Trường hợp kỳ lạ của Văn Đức ở tuyển Việt Nam
Hai năm rưỡi không ghi bàn, Phan Văn Đức vẫn có suất đá chính ở tuyển Việt Nam và nhận được niềm tin tuyệt đối từ HLV Park Hang-seo.
Bàn gần nhất của Văn Đức cho tuyển Việt Nam là pha lập công vào lưới Philippines ở lượt đi bán kết AFF Cup 2018. Kể từ đó, trải qua 12 trận ở các giải chính thức, Văn Đức chưa có thêm một lần lập công.
Điều kỳ lạ là anh vẫn đá chính, thậm chí được HLV Park Hang-seo tin tưởng tuyệt đối.
Kỳ lạ Văn Đức
Văn Đức chưa từng mắn bàn thắng ở các đội tuyển Việt Nam. Là trụ cột trong 3 chiến dịch U23 châu Á, Asian Games và AFF Cup hồi 2018, Văn Đức chỉ 4 lần lập công. AFF Cup là giải duy nhất Văn Đức ghi trên 1 bàn. Những giải khác, anh thường chỉ có một pha lập công.
Ở Asian Cup 2019, Văn Đức thậm chí không ghi bàn nào, dù đá chính cả 5 trận.
Phong độ của Văn Đức ở đội tuyển trái ngược hẳn với hình ảnh của chính anh tại CLB. Cũng năm 2018, Văn Đức ghi 9 bàn sau 19 trận cho SLNA, đạt hiệu suất lý tưởng với một tiền đạo lùi.
Cũng trong năm đó, Văn Đức giành Quả bóng Đồng Việt Nam. Nhiều người tin rằng nếu không có bàn quyết định mang về ngôi vương AFF Cup 2018 tại Mỹ Đình, Nguyễn Anh Đức sẽ phải nhường vị trí số hai cho Phan Văn Đức trong cuộc bầu chọn.
Nếu không ghi bàn quyết định đưa Việt Nam tới ngôi vương AFF Cup 2018, nhiều người tin rằng Anh Đức khó lòng vượt qua đàn em tại cuộc đua Quả bóng Vàng năm đó. Anh Đức đoạt Quả bóng Bạc còn Văn Đức giành Quả bóng Đồng. Ảnh: Thuận Thắng.
Quả bóng Vàng Việt Nam được bầu bởi HLV, đội trưởng các CLB V.League cùng một số nhà báo. Nó là sự đánh giá trọn vẹn, đầy đủ từ cả người trong nghề lẫn giới quan sát cho tài năng của một cầu thủ. Văn Đức ở đó nghĩa là ngay cả khi không ghi nhiều bàn, anh vẫn được giới chuyên môn thừa nhận hơn những Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng hay Đỗ Hùng Dũng.
Chuỗi 12 trận tịt ngòi của Phan Văn Đức là một vấn đề. Nhưng 12 trận đó tới từ đâu?
5 trong số đó diễn ra ở Asian Cup 2019, 4 tới từ vòng loại World Cup, 3 ở vòng knock-out AFF Cup. Đó đều là những trận đấu căng thẳng, có độ khó cao trước các đối thủ mạnh.
Những người trách Phan Văn Đức có lẽ quên rằng tuyển Việt Nam có hàng công yếu nhất bảng B vòng loại thứ ba World Cup. Và tất cả có lẽ quên rằng đội bóng của thầy Park chưa từng giỏi tấn công. Và người hâm mộ có lẽ cũng quên rằng chính Văn Đức đã ghi 2 bàn trong 5 trận đầu AFF Cup, khi chúng ta được gặp các đối thủ vừa tầm tại khu vực.
Chia sẻ với Zing , chuyên gia Phan Anh Tú giải thích: “Những trận tuyển Việt Nam vừa đá với UAE và Saudi Arabia, có mấy người bùng nổ được ngoài Quang Hải? Đá với đội mạnh mà đòi ai cũng bùng nổ thì chúng ta về Đông Nam Á mà chơi. Chúng ta đã gặp các đội bóng mạnh hơn so với 2 năm trước nên cơ hội ghi bàn không còn nhiều. Nếu gặp các đội vừa tầm, tôi tin chắc Văn Đức và nhiều người khác sẽ bùng nổ”.
“Nên nhớ, vai trò của Đức không phải là bùng nổ. Nhiệm vụ của cậu ấy là kết nối từ hàng dưới lên trên của tuyển Việt Nam. Cậu ấy có nhạy cảm kiểm soát bóng, giữ, nhả đúng thời điểm. Cậu ấy chuyền bóng thông minh, hợp lý. Văn Đức là người cực kỳ quan trọng trong đấu pháp phản công của tuyển Việt Nam”, cựu Tổng thư ký VFF phân tích.
Văn Đức quan trọng thế nào?
Một tiền đạo được định nghĩa bởi những bàn thắng. Nhưng Văn Đức không có điều đó ở đội tuyển. Bởi vậy, anh chìm lấp sau những vinh quang của đồng đội, đôi khi phải lùi lại dưới ánh đèn sân khấu mà những cầu thủ ghi bàn mới là tâm điểm.
Nhưng thế không có nghĩa Văn Đức kém quan trọng.
Thống kê của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) cho thấy tuyển Việt Nam dồn 47,6% thời lượng bóng cho biên phải, nơi Nguyễn Quang Hải góp mặt. Cánh trái của Văn Đức chỉ có 31,9% giữ bóng. Trong tổ chức chiến thuật, cánh Quang Hải thiên về công, cánh Văn Đức thiên về thủ. Nhưng đó không phải thứ phòng ngự thụ động.
Quay ngược vài chục giây trước khi Quang Hải phá lưới Saudi Arabia, ta sẽ nhận ra người cướp bóng từ chân cầu thủ đối phương là Văn Đức. Anh cũng là người thực hiện đường chọc khe cho Vũ Văn Thanh băng xuống, trước khi mở ra cơ hội cho Quang Hải.
Bàn thắng của Quang Hải là điều “nằm ngoài tính toán” của đội chủ nhà. Và điều đó bắt đầu từ đôi chân Văn Đức.
Các thống kê không nói dối. So với người đồng đội ở biên đối diện, Văn Đức có vai trò kết nối rõ ràng hơn.
Anh thực hiện 22 đường chuyền, nhiều hơn Quang Hải (16), chỉ kém hậu vệ cùng biên Văn Thanh (24). Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của Văn Đức ở nửa sân đối thủ là 57,1%, hơn hẳn Quang Hải (44,4%).
Anh cũng đồng thời thực hiện 2 cú tắc bóng, 2 lần ngăn chặn tình huống tấn công mà một trong số đó đã dẫn tới bàn thắng của Quang Hải. Đá ở biên trái hàng tiền vệ, Văn Đức vẫn có 30 lần thu hồi bóng, cao nhất đội hình tuyển Việt Nam.
Người hâm mộ có thể thể đánh giá thấp Văn Đức. Nhưng thống kê thì không. Bảng điểm của hệ thống dữ liệu bóng đá Instat chấm Văn Đức 260 điểm, cao thứ hai đội hình tuyển Việt Nam, chỉ xếp sau Quang Hải (289 điểm).
Đó cũng là quan điểm của ông Park. Chiến lược gia người Hàn Quốc đã giữ Văn Đức đá chính 4 trận liên tiếp ngay sau khi anh trở lại đội tuyển từ chấn thương nặng hồi năm 2019.
Chuyên gia Phan Anh Tú phân tích: “Vì sao giữa bao nhiêu cầu thủ, Phan Văn Đức vẫn được xếp đá chính từ trận này qua trận khác. Anh ta là người hòa nhập, thực hiện lối chơi, ý tưởng của thầy Park rất tốt. Nói Văn Đức không hay là sai, cậu ấy vẫn là mắt xích rất quan trọng của tuyển Việt Nam, đặc biệt trong lối chơi của thầy Park”.
Khác biệt giữa SLNA và tuyển Việt Nam
Vai trò của Văn Đức còn cần xem xét một cách rõ ràng hơn dựa trên khác biệt giữa tuyển Việt Nam và SLNA. Tại CLB, Văn Đức là tiền đạo, tâm điểm của mọi đường lên bóng, ngôi sao lớn nhất được cả đội phục vụ và luôn chơi gần khung thành.
Lên tuyển, vị trí cao nhất của Văn Đức chỉ là tiền đạo cánh. Anh nhiều lúc đá tiền vệ trái trong sơ đồ 3 tiền vệ giữa, thậm chí được thử nghiệm cả ở vị trí chạy cánh. Ở tuyển, Quang Hải mới là tiền vệ công số một, còn Văn Đức thường chơi xa khung thành.
Bản đồ nhiệt ở trận gặp Saudi Arabia cho thấy Văn Đức hoạt động khắp mặt sân, di chuyển ở cả hai hành lang. Anh hiếm khi có dịp góp mặt ở 1/3 sân Saudi Arabia nhưng vẫn kịp để lại dấu ấn với pha đoạt bóng rồi phát động cho Quang Hải ghi bàn.
Chuyên gia Phan Anh Tú giải thích: “Nếu không phải Văn Đức, chúng ta thử xem sẽ xếp ai được ở vị trí đó? Ông Park cần cậu ấy để cả cỗ máy trơn tru hơn. Không phải ông ấy ưu ái Văn Đức mà bởi cậu ấy luôn hoàn thành vai trò của mình. Chúng ta cứ bảo Văn Toàn hay hơn Văn Đức nhưng vì sao Toàn dự bị còn Đức đá chính?”
Có một thống kê đáng chú ý liên quan tới bộ đôi này. 5 trận đầu vòng loại World Cup, khi Đức vẫn chấn thương, Toàn đá chính hết. 3 trận gần nhất có Đức, Toàn đều ngồi ngoài. Cả hai đều nằm trong lứa học trò đầu tiên của thầy Park, đều cùng ông chinh phục vinh quang Thường Châu. Nên ta không thể nói ông ưu ái ai hơn trong 2 người.
Và cũng đừng ngạc nhiên nếu tối mai, Văn Đức lại xuất phát trước Australia.
Cựu trợ lý Beckham: Coi nhẹ Việt Nam, Australia sẽ nhận cú sốc Andy Bernal, cựu tuyển thủ Australia từng làm trợ lý cá nhân cho David Beckham, chia sẻ với Zing trước trận đấu giữa “Socceroos” và tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup ngày 7/9.
Duy Mạnh nói về kỳ tích Thường Châu trên đất Trung Quốc
Duy Mạnh và đồng đội ở tuyển Việt Nam đều thể hiện sự quyết tâm trước những đối thủ mạnh tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Những lá thăm đã đưa tuyển Việt Nam nằm chung bảng B với Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ba đội đầu tiên là những đại diện thường xuyên tham dự các kỳ World Cup. Ngược lại, đây mới là lần đầu tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại thứ hai.
Khi được hỏi về bàn thắng ghi được vào lưới Olympic Nhật Bản tại môn bóng đá nam Asian Games 2018, Nguyễn Quang Hải chia sẻ: "Ghi được bàn vào lưới một đội bóng hàng đầu châu Á là cảm xúc to lớn. Tuy nhiên, cá nhân tôi và các cầu thủ của đội tuyển đều hướng đến chiến thắng. Đó mới là niềm vui lớn nhất. Tất nhiên, tôi và đồng đội sẽ phải tập luyện chăm chỉ, chuẩn bị thật tốt cho vòng loại thứ ba".
Quang Hải từng ghi bàn vào lưới Olympic Nhật Bản năm 2018. Ảnh: Việt Hùng.
Tiền vệ Lương Xuân Trường chia sẻ: "Hai cầu thủ mà tôi luôn ngưỡng mộ là Son Heung-min của Hàn Quốc và Takumi Minamino của Nhật Bản. Họ có khả năng vượt trội so với các cầu thủ châu Á và đang thi đấu rất thành công ở giải Ngoại hạng Anh. Do họ đều là những cầu thủ đẳng cấp nên tôi không mong sẽ phải đối đầu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022".
Trung vệ Đỗ Duy Mạnh nói về kỷ niệm đẹp ở VCK U23 châu Á 2018, nơi anh và các đồng đội thi đấu rất thành công tại Trung Quốc với việc vào tới chung kết.
"Hình ảnh cắm lá cờ Việt Nam trên tuyết của Thường Châu đến giờ vẫn gây xúc động với cá nhân tôi. Kết quả bốc thăm đã có, việc tuyển Việt Nam nằm chung bảng với Trung Quốc hứa hẹn mang tới những trận đấu hấp dẫn và sẽ được người hâm mộ chờ đợi. Chắc chắn, tôi và các đồng đội sẽ phải có sự chuẩn bị tốt để sẵn sàng cho các trận đấu với không chỉ Trung Quốc mà còn cả các đội khác".
Vòng loại thứ ba World Cup 2022 sẽ diễn ra theo thể thức vòng tròn 2 lượt đi và về mỗi bảng, bắt đầu từ ngày 2/9 và kết thúc ngày 29/3/2022.
Hai đội dẫn đầu mỗi bảng giành quyền vào vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar. Hai đội xếp thứ ba sẽ gặp nhau trong trận play-off châu Á. Đội thắng trong trận này đi tiếp tới trận play-off liên lục địa.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng cho giấc mơ World Cup Sau nhiều lần bị trì hoãn vì dịch Covid-19, mới đây Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã ra quyết định về địa điểm thi đấu các trận cuối cùng của vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Cụ thể, các trận đấu khu vực châu Á, trong đó có các trận đấu tại bảng G của đội tuyển Việt Nam, sẽ...