Trưởng ban Dân nguyện nói gì sau “phản hồi” của Chủ tịch tỉnh Phú Yên?
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải chiều nay 15-11 khẳng định thông tin về việc tiếp dân của các địa phương do Ban Dân nguyện tập hợp từ báo cáo của 63 tỉnh, TP.
Chiều 15-11, bên hành lang Quốc hội (QH), bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ QH, đã trao đổi với Báo Người Lao Động xung quanh các nhận định về việc nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp dân, trong đó có tỉnh Phú Yên.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết theo quy định, việc tiếp dân bao gồm 3 hình thức: tiếp dân thường xuyên (do Ban Tiếp dân của địa phương phụ trách làm hằng ngày), tiếp dân định kỳ (do chủ tịch các cấp tỉnh, huyện, xã tiếp) và tiếp dân đột xuất (khi có vụ việc gấp, nóng cần giải quyết).
Ban Dân nguyện đã nhận được báo cáo của tất cả 63 tỉnh, TP về tình hình tiếp dân của địa phương. Tuy nhiên, về số liệu, có nhiều địa phương không báo cáo đầy đủ các mục nên không được thống kê. Trong đó, có địa phương chỉ có số liệu về tiếp công dân định kỳ, có địa phương lại chỉ có số liệu về tiếp công dân thường xuyên.
“Tôi khẳng định tất cả thống kê của Ban Dân nguyện đều dựa trên nguồn là báo cáo có đóng dấu của UBND các tỉnh” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Với riêng phản hồi của tỉnh Phú Yên cho rằng tỉnh này thực hiện đầy đủ việc tiếp dân, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải giải thích: “Báo cáo nói rõ là tiếp dân định kỳ gắn với thẩm quyền giải quyết chứ không phải tiếp dân không. Ngoài ra, có thể tỉnh Phú Yên có sự thay đổi cán bộ lãnh đạo thời gian gần đây nên nhân viên làm báo cáo cho các UBND từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở không chú ý”.
Video đang HOT
Đặc biệt, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh việc tiếp dân phải được thực hiện bởi người lãnh đạo đứng đầu. “Luật nêu chủ tịch UBND tỉnh, TP tiếp dân định kỳ 1 tháng 1 lần; chủ tịch UBND huyện 1 tháng 2 lần; chủ tịch UBND xã 1 tháng 4 lần. Ở đây, đề cập đến tiếp công dân gắn với thẩm quyền giải quyết công việc đó. Cấp phó đi tiếp công dân cũng chưa giải quyết được vấn đề công dân nêu. Công dân muốn gặp người có thẩm quyền giải quyết được việc đó” – Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói rõ.
Bà Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng có nhiều địa phương tỉ lệ tiếp dân của lãnh đạo tỉnh rất cao, thậm chí tỉnh Khánh Hoà đạt kết quả tiếp dân đến 50 ngày trong năm. Nhưng, tỉ lệ uỷ quyền cho cấp phó tiếp dân lại rất nhiều. “Tiếp dân phải gắn với chất lượng, gắn với thẩm quyền giải quyết. Bản thân tôi tiếp dân không hiệu quả bằng một chủ tịch huyện. Phải công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện thì người dân mới biết ngày đó chủ tịch tiếp để đến đề đạt nguyện vọng”của dân – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh lại.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng chia sẻ mặc dù việc uỷ quyền trong tiếp công dân chưa được quy định trong luật nhưng nhiều địa phương đã phản ánh đây là một điểm bất cập. “Địa phương đề nghị khi sửa Luật Tiếp công dân phải cho phép uỷ quyền, nhưng đây là việc thuộc thẩm quyền QH quyết định sau này” bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Trước đó, trong phiên họp QH vừa qua, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Theo luật này, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày/tháng. Tuy nhiên, số liệu báo cáo cho thấy chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỉ lệ bình quân 48% so với quy định. Trong khi đó, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân khá phổ biến. Cá biệt có chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng. “Phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh hoàn toàn trắng về số liệu như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng… Có những tỉnh tỉ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0% như: Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên” – bà Hải dẫn chứng.
Phản hồi lại, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết rất bất ngờ với ý kiến cho rằng chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên không tiếp dân. “Qua kiểm tra bước đầu cho thấy tháng nào UBND tỉnh Phú Yên cũng tiếp công dân theo quy định. Riêng anh Trà (ông Hoàng Văn Trà, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – PV) cũng nhiều lần tiếp công dân chứ không phải là không có. Trong việc tiếp công dân và trả lời đơn thư, tỉnh Phú Yên được đánh giá là tốt. Chỉ sợ là chế độ báo cáo với Ban Dân nguyện – Ủy Ban Thường vụ của Quốc hội có chỗ nào đó không đầy đủ” – ông Phạm Đại Dương nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết đang liên hệ với Ban Dân nguyện để cho biết rõ việc tiếp công dân bắt buộc phải chủ tịch UBND tỉnh hay được phép ủy quyền phó chủ tịch UBND tỉnh để thực hiện được tốt.
Phương Nhung
Theo nld.com.vn
Hiện tượng đòi "lót tay" biến tướng ngày càng tinh vi!
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện tượng đòi hối lộ, "lót tay", phong bì mà người dân phải đối diện hàng ngày có những biểu hiện biến tướng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận.
Sáng 30/10, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đã trình bày kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Bà Hải cho biết, việc trả lời các kiến nghị đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Hiện tượng đòi "lót tay", hối lộ biến tướng ngày càng tinh vi
Cụ thể, việc chống tham nhũng vặt còn chưa thực sự hiệu quả. Hiện tượng đòi hối lộ, "lót tay", phong bì mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận.
Theo bà Hải, vấn đề trên đã ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức xã hội nhưng chậm được phát hiện, xử lý qua thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, bà Hải cho biết, một số vấn đề mà cử tri phản ánh chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị, như vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường...
"Đây là những vấn đề được cử tri phản ánh ở hầu hết các kỳ tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu, tích cực, chủ động tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng hiệu quả chưa cao", bà Hải nói.
Theo bà Hải, những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, sự công bằng giữa các thí sinh, tiếp tục gây hoang mang, bức xúc trong dư luận cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm, tạo niềm tin trong nhân dân.
Trước những vấn đề trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong chống "tham nhũng vặt và giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Quang Phong
Theo Dantri
Quốc hội chất vấn việc thực hiện lời hứa của thành viên Chính phủ Phần lớn thời gian tuần làm việc thứ hai, Quốc hội sẽ nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết chất vấn và chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo chương trình nghị trường, ngày mở đầu tuần làm việc thứ 2 (29/10) của kỳ họp thứ 6, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện...