Trường mở cửa đón người vô gia cư
Những trường đại học top đầu của Hà Nội như: Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Sư phạm Hà Nội… năm nay đã quyết định mở cửa ký túc xá để đón những người vô gia cư vào ăn tết.
Phòng dành cho người vô gia cư tại ký túc xá Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) – Ảnh: Ngọc Thắng
Cái tết ấm áp
Ký túc xá Trường ĐH Ngoại thương đến thời điểm này đã sẵn sàng để đón những người vô gia cư, cơ nhỡ vào ở trong dịp tết. Đồ đạc của sinh viên trước khi về quê nghỉ tết đã được dọn đi, phòng ở gọn gàng, sạch sẽ để dành chỗ cho những người có nhu cầu tá túc trong dịp này. Các căn phòng này được trang bị đầy đủ tiện nghi, có bình nóng lạnh, quạt thông gió, đèn điện, chăn, chiếu… Mỗi phòng rộng hơn 20 m2. Ban giám hiệu nhà trường trực tiếp đi kiểm tra, sắp xếp đồ đạc từng phòng để đảm bảo đủ chăn ấm, nệm êm, nước sinh hoạt cho từng người.
Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Có thể đón được khoảng 30 – 40 người vô gia cư vào ở và ăn tết trong dịp này. Ngoài ra, trong ngày 30, trường sẽ tổ chức bữa cơm tất niên với đầy đủ các món ăn truyền thống của mâm cỗ tất niên. Đại diện nhà trường và ban quản lý ký túc xá sẽ cùng tham gia vào bữa cơm này để tạo một không khí đầm ấm, xua đi phần nào cái giá lạnh của mùa đông và đặc biệt để mỗi người không có nhà ở vơi bớt cảm giác cô đơn, tủi thân”.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng làm tương tự khi từ ngày 2.2 (24 âm lịch) bắt đầu trưng dụng các phòng ký túc xá mới của sinh viên và khu phòng nghỉ của cán bộ, giảng viên nhà trường để đón người vô gia cư vào ăn tết.
Ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo của trường này, cho biết nhà trường sẽ chuẩn bị tối đa nguồn lực hiện có để đáp ứng nhu cầu vào ở trong dịp tết của người vô gia cư. Trước mắt, khoảng hơn chục phòng ở sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi cơ bản như: chăn màn, bình nóng lạnh… đã sẵn sàng phục vụ những người có nhu cầu. Nhà trường cũng sẽ phục vụ cả bữa ăn miễn phí đối với những người không tự lo được bữa ăn cho mình. “Tùy từng hoàn cảnh, từng nhu cầu khác nhau mà chúng tôi có những hỗ trợ phù hợp”, ông Tuấn cho biết.
Bài học về sự sẻ chia
Cũng theo ông Cấn Anh Tuấn, do đây là năm đầu tiên trường thực hiện mô hình này, nên cũng chưa hình dung được về số lượng vào ở của những người có nhu cầu. “Mong muốn của chúng tôi là những người vô gia cư biết được thông tin này để tìm đến và chúng tôi sẽ sẵn sàng đón tiếp bất cứ lúc nào, từ nay đến những ngày tết. Với mong muốn tạo một không khí đầm ấm, thân thiện nhất có thể, lãnh đạo nhà trường đã phân công bộ phận trực ký túc xá không chỉ đơn thuần trực tết như mọi năm mà phải quan tâm, giúp đỡ người vô gia cư ăn ở tại ký túc xá trong dịp này”, ông Tuấn cho hay.
Video đang HOT
Còn ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ: “Ngoài mong muốn thực hiện một hành động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn thì chúng tôi còn coi đây là hoạt động giáo dục có ý nghĩa cho cả cán bộ, giảng viên trẻ và đặc biệt là sinh viên trong nhà trường. Một hành động nhỏ nhưng chúng tôi mong sẽ có sức lan tỏa, giúp sinh viên biết trân trọng giá trị cuộc sống, đồng cảm, sẻ chia và trân trọng những gì mình đang có”.
Cũng từ ngày 24 tháng chạp, các trường ĐH khác như: Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính, ĐH Quốc gia Hà Nội đồng loạt mở cửa đón người vô gia cư, người nghèo. Các trường này đều thông báo: những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần đến trực tiếp và đăng ký với quản lý khu ký túc xá của trường, nhà trường luôn có người túc trực 24/24 và trực xuyên tết để đón tiếp người vô gia cư và xử lý mọi vấn đề phát sinh.
Tuệ Nguyễn
Theo Thanhnien
Những mảnh đời giữa đêm lạnh Sài Gòn
Cuối năm, Sài Gòn se lạnh. Với những người vô gia cư, đây là lúc họ phải gồng mình để chống trọi với cái lạnh.
Khi thành phố chìm trong giấc ngủ, những số phận không may mắn mới tìm về được "mái nhà" của mình - Ảnh: Trác Rin
20 giờ. Các cửa hàng buôn bán trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10, TP.HCM) đóng cửa, cũng là lúc 5 người đến từ những hướng khác nhau tìm về "mái nhà" chung của mình. Người thì nằm co ro trên chiếc xích lô (cũng là phương tiện mưu sinh - PV), người nép mình sau chiếc xe đẩy chất đầy phế liệu. Những người khác trải tấm vải mong manh trên nền gạch lạnh cắt. Với họ, "mái nhà" là một điều xa xỉ.
0 giờ. Chị Trần Thị Kim Phương (44 tuổi) vẫn trằn trọc không thể ngủ vì số tiền 3 năm dành dụm chưa kịp gửi về gia đình đã bị kẻ gian rạch túi lấy mất từ tháng trước.
Đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng họ đều mang chung một ước mơ - Ảnh: Phạm Hữu
Cũng lấy chồng, sinh con như nhiều phụ nữ khác, nhưng ruộng đất ở vùng quê nghèo chỉ đủ cơm cháo qua ngày. Thương cậu con trai thông minh lại có chí hiếu học, phần khác không muốn cảnh khổ truyền đời, chị Phương bàn bạc với chồng, để chị lên Sài Gòn, tạo dựng trước một "cái gì đó ổn định". Rồi khi cậu con trai bước vào cấp 3, sẽ chuyển trường để con có được điều kiện học tập tốt nhất.
Số vốn ít ỏi mang từ quê lên đủ để chị sắm được chiếc xe đẩy cũ, rồi đi nhặt ve chai dọc các con phố để thực hiện ước mơ của cuộc đời. Đêm đến, chị lại về "mái nhà" quen thuộc của mình.
Nhìn về hướng người đàn ông đang nằm co mình trên chiếc xích lô đậu cách đó chừng 2 m, chị Phương tâm sự: "Từ khi biết tôi bị kẻ gian lấy mất tiền, có đồ từ thiện gì chú cũng cho tôi rồi kêu gửi về quê làm quà cho con hoặc bán đi lấy tiền để dành. Chú cũng một thân một mình vậy đó, tóc bạc trắng cả rồi. Thân với tôi lắm nhưng không ai biết tên ai".
Không cần biết rõ về nhau, nhưng họ vẫn đùm bọc và chia sẻ cùng nhau miếng cơm manh áo - Ảnh: Vũ Phượng
Có "mái hiên" để ngủ, với họ đã là bình yên - Ảnh: Vũ Phượng
Chị Phương cho biết, vốn bị viêm phế quản mãn tính nên đêm đến, chị hay trằn trọc. Nhớ lại chuyện bị mất cắp, mắt chị rưng rưng, nghẹn ngào kể: "Hôm đó, tới khoảng 1 giờ hơn tôi mới ngủ. 4 giờ hơn giật mình dậy thì thấy túi quần bị rạch, toàn bộ số tiền dành dụm trong 3 năm trời mất sạch. Khi đó, tôi không biết phải làm sao, bật dậy chạy đi tìm, mà cũng chỉ chạy thôi chứ chẳng nhớ lúc đó mình chạy trên đường nào".
Nói rồi chị lại nhìn về phía ánh đèn đường le lói phía xa, thứ ánh sáng không thể làm sáng bừng trời đêm đen huyền, cũng nhỏ bé như những hy vọng, những ước mơ mà không biết đến khi nào chị mới có thể thực hiện được.
Cạnh chị, một người đàn bà da nhăn nheo, cũng chập chờn không ngủ vì luôn ngóng trông về quá khứ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (57 tuổi, quê Rạch Giá, Kiên Giang) làm nghề mua bán ve chai suốt 20 năm qua.
Bà Thanh kể, khi mới thống nhất đất nước, bà bị lạc mất gia đình. Theo nhiều đoàn, nhiều xe di chuyển, bà Thanh cũng không biết được tại sao mình lưu lạc lên mảnh đất Sài Gòn này. Năm 1976, bà tham gia đoàn thanh niên xung phong tại chiến trường Campuchia. Sau vài năm, bà trở về Sài Gòn bà lập gia đình nhưng hạnh phúc của bà chẳng thể trọn vẹn vì những đứa con lần lượt qua đời vì bệnh tật. Chán nản thực tại, người chồng cũng bỏ đi mà không nói một lời. Một thân một mình, bà Thanh phải đi nhặt từng chai nước, tờ báo và sắt vụn để sống qua ngày. Tối đến lại tìm về nền gạch ngay góc đường Lý Thường Kiệt.
Những ngày tiết trời trở lạnh, bà Thanh chỉ mặc mỗi chiếc áo khoác mỏng tanh, ngửa lưng tạm bợ trên nền gạch men lau vội. Bà không có mền nên lấy tạm chiếc áo mưa đắp lên người.
Một bà cụ tranh thủ ăn hộp xôi do đoàn từ thiện phát để có sức chống chọi với cái lạnh cắt da thịt giữa đêm - Ảnh: Trác Rin
Những đêm về "nhà" sớm, bà thường ngồi trò chuyện cùng những người đồng cảnh ngộ.
Bà Thanh thở dài: "Tài sản có mỗi chiếc xe đẩy nên phải xích lại kỹ lắm, mất là không biết ngày mai ra sao. Hồi trước có người cho tôi cái mền, cái gối. Tôi để trên xe rồi cũng bị lấy mất. Tôi cũng bị mất hai chiếc xe ba gác vì không khóa rồi".
Bà Thanh cũng như nhiều người vô gia cư khác, chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là hằng ngày sống trong một mái nhà ấm cúng, cùng chồng, cùng con. Bà nói: "Những ngày sắp Tết cảm thấy rất buồn vì ai cũng có người thân, có nhà đón Tết. Tôi cũng ăn Tết và được an ủi phần nào vì nhiều người dân cho đồ ăn, quần áo để mặc. Dù là quần áo cũ nhưng cũng ấm lòng".
Vũ Phượng - Phạm Hữu - Trác Rin
Theo Thanhnien
Cám cảnh phận đời không nhà trong đêm lạnh Hà thành Giấu mình trong tấm chăn mỏng và những tiếng thở dài, họ-nhưng người vô gia cư, cố gắng chống chọi với cái lạnh của đêm đông Hà thành. Trên vỉa hè đường Tràng Thi khi đêm xuống, người ta không khó để bắt gặp những người nhà hoặc bệnh nhân trải chiếu ngủ trên hè, mặc cho xe cộ đi lại nườm nượp....