Trước Bùi Quang Huy, những ai từng bỏ trốn khi bị khởi tố?
Trước ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy từng có nhiều trường hợp tương tự như: Trịnh Xuân Thanh – nguyên chủ tịch PVC, Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc PVTEX… đều bỏ trốn khi CQĐT quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can.
Ngày 19/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ( C03, Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy (ông chủ công ty Nhật Cường Mobile-PV).
Theo đó, Bùi Quang Huy bị khởi tố hai tội danh: Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 188 và Điều 221 Bộ luật Hình sự.
Bị can Bùi Quang Huy bị Bộ Công an truy nã.
Bùi Quang Huy bị Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố về tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 188 và Điều 221 Bộ luật Hình sự.
Bùi Quang Huy bỏ trốn từ ngày 9/5/2019. Trước khi trốn, Huy ở phòng W2107&08, Chung cư Golden WestLake, 151 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trước đó, ngày 14/5, C03 ra quyết định khởi tố vụ án về tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Đồng thời, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy và 8 đồng phạm về hai tội danh nêu trên.Theo tìm hiểu của PV, Bùi Quang Huy không phải trường hợp đầu tiên bỏ trốn khi CQĐT quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can.
Đề nghị Interpol bắt giữ và dẫn độ Vũ Đình Duy
Tháng 5/2018, sau khi xác định bị can Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) bỏ trốn, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã số 67/ANĐT-P4: Truy nã đối với Vũ Đình Duy.
Bị can Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) từng bị Bộ Công an truy nã vì bỏ trốn khi bị khởi tố.
Vũ Đình Duy bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự năm 1999 và “Nhận hối lộ” quy định tại điều 354 bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo tin tức từ cơ quan công an công bố, Vũ Đình Duy xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại. Vũ Đình Duy sinh năm 1975, quê quán xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nơi cư trú: phòng 417, B1 phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Duy có học vị Thạc sỹ Công nghệ hóa học. Trước khi về Vinachem, Duy từng có nhiều năm giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014.
Dưới thời Vũ Đình Duy, nhà máy liên tục lâm cảnh thua lỗ. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, ra các quyết định khởi tố 5 bị can, trong đó có Vũ Đình Duy, về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên trước đó, khi Thanh tra Chính phủ bắt đầu công bố kết quả thanh tra thì Vũ Đình Duy đã làm đơn xin phép cơ quan chủ quản đi nước ngoài để chữa bệnh. Mặc dù không được đồng ý của cơ quan chủ quản là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nhưng Duy vẫn không đến cơ quan rồi bỏ trốn.
Ngày 28/6/2017, Trung tướng Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết: “Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra ra lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc đã tiếp tục đề nghị Tổ chức Interpol truy nã quốc tế”.
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần 1 năm bị truy nã
Đặc biệt, xa hơn nữa, lúc 22h đêm 16/9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an chính thức phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Trịnh Xuân Thanh – nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Thông báo của CQĐT cho biết: ngày 16/9/2016, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự); đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan việc điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC, ngày 15/9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can bốn người đã và đang là các lãnh đạo của PVC.
Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, trước khi bỏ trốn trú tại số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.
Đến ngày 31/7, sau gần một năm bị truy nã, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú.
Vũ “Nhôm” và 14 ngày lẩn trốn
Tối 21/12/2017, lực lượng của Bộ Công an khám xét nhà riêng của ông Vũ “nhôm” tại số 82 Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Tuy nhiên, khi xe của Bộ Công an đi ra từ tầng hầm khu nhà, không hề có ông Vũ “nhôm” ngồi trên xe.
Ông Vũ “nhôm” đã đột nhiên mất tích. Nhiều câu chuyện, kịch bản về hành trình bỏ trốn của Vũ “nhôm” bắt đầu được thêu dệt và lan truyền trong dư luận xã hội.
Tờ Straits Times đăng hình ảnh ông Phan Van Anh Vu bị phía Singapore bắt giữ.
Tối 22/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phối hợp với Công an Đà Nẵng đã công bố Quyết định khởi tố bị can ngày 20/12 đối với Phan Văn Anh Vũ.
Nhưng khi xác định được bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định truy nã số 222/ANĐT do Thiếu tướng Lý Anh Dũng – Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ký ngày 21/12.
Theo đó, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) bị khởi tố do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.
Sau khi biến mất đầy bí ẩn, chiều ngày 2/1/2018, Cơ quan Xuất nhập cảnh và cửa khẩu Singapore (ICA) xác nhận tạm giữ người tên “Phan Van Anh Vu” vào ngày 28/12/2017 vì vi phạm quy định Luật Xuất nhập cảnh.
Hãng Reuters ngày 4/1 đưa tin Cục Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) đã thông báo lệnh trục xuất Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, người bị cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố và phát lệnh truy nã.
Dương Chí Dũng bỏ trốn và bị bắt ở Campuchia
Ngày 6/2/2012, khi C48 đang tiến hành điều tra vụ án “tham ô”, “cố ý làm trái…” tại Vinalines, Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng được Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho thôi chức để Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Dương Chí Dũng (bên trái)
Ngày 17/5/2012, C48 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Dương Chí Dũng để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi xác định Dương Chí Dũng bỏ trốn, C48 ra quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can Dương Chí Dũng.
Ngày 5/9/2012, Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ được Dương Chí Dũng đang lẩn trốn tại Phnom Penh, sau khi ông này bỏ trốn sang Mỹ nhưng không thành.
Ngày 16/12/2013, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tử hình về tội “tham ô”, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là “tử hình”.
Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn yêu cầu Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người phải nộp lại số tiền đã tham ô là 10 tỉ đồng và bồi thường trách nhiệm mỗi người 100 tỉ đồng.
Lê Quang Hiếu Hùng bị dẫn độ từ Cuba về Việt Nam
Sáng ngày 9/3, tại Hà Nội, Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an), Văn phòng INTERPOL Việt Nam và tổ chức INTERPOL quốc tế đã dẫn độ thành công đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng từ Cộng hòa Cuba về Việt Nam.
Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thông báo và tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can Lê Quang Hiếu Hùng.
Lê Quang Hiếu Hùng sinh ngày 16/10/1974, công nhân viên quốc phòng Chi nhánh Đầu tư xây dựng Miền Nam, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) là bị can bị truy nã quốc tế trong vụ án “Giả mạo trong công tác; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả” đã bị Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố ngày 21/10/2018.
Sau khi bị khởi tố, đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã đề nghị Văn phòng INTERPOL Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Trong quá trình lẩn trốn, đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tạo vỏ bọc, thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở nhằm tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.
Theo Danviet
Thiếu tướng Lê Văn Cương : Có thể Nhật Cường Mobile đã được 'bảo kê'
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng sở dĩ Nhật Cường hoạt động kinh doanh buôn lậu trong thời gian dài có thể có thế lực đứng sau "bảo kê".
Video: Cảnh sát khám xét cửa hàng của Nhật Cường mobile
Sau hàng loạt cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường bị khám xét, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc doanh nghiệp này) cùng 8 người khác để điều tra về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) cho rằng có thế lực "bảo kê" đứng đằng sau hoạt động của công ty này.
Nên kiểm tra lại các gói thầu của Nhật Cường Mobile
Theo tướng Cương, Nhật Cường Mobile là doanh nghiệp có tiếng tăm, công ty thuộc diện "anh chị" trong giới kinh doanh công nghệ ở Hà Nội.
Với động thái khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Quang Huy và đồng phạm, cơ quan điều tra cần làm rõ tất cả các tội danh của bị can Huy và những người liên quan. Trong đó, điều quan trọng nhất là cơ quan công an cần có hồ sơ, chứng cứ để xác định tội danh.
Ông nói, Nhật Cường là doanh nghiệp lớn. Việc kinh doanh của đơn vị này diễn ra nhiều năm, làm khuynh đảo thị trường điện thoại nhưng đến nay Tổng giám đốc mới bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng có thế lực "chống lưng" cho Nhật Cường Mobile. (Ảnh: Quyên Quyên)
Trên cơ sở đó, tướng Cương nhận định có thế lực "bảo kê" đứng đằng sau hoạt động của công ty này. Ông cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội cần làm rõ.
"Thậm chí, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan có thẩm quyền khác có thể vào cuộc để tìm ra sau lưng Bùi Quang Huy là ai?", nguyên Viện trưởng đưa ra kiến nghị.
Đi sâu nghiên cứu các thông tin có được về Nhật Cường, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng một mình Bùi Quang Huy khó có thể gây dựng được thương hiệu này sau chừng ấy năm thành lập.
"Làm rõ có hay không thế lực đứng sau Nhật Cường sẽ giúp làm trong sạch bộ máy", tướng Cương nói và nhấn mạnh, cơ quan công an cũng cần thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ liên quan toàn bộ hoạt động, dự án của Nhật Cường để mở rộng điều tra.
Sau khi có kết quả xác minh, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, phải khởi tố điều tra bổ sung để đưa ra ánh sáng những người "chống lưng". Điều đó nhằm thực hiện đúng tinh thần "không có vùng cấm" trong đấu tranh chống tham nhũng.
"Tôi cho rằng việc bị can Bùi Quang Huy bị bắt còn có liên quan đến hàng loạt cán bộ, quan chức khác", nguyên Viện trưởng đánh giá.
Trước những lùm xùm về Công ty Nhật Cường trúng thầu nhiều dự án dịch vụ công của chính quyền TP Hà Nội, tướng Cương nói nguyên nhân có thể do sơ hở của Luật Đấu thầu.
Theo ông, quy định về đấu thầu hiện nay còn nhiều kẽ hở, thiếu tính chặt chẽ. Ông ví dụ khi tham gia đấu thầu, doanh nghiệp nào nêu mức giá rẻ nhất sẽ dễ trúng thầu.
Vị tướng đặt câu hỏi rằng ở Hà Nội có nhiều doanh nghiệp, đơn vị có thế mạnh về công nghệ thông tin nhưng vì sao doanh nghiệp do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc có thể trúng thầu các dự án liên quan đến hàng triệu người dân thủ đô?
"Nên kiểm tra lại các gói thầu này để làm rõ thêm trách nhiệm của cơ quan chức năng", nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược tiếp tục kiến nghị.
Bắt Bùi Quang Huy và 8 đồng phạm là động thái khởi đầu
Nói về vụ án xảy ra tại Nhật Cường Mobile, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng nằm ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ.
Với lĩnh vực kinh doanh điện thoại và đặc điểm hàng hóa mà Nhật Cường buôn bán, không ít người đã nghĩ đến các vi phạm quy định về thuế, tài chính.
Theo ông Cường, về nguyên tắc cơ quan điều tra sẽ làm rõ tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, pháp nhân khi điều tra vụ án hình sự.
Khám xét chuỗi cửa hàng Nhật Cường, cảnh sát thu giữ hàng nghìn điện thoại, tài liệu liên quan. (Ảnh: Hoàng Lam)
Trong quá trình đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy ngoài hành vi đã bị khởi tố mà có hành vi vi phạm khác đến mức xử lý hình sự thì sẽ tiếp tục khởi tố về tội danh khác theo nguyên tắc không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Thiệp phân tích Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Bùi Quang Huy và 8 đồng phạm là động thái khởi đầu để mở rộng vụ án.
Sau khi kết quả điều tra vụ án được tiết lộ, nếu xác định bị can có dấu hiệu hình sự liên quan đến hành vi trốn thuế hay sai phạm trong các dự án đã trúng thầu, cơ quan công an có thể khởi tố bổ sung mà không cần tố giác tội phạm.
Đến lúc đó, cần làm rõ thêm dấu hiệu của các hành vi như thông thầu, tiết lộ thông tin trước đấu thầu hay vi phạm quy định về đấu thầu để có căn cứ xử lý cá nhân, tổ chức liên quan.
Theo luật sư, trong các dự án, bên mời thầu thường đưa ra những tiêu chí đối với các gói thầu. Khi thấy đối tác nào đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra, chủ dự án sẽ cho đơn vị đó trúng thầu.
Trường hợp các dự án liên quan đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia cần đảm bảo bí mật hay yếu tố đặc biệt khác thì được chỉ định thầu, theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường thành lập năm 2001. Năm 2017, doanh nghiệp nằm trong số 50 công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam.
Năm 2011, Nhật Cường thành lập trung tâm phần mềm quản lý doanh nghiệp phục vụ nhu cầu của công ty. Chỉ một năm sau, công ty này đã trúng thầu dự án cơ sở dữ liệu cho 7,9 triệu dân của Công an Hà Nội.
Theo hồ sơ năng lực, công ty đã tham gia xây dựng 126 dịch vụ công, phục vụ hàng triệu người dân Hà Nội như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online và đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp, phần mềm quản lý tội phạm.
Nhóm khách hàng khối cơ quan, Nhà nước của công ty bao gồm UBND Hà Nội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở Tư pháp...
Theo VTC
Nhật Cường Mobile thu trăm tỉ nhưng lãi chỉ vài trăm triệu? Theo cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Bùi Quang Huy - tổng giám đốc Nhật Cường Mobile cùng 8 bị can đã lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính, để ngoài sổ sách hàng nghìn tỉ đồng doanh thu. Như đã đưa tin, ông Bùi Quang Huy - tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và...