Trường quay trăm tỷ chuyển sang tổ chức đám cưới
Đầu tư tới cả trăm tỉ để cải tạo trường quay nhưng đến nay Cổ Loa vẫn không phải là địa chỉ giới làm phim muốn tìm đến dù họ chẳng có chỗ mà quay.
Trường quay tổ chức đám cưới, chụp ảnh
Dịch vụ chụp ảnh tại trường quay. Ảnh: TTVH
Chưa có nước nào dám nhận mình có nền sản xuất phim chuyên nghiệp mà không có trường quay. Trên thực tế, một trường quay quốc gia đã được xây dựng cách đây cả nửa thế kỷ. Cách đây vài năm Cổ Loa đã được nhà nước rót số tiền lên tới cả trăm tỉ để cải tạo giai đoạn 1 nhưng giai đoạn 2 thì đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy vì chưa có tiền triển khai.
Điều đáng nói là đến thời điểm này Cổ Loa vẫn chưa có bối cảnh bền vững nào. Vấn đề trường quay mới đây lại được xới lại khi một lần nữa Cổ Loa lại được nhắc đến trong dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Một vị nguyên là lãnh đạo trường quay Cổ Loa (xin giấu tên) nhận xét thẳng thắn rằng chiến lược phát triển điện ảnh và trường quay dù đúng nhưng lại không có điểm đột phá.
Trong lúc chờ đợi hiện thực hóa các bước tiếp theo thì Cổ Loa đã nhanh tay chuyển sang kinh doanh thêm du lịch với việc cho thuê chỗ chụp ảnh, mở tour du lịch, tổ chức đám cưới… Trong khi đó, dù cả giới làm phim phía Bắc chẳng có một trường quay tử tế, hàng ngày vẫn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mượn, thuê và dựng bối cảnh mới tuyệt nhiên chẳng có ai nghĩ đến việc sẽ sang Cổ Loa quay, trừ các dự án phim lịch sử như Thiên mệnh anh hùng, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên Đô…
Bối cảnh hàng trăm triệu thành bãi phế thải
Bối cảnh từng được dựng cho phim Thái sư Trần Thủ Độ đã hư hỏng rất nhanh sau đó
Video đang HOT
Năm 2009-2010, khi thực hiện các dự án phim lịch sử như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô… các đoàn phim đã đến dựng một số bối cảnh tại Cổ Loa. Tuy nhiên, các bối cảnh này chủ yếu được làm từ xốp nên chỉ sử dụng được cho hai phim này là hỏng và bị dỡ bỏ dù khi đó chi phí lên tới 300-400 triệu đồng. Khi các đoàn phim này rút đi, khu vực trường quay ngoại ở Cổ Loa lại biến thành bãi đất trống với vài ba bối cảnh ngoại đã mục nát, rất lãng phí và tất nhiên không được tái sử dụng cho phim nào sau này.
Thực ra đây là việc cực chẳng đã của các nhà sản xuất bởi với số kinh phí có hạn trong tay, các đoàn phải làm bối cảnh như thật trong phạm vi kinh tế cho phép. Nếu xây bối cảnh bền vững sử dụng lâu dài thì tốn kém và cần có nhà nước đầu tư số tiền lớn hoặc phải có xã hội hóa. Họ không có trách nhiệm phải bỏ ra số tiền lớn để làm các bối cảnh bền vững sử dụng cho phim khác nên làm xong phim dĩ nhiên là bỏ. Nếu như các bối cảnh này làm bằng nhựa composite thì có thể sử dụng tới 20 năm, nhưng chẳng ai lo việc đó.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết sở dĩ các đoàn phim không nghĩ đến việc sang Cổ Loa quay vì bên đó bối cảnh tạm bợ, việc đi lại không thuận lợi, thuê trường quay cũng đắt. Với kinh phí làm phim như hiện nay, chừng 180 – 200 triệu đồng cho 1 tập phim truyền hình thì các đoàn làm phim không nghĩ đến chuyện sang trường quay để dựng bối cảnh. “Ở nước ngoài trường quay không chỉ có bối cảnh của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau mà còn là nơi chứa đạo cụ, phục trang. Ngoài việc cho đoàn phim quay họ còn có chuyên gia tư vấn thông hiểu về từng giai đoạn lịch sử. Còn giờ Cổ Loa chỉ có đất trống thì làm ngoài còn hơn”, ông nói.
Vì sao giới làm phim quay lưng với trường quay?
Bối cảnh phim “Trò đời” chủ yếu là đi mượn và thuê rồi phục dựng lại. Trang phục cũng phải may mới.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng vấn đề của chúng ta là không có cái nhìn dài hạn nên đoàn làm phim nào chỉ lo xong phần việc của mình là thôi. Trong khi đó nếu trường quay giữ lại được các bối cảnh, phục trang, đạo cụ phục trang cho các đoàn khác thuê thì kinh phí sản xuất các phim sau sẽ rẻ hơn. Còn nay trường quay của ta đơn thuần chỉ có đèn, có phòng, là bãi đất trống chứ chưa có kho lưu trữ.
Ông cho biết khi tổ chức thực hiện phim “Trò đời” đoàn làm phim đã phải lo từ đầu, từ may phục trang đến đi tìm thuê và dựng bối cảnh, kinh phí cũng được rót cao hơn gấp rưỡi các dự án phim truyền hình hình thông thường. Tuy nhiên phục trang cho phim này sẽ được giữ lại để sử dụng cho các dự án phim sau cùng có bối cảnh là những năm 1930-1945 để tận dụng.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, người thực hiện khá nhiều dự án phim chiến tranh lớn đồng tình.”Nói đến bối cảnh phải nói đến yếu tố kinh tế và điều kiện sản xuất, nó liên quan đến việc khả thi hay không. Bối cảnh tuyệt vời nhưng điều kiện sản xuất không ổn, ví dụ như diễn viên phải đi quá xa và không có chỗ nghỉ ngơi thì không ai chọn cả. Hoặc cảnh thì đẹp nhưng điện nước không có thì không ai dám đến quay. Diễn viên diễn mà muỗi đốt sưng vù mặt thì quay gì nữa. Chỗ ở, đồ ăn thức uống không có gì thì quay thế nào”.
Đạo diễn “Vũ điệu tử thần” cho rằng Cổ Loa hơi xa Hà Nội, thà ở xa hẳn đi quay cách ngày còn hơn chứ đi quay nửa ngày thì rất dở dang. Thêm nữa trường quay ngoại cảnh chỉ hợp cho phim lịch sử. Do vậy những cảnh quay nội Bùi Tuấn Dũng thực hiện luôn tại trường quay Hãng phim truyện Việt Nam cho tiện.
Theo Dantri
Vĩnh biệt nhà khảo cổ Nhật - người bạn của Việt Nam
Tiến sĩ Nishimura Masanari, nhà khảo cổ học Nhật Bản có hơn 20 năm gắn bó nghiên cứu ở Việt Nam vừa thiệt mạng trong một tai nạn giao thông đường bộ ở Hà Nội.
Ngày 9/6, tiến sĩ Nishimura Masanari, người có nhiều đóng góp trong việc phát hiện, nghiên cứu các khuôn đúc trống đồng và mũi tên đồng ở Việt Nam, đã qua đời khi đi xe máy để khảo sát cuộc khai quật mới tại một địa điểm tiếp nối Quốc lộ số 5 và Quốc lộ số 1 mới, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nôi.
Tiến sĩ Nishimura Masanari, người có đóng góp lớn với ngành Khảo cổ Việt Nam.
Tiến sĩ Masanari sinh năm 1965, tại thành phố Shimonoseki, Nhật Bản. Ông có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ và nói tiếng Việt rất tốt. Ông bắt đầu đến Việt Nam năm 1990, trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam để khai quật một số mộ cổ ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Tiến sĩ Masanari, thuộc Đại học Tokyo, đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều dự án từ nghiên cứu khảo cổ học tới bảo tồn di sản văn hóa. Ông có nhiều đóng góp trong các dự án nghiên cứu ở Luy Lâu, Cổ Loa... nhiều di chỉ, địa điểm khảo cổ học, sử học khác.
Ông là người phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất từ trước đến nay, có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên. Điều này cho thấy, trống đồng được đúc ra từ chính Việt Nam, chứ không phải từ nơi khác mang đến.
Ông còn là người có công đóng góp cho việc xây dựng Bảo tàng gốm Kim Lan và Dương Xá, tại Bắc Ninh. Không những vậy, ông cùng đồng nghiệp Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Điều này chứng tỏ mũi tên có niên đại thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.
Sự ra đi của vị tiến sĩ đáng kính đã khiến nhiều người, đặc biệt là giới khảo cổ học bàng hoàng.
"Sự ra đi của ông Nishimura Masanari khiến cả ngành khảo cổ Việt Nam sững sờ", PGS Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam nói.
Là người có nhiều lần nghiên cứu với tiến sĩ Nishimura Masanari, ông Cường cho biết: "Nishimura Masanari là người trung thực, luôn giúp đỡ bạn bè. Ông là một trong những nhà khảo cổ có những nghiên cứu sâu nhất trong lĩnh vực này ở Việt Nam".
"Chúng tôi rất buồn và khẳng định là tiến sĩ Masanari rất không may đã từ trần. Trong giới nghiên cứu nói chung, giới khảo cổ học Việt Nam và mọi người từ sáng đến giờ đều rất sốc", PGS, TS, Viện trưởng Tống Trung Tín nói.
"Anh Nishimura đối với chúng tôi là một người bạn lớn của khảo cổ học Việt Nam, anh đã sang nghiên cứu ở Việt Nam từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.
"Những công lao và phát hiện của anh ấy rất to lớn. Cách đây mấy năm, do hoạt động ở khu vực Luy Lâu, chính anh, cùng với các đồng nghiệp Việt Nam, đã phát hiện ra một mảnh khuôn đúc trống đồng ở Việt Nam. Cái đó có ý nghĩa rất lớn, vì trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam là một biểu tượng của thời kỳ dựng nước, biểu tượng của tinh thần dân tộc của Việt Nam ở thời kỳ đầu tiên dựng nước của dân tộc.
Đó đây, người ta cho rằng trống đồng không ở Việt Nam mà ở nơi khác truyền bá xuống, và một trong những điểm quan trọng trong lúc nghiên cứu biểu tượng này là rất ít tìm thấy công cụ để sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc...
Khi hoạt động ở Luy Lâu, TS Nishimura đã phát hiện ra được mảnh khuôn này, và do vậy, mảnh khuôn đó hiện nay có giá trị rất lớn trong nghiên cứu khoa học, khảo cổ học, thời đại kim khí, và nó được lưu giữ, bảo tồn ở Bảo tàng Bắc Ninh" - PGS Tín nói về đóng góp của đồng nghiệp nước ngoài đang hợp tác với Viện của ông.
Về đóng góp của nhà khoa học Nhật Bản vừa qua đời đối với nghiên cứu Việt Nam, nhà khảo cổ học Nguyễn Quốc Tuấn nói: "Do những kinh nghiệm của mình, anh cùng với các đồng nghiệp Việt Nam đã phát hiện ra các khuôn đúc mũi tên và do đó nó khẳng định rằng các mũi tên của Việt Nam thời đại kim khí, mà cụ thể ở đây được định niên đại là ở thời kỳ An Dương Vương, là được sản xuất tại chỗ".
Bên cạnh đó, TS Nishimura đã tham gia hàng chục cuộc khai quật lớn nhỏ, tham dự rất nhiều hội thảo khoa học quốc tế về Viêt Nam và luôn dành cho mảnh đất chứa nhiều trầm tích văn hóa này những lời lẽ đầy tình cảm trên các chứng cứ khoa học.
Vĩnh biệt Nishimura - nhà khảo cổ tài năng và tận tụy với Việt Nam, PGS -TS, Viện trưởng Tống Trung Tín cho biết, TS Nishimura Masanari sau khi qua đời, đã được đưa tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đang phối hợp, hỗ trợ gia đình của nhà khoa học để chuẩn bị tổ chức công việc tang lễ TS Nishimura Masanari.
Theo Dantri
Đội đá, đạp sóng xây Loa thành giữa biển Đông Nhìn từ boong tàu, những đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa sừng sững như những pháo đài vững chắc giữa biển Đông. Nhưng ít người biết rằng, đằng sau đó là cả máu và nước mắt của những chiến sỹ công binh trong công cuộc dựng đảo, bảo vệ chủ quyền. Chiến sỹ công binh thi công mở rộng đảo Sơn Ca...