Trước loạt lo ngại ô nhiễm đỉnh điểm tới nhiễm độc thuỷ ngân, bạn cần biết khẩu trang mình đang dùng hiệu quả tới mức nào
Khẩu trang y tế thời trang và tiện, khẩu trang vải dày dặn, khẩu trang chuyên dụng trông nguy hiểm. Mỗi loại khẩu trang này có tác dụng như thế nào trên mặt trận bảo vệ sức khỏe?
Từ câu chuyện nhà máy Rạng Đông bị cháy với lo ngại thủy ngân phát tán trong không khí, nhiều người lo lắng về việc phải bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí. Loại khẩu trang bạn đang dùng là khẩu trang y tế, khẩu trang vải hay khẩu trang chống độc? Chúng có khả năng bảo vệ bạn như thế nào?
Đeo khẩu trang gì để chống thủy ngân hay các loại kim loại, khí độc trong không khí ô nhiễm là băn khoăn của không ít người.
Thông thường, một chiếc khẩu trang có chức năng chống nắng, chống bụi bẩn thông thường và các virus, mầm bệnh lan truyền trong không khí. “Cao cả” hơn là chống lại các loại hơi, khí độc, bụi mịn, đặc biệt ở đô thị với nhiều động cơ giao thông, công trường xây dựng thải ra nhiều khói bụi ô nhiễm. Bên cạnh đó, yếu tố thẩm mĩ và giá cả cũng là điều người dùng quan tâm để có thể sử dụng thường xuyên.
Khẩu trang y tế: Tiện lợi, chống nắng một phần, chống được một số virus, đất bụi; chịu thua bụi mịn, kim loại.
Đây chính là loại khẩu trang được sử dụng nhiều bậc nhất nhờ tính tiện dụng, bạn chỉ cần dùng vài lần rồi vứt đi chứ không cần giặt giũ, bảo quản. Giá thành phải chăng, khoảng 1.000 đồng/cái là điểm cộng của sản phẩm này.
Khẩu trang y tế thường có 4 lớp, làm bằng vải không dệt và bông. Khẩu trang y tế khá mỏng nên khả năng chống nắng ở mức trung bình. Theo Healthline, khẩu trang y tế có khả năng chống lại tới 70% khả năng lây truyền cúm, dịch gây bệnh lan truyền trong không khí, khói bụi thông thường. Tuy nhiên, khẩu trang y tế không thể chống lại được bụi mịn, các tác nhân ô nhiễm, kim loại nặng cỡ nhỏ, khí độc trong không khí.
Một điểm đặc biệt khác mà nghiên cứu này chỉ ra là không có sự khác biệt đáng kể về khả năng chống virus giữa các hãng khẩu trang. Điều bạn cần lưu ý là chọn loại có kích cỡ vừa vặn, đeo đúng cách để sản phẩm phát huy tác dụng.
Video đang HOT
Khẩu trang vải: chống nắng tốt, nhưng khả năng lọc các tác nhân độc hại khác rất kém
Khẩu trang vải dày hơn khẩu trang y tế nên có khả năng chống nắng tốt, được chị em yêu thích để bảo vệ làn da của mình. Giá rẻ, có thể giặt sử dụng lại nhiều lần cũng là ưu điểm của sản phẩm này. The Nymag, khẩu trang vải được xếp ngang hàng với khẩu trang y tế về khả năng chống lại virus. Nhưng bạn cần diệt khuẩn khẩu trang đúng cách để tái sử dụng an toàn.
Hình ảnh chiếc khẩu trang vải quen thuộc ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ là khả năng lọc bụi – ngay cả bụi bẩn cỡ lớn có thể nhìn thấy bằng mắt của loại khẩu trang này lại rất tệ. Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts Amherst đăng trên the conversation chỉ ra, loại khẩu trang vải thông thường, có khả năng co giãn và giá rẻ dưới 20.000 đồng chỉ có khả năng lọc được 15-57% lượng bụi đi qua.
Và tất nhiên, loại khẩu trang này không có khả năng lọc bụi mịn hay các loại khí, hơi độc, kim loại nặng có trong không khí ô nhiễm.
Khẩu trang chống độc tiêu chuẩn N95 trở lên: lọc được bụi mịn và một số chất độc tới 95%, giá thành đắt đỏ
Các chuyên trang sức khỏe đều khuyên bạn, hãy lựa chọn các loại khẩu trang đã đạt các chứng chỉ về khả năng lọc bụi. Ví dụ, khẩu trang đạt tiêu chuẩn N95 hay N99 lần lượt lọc được từ 95% đến 99% các loại khói bụi ô nhiễm, bụi mịn PM10 và bụi siêu mịn PM5 hay PM2.5.
Có thể bạn chưa biết, bụi mịn PM 10, PM 5 là loại bụi có kích thước siêu nhỏ, tính bằng micro-mét, tất nhiên không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể xâm lấn vào trong tế bào, mang theo các ion kim loại đi vào trong cơ thể, là một trong những nguyên nhân phá hủy hệ miễn dịch, hệ hô hấp, gây ra các căn bệnh tim mạch.
Một chiếc khẩu trang an toàn cần lọc được gần như triệt để các loại bụi mịn PM10, bụi siêu mịn PM2,5 và các loại vi khuẩn, vi rút có hại cho sức khoẻ.
Các loại khẩu trang nổi tiếng như của 3M, Vogmask hay Cambridge được nhà sản xuất nói rằng có thể dùng trong môi trường bụi, nhiều sương mù, đặc biệt được khuyên dùng trong môi trường xây dựng, phun xịt thuốc trừ sâu, phun sơn hoặc trong quá trình hàn, mài, cắt kim loại. Tuy nhiên, những loại khẩu trang này có tác dụng trong việc ngăn cản, chứ không phải lọc được 100% khói bụi, khí độc. Hơn nữa, hãng khuyên dùng sản phẩm 1-2 tuần và hạn chế giặt. Việc tiếp xúc với nước có thể phá vỡ kết cấu màng lọc và các sợi dệt.
Dưới đây là một số sản phẩm khẩu trang nổi tiếng, đạt các tiêu chuẩn an toàn và có tính thẩm mỹ, thích hợp sử dụng ngày thường. Tất nhiên, những sản phẩm này đáp ứng các bộ tiêu chí cao nên mức giá cũng sẽ cao tương ứng.
Khẩu trang Vogmask dòng Microfiber đạt tiêu chuẩn N99, có giá 33 USD (767.000 đồng), có thể giặt sạch, tái sử dụng và có hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sản xuất. Vogmask có nhiều mẫu mã đẹp.
Khẩu trang của Cambridge có ba lớp, với lớp lọc trong cùng làm từ carbon hoạt tính, đáp ứng các tiêu chuẩn N99, là sản phẩm khẩu trang chống độc bán chạy nhất trên Amazon. Loại khẩu trang này có 5 kích cỡ từ XS đến XL, nhiều mẫu mã, giá bán từ 19 GBP (540.000 đồng) và có tuổi thọ dao động từ 6 tháng đến 90 giờ đeo tùy thuộc chất lượng không khí.
Nhắc đến khẩu trang an toàn, nhất định không thể quên 3M – công ty nổi tiếng với nhiều dòng khẩu trang an toàn, được khuyên dùng trong các công xưởng, nhà máy hàn cắt kim loại. Các sản phẩm 3M chia thành nhiều loại, đạt tiêu chuẩn N95 trở lên với các mô tả tác dụng rõ ràng, giá từ 2,5 USD (58.000 đồng) với loại dùng 1 lần.
Pitta Mask của Nhật cũng là một sản phẩm được nhiều người Việt tin dùng. Sản phẩm này có thiết kế hiện đại thanh lịch, chống tia UV và các tác nhân như bụi, nấm mốc, virus cúm nhưng không có khả năng chống bụi mịn và các tác nhân ô nhiễm đâu nhé. Trên Amazon, khẩu trang này được bán giá 7 USD (163.000 đồng) cho set 3 cái.
Còn nếu phải phòng tránh gần như 100% các chất độc hại có trong không khí, hẳn chỉ các loại mặt nạ phòng độc chuyên dụng mới có thể làm được điều đó. Và đừng quên đọc nhãn sản phẩm để lựa chọn ra khẩu trang bảo vệ sức khỏe mà mình mong muốn.
Theo Helino
Không chủ quan, nhưng đừng quá hoang mang
Thủy ngân được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách 10 hóa chất độc hại đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Độc tố này có thể tác động lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, thận, da và mắt.
Ảnh minh họa
Sau vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông, tính đến nay, đã có hơn 100 người được Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo một số xét nghiệm khác, như: công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO). Đến nay có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), 18 người còn lại chưa có kết quả.
Liên quan đến nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc cho rằng, yếu tố đáng quan ngại trong vụ cháy đó là môi trường nóng, nhiệt độ cao thuỷ ngân sẽ bốc hơi. Nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân cao nhất là lúc cháy to, sau khi dập rồi thì nguy cơ ít đi đáng kể. Những người có nguy cơ cao hơn cả là người trực tiếp tham gia cứu hỏa, hít trực tiếp khói nóng như lính cứu hoả, những cán bộ của Công ty Rạng Đông có mặt tại hiện trường vụ cháy, người dân tham gia chữa cháy, người dân ở sát nhà máy bị cháy, hít phải hơi nóng, khói trực tiếp trong thời gian kéo dài. Thời gian tiếp xúc cũng rất quan trọng, càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều, yếu tố khác có ảnh hướng như ngược hay xuôi chiều gió... Do vậy, bác sĩ Nguyên cho rằng, những người ở xa không hít hơi nóng, hay khói thì nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân thấp hơn nên người dân không cần quá hoang mang. Không nhất thiết tất cả phải đi khám, làm xét nghiệm gây tốn kém, không cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế đều có thể khám, lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm thuỷ ngân, không nên dồn đến Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai).
Theo BS Nguyên, không có cách nào thải độc thuỷ ngân được tại nhà. Việc này phải được các cơ sở y tế thực hiện với các loại thuốc đặc hiệu. Việc điều trị, thứ nhất là điều trị triệu chứng tức là biểu hiện ngộ độc ở đâu sẽ điều trị tại đó trước. Bệnh nhân nếu có triệu chứng suy hô hấp thì phải điều trị hô hấp trước, hay đau đầu, khó thở... Thứ hai là điều trị bằng thuốc giải độc, các bác sỹ sẽ dùng thuốc giải độc để "gắp" thủy ngân ra khỏi cơ thể.
Đức Trân
Theo daidoanket
Uống sữa có thực sự giúp bạn giải độc thủy ngân? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, trong tình hình hiện nay, nhiều người có suy nghĩ uống thật nhiều sữa mỗi ngày để giải độc thủy ngân đều cần xem xét lại. Nhiều người đi mua sữa về uống nhằm giải độc thủy ngân sau vụ cháy công ty phích nước Rạng Đông Đã gần một tuần trôi qua nhưng những nỗi lo...