Trưởng Ban Nội chính TƯ nói về việc xử “đại án” tham nhũng
Tiếp xúc cử tri Đà Nẵng sáng 2/12, Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh cho biết, ngày 12/12 tới sẽ đưa vụ án Dương Chí Dũng ra xét xử, vụ bầu Kiên cũng được xử trước Tết âm lịch.
Trưởng Ban Nội chính TƯ có buổi tiếp xúc với cử quận Hải Châu (Đà Nẵng) trong sáng 2/12. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) nêu nhiều vấn đề “chưa thỏa mãn” trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Cử tri Lê Du Khiêm (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) nêu thực tế, tham nhũng trở thành quốc nạn. Ông Khiêm dẫn 8 chữ Bác Hồ từng tổng kết về mối quan hệ mật thiết giữa “Chủ nghĩa cá nhân, lãng phí, tham ô”. Cử tri đề nghị ông Thanh chỉ rõ lý do chặn tham nhũng chưa hiệu quả.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương – ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri quận Hải Châu sáng 2/12.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh giải thích, tham nhũng có chỗ phải chống, có chỗ phải phòng. Ông Thanh xác nhận tham nhũng xảy ra trong mọi lịch vực từ dịch vụ công tới bệnh viện, chỉ có nơi nhiều nơi ít khác nhau.
“Vì vậy, làm lãnh đạo thì phải để mắt tới những chỗ có tiền có bạc, như xung quanh vấn đề đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề là do quản lý của mình, quản lý chặt chẽ thì sẽ hạn chế được. Các Tập đoàn, Tổng Công ty làm chưa tốt thì phải quản lý nhưng trong đó vẫn có những đơn vị làm ăn tốt”, ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Liên quan đến việc xét xử các vụ án trọng điểm, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, vừa qua, hai vụ án lớn tại Công ty cho thuê tài chính II của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) và tại công ty Vifon đã được đưa ra xét xử. “Ngày 12/12 tới sẽ đưa vụ án Dương Chí Dũng ra xét xử. Tiếp theo, vụ Bầu Kiên sẽ được xử trước Tết âm lịch”, Trưởng Ban Nội chính TƯ khẳng định.
Cử tri Nguyễn Đức Học (phường Hòa Cường Bắc) đề nghị làm luật “chống bao che” thì việc phòng chống tham nhũng mới có hiệu quả vì thực tế có nhiều vụ sai phạm được xử lý nhẹ rồi lờ đi. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, trong Luật phòng chống tham nhũng có đã có quy định nghiêm cấm chuyện bao che rồi nên không cần có thêm luật “chống bao che”.
Mở rộng vấn đề, cử tri đề cập đến việc pháp luật chưa nghiêm trong nhiều trường hợp. Ông Thanh xác nhận, việc thực thi pháp luật trong cuộc sống chưa đảm bảo, Chính phủ và Quốc hội cũng nghe, cũng biết.
Video đang HOT
Cử tri Nguyễn Đức Học (phường Hòa Cường Bắc) nêu thắc mắc với ông Nguyễn Bá Thanh
“Luật ra nhiều nhưng áp dụng không nghiêm, nhiều lúc lúng túng. Ví dụ như có quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy nhưng thực tế cơ quan quản lý lại xảy ra việc để bán mũ bảo hiểm giả tràn lan”, Trưởng Ban Nội chính TƯ chỉ rõ, việc kiểm tra, xử phạt mũ bảo hiểm giả trên toàn quốc lâu lâu kiểm tra một đợt, làm hời hợt. Ông Thanh tỏ ý phấn khởi vì, ít thấy bán mũ bảo hiểm giả ở Đà Nẵng vì có nhà máy sản xuất.
Trưởng Ban Nội chính cũng chia sẻ với cử tri, nếu mọi người dân ai cũng chấp hành tốt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thì tốt quá, mọi việc không thể chỉ có từ cơ quan Nhà nước.
Cử tri cũng thắc mắc vấn đề bộ máy nhà nước phình lớn, trong khi vẫn kêu gọi tinh giảm biên chế. Trưởng Ban Nội chính TƯ lý giải, có một thực tế là dân số ngày càng tăng lên, có nơi thành lập thêm quận mới, tình hình xã hội phức tạp nên phải cần người để làm việc rồi lực lượng công an cũng được tăng lên.
Trả lời ý kiến cử tri nêu thực trạng một bộ phận cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, bây giờ nói bao nhiêu phần trăm công chức không làm việc thì rất khó. Hiện việc đánh giá bộ phận cán bộ này đang được Bộ Nội vụ rà soát lại và có hướng xử lý cụ thể trong thời gian tới.
Công Bính
Theo Dantri
Nhiều án tham nhũng lớn "tắc" vì giám định tư pháp
Chiều 4/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Tư pháp cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để công tác giám định tư pháp ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Tham gia làm việc có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Ngày càng nhiều vụ án tham nhũng đề nghị giám định tư pháp.
Ngày càng nhiều vụ án tham nhũng đề nghị giám định tư pháp
Theo ông Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, về cơ bản hoạt động giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong các lĩnh vực như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Theo số liệu của các địa phương, từ ngày 1/10/2012 đến 30/9/2013, tổng số các vụ việc giám định là 114.185 vụ, trong đó giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng là 89.275 vụ và 24.910 vụ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức theo hình thức dịch vụ.
Tuy nhiên, một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng, đất đai, ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu giám định phục vụ công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng cơ bản, đất đai... ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của cơ quan điều tra, việc cử người làm giám định của các cơ quan quản lý chuyên ngành thường không kịp thời, nhiều vụ việc kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm, làm chậm quá trình giải quyết vụ án như vụ Vũ Quốc Hào lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng NNPTNT.
Việc xác định thiệt hại về tài sản trong một số vụ án tham nhũng bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính kế toán, giám định kỹ thuật, giám định chất lượng công trình... Kết luận giám định trong những trường hợp này là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất. Nội dung yêu cầu giám định trong các vụ án tham nhũng bao gồm nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành...) cần thiết phải có sự điều phối, hợp tác của nhiều ngành khác nhau.
Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu đặt ra, mà nêu "chỉ có giá trị tham khảo", không khẳng định rõ đúng sai và có dấu hiệu né tránh khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Đình chỉ vụ án vì cơ quan tố tụng khác quan điểm
Một số trường hợp, nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, phức tạp, khối lượng lớn như vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ (Ngân hàng NNPTNT) đã kéo dài đến 5 năm do không thực hiện được yêu cầu giám định của Toà án Nhân dân Hà Nội.
Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng còn lúng túng, thiếu quyết đoán trong việc xem xét, đánh giá sử dụng kết luận giám định trong vụ việc có nhiều bản giám định khác nhau.
Các quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề có liên quan đến giám định tư pháp trong quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng. Ví như vụ án gian lận tài chính của Công ty xăng dầu Hàng không đã rút tiền hỗ trợ của Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thấy rằng đã đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can, không cần trưng cầu giám định nhưng Toà án Nhân dân Tối cao lại cho rằng phải trưng cầu giám định giấy tờ khống thì mới xét xử, khiến cho vụ án bị ách tắc và buộc phải đình chỉ.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cũng nêu ra những hạn chế của công tác giám định tư pháp hiện nay. Đáng lo ngại nhất là có hiện tượng "chạy" giám định tư pháp để thoát tội nên đã xảy ra chuyện kết luận giám định nhiều lần, nhận xét chung chung, né tránh, không rõ ràng, mỗi lần giám định lại cho kết quả khác nhau. Ông Thanh dẫn chứng, có vụ án trốn thuế đã 4 năm nay không xét xử được bởi mỗi lần trưng cầu giám định lại cho một kết quả khác nhau.
Khẩn trương ban hành kết luận giám định phục vụ các vụ án tham nhũng
Công tác giám định tư pháp phục vụ đắc lực cho các hoạt động tố tụng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Tư pháp cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để công tác giám định tư pháp ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Tư pháp và bộ, ngành, địa phương đã có nhiều thành tích trong việc triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì nhiều vụ việc trưng cầu giám định nhưng thời gian kéo dài, kết luận giám định "đá" nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tố tụng của vụ án. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập còn chậm trễ, đến nay vẫn còn đến 16 địa phương chưa thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa tổ chức rà soát để công bố tổ chức đủ điều kiện thực hiện công tác giám định. Nhiều vấn đề về kinh phí, bồi dưỡng cần phải được sớm sửa đổi.
Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến tài chính, đất đai, xây dựng kéo dài do công tác giám định. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải quy định cụ thể đối với việc phải ban hành kết luận giám định. Tuyệt đối tránh kết luận chung chung, mập mờ, không rõ đúng sai, quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng làm kéo dài vụ án...
Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, địa phương đối với công tác giám định và mỗi cá nhân làm công tác giám định đối với công việc của mình. Các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể đối với triển khai Luật Giám định tư pháp thực sự đi vào cuộc sống. Kiểm tra, thanh tra tổ chức hoạt động của công tác này cũng như trách nhiệm người đứng đầu với công tác này.
Đối với các vụ án tham nhũng lớn liên quan đến công tác giám định tư pháp, các cơ quan chức năng cần tập trung nhân lực, nguồn lực để thực hiện nhanh, chính xác để ban hành các kết luật giám định phục vụ cho công tác xét xử của Toà án, không để vì kết luận giám định mà làm chậm tiến độ của các vụ án hiện nay.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
"Mau với chứ..." Ban Nội chính và bác Nguyễn Bá Thanh ơi! Tham nhũng đang diễn ra từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút ở mọi cấp, mọi nơi. Vì vậy, sự chậm trễ có khi chỉ một giờ, một phút thôi là đã có không biết bao nhiêu tiền của nước, của dân rơi vào túi lũ quan tham. "Mau với chứ...!", Ban Nội chính và bác Thanh ơi! (Minh họa: Ngọc Diệp)...