Trường học nói không với rác thải nhựa
Từ đầu năm học, nhiều trường học tại TPHCM đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi học sinh, giáo viên, thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Qua đó, giúp học sinh, giáo viên, nhân viên của trường hình thành thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và từ đó, trở thành những tuyên truyền viên cho mọi người xung quanh.
Năm học 2019 – 2020, Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) phát động Năm học xanh (ảnh nhà trường)
Bắt đầu từ hành động nhỏ
Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) chia sẻ, năm học 2019 – 2020, trường có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích học sinh hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần . Ngay trong buổi tựu trường, trường đã thông báo với các em, không bắt buộc học sinh bọc tập, sách bằng bìa ni lông.
Ngoài ra, học sinh khi mua nước tại căng tin nhà trường, nếu mang theo bình nước cá nhân sẽ được giảm giá 1.000 đồng cho các sản phẩm. Tô, hộp nhựa đựng thức ăn tại đây cũng được chuyển từ chất liệu làm bằng xốp sang tô nhựa cứng sử dụng nhiều lần. Trường cũng tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về hoạt động này và được họ hưởng ứng nhiệt tình.
Mới đây, trong buổi sinh nhật của học sinh lớp 7/7, các phụ huynh đã mua tặng mỗi em một bình uống nước bằng inox để các em dùng lâu dài.
Để làm gương cho các em, thầy Phúc Khánh cho biết, từ đầu năm học này, thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường đều mang bình đựng nước thân thiện đến lớp. Trường không sử dụng chai nước dùng một lần để tiếp khách. Trong một tháng triển khai, học sinh đã có ý thức nói không với ly nhựa, chai nhựa dùng một lần.
Video đang HOT
Tương tự, tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5), ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm cho biết, ngay từ đầu năm học, trung tâm có chủ trương khai giảng không bóng bay. Kế tiếp nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên tuyên truyền, vận động, khuyến khích học sinh giáo viên mang bình đựng nước cá nhân đến trường, hạn chế tối đa việc mang các chai nước, ly nhựa dùng một lần vào trường.
Ở căng tin, trường cũng yêu cầu giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các em học sinh ủng hộ hoạt động này một cách tích cực.
Lồng ghép vào chuyên đề học tập
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, ngoài việc tuyên truyền vận động, khuyến khích học sinh, giáo viên, nhân viên qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm… trường còn có một số hoạt động gắn nội dung tuyên truyền của phong trào Chống rác thải nhựa vào cuộc thi có tên Ý tưởng môi trường xanh.
Đây là chuyên đề học tập với hình thức là cuộc thi do bộ môn Sinh học và Đoàn trường thực hiện. Theo đó, các lớp sẽ tham gia thiết kế lớp học xanh, thân thiện với môi trường, trường học xanh, khuôn viên xanh… làm sao truyền tải thông điệp xanh, sạch đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Trường sẽ tổ chức thi thuyết trình về ý tưởng và trao giải cho các lớp xuất sắc cũng như tính điểm bộ môn Sinh học cho các em.
Bên cạnh các hoạt động thiết thực, từ đầu năm học, Trường THCS Nguyễn Du cũng triển khai cho các giáo viên bộ môn lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân rã đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm cho học sinh.
Theo thầy Phúc Khánh, không chỉ năm học này, mà từ những năm học trước, Trường Nguyễn Du đã lồng ghép nhiều hoạt động nhằm giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác từ nguồn.
Qua từng chuyên đề, các lớp được chơi các trò chơi nhỏ để học cách phân biệt, phân loại các loại rác thải khác nhau, cách xử lý từng loại rác, hậu quả của việc xả rác bừa bãi và hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác, hiểu biết việc tái chế rác thải, giữ gìn tài nguyên, tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường…
T ừ đầu năm học, Sở GD&ĐT TPHCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó, từ ngày 1/8/2019 trở đi, các phòng, ban cơ quan Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT quận, huyện, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP có kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ly nhựa, ống hút nhựa) trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; Hạn chế sử dụng nước uống đóng chai (thể tích 330 – 500ml) trong công sở, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (từ 20 lít trở lên) hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường. Không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa… dùng một lần trong tất cả các hoạt động hằng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở GD và tại các hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Nông dân xứ Lạng chống rác thải nhựa
Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân bảo vệ môi trường nông thôn với nội dung thiết thực. Tại nhiều cơ sở Hội, nông dân đã hưởng ứng nói không với rác thải nhựa ...
Phối hợp đồng bộ tạo điểm nhấn
Hiện nay, phong trào "Chống rác thải nhựa" đang được phát động mạnh mẽ, hướng đến tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nylon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Nhận thức rõ tác hại từ rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống, ngay từ đầu năm 2019, Hội ND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp tuyên truyền bảo vệ môi trường cho nông dân. Các cấp Hội trong tỉnh cụ thể hóa kế hoạch của tỉnh Hội về tuyên truyền bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đó là việc thực hiện tổ chức hội nghị tập huấn về bảo vệ môi trường tại các huyện: Văn Quan và Lộc Bình.
Hội còn tổ chức hội thi "Nông dân tham gia tìm hiểu kiến thức về pháp luật và bảo vệ môi trường" tại xã Tú Đoạn huyện Lộc Bình.
Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường. (ảnh: Liễu Chang)
Các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên nông dân về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nylon, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần của người dân. Ngoài ra các cấp Hội ND trong tỉnh đã tích cực phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền phổ biến đến hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa".
Qua đó, Hội vận động hội viên nông dân hạn chế sử dụng túi nylon, chai nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần, hộp xốp đựng đồ ăn, vỏ bim bim, bóng hơi... ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế.
Để dễ hiểu và thu hút hội viên nông dân hưởng ứng tham gia thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" Hội ND tỉnh Lạng Sơn đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Từ đầu năm, các cấp hội đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền được 2.462 buổi cho 129.096 lượt người nghe và học tập phát được trên 110 tài liệu hỏi đáp pháp luật bảo vệ môi trường, 750 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường...
Các cấp Hội tổ chức hoạt động tuyên truyền vận động nông dân thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, bao bì, túi nylon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định, hướng dẫn hội viên và người dân cách sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dụng 1 lần trong đời sống sinh hoạt. Hội phối hợp các ngành chức năng phát động ra quân đầu năm dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm và thu gom, phân loại rác thải nhựa, tuyên truyền nân cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa.
Mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cũng như hiểu biết rõ hơn về tác hại của túi nylon năm 2019 Hội ND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 300 lượt hội viên nông dân tỉnh tham dự tại huyện Văn Quan, Lộc Bình với nội dung nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng túi nylon, khó phân hủy. Hội phối hợp với Trung tâm Môi trường, T.Ư Hội NDVN, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh tổ chức tập huấn tại tỉnh nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tác hại của chất thải công nghiệp nông thôn cho 200 cán bộ, hội viên nông dân tại các huyện Cao Lộc, Văn Quan, Tràng Định và TP. Lạng Sơn.
Ngoài ra, Hội còn xây dựng mô hình bảo vệ môi trường phòng chống rác thải nhựa tại cơ sở Hội gồm các mô hình phân loại rác thải, đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng. Tại cơ sở, Hội vận động 100% cán bộ hội viên nông dân ký cam kết bảo vệ môi trường do các cấp phát động, không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn.
Theo Danviet
Vụ bữa ăn trường quốc tế "nhìn muốn khóc": Thay quản lý cơ sở Quản lý cơ sở của Trường quốc tế Việt Úc cơ sở Sala (quận 2, TPHCM) đã được thay thế sau khi để xảy ra sự việc bữa ăn "nhìn muốn khóc" làm phụ huynh bức xúc. Thông tin đến phụ huynh trong buổi làm việc sáng ngày 23/9, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng hệ thống Trường quốc tế Việt Úc...