Trước khi lên sàn, các nhà băng tranh thủ chốt room ngoại
Trước sức nóng của cổ phiếu ngân hàng hiện nay, các nhà băng đều đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2019. Trong đó, không ít ngân hàng đang chuẩn bị niêm yết kêu gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài.
Niêm yết, các ngân hàng thường hướng đến mục tiêu nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và là cơ hội thu hút thêm nhà đầu tư mới khi cổ phiếu của ngân hàng gia nhập với khối cổ phiếu “vua” trên sàn. TPBank, HDBank, Techcombank… đã nhìn thấy được cơ hội khi thị trường khởi sắc và cổ phiếu “vua” tăng điểm, nên sớm niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Thực tế, nhiều nhà băng đã chọn cách lấp room ngoại trước khi niêm yết trên sàn. Chẳng hạn, trước khi niêm yết đầu năm 2018, HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng). Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ được hoàn thành tới đây cũng giúp room ngoại đã lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu HDBank.
Tương tự, Techcombank lấp kín room ngoại bán cổ phần cho Warburg Pincus, thu về 370 triệu USD trước niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2018.
Mặt khác, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ thường có mong muốn hút thêm vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính trước khi đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung.
OCB, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 5% trong hạn mức 30% theo quy định, nên còn nhiều cơ hội cho cổ đông ngoại và ngân hàng chốt room ngoại trước khi niêm yết.
Ngân hàng này cũng có kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 7.898 tỷ đồng mới đây (OCB đã phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%). Theo thông tin từ Ban lãnh đạo OCB, ngân hàng này sẽ trình cổ đông và Ngân hàng Nhà nước kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng thêm vốn vào cuối năm nay, trong đó không loại trừ khả năng OCB sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước, sau đó mới xúc tiến các thủ thục niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chủ tịch HĐQT OCB cho hay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề hợp tác với OCB, song để tìm được đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng thì đòi hỏi một quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng. Cách đây không lâu, OCB đã chia tay đối tác ngoại lâu năm là Tập đoàn BNP Paribas (Pháp) khi nhà đầu tư ngoại này thoái hết hơn 74,705 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 18,68% vốn. BNP Paribas trở thành cổ đông chiến lược OCB từ ngày 22/2/2008 với sở hữu ban đầu là 10%. Ba năm sau đó, BNP Paribas nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.
Video đang HOT
Tại Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc cũng cho hay, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu. Năm 2018, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, song chưa hoàn tất, nên sẽ tiếp tục triển khai trong năm nay, trong đó có hút vốn nước ngoài.
Ngân hàng này cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức. Như vậy, khả năng Nam A Bank sẽ chốt room ngoại trước khi niêm yết trên sàn HOSE.
LienVietPostBank cũng muốn chốt room ngoại trước khi chuyển sang niêm yết trên HOSE, thay vì giao dịch UPCoM. Ngân hàng đã khóa room ngoại xuống còn 5% để đàm phán bán 25% vốn cho đối tác ngoại, sau đó mới niêm yết trên sàn HOSE.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chiến lược của ngành ngân hàng, đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, ngoài các ngân hàng đã có mặt trên sàn (gần 20 mã gồm CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MBB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB, VBB), còn khá nhiều ngân hàng vẫn chưa xuất hiện. Sau làn sóng lên sàn đầu năm 2018 với những cái tên HDB, TPB, TCB…, mảng lên sàn của cổ phiếu ngân hàng có vẻ im ắng. Nhiều ngân hàng khác như Viet Capital Bank, Saigonbank, ABBank, VietA Bank… có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn đăng ký giao dịch, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.
Đánh giá về triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khá mạnh thời gian qua nên cơ hội đầu tư đón đầu trong nửa cuối năm.
Đây cũng là mùa kinh doanh cao điểm của ngành ngân hàng và lợi nhuận hai quý cuối năm luôn tăng cao hơn. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng. Đà hồi phục chủ yếu rơi vào những cổ phiếu của ngân hàng có quy mô lớn, lợi nhuận tốt, nợ xấu xử lý nhanh như VCB, ACB, MB…
Nhà đầu tư hiện nay đã có cái nhìn khá sát với thực tế hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, chứ không chỉ với thông tin lên sàn sẽ thu hút được nhà đầu tư. Vì thế, các ngân hàng mong chờ lên sàn sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và huy động vốn hiệu quả, nhưng xem ra khó đạt được như kỳ vọng.
Khánh Linh (T/h)
Theo antt.nguoiduatin.vn
Nhiều ngân hàng tự tin về đích 2019
Đạt lợi nhuận cao trong 3 quý đầu năm, không ít nhà băng gần chạm mục tiêu lợi nhuận cả năm 2019. Điều đáng mừng là nhiều ngân hàng tiếp tục dự báo, lợi nhuận quý IV/2019 có thể sẽ tăng so với các quý trong năm. Quý IV là mùa kinh doanh cao điểm của ngành ngân hàng.
Những cái tên sẽ vượt chỉ tiêu năm 2019
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cho biết, kết thúc 10 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Ngân hàng mẹ MB đạt trên 8.000 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm 8.345 tỷ đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua vào hồi cuối tháng 4 năm nay. Trong khi, 2 tháng còn lại là thời điểm kinh doanh vốn tốt nhất trong năm của ngành ngân hàng, do đó việc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra của nhà băng này là có cơ sở.
Tại Vietinbank, với mục tiêu lợi nhuận được ĐHCĐ giao tại kỳ đại hội thường niên năm 2019 ở mức 20.000 tỷ đồng, Ngân hàng tự tin sớm cán đích năm nay. Kết quả 9 tháng đầu năm nay của Vietcombank cho thấy, nhà băng này đã đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 17.500 tỷ đồng, hoàn thành đến 86% kế hoạch cả năm và là con số cao nhất từ trước tới nay.
Về tín dụng, nửa đầu năm nay Vietcombank đẩy mạnh cho vay với tăng trưởng 11,6%. Như vậy, so với hạn mức được cấp đầu năm nay 15%, dư địa cho vay vẫn còn. Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ không xin nới thêm room mà đẩy mạnh bán lẻ.
Nguồn thu từ bán lẻ và dịch vụ ngày càng được Vietcombank gia tăng mạnh. Vì vậy, không dừng lại ở mức lợi nhuận cao nói trên, Vietcombank đặt tham vọng, muốn đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là bán lẻ và ngân hàng số. Trong đó bán lẻ sẽ chiếm một nửa lợi nhuận, tức là khoảng 1 tỷ USD. Về ngân hàng số, Vietcombank định hướng giữ vị trí số 1 trên thị trường.
Ngân hàng đứng thứ 2 hệ thống ngân hàng về lợi nhuận thuộc về Techcombank. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 11.750 tỷ đồng năm nay, nhưng chỉ mới 3 quý đầu năm 2019, Techcombank đạt gần 8.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Điều này cho thấy, mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của Techcombank cũng rất gần.
Tại OCB, lợi nhuận trước thuế đạt 825 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 51,6% so với cùng kỳ, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.942 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn 15,3% so với 9 tháng đầu năm 2018. Tuy so với mục tiêu đưa ra cho cả năm nay 3.200 tỷ đồng thì 9 tháng đầu năm 2019, OCB mới chỉ thực hiện được khoảng 1/3 chặng đường. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, riêng trong tháng 10/2019, OCB đã thu về thêm hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Vì thế, 2 tháng còn lại của năm sẽ là cơ hội cho OCB hoàn thành chỉ tiêu đưa ra, thậm chí có khả năng vượt kế hoạch. Bởi đây là mùa kinh doanh vốn cao điểm trong năm.
OCB hiện đã tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, song ông Tùng cho biết, Ngân hàng tiếp tục nỗ lực thu hồi nợ để có thêm dư địa cho vay và đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ để quanh nhanh vòng vốn, nhưng NIM (biên lãi ròng) trong hoạt động tín dụng tăng.
Nhờ chi phí dự phòng giảm 69%, ACB báo lãi sau thuế 1.549 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.561 tỷ đồng, tăng 16%, một phần nhờ trích lập dự phòng giảm 76%. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.447 tỷ đồng, tăng 18%, hoàn thành 87% kế hoạch năm. Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra năm nay 7.279 tỷ đồng, khả năng ACB sẽ vượt kế hoạch. Lãnh đạo ACB từ chối bình luận về mức vượt chỉ tiêu, nhưng cho biết, áp lực dự phòng đã giảm mạnh.
VPBank cũng ghi nhận 7.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm. Trong đó, tỷ trọng lợi nhuận FE Credit đóng góp cho Ngân hàng mẹ VPBank là không nhỏ. Quý cuối năm là thời điểm kinh doanh "vàng" của ngân hàng nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng của FE Credit tăng cao so với các quý trong năm. Vì thế, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng đưa ra năm nay, ngân hàng VPBank tự tin đạt và vượt kế hoạch đưa ra 2019.
Nhiều nhà băng tăng trích lập dự phòng
Bên cạnh bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng, nhiều nhà băng phải tăng trích dự phòng khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và phải trích 100% chi phí dự phòng) phình ra. Tại VPBank, đối với trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng đã trích ra 3.522 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế, VPBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 22% lên mức 9,993 tỷ đồng, song nhà băng này vẫn thu về hơn 7,199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 5,754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với cùng kỳ 2018.
Tại BIDV, chi phí dự phòng ở mức cao, lên tới 16.502 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. BIDV cũng là một trong những ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Vì thế, lợi nhuận trước thuế sau 3 quý hoạt động đầu năm của BIDV chỉ đạt 6.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch được ĐHCĐ thường niên năm 2019 thông qua, BIDV phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế là 10.300 tỷ đồng, tăng trưởng huy động vốn 11%, tăng trưởng tín dụng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Dự phòng rủi ro OCB 9 tháng đầu năm 2019 ở mức 632 tỷ đồng tăng nhẹ so với cuối năm ngoái. Kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm nay của các ngân hàng cho thấy, sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng do dự phòng vẫn "ăn" mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng và ngược lại. TS. Võ Trí Thành cho rằng, lợi nhuận ngân hàng sẽ dần cải thiện khi nền kinh tế tăng trưởng vững hơn. Tuy nhiên, TS Thành cũng lưu ý, nợ xấu vẫn luôn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng. Thực chất, các khoản nợ xấu bán cho VAMC, sau 5 năm sẽ quay lại ngân hàng và buộc nhà băng dùng nguồn lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng. Đến khi nào, các ngân hàng xử lý được các khoản nợ xấu này mới được hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ban hành tháng 6/2017 đã giúp cải thiện quy trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết cho phép ngân hàng bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách, miễn là nợ được xác thực bởi một tổ chức định giá độc lập. Trái phiếu VAMC thường có kỳ hạn 5 năm. Trong thời gian này, các ngân hàng phải trích dự phòng 20% mỗi năm để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi mua lại từ VAMC. Nếu không thể trích dự phòng 20%, ngân hàng có thể xin gia hạn với tỷ lệ 10% trong 10 năm. Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất quy định các ngân hàng nắm giữ trái phiếu VAMC với thời hạn hơn 5 năm sẽ không được trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng có thể không áp dụng với ngân hàng quốc doanh.
Đánh giá tổng quan về hoạt động ngân hàng, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, dù room tín dụng năm nay có phần chặt hơn, song những nhà băng quy mô lớn và sớm áp chuẩn Basel II vẫn được xem xét nới hạn mức tăng trưởng cho vay. Cùng với đó, nhiều nhà băng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, nên dù vẫn phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro lớn, nhưng lợi nhuận của các ngân hàng 2019 tiếp tục được đánh giá khả quan.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Áp dụng Basel II: Khó khăn nằm ở đâu? Trong khi các ngân hàng trên thế giới đã áp dụng các tiêu chuẩn Basel II từ 13 năm về trước và hiện nay đang hoàn thành chuẩn Basel III, thì nhiều ngân hàng ở Việt Nam tính đến ngày 3/12 mới có 14 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước cùng 2 ngân hàng nước ngoài đáp ứng được chuẩn này,...