‘Trước mặt tôi, ông ta chĩa súng vào mặt mẹ’
Việc phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình để lại trong đứa trẻ nỗi ám ảnh, sự tổn thương có thể dẫn đến trầm cảm, tính cách hung hăng, bạo lực sau này.
Mặc cho vợ đang ôm con 2 tháng tuổi, đứa con lớn 5 tuổi đang chứng kiến sự việc, “võ sư” Nguyễn Xuân Vinh (32 tuổi, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, hà Nội) vẫn thẳng tay dùng nhiều cú tát, đấm, đá liên tục… vào nạn nhân.
“Đứa con còn nhỏ nên chắc chưa biết gì”, “Không biết cậu con lớn có biết ngăn bố đánh mẹ?”, “Biết nhà nào chả có xô xát nhưng tránh lúc có mặt con ra chứ”…
Hàng loạt câu hỏi được dân mạng đặt ra về việc người lớn bạo hành nhau trước mặt con nhỏ.
“Võ sư” đánh vợ đang ôm con nhỏ, trước sự chứng kiến của đứa con khác khiến dư luận bức xúc. Ảnh cắt từ clip.
Theo Parents, nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình tin rằng họ có thể giấu con cái chuyện bạo hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đó là vấn đề không thể che đậy – ngay cả khi trẻ em ngủ hoặc không có mặt khi sự việc diễn ra.
“Ngay cả khi không chứng kiến sự việc, trẻ em vẫn có thể nhận thấy thái độ căng thẳng, tiếng đánh đập, thương tích hay khoảng cách giữa bố và mẹ”, Alicia H. Clark – nhà tâm lý học lâm sàng ở Washington, Mỹ – nói.
Và bất kể trẻ em biết về bạo lực gia đình theo cách nào, việc tiếp xúc với vấn đề này có thể gây ra hậu quả tiêu cực liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tình cảm, hành vi, mối quan hệ với bố mẹ và người xung quanh, học tập, thậm chí chính chúng cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực.
“Với mẹ, ông ta có thể biến thành quái vật”
“CLLLL-OOOOWWWW-DEEE-AHHH!”
Tiếng hét thất thanh, ngắt quãng, vang lên nhiều lần xen giữa những cú đánh, đấm như trời giáng của người đàn ông lên cơ thể người phụ nữ chung sống với mình.
Claudya Martinez mới lên 5, hoặc 6 tuổi, khi cảnh tượng mẹ bị đánh in hằn vào tâm trí non nớt.
Người đàn ông chắc chắn rất nặng tay, bởi Claudya nghe thấy cả tiếng nắm đấm chặt của ông thụi vào cơ thể mẹ liên hồi.
“Tôi ngồi trong phòng, lắng nghe và đếm từng tiếng hét của mẹ cho đến khi ngừng bặt”. Ảnh: Mirror.
“Người mẹ xinh đẹp của tôi bị đánh và liên tục gào tên tôi. Tôi đứng chôn chân, không biết phải làm gì để cứu mẹ.
Tôi chỉ biết rõ mình không thể gọi cảnh sát.
Đó không phải là một lựa chọn. Bởi vì gia đình tôi không bao giờ gọi cảnh sát”, nữ tác giả nhớ lại.
Claudya ngồi trong phòng, lắng nghe và đếm từng tiếng hét của mẹ cho đến khi ngừng bặt: “Một triệu mốt, một triệu hai, một triệu ba”.
Khi khác, cô đứng bên ngoài cánh cửa phòng đóng kín, nơi mẹ bị bạo hành, và đặt lòng bàn tay bé nhỏ lên đó.
Nhưng Claudya “bé” đã không khóc. Người rơi nước mắt là Claudya “lớn”, khi ngồi kể lại những hồi ức buồn.
“Đó là một khoảnh khắc lơ lửng trong cảm giác sợ hãi, tội lỗi và bất lực. Tôi để mặc mình trôi nổi trong khoảnh khắc ấy cho đến khi nó kết thúc”.
Người đàn ông không phải bố Claudya, nhưng cô từng yêu quý ông ta. Ông không kết hôn với mẹ, nhưng đối xử với bà ấy chẳng khác nào căn nhà hay chiếc xe thuộc quyền sở hữu.
Người đàn ông tốt bụng, dịu dàng và không bao giờ “vung tay” với Claudya.
“Tuy nhiên, với mẹ, ông ta có thể biến thành quái vật”.
Hai mẹ con Claudya từng vội vã chạy trốn khỏi người đàn ông một vài lần, khi ông ra ngoài làm việc. Nhưng ông ta luôn tìm ra và bắt cả hai quay trở lại.
Video đang HOT
“Có lần, ông ta thậm chí không chờ tới lúc chỉ có hai người để đánh mẹ. Trước mặt tôi, ông ta đánh đập và chĩa súng vào mặt bà ấy. Thế giới của tôi tưởng như muốn đổ sụp. Tôi không biết mẹ đã nói gì. Tôi cũng không nhớ mình có thốt ra lời nào không. Nhưng bằng cách nào đó, ông ta hạ súng xuống”, Claudya kể.
Cuối cùng, hai mẹ con Claudya đã xoay xở để thoát khỏi người đàn ông vũ phu. Thế nhưng, sự xuất hiện của người đàn ông khác – cha của em trai Claudya – tiếp tục khiến mẹ cô chịu cảnh ngược đãi.
“Khi cơn tức giận không biết tới từ đâu, ông ta vung nắm đấm vào mặt, khiến đầu mẹ giật ngửa ra sau”.
Một ngày nọ, người đàn ông “ghen tuông và nghiện ngập” này cố đánh Claudya. Điều đó khiến mẹ cô quyết định rằng bà đã nhận quá đủ đòn roi.
Claudya, 9 tuổi, đã gọi cảnh sát vì tưởng như người đàn ông sắp đập vỡ đầu mẹ mình. Mặc dù “không gọi cảnh sát” là “luật bất thành văn” của gia đình bấy lâu nay.
Với Claudya Martinez, chứng kiến mẹ bị bạo hành là khoảnh khắc lơ lửng trong cảm giác sợ hãi, tội lỗi và bất lực. Ảnh: Wiwi.
Hiện tại, mẹ Claudya đã kết hôn với người đàn ông biết rằng “phụ nữ không phải người để đánh” và “tình yêu không có nghĩa là sở hữu”. Claudya yêu quý cha dượng và thấy hạnh phúc cho mẹ.
Giờ đã là mẹ của hai cô gái, Claudya không bao giờ muốn con trải qua những ký ức đau buồn như mình thuở nhỏ.
Bà từng nghĩ mình chưa bao giờ bị đánh, thì bằng cách nào đó, bản thân không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, Claudya đã lầm.
Bạo lực gia đình đã cướp đi của bà “một tuổi thơ bình thường” và để lại những tổn thương, mà bà từng cất giấu rất lâu, rất sâu bên dưới tầng hầm cảm xúc, đến tận hôm nay.
Tăng nguy cơ đánh vợ khi trưởng thành
Theo Women’s Health, trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình hoặc là nạn nhân của sự lạm dụng có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài.
Đứa trẻ chứng kiến cha đánh mẹ hay ngược lại cũng có nguy cơ bạo lực cao hơn trong các mối quan hệ tương lai.
Trẻ em sống trong căn nhà xảy ra cảnh ngược đãi có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Chúng luôn cảnh giác, tự hỏi khi nào vụ bạo lực tiếp theo sẽ xảy ra. Điều này khiến chúng phản ứng theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi.
Với trẻ em dưới 5 tuổi, sự chấn động có thể biểu hiện bằng thói quen tè dầm, mút ngón tay cái, khóc nhiều hơn và hay rên rỉ. Trẻ cũng có thể khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, có dấu hiệu hoảng loạn như nói lắp hoặc lầm lì và đặc biệt sợ cảnh ly tán.
Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể cảm thấy tội lỗi về hành vi lạm dụng và tự trách mình vì điều đó. Bạo lực gia đình làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Chúng có thể không đạt điểm số cao, không tham gia vào các hoạt động ở trường, có ít bạn bè và thường xuyên gặp rắc rối. Đau đầu và đau dạ dày cũng là một trong số hậu quả.
Trong khi đó, thanh thiếu niên chứng kiến cảnh bạo hành có thể hành động theo cách tiêu cực như sẵn sàng đánh trả người nhà hoặc bỏ học.
Họ có thể tham gia vào các hành vi nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng rượu hoặc ma túy. Những người này cũng hay mặc cảm, gặp khó khăn trong việc kết bạn.
Họ thích đánh nhau, bắt nạt người khác và nhiều khả năng gặp rắc rối với pháp luật. Kiểu hành vi này phổ biến hơn ở những cậu bé tuổi teen hơn các cô gái cùng độ tuổi.
Đứa trẻ chứng kiến cha đánh mẹ hay ngược lại cũng có nguy cơ bạo lực cao hơn trong các mối quan hệ tương lai. Ảnh: Mom.
Về lâu dài, những đứa trẻ chứng kiến bạo hành gia đình có nguy cơ rơi vào “vòng xoáy bạo lực” khi trưởng thành.
Cụ thể, một cậu bé nhìn thấy mẹ bị bạo hành có khả năng lạm dụng bạn gái/vợ khi trưởng thành cao gấp 10 lần. Một cô gái lớn lên trong căn nhà, nơi cha đánh đập mẹ, có khả năng bị lạm dụng tình dục cao hơn 6 lần so với cô gái không phải chứng kiến cảnh đó.
Trẻ em chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo hành tình cảm, thể chất hoặc tình dục có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành như trầm cảm, lo lắng hay mắc bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim và nhiều vấn đề khác.
Trẻ em ám ảnh về bạo lực gia đình có thể được giúp đỡ để tránh những tác động về thể chất và tinh thần trong tương lai. Ảnh: Huffington Post.
Để giúp đỡ con trẻ phục hồi sau khi chứng kiến hoặc trải qua bạo lực gia đình, người lớn nên xem xét liệu việc rời khỏi mối quan hệ bạo hành có thể giúp con cảm thấy an toàn hơn hay không.
Cha/mẹ hãy nói chuyện với con về nỗi sợ hãi vàcho chúng biết rằng đó không phải lỗi của con hay lỗi của mình.
Từ những trải nghiệm về việc bạo hành, cha/mẹ nên nói cho con biết như thế nào là mối quan hệ lành mạnh và như thế nào là không. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức đúng khi bắt đầu các mối quan hệ trong tương lai.
Nạn nhân cũng nên nói với con về ranh giới, rằng không ai có quyền chạm vào chúng hoặc khiến chúng cảm thấy khó chịu, từ người nhà, giáo viên đến các nhân vật có thẩm quyền khác.
Bên cạnh đó, hãy giải thích cho con trẻ rằng bé không có quyền chạm vào cơ thể người khác và nếu ai đó yêu cầu dừng lại, chúng nên làm như vậy ngay lập tức.
Ngoài cha mẹ, người lớn nên giúp con tìm thấy nơi hỗ trợ đáng tin cậy, có thể là giáo viên cố vấn ở trường học, nhà trị liệu hoặc người trưởng thành đáng tin cậy khác.
Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) – cách trị liệu thông qua việc nói chuyện hoặc tư vấn – cũng có tác động tốt cho trẻ em từng chứng kiến cảnh bạo lực gia đình hoặc là nạn nhân.
Theo Zing
Bạo lực gia đình ở châu Á được dung dưỡng trong nền văn hóa 'nam trị'
Tại nhiều nước châu Á, khi "đàn ông là trụ cột của gia đình", nữ giới hầu như không có tiếng nói. Nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình chấp nhận sống và chịu đựng.
Sáng 27/8, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 2 phút, ghi cảnh "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh liên tục tát, đấm đá và ném sỏi vào vợ đang bế con nhỏ. Mâu thuẫn được cho là do người phụ nữ di chuyển tivi trong nhà nhưng không hỏi ý kiến chồng.
Ngày 22/8, ông Nguyễn Việt Lượng (sinh năm 1984, công tác tại Kho bạc Nhà nước Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) bị lên án sau khi lộ clip "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ.
Trước đó, đầu tháng 7, hình ảnh người đàn ông Hàn Quốc đánh đập dã man cô dâu Việt Nam khiến dư luận dậy sóng.
Những vụ bạo hành xảy ra liên tiếp. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ.
Tại nhiều nước châu Á, khi quan niệm "thuyền theo lái, gái theo chồng" hay "đàn ông là trụ cột của gia đình" vẫn còn tồn tại, nữ giới hầu như không có tiếng nói. Nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình chấp nhận sống và chịu đựng.
Phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Guardian.
Văn hóa "nam trị" - nơi bạo lực gia đình được dung thứ
Khoảnh khắc Wang Yimei bị chồng tát vào mặt và đẩy xuống cầu thang, trong đầu cô chỉ nghĩ đến hai đứa con của mình.
"Chúng sẽ sống sao nếu lần này mình chết thật", Wang tự hỏi.
Cảm giác thương xót, có lỗi với các con tiếp tục dằn vặt cô cho đến khi đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn.
"Tôi hy vọng chúng sẽ được lớn lên trong ngôi nhà không có bạo lực, sợ hãi, cảnh cha đánh mẹ mỗi ngày", Wang nói.
Wang dọn về nhà mẹ đẻ sau khi để lại lá đơn ly hôn. Tuy nhiên, cha mẹ Wang đã không ngừng chỉ trích hành động này của cô.
Họ thúc giục cô trở lại nhà chồng và cứ lặp đi lặp lại: "Sao không nghĩ cho con cái, ly hôn làm gì?".
Ở Hàn Quốc, gần 45% trong số 16.868 vụ án tấn công tại nhà không bị xử lý hình sự. Ảnh: Vector Stock.
"Mẹ tôi mắng mỏ và nói rằng chỉ cần tôi ở lại đó. Cuối cùng anh ta cũng già đi và sẽ không còn đánh đập tôi nữa", cô kể.
Mẹ Wang muốn cô chịu đựng người chồng vũ phu như cách bà đã làm với cha của cô. Tất cả vì con cái.
Cuối cùng, Wang trở lại nhà chồng.
"Phụ nữ phải biết hy sinh cho chồng, cho con" là điều đã in sâu trong nếp nghĩ của những người như mẹ của Wang.
Vì vậy, bất kỳ sự phản kháng nào của người vợ trong gia đình cũng là điều không hợp "lẽ thường".
Mặc dù luật pháp ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã trao quyền cho nữ giới nhiều hơn trước, tư tưởng "trọng nam kinh nữ", nền văn hóa "nam trị" vẫn còn tồn tại.
Các chuẩn mực trong gia đình truyền thống luôn đặt phụ nữ vào vị trí phụ thuộc nam giới. Trong quan niệm "đàn ông là trụ cột của gia đình", nữ giới hầu như không có tiếng nói.
Cuộc khảo sát quốc tế về bạo lực gia đình của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho thấy một nửa số người được hỏi thú nhận rằng họ đã lạm dụng thể xác, tình dục vợ hoặc bạn gái.
Gần như tất cả đều đồng ý rằng phụ nữ nên bình đẳng với đàn ông. Hơn 90% cho biết họ phản đối những người chồng vũ phu, bạo lực.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng phản ánh sự khoan dung mọi người dành cho nam giới.
24,7% người Trung Quốc trải qua bạo lực gia đình trong đời. Ảnh: SCMP.
Khoảng 72% nam giới và 61% phụ nữ được hỏi cho biết họ tin rằng đàn ông nên có tiếng nói hơn phụ nữ trong các quyết định quan trọng.
73% nam giới và 55% phụ nữ đồng ý rằng đàn ông nên cứng rắn. 50% đàn ông và 20% nữ giới ủng hộ ý tưởng rằng phái mạnh có thể sử dụng bạo lực để bảo vệ danh tiếng của họ.
"Các chuẩn mực về sự nam tính được chấp nhận rộng rãi là một nguyên nhân chính cho sự phổ biến của bạo lực gia đình đối với phụ nữ", Wang Xiangxian, phó giáo sư Xã hội học của ĐH Sư phạm Thiên Tân, Trung Quốc, nói.
"Nữ quyền là một từ dơ bẩn"
Theo Wang Han, phóng viên Global Times, ở Trung Quốc, nạn bạo lực gia đình vẫn bị xem nhẹ.
"Nhiều người nghĩ rằng xung đột giữa một cặp vợ chồng là vấn đề riêng tư, cần 'đóng cửa bảo nhau' thay vì nhờ đến cảnh sát và tòa án.
Một người bạn của tôi làm cảnh sát ở Thượng Hải nói rằng nếu ai đó gọi cho họ và báo cáo bạo lực gia đình, phản ứng đầu tiên của hầu hết cảnh sát là đề nghị thiền tĩnh tâm thay vì ngay lập tức giúp đỡ nạn nhân và cách ly hung thủ", ông Wang cho biết.
Trong những năm qua, phong trào #MeToo, bao gồm các cuộc đấu tranh trực tuyến, biểu tình kêu gọi bình đẳng giới và quyền hợp pháp cho phụ nữ, bùng nổ ở nhiều nước, trong đó có các quốc gia Đông Á.
Các cuộc biểu tình yêu cầu hợp pháp hóa việc phá thai, chống nạn quay lén hay đòi công bằng nơi làm việc, mức thu nhập... ở Nhật Bản, Hàn Quốc phần nào làm lung lay vai trò giới được định hình cứng nhắc bởi chế độ phụ hệ của Nho giáo.
Tuy nhiên, bất chấp điều này, theo Seung-sook Moon, giáo sư xã hội học của ĐH Vassar ở New York, mọi thứ vẫn chỉ đang giậm chân tại chỗ và nữ quyền vẫn là một từ "dơ bẩn" với nhiều người - đặc biệt là nam giới.
Tại nhiều quốc gia châu Á, nữ quyền không có chỗ đứng. Ảnh: Guardian.
Trong một cuộc khảo sát với 1.018 người được Realmeter thực hiện vào tháng 12/2018, chỉ 14% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho biết họ ủng hộ nữ quyền, so với 64% nữ giới cùng độ tuổi.
Đàn ông xứ củ sâm cho rằng phong trào nữ quyền ở đất nước này là đồng nghĩa với những đòi hỏi vô lý và thậm chí là sự căm ghét cực đoan dành cho nam giới.
"Phái mạnh hài lòng với các thỏa thuận truyền thống trong hôn nhân và nơi làm việc. Nhưng bây giờ phụ nữ lại đặt câu hỏi tại sao họ lại phải chịu đựng sự bất bình đẳng này.
Tôi nghĩ đó chính là lý do tại sao xung đột xã hội giữa nam và nữ đang trở nên gay gắt hơn", giáo sư Moon nói.
Theo Zing
Nữ phi công, hoa khôi Diệu Thuý nói về người chồng "võ sư" đánh vợ: "Chồng mình mà thế này, mình bỏ ngay" "Thật hổ thẹn cho cái danh "võ sư", thật xấu hổ với hai chữ người chồng" - Diệu Thuý bức xúc. Trong những ngày qua, cộng đồng mạng đã vô cùng phẫn nộ khi được chứng kiến đoạn video ghi lại cảnh "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh thẳng tay đánh vợ vô cùng dã man. Dù người vợ đang bế con chỉ mới...