Trường hợp chuyển giới Hương Giang được nêu tại Quốc hội
Nhiều đại biểu cho rằng trên thực tế đã có những trường hợp chuyển giới do đó nên có chính sách để hợp pháp hóa quyền nhân thân. Nhưng cũng có đại biểu đề nghị cần thận trọng với vấn đề nhạy cảm này.
Quyền được chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 10/6. Theo dự luật, Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mọi người dân đều được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, vì sao xã hội đã có những người chuyển giới mà pháp luật không quy định, cũng không cấm và không thừa nhận. “Có phải đưa đối tượng này ra ngoài vòng pháp luật hay không?”, đại biểu Thủy đặt vấn đề và cho rằng nếu pháp luật không quy định thì sẽ rất phức tạp cho xã hội. Như Hương Giang cơ thể là phụ nữ rồi mà mọi thứ hộ khẩu, quyền, trách nhiệm lại là nam giới.
Đại biểu Quốc hội dẫn chứng trường hợp chuyển giới của Hương Giang để nói về thực tế nhu cầu chuyển đối giới tình hiện nay. Ảnh: Chi Mai.
Từ thực tế làm nghề y, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi thông tin, những người phẫu thuật chuyển giới bị ảnh hưởng sức khỏe, tuổi thọ giảm. Hiện Việt Nam chưa có cơ sở y tế để điều trị cho những người này vì thế họ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu dự luật thừa nhận chuyển đổi giới tính thì phải cân nhắc. “Cho phép phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam thì có thể rẻ hơn, nhưng nếu không quy định chặt chẽ có thể xuất hiện một trào lưu, hệ quả rất lớn”, bà Nhi nói và đồng tình với dự luật.
Cùng có quan điểm cần thận trọng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết việc xác định lại giới tính là quyền của con người, đó là quy định đúng và nhân văn, bởi nhiều người sinh ra bị khiếm khuyết về mặt giới tính. Với việc chuyển đổi giới tính lại khác, bà Hà tán thành quy định Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính vì có thể gây ra trào lưu, hệ quả xấu.
Thừa nhận thực tế có nhiều người hồ sơ, khai sinh, hộ khẩu là nam nhưng đã sống với thân phận nữ giới, đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, quyền xác định giới tính là vấn đề dư luận rất quan tâm, đặc biệt là người chuyển giới, đồng tính. Tuy nhiên, việc dự thảo luật không thừa nhận và cũng không cấm thì rõ ràng có sự mâu thuẫn. “Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại, tránh mâu thuẫn ngay trong luật”, bà Nghĩa đề nghị.
Đại biểu Trần Thanh Hải cũng cho rằng dự luật không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng lại cho những người đã chuyển giới được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác là không phù hợp. Quy định như vậy vô tình khích lệ nhiều người chuyển giới. “Nếu không cho chuyển đổi giới tính thì cấm luôn việc thay đổi hộ tịch, còn cho chuyển đổi thì phải quy định. Cần cân nhắc cho hợp lý”, đại biểu Hải đề xuất.
Võ Hải
Video đang HOT
Theo VNE
Người chuyển giới: Không từ chối hoàn toàn, không chấp nhận dễ dãi
Vấn đề chuyển đổi giới tính trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự sáng nay (10/6) đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng không nên công nhận giới tính chuyển đổi hoặc chấp nhận nhưng phải có điều kiện chặt chẽ.
PV: Chuyển đổi giới tính không phải câu chuyện mới mẻ trong đời sống xã hội, nhưng ở góc độ pháp lý thì đây là vấn đề phức tạp. Theo ông, Luật sửa đổi lần nay có nên chấp nhận giới tính chuyển đổi?
Đại biểu Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Trước hết cần phải nói rằng đa số những người chuyển đổi giới tính là người ta thực sự có nhu cầu về tâm sinh lý, bởi một con người phát triển bình thường thì chẳng ai đi chuyển giới làm gì.
Theo tôi, chấp nhận nhưng với điều kiện tương đối chặt chẽ, tức là chúng ta không nên từ chối hoàn toàn nhưng cũng không nên chấp nhận một cách dễ dãi. Phải có điều kiện, để làm sao những người đang sống với giới tính không phải là của mình gây ảnh hưởng tới cuộc đời họ và họ thực sự có nhu cầu chuyển đổi giới tính thì nên cho họ cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Phải có điều kiện để tránh việc lạm dụng chuyển đổi giới tính theo phong trào, xu hướng, theo mốt, hoặc có yếu tố kinh doanh...
Luật không chấp nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng thực tế là có nhiều người đã chuyển giới rồi, vậy phải xử lý vấn đề này như thế nào cho hợp tình hợp lí thưa ông?
Vừa rồi giải quyết Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã đưa ra sự chấp nhận do hoàn cảnh thực tế, nhưng về thuần phong mỹ tục và quan niệm xã hội thì chưa được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận, vì vậy phải xử lý bằng cách không chính thức thừa nhận về pháp luật nhưng chấp nhận trên thực tế. Ngày trước là cấm, nếu vi phạm thì bị bắt, bị phạt nhưng nay "làm ngơ" và tạo ra cơ chế giải quyết hậu quả tiếp theo để giúp cho những người này có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đại biểu Đào Trọng Thi: "Chúng ta không nên từ chối hoàn toàn nhưng cũng không nên chấp nhận một cách dễ dãi" (ảnh: Ngọc Châu)
Nếu người ta đã đồng tính rồi, sống với nhau rồi thì không xem đó là vi phạm phạm pháp luật (vì pháp luật không cấm), nhưng không công nhận đó là hành vi pháp lý. Tôi nói ví dụ như việc hai người đồng giới tổ chức đám cưới, trước đây chúng ta giải quyết bằng pháp luật là đến giải tán đám cưới và phạt, nay chúng ta không can thiệp tới đám cưới đó nữa nhưng không công nhận họ là vợ chồng về mặt pháp lý.
Không thừa nhận về pháp lý nhưng công nhận về hoàn cảnh thực tế, đồng thời tìm những hướng giải quyết hậu quả của thực tế này. Tôi cho rằng đó là hướng giải quyết tiến bộ hơn nhiều so với trước, đó cũng là sự lựa chọn nhân đạo nhất, phù hợp nhất trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Không ủng hộ việc xác định lại giới tính
PV: Với các điều kiện xã hội hiện nay, bà có ủng hộ việc xác định lại giới tính của những người được cho là đồng giới hay những người chuyển giới?
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM): Tôi không ủng hộ việc xác định lại giới tính. Trước hết phải nhấn mạnh rằng không ai muốn bản thân và người thân của mình như thế, nếu xác định lại giới tính sẽ ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của những người thân và ứng xử với xã hội, tâm tư tình cảm của những người quan hệ với đối tượng đồng giới có nhiều biến động.
Hiện nay nước ta chưa có đầy đủ pháp luật quy định về vấn đề này nên sẽ có những xung đột mà tôi cho rằng sẽ bất lợi cho bản thân người đó và mọi người xung quanh. Thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam chưa đến giai đoạn chấp nhận việc chuyển giới, nên đó cũng là sự ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Chúng ta đang tuyên truyền chống kỳ thị đối với các đối tượng xã hội và cả người đồng giới, nhưng pháp luật lại không công nhận giới tính thực sự của các đối tượng này, vậy theo bà chúng ta cần làm gì?
Nếu đối tượng mang bệnh tật, nạn nhân của tệ nạn xã hội, nhiễm HIV, mang dịch bệnh nguy hiểm cho người khác và cả đối tượng chuyển giới... vẫn tuyên tuyền không kỳ thị, nhưng không kỳ thị không có nghĩa là chấp nhận. Về mặt đời sống họ đã chuyển đổi giới tính rồi mà mình không chấp nhận thì không được, nhưng về mặt pháp luật thì không chấp nhận việc này và không khuyến khích việc chuyển giới.
Thực tế vấn đề giới tính hiện nay đang ngày càng phức tạp trong xã hội, như bà nói là mình chưa nên đưa vào luật để công nhận đối tượng chuyển giới, như vậy liệu có tạo ra sự bất bình đẳng và lo ngại tạo ra những hệ lụy theo đó?
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung - đoàn TPHCM (ảnh: Ngọc Châu)
Hiện nay tôi thấy chưa có hệ lụy gì từ việc chuyển giới. Việc chuyển đổi giới tính không phải các nước trên thế giới đều công nhận hết, và cũng không phải là vấn đề ảnh hưởng lớn lao tới xã hội. Cái gốc là vấn đề giáo dục, thứ nữa là tăng cường các giải pháp về tâm lý, về y học... để hạn chế tâm lý muốn chuyển đổi giới tính - điều mà thời gian qua chúng ta chưa quan tâm.
Nhưng giáo dục giới tính trong trường học ở Việt Nam hiện nay chưa đúng cách và chưa có kết quả?
Vậy nên tôi mới nói là chúng ta phải đẩy mạnh vấn đề giáo dục giới tính và có những can thiệp về mặt y học để giúp cho tâm sinh lý của con người diễn ra bình thường và phù hợp với sự phát triển của đất nước, hạn chế những tác động xã hội khi gây ra những yếu tố tâm lý bất lợi.
Giáo dục giới tính trong nhà trường không chỉ tập trung vào giáo dục về vấn đề chuyển đổi giới tính mà cần phải xem xét lại cả về hình thức giáo dục, nội dung giáo dục về giới tính, coi đây là một nội dung quan trọng trong giáo dục, chứ không phải là việc thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng được hoặc áp dụng được đến đâu hay đến đó. Phải có chương trình, nội dung về giáo dục giới tính được xây dựng một cách nghiêm túc trong giáo dục.
Ở một khía cạnh khác là hôn nhân đồng giới, dù chưa được pháp luật công nhận nhưng nhiều người vẫn chung sống với nhau khi cho rằng đó là quyền của họ và họ được sống theo cách của mình. Vậy không công nhận hôn nhân đồng giới có vi phạm quyền con người khôn, thưa bà?
Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định, tuy Luật không công nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng không ngăn cấm. tôi cho rằng đó là một bước tiến và xã hội đã có sự chấp nhận ở mức độ nào đó, vậy nên không thể nói là vi phạm quyền con người.
Chúng ta không nên đòi hỏi xã hội phải đáp ứng một cách tối đa hay chấp nhận một cách vô điều kiện những yêu cầu tự do của con người, bởi tự do của người này còn ảnh hưởng đến người khác.
Xin cảm ơn các đại biểu!
Châu Như Quỳnh ( ghi)
Theo Dantri
Đặt tên quá 25 chữ cái không ảnh hưởng đến đạo đức xã hội Không tán thành quy định hạn chế việc đặt tên quá dài, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này vì việc đặt tên như trên không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay đạo đức xã hội. Báo cáo thẩm tra dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) sáng 9/6, Chủ nhiệm ủy ban...