Trường thông báo học offline, SV lên hết Hà Nội lại cho nghỉ, 3 ngày sau “quay xe” đi học: Sinh viên “khóc thét” vì trở tay không kịp!
Việc thay đổi học online – offline quá nhanh khiến cho các bạn sinh viên không kịp trở tay.
Thời gian gần đây, nhiều sinh viên bày tỏ sự lo lắng khi trường đại học liên tục “quay xe” thông báo hoãn học trực tiếp rồi lại thay đổi cho sinh viên quay trở lại trường. Điều này khiến cho các bạn sinh viên không kịp trở tay.
Không ít sinh viên rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi vừa đặt cọc 10 triệu tiền phòng thì trường bất ngờ thông báo không học nữa. Điển hình như ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, trường đã 3 lần ra thông báo học online – học offline liên tục.
- Trước Tết, trường thông báo sẽ bắt đầu đón sinh viên trở lại trường học trực tiếp theo lộ trình từng khoá bắt đầu từ 21/2.
- Đến ngày 18/2, trường thông báo tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang học online đến khi có thông báo mới do dịch Covid-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp.
- Chỉ sau ba ngày, đến 21/2, trường lại tiếp tục thay đổi kế hoạch học tập trung.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cập nhật thông báo mới nhất về việc quay trở lại trường
Việc thay đổi liên tục thời gian quay trở lại trường khiến cho nhiều sinh viên bất ngờ, cảm thấy lo lắng. Bạn Tô Trần Nguyên (19 tuổi, sinh viên năm nhất chuyên ngành Quảng Cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từ Cà Mau ra Hà Nội tìm trọ trong tình hình dịch bệnh để bắt đầu một kỳ học mới.
Nguyên tâm sự rằng: “Vì ở xa nên mình đã phải ra Hà Nội tìm trọ từ sớm. Khi nhận được thông báo tạm hoãn đi học trực tiếp, mình khá bất ngờ và cảm thấy lo lắng không biết có nên về quê hay không? Sau khi trường thông báo lại về thời gian học tập trung, mình cảm thấy an tâm hơn, sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ học mới”.
Tô Trần Nguyên cảm thấy may mắn vì trường đã có thông báo mới
Tống Thành Văn (20 tuổi, sinh viên năm hai chuyên ngành Quản lý Hành chính Nhà nước) đã lên Hà Nội từ sớm, khi nhận được thông báo đầu tiên của trường về việc quay trở lại học trực tiếp.
Văn chia sẻ : “Mình cảm thấy khá bất ngờ trước những thông báo thay đổi của Học viện. Cũng bởi vì phải học tập ở xa nhà, thế nên khi nhận được thông báo đến trường thì mình cần phải có sự chuẩn bị và lên kế hoạch cụ thể về phòng trọ, đồ đạc cá nhân,…
Cá nhân mình thì cũng may mắn không gặp quá nhiều khó khăn về những thông báo như thế này. Tuy nhiên, mình hy vọng Học viên sẽ điều chỉnh thời gian thông báo để toàn thể các bạn sinh viên sẽ có được cho mình những thuận lợi trong quá trình quay trở lại trường học trực tiếp”.
Video đang HOT
Tống Thành Văn bất ngờ trước thay đổi liên tục của trường
Ngô Hải Hòa (21 tuổi, sinh viên năm ba chuyên ngành Quản lý Xã hội) tâm sự rằng: “Việc thay đổi của Học viện không làm ảnh hưởng đến mình bởi mình vẫn thường xuyên đi làm trên Hà Nội nên mình không bị ảnh hưởng về vấn đề đó lắm”.
Tuy nhiên, Hòa cũng gặp khó khăn trong công việc trước những thay đổi liên tục từ Học viện: “Mình đã phải thay đổi kế hoạch truyền thông đến 3 lần sau 3 thông báo đi học lại và hoãn đi học lại của Học viện. Tuy nhiên mình vẫn thấy rất là vui vì sắp được đi học trở lại và mong Học viện không quay xe thêm lần nữa”.
Ngô Hải Hòa khó khăn trong việc sắp xếp công việc và học tập
Một số sinh viên rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi chạy theo lịch học của nhà trường. Bạn V.T (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí tuyên truyền) cho hay: “Cũng may mình là sinh viên năm cuối nên không bị cuốn theo lịch đi học quá nhanh của nhà trường. Tuy nhiên, bạn bè mình bị ảnh hưởng rất nhiều.
Có bạn đã đặt phòng, đặt xe lên Hà Nội học, bỗng nhiên trường thông báo đi học online. Đang định pass phòng thì trường lại thông báo học trực tiếp. Việc thông báo diễn ra quá nhanh chỉ trong vòng 3 ngày khiến cho bản thân xoay xở không kịp. Vậy nên rất mong trường hãy thư thư vài ngày và chốt chính xác kế hoạch học tập giúp sinh viên tụi mình”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một vài trường đại học cũng thông báo cho học sinh chuyển qua học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới. Đó là:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Mỏ – Địa chất
- Đại học Vinh
Nguồn: Nhân vật cung cấp
Nhiều trường đại học "quay xe" học online quá nhanh, sinh viên kêu trời vì lỡ cọc 10 triệu tiền nhà: Mong các trường đừng thay đổi quá gấp!
Đó là tình cảnh "dở khóc dở cười" của sinh viên Hà Nội thời điểm này. Nhiều trường ĐH thông báo học trực tiếp, sau đó lại học online khiến sinh viên không kịp trở tay.
Thời gian gần đây, các nhóm sinh viên xuất hiện nhiều bài viết bày tỏ sự lo lắng khi các trường đại học "quay xe" thông báo hoãn học trực tiếp. Nhiều sinh viên phải đối diện với cảnh đã đặt cọc cả tiền phòng, bắt xe lên thành phố... nhưng đồng loạt phải quay về.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trường đầu tiên thông báo tiếp tục quay lại học online
Tân sinh viên: Vừa thuê trọ chưa kịp ở, chưa biết "mùi" học tại trường đã nghe tin học trực tuyến
Đặng Kiều (19 tuổi, sinh viên năm nhất ngành Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) vừa trải qua kỳ 1 học online đầy khó khăn. Cô bạn đã quen dần với hình thức học online. Sau khi Tết xong, nhận được thông báo của trường phải học trực tiếp, cô bạn đã cùng bố mẹ sắp xếp công việc để xuống Hà Nội tìm trọ.
Đặng Kiều tâm sự: "Như bao các gia đình khác, nỗi lo lớn nhất của cha mẹ là có con SV năm nhất, chưa có nhiều kĩ năng hay kinh nghiệm khi lên thành phố lớn học tập. Và gia đình của mình cũng thế, khi có thông báo của trường, bố mẹ đã sắp xếp công việc để đi xuống tìm trọ cho mình. Với một người chưa có kinh nghiệm và bố mẹ mình cũng là người ở tỉnh khác đến, việc tìm trọ đối với gia đình mình hết sức là khó khăn và vất vả".
Kiều cùng bố mẹ đã vất vả từ Tuyên Quang lên Hà Nội tìm trọ trong tình hình dịch bệnh, sắm đồ đầy đủ để chuẩn bị cho một kỳ học mới. Khi nghe tin tiếp tục học trực tuyến cô bạn cũng khá lo lắng, Đặng Kiều chia sẻ thêm: "Nếu mà nhà trường thông báo trước là học online thì mình và bố mẹ đã không phải cất công đi tìm trọ và chuẩn bị đồ. Mình nghĩ giờ đành ở lại Hà Nội học, vì bây giờ mua hết đồ về trọ rồi, và việc di chuyển đồ về cũng rất khó khăn. Thật sự là có chút thất vọng!".
Đặng Kiều cảm thấy mệt mỏi cho bố mẹ vì đã cất công đi tìm trọ nhưng giờ lại học online
Cùng với tâm trạng và cảm xúc của cô bạn Đặng Kiều, Lê Dũng (19 tuổi, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Chính sách, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) tâm sự rằng: "Lúc trường mới đăng tin thông báo thì mình cũng rất bất ngờ vì đã chuẩn bị xong mọi thứ để chuẩn bị đi học trực tiếp.
Việc này cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thuê trọ của mình cũng như các bạn khác. Nhưng nhà trường cũng quan tâm đến sức khỏe sinh viên và giảng viên nên mình cũng thông cảm được việc đó. Mình thuê trọ cùng vài người bạn nữa để không ảnh hưởng đến bạn trọ, chứ tiền phòng vẫn đóng và vẫn học online như thường".
Lê Dũng bất ngờ trước thông báo tiếp tục học online
Cô bạn Minh Phương (19 tuổi, sinh viên năm nhất khoa Phát Thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Minh Phương đã phải cọc trọ ở 2 người xấp xỉ 8 triệu đồng, lận đận cùng gia đình lên Hà Nội tìm hiểu và cọc thuê nhà khi trường thông báo học offline trở lại.
Thế nên cô bạn vẫn hoang mang trước việc tiếp tục học online vì đã lỡ thuê trọ, cô bạn chia sẻ: "Mình cũng chưa biết dự tính tiếp theo sẽ như nào vì mình đang khá mông lung sợ rằng hôm sau hoặc tuần sau trường lại thay đổi quyết định học trực tiếp thì cũng khó mà biết trước để tính.
Mình cũng biết là tình hình dịch bệnh căng thẳng, trường làm vậy vì muốn tốt cho sinh viên nhưng mà nhiều khi trường thông báo quá gấp, khiến sinh viên bị đẩy vào thế bị động mà không thể xoay sở kịp".
Bất an, lo lắng: Không biết khi nào trường tiếp tục thay đổi, nhiều sinh viên ngồi hóng thông báo mới!
Nhiều sinh viên sau khi nhìn thấy có trường đã quay lại hình thức học online bắt đầu lo lắng. Không biết khi nào trường mình thông báo, sợ trường thay đổi bất ngờ mình lại ứng biến không kịp.
Hương Giang (20 tuổi, sinh viên năm hai ngành Quản trị Chất lượng và Đổi mới, Đại học Kinh tế Quốc dân) đã quay lại học tại trường từ ngày 14/2, cô bạn đã tìm được chỗ ở nhưng vẫn cảm giác lo lắng vì không biết trường học trực tiếp đến khi nào. Cảnh tượng đáng sợ nhất là bỗng dưng... trường "quay xe" học online quá nhanh.
Nữ sinh tâm sự: "Mình đã phải lên Hà Nội tìm trọ rất sớm ngay khi hết Tết. Năm nhất, mình cũng đã duy trì trọ được tầm 4 tháng nhưng vì học ở nhà mà vẫn đóng tiền mình thấy rất tốn nên đã bỏ trọ, bỏ cọc. Với tình hình như hiện tại, nếu trường quay lại hình thức học online thì mình cũng không biết sẽ như thế nào. Thật sự, việc duy trì trọ và tìm trọ đối với các bạn sinh viên là rất khó, nên việc các trường thay đổi liên tục sẽ làm cho sinh viên cảm giác mệt mỏi, khó khăn trong quá trình học tập".
Hương Giang cũng cho biết thêm, tình hình hiện tại rất là khó khăn. Từ chỗ ở đến việc học tập, vì trường quay lại học trực tiếp khá sớm nên Hương Giang cũng chỉ kịp tìm chỗ ở ghép với bạn, khá xa trường, bất tiện trong việc học tập. "Vì trường quay lại học trực tiếp sớm quá, ngay sau khi hết Tết. Vậy nên mình đã không kịp chuẩn bị gì, hiện tại mình phải ở xa trường cách 6km, đường đi khá kẹt xe khiến mình cảm thấy không ưng lắm" - 10x cho hay.
Hương Giang phải chọn chỗ ở xa trường, khó đi lại vì tình hình tìm trọ ở Hà Nội rất khó khăn
Khi ai đó nhắc đến chuyện tìm trọ, cọc trọ rồi lại phải tiếp tục học online - điều này đã trở thành điều quen thuộc với bạn Kim Duyên, cô bạn hiện đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Báo mạng Điện tử, Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Kim Duyên đã quá quen với những lần "quay xe" của nhà trường tùy theo tình hình thực tế của dịch bệnh, cô bạn đã dần thích nghi với việc chỗ ở, tình hình hơn.
"Vì là sinh viên năm 3 nên có nói mình đã khá quen với những lần nhà trường "quay xe". Trước đó mình đã thuê trọ nhưng vì tình hình học online nên mình đã trả trọ để về quê học online. Gần đây khi được nghe tin nhà trường quay lại học trực tiếp, mình đã thuê trọ với chị" - Kim Duyên chia sẻ.
Kim Duyên đã quen với những lần nhà trường quay xe
Còn với Phan Vũ (19 tuổi, sinh viên năm nhất ngành Đông Phương Học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) dù đã có thông tin nhà trường sẽ quay lại học tại trường vào ngày 28/2, cậu bạn vẫn bình tĩnh chưa quay lại Hà Nội tìm trọ. Phan Vũ cho biết: "Mình nghĩ với tình hình thực tế như bây giờ, nhà trường vẫn sẽ có thông báo cho sinh viên tiếp tục học online. Mình định đợi thêm 1 tuần, nếu phải quay lại trường thật thì mình ở tạm nhà họ hàng ở Hà Nội rồi tìm trọ sau, chứ bây giờ lên tìm mà trường lại học online thì lại tiếc phòng, tốn tiền lắm".
Số ca F0 ở Hà Nội tăng chóng mặt, cùng với việc một trường đại học trên địa bàn Hà Nội hủy kế hoạch đón sinh viên trở lại khiến cho cậu bạn Phan Vũ vẫn quyết định ở nhà và tiếp tục chờ thông báo mới từ nhà trường.
Về quê hay ở lại: Học online thì ở đâu cũng thế, nhưng phòng trọ thì đã lỡ thuê rồi!
Vì đã lỡ cọc trọ nên dù trường thông báo học online, nhiều sinh viên vẫn "cắn răng" ở lại. Trong đó, nhiều người cũng phân vân không biết có nên về quê tiếp hay không.
Với Kim Duyên, cô bạn đã chọn tiếp tục ở lại Hà Nội, ở trọ để có thể thuận tiện cho việc đi làm cũng như học tập. Kim Duyên tâm sự: "Mình đã dành quá nhiều thời gian năm hai ở nhà. Hiện tại mình đã gần cuối năm 3, mình muốn trải nghiệm rất nhiều thứ để trưởng thành hơn. Dù trường có tiếp tục học online nhưng mình vẫn chọn ở lại Hà Nội, tiếp tục ở trọ để có thể tìm việc cũng như đi làm để tăng kỹ năng".
Còn về phía Minh Dung (19 tuổi, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Báo chí & Tuyên truyền), sau khi nghe thông báo trường tiếp tục học trực tuyến. Minh Dung đã hỏi ý kiến bố mẹ, và quyết định tiếp tục ở nhà học online.
"Mình đã hỏi ý kiến bố mẹ, bố mẹ thì vẫn cảm thấy việc học online bây giờ là đúng vì dịch bệnh phức tạp nên dự tính là sẽ giữ nguyên tiền cọc vậy, không xin rút. Nếu học online dài dài thì chịu mất tiền trọ vài tháng để giữ phòng luôn, mình thì vẫn ở quê học, chừng nào có thông báo học tại trường thì tính tiếp".
Minh Dung quyết định tiếp tục ở nhà học online và vẫn duy trì đóng tiền trọ
Chỉ mới có một trường thông báo học trực tuyến mà đã khiến rất nhiều các bạn sinh viên bất an, suy nghĩ về tình hình hiện tại. Rất nhiều người mong muốn các trường Đại học quyết định học online hay offline thì có thể thông báo luôn, kế hoạch cả một kỳ. Việc thay đổi liên tục sẽ làm các bạn sinh viên cảm thấy khó khăn, ứng biến không kịp.
Sinh viên quan niệm khác nhau như thế nào giữa "làm thêm" và "làm thật"? Gần đây, câu chuyện về công việc làm thêm, thái độ, trách nhiệm, tác phong của một số bạn trẻ khi đi làm đã trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên các hội nhóm, cộng đồng mạng xã hội. Phóng viên Báo Dân trí ghi nhận những ý kiến của các bạn sinh viên về vấn đề này. Cơ hội...