Trưởng khối vận gương mẫu
Đến nay, xã Bình Lộc ( TP.Long Khánh) đã được công nhận các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đồng thời đang nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đóng góp vào thành quả chung này phải kể đến vai trò của đảng viên Phạm Thanh Xuân, Trưởng khối vận xã Bình Lộc, người luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân vào sự phát triển của địa phương.
Trưởng khối vận xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) Phạm Thanh Xuân (bìa trái) khen thưởng các ấp có thành tích tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019. Ảnh:N.Trinh
* Đi đầu mọi hoạt động
Đảng viên Phạm Thanh Xuân tâm sự: “Là cán bộ, đảng viên lại được phân công làm công tác Mặt trận, khối vận của xã nên việc tận tâm, trách nhiệm và gương mẫu rất quan trọng. Cùng với đó, mình phải thực sự trở thành trung tâm khối đại đoàn kết để dân tin, dân theo và dân ủng hộ”.
Từ quan niệm đó, hơn 2 nhiệm kỳ qua, ông Xuân cùng tập thể Ban công tác MTTQ và khối đoàn thể xã Bình Lộc không quản ngại khó khăn, mưa nắng, đường sá lầy lội để đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Ông Xuân kể, khi Bình Lộc mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, không phải tất cả người dân đều đồng tình ủng hộ vì nhiều lý do. “Lúc này, người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước; phải cho dân thấy lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ ngay cuộc sống của gia đình mình, quê hương mình. Cứ như thế “mưa dầm thấm lâu”, nhân dân đồng thuận và công việc trôi chảy” – ông Xuân nói.
Trước đây, nhiều đoạn đường các ấp dù chỉ cách trung tâm xã chưa đến 1km nhưng mỗi lần có việc phải lên xã người dân rất ngại, nhất là vào mùa mưa. Ông Xuân đã tham mưu cho Đảng ủy, phối hợp cùng chính quyền địa phương cử các đảng viên, trưởng ấp, tổ trưởng nhân dân gương mẫu đi trước, người hiến đất, người góp tiền, góp công… Nhờ vậy, từng con đường đất lầy lội dần được thay bằng những đoạn đường bê tông, nhựa nóng, người dân đi lại thuận tiện hơn.
* Người dân đồng thuận
Thấy cán bộ, đảng viên gương mẫu và lợi ích thiết thân cho chính gia đình mình, người dân đều đồng thuận hiến đất, góp công sức, vật chất để nhiều tuyến đường ấp, ngõ xóm trong xã được bê tông, cứng hóa. Có đường đẹp, cán bộ, đảng viên và nhân dân lại tìm cách trồng hoa, cây cảnh, mắc đèn đường… phục vụ chính cuộc sống của mình trên từng ấp, ngõ.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Xuân Phú (tổ 4, ấp 2) – người đã đóng góp trên 200 triệu đồng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Bình Lộc chia sẻ: “Thấy sự nhiệt tình, tận tâm của ông Xuân, tôi cùng con cháu ủng hộ vật chất và tiền bạc để góp thêm công sức làm nên những tuyến đường đẹp, phục vụ chính gia đình mình”. Được biết, ngoài đóng góp hơn 200 triệu đồng, ông Phú còn hiến hàng chục mét vuông đất để con đường chạy qua tổ 4, ấp 2 được khang trang, sạch đẹp.
Ngoài ông Phú, gia đình các ông: Huỳnh Quý, trưởng ấp 3; Dương Minh Hở, tổ 5, ấp 3; Bùi Ngọc Bình, ấp 1… là những người dân gương mẫu, tích cực ủng hộ trong xây dựng nông thôn mới. Ông Huỳnh Quý cho hay: “Chỉ riêng việc ông Xuân lặn lội đêm hôm, sớm tối đến từng ấp, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động, chúng tôi thấy bản thân mình và gia đình phải có trách nhiệm để đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp”.
Ông Bùi Ngọc Bình thì cho hay: “Tôi sống gần 60 năm nhưng gần 2 năm nay mới được đi trên con đường rộng, đẹp, sạch, thoáng ngay trước cửa nhà mình. Đúng là thành quả của nông thôn mới mà ông Xuân thực sự có đóng góp rất lớn”.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Lộc Đoàn Thạch Nam cho biết, hiện nay 100% tuyến đường liên ấp, đường trục chính của xã đều được bê tông, nhựa hóa, cứng hóa; gần 90% tuyến đường nội đồng, liên tổ đều được cứng hóa, bê tông. Nhiều tuyến đường kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp như tuyến ấp Cây Da, tuyến ấp 3, 5… đều gắn với công sức, sự nỗ lực của ông Phạm Thanh Xuân.
“Đồng chí Phạm Thanh Xuân là một tấm gương đảng viên kiểu mẫu, không quản ngại khó khăn, vất vả, kiên trì và thực sự trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn” – Bí thư Đảng ủy xã Bình Lộc Đoàn Thạch Nam đánh giá.
Nguyệt Trinh
Theo Đongnai
Lần mò các lô cao su để "săn" dế cơm theo cách cực lạ ở miền Tây
Khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi những cơn mưa cuối mùa thưa thớt là lúc dế cơm sinh sản. Nhiều tổ dế rộ lên ở khắp nơi trong vườn rẫy và lô cao su ở TP.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai... Một số người dân ở các địa phương này thường đi "săn" dế cơm để bán kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.
Hai anh Lê Văn Đạt (trái) và Trần Minh Tâm đang "săn" dế cơm trong lô cao su ở xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: N.An
Như đã hẹn, đúng 7 giờ, chúng tôi có mặt tại nhà anh Lê Văn Đạt (người có nhiều kinh nghiệm với nghề bắt dế cơm tại ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) để cùng anh đi vào các lô cao su tìm bắt dế cơm.
Thú vị nghề "săn" dế cơm
Trên đường đi, anh Đạt đã dừng ven đường để bẻ khoảng 10 cọng bông cỏ gạo (hay còn gọi cỏ lá tre). Anh Đạt giải thích: "Thông thường hằng năm, khi cây cỏ gạo có bông thì cũng là vào mùa dế cơm sinh sản. Mùa sinh sản của dế cơm kéo dài từ khoảng tháng 9 đến tháng 11 dương lịch... Mình sẽ dùng cọng bông cỏ gạo này làm cần câu để bắt dế cơm".
Theo kinh nghiệm của một số người chuyên đi bắt dế cơm ở TP.Long Khánh, chu kỳ sống của dế cơm tương tự như con ve sầu. Chúng được sinh ra và ở dưới lòng đất một thời gian dài, đến thời điểm nhất định, chúng chui lên mặt đất tìm bạn tình giao phối, sinh sản rồi chết đi. Lứa dế kế cận tiếp tục phát triển và sinh sôi...
Sau khi vượt chặng đường dài gần 10km bằng xe máy, cuối cùng chúng tôi đã đến được khu vực để bắt dế là những lô cao su rộng ngút ngàn ở xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ). Tại đây, anh Đạt được một "đồng nghiệp" là anh Trần Minh Tâm (38 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) đến hỗ trợ, cùng bắt dế.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm, 2 anh Đạt và Tâm dễ dàng tiếp cận các hang dế và bắt đầu cuộc "săn" bắt đầy thú vị. Đầu tiên, các anh dùng ngón tay moi đất lên cho thông miệng hang, dùng cọng cỏ gạo nhúng vào xô kiến bò nhọt (màu đen) cho chúng bám vào rồi đưa vào hang, sau đó lấp đất miệng hang lại để kiến bò sâu vào tận nơi con dế đang ẩn nấp.
"Đặc tính kiến nhọt là loài hung dữ, cắn rất đau nhức. Kiến nhọt bò rất nhanh, chỉ cần đưa xuống đất là chúng bò lan ra khắp nơi để tìm "săn" con mồi. Nếu thả kiến vào hang ít quá thì không đủ sức để "đấu" với dế cơm vì loài dế này cũng rất hung dữ và sẵn sàng dùng đôi càng bật mạnh để kiến không cắn được. Ngược lại, nếu thả nhiều kiến vào hang thì chúng sẽ cắn chết con dế ngay dưới hang. Cho nên, việc đưa kiến vào hang với lượng vừa phải (khoảng từ 30-50 con) để chúng cắn dế đủ đau mà bò ra khỏi hang" - anh Đạt cho hay.
Những con dế cơm tròn béo vừa bắt được. Ảnh: N.An
Với cách bắt trên, chỉ trong thời gian 30 giây đến 1 phút sau khi thả kiến vào trong thì những con dế lần lượt bò ra ngoài miệng hang. Tuy nhiên, cũng có những hang phải chờ đợi đến 4-5 phút vì con dế không chịu ra. Anh Đạt giải thích, việc con dế chậm ra khỏi miệng hang có nhiều nguyên nhân như: hang sâu và nhiều ngóc ngách để dế ẩn nấp hoặc gặp con dế "gan lì", mặc dù bị kiến cắn đau nhưng nó vẫn dùng đôi càng đạp chống trả cho đến khi nào không chịu nổi mới "đầu hàng".
Có những hang dế dễ dàng nhận biết vì đất được đùn lên cao ở miệng hang. Tuy nhiên, cũng có những hang rất kín đáo hoặc do trời mưa làm xói mòn đất nên người không có kinh nghiệm rất khó phát hiện. Theo anh Đạt, hang dế lúc nào cũng có một lớp đất mỏng lấp miệng lại để phòng chống những côn trùng khác xâm hại nó. Còn những hang tròn vo không phải hang dế hoặc là hang dế nhưng nó đã bị bắt hay bỏ đi nơi khác. "Muốn bắt được nhiều dế thì không nên vào những lô cao su già, rậm rạp và thiếu ánh sáng. Bởi đặc tính của dế cơm thích ở những vùng có ánh sáng và nhiều cỏ" - anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm.
Dễ kiếm thêm thu nhập
Cầm những con dế tròn béo vừa bắt được, anh Tâm cho hay, hôm nào trời đẹp và may mắn gặp những lô cao su có nhiều dế thì số lượng bắt được sẽ nhiều. Còn những hôm trời mưa và gặp những lô cao su ít dế thì số dế bắt được sẽ ít hơn. Tuy nhiên, hôm bắt dế ít thì mỗi người cũng được từ 150-170 con và bán được từ 250-300 ngàn đồng. Còn hôm bắt được nhiều, mỗi người được từ 200-250 con và bán được 400-500 ngàn đồng. Một số gia đình có đến 2-3 người cùng đi bắt dế thì thu nhập mỗi ngày của họ trên dưới 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, nghề bắt dế cơm đôi khi cũng gặp nguy hiểm vì người đi "săn" thường tiếp xúc với rắn, rết, bọ cạp, muỗi... Có những loài rắn, rít, bọ cạp ẩn nấp ở dưới gốc cây hoặc thảm lá mục, nếu mải mê tìm hang dế và không để ý rồi giẫm phải thì sẽ bị chúng tấn công. Anh Đạt cho biết, trong lúc quan sát hang dế cũng phải luôn rảo mắt cảnh giác xung quanh để hạn chế những rủi ro xảy ra.
Sản phẩm thu được sau gần 2 giờ đi bắt dế cơm. Ảnh: N.An
Theo lời kể của những người dân sinh sống lâu năm ở TP.Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ, nghề bắt dế cơm bằng kiến bò nhọt đã có từ lâu. Tuy nhiên, hồi đó người dân chủ yếu đi bắt dế về chế biến các món ăn với cơm hoặc làm món nhậu bình dân, chứ chưa phải là nghề để kiếm tiền.
Khoảng 5-6 năm trở lại đây, do đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhiều người muốn tìm những món lạ, bổ dưỡng để thưởng thức, trong đó món dế cơm được ưa chuộng. Nhờ đó, anh Đạt, anh Tâm và nhiều người dân địa phương xem đây là cái nghề và tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi bắt dế về bán kiếm thêm thu nhập. Hiện có khoảng từ 20-30 người tham gia bắt dế cơm để bán, tập trung chủ yếu vào mùa sinh sản của dế, thời gian còn lại họ vẫn làm công việc chính là chăm sóc vườn, rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Anh Đạt cho biết, ngoài trực tiếp đi bắt dế, anh còn thu mua lại dế của người dân tại địa phương và các xã lân cận bắt được với giá 2 ngàn đồng/con. Sau đó, anh đem dế về chế biến, tẩm ướp gia vị, đóng gói rồi đem đi bỏ mối cho các quán nhậu ở TP.Long Khánh và các khách quen ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi ngày anh đi giao từ 400-500 con dế, với giá 3 ngàn đồng/con. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh được cải thiện hơn.
"Trong thời gian tới, tôi tiếp tục giới thiệu bán dế cơm trên mạng xã hội Zalo và Facebook vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho người dân ở địa phương" - anh Đạt nói.
Anh Lê Văn Đạt cho biết, hiện nhiều người thích ăn các món chế biến từ dế cơm vì con dế sinh sống và ăn cỏ ngoài môi trường tự nhiên, nên thịt dế cơm đảm bảo sạch, chất lượng. Một số người mua về nhà tự chế biến, nhưng cũng có những người đến các nhà hàng, quán nhậu để thưởng thức các món từ dế như: dế chiên giòn, dế um mỡ, dế chiên bột... khi ăn kèm với rau thơm, xà lách, cà chua rất ngon miệng.
Theo Nhân An (Báo Đồng Nai)
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ấp Hàng Gòn Hướng tới kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nay là MTTQ Việt Nam (18-11-1930- 18-11-2019), sáng 27-10, Khu dân cư ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung tặng quà...