà tuyển dụng, chương trình học bổng, tài trợ... Như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bằng việc đào tạo theo đơn đặt hàng của họ. Để thu hút kinh phí từ nhiều nguồn, bắt buộc các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo chứ không phải con đường dễ dàng nhất đó là tăng học phí. Trường ĐH có sứ mệnh và mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực, chứ không phải là giảm đi cơ hội học tập của những người học có khả năng, mong muốn. Trách nhiệm xã hội cần đặt lên cao hơn mục đích lợi nhuận", GS.TSKH Phạm Tất Dong cho biết.
Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, trong đào tạo, học phí chưa hẳn tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo, quan niệm học phí cao thì sẽ đào tạo ra người tài giỏi là chưa đúng. Các trường đại học đại trà sẽ áp dụng mức học phí theo khung quy định, nhưng cũng không nên lúc nào cũng ở mức "kịch khung" bởi cần căn cứ vào chi phí đào tạo và khả năng chi trả của sinh viên. Tự chủ để các trường đại học được cơ hội phát triển hơn, chứ không phải là tự chủ để tăng học phí cao.
"Khi áp dụng tự chủ, thu học phí cao thì cũng cần cam kết chất lượng đào tạo, dịch vụ tương xứng. Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu, chi để không xảy ra tình trạng lạm thu, tư lợi. Tăng học phí, cần có chính sách học bổng, tài trợ, khuyến học với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa. Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn không lấy lãi dài hạn hay cấp học bổng để giúp sinh viên nghèo có cơ hội đi học", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị.
Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan đến chỉ đạo điều hành giá năm 2020 và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021. Căn cứ vào trần học phí năm học 2020 - 2021, Bộ đề nghị các địa phương gửi báo cáo dự kiến thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cụ thể cho các cấp học, các ngành đào tạo năm 2020 theo quy định.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.
Trẻ có thể bị sang chấn tâm lý sau vụ cây đổ Các chuyên gia tâm lý cảnh báo vụ cây đổ trong sân trường đè 18 học sinh có thể gây sang chấn tâm lý cho trẻ, dẫn đến trầm cảm, lo âu, nhạy cảm quá mức khi nhắc đến sự việc. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại...