Trung úy hy sinh tại Trường Sa về với đất mẹ
Ngày 23.1, chiến sĩ Phan Văn Hạnh ( Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải Quân), hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa đã yên nghỉ tại quê nhà.
Di ảnh người chiến sĩ trẻ Phan Văn Hạnh
Căn nhà cấp 4 lụp xụp ở xóm Trung Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) từ chiều tối qua đã chật cứng người thân, hàng xóm, bạn bè đến chờ đón linh cữu người chiến sĩ trẻ Phan Văn Hạnh.
Đón nhận linh cữu cùng những kỷ vật của con trai, bà Trần Thị Đúc (mẹ của chiến sĩ Hạnh) rưng rưng: “Mẹ đau lòng lắm Hạnh ơi…”.
Từ hôm nhận được tin con trai cả hy sinh tại Trường Sa, bà Đúc ngất lên xỉu xuống. Những lúc tỉnh, bà lại đi ra đi vào như người mất hồn, thỉnh thoảng nhìn di ảnh con trai rồi khóc nấc gọi tên con.
Video đang HOT
Gia đình và hàng xóm tiếc thương chiến sĩ Hạnh
Sau khi thi thể chồng được đưa về ngôi nhà tại cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), chị Nguyễn Thị Dung (vợ chiến sĩ Hạnh) dường như đã kiệt sức, khóc gọi tên chồng không thành tiếng.
Chị Dung cho biết hai vợ chồng đã có một cháu gái 5 tuổi. Cô con gái Phan Thùy Dương của vợ chồng chị Dung còn quá bé nên chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trên đầu thắt vành tang trắng, cháu bé cứ ngơ ngác cùng mẹ ngồi bên linh cữu bố.
Ôm con gái nhỏ vào lòng, chị Dung nắm lấy đôi bàn tay của con rồi bảo con vái lạy bố. Thấy mẹ khóc, cô bé cũng òa khóc theo.
Quê nhà đón linh cữu người chiến sĩ trẻ hy sinh trên đường làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc
Trung úy Phan Văn Hạnh sinh ngày 15.10.1982 trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh em, ông Phan Văn Hà (gần 60 tuổi, bố chiến sĩ Hạnh) là lao động chính trong gia đình. Ngoài việc đồng áng, ông còn làm thêm nghề thợ nề để có thêm thu nhập nuôi 4 con ăn học.
Chiến sĩ Hạnh là con trai trưởng trong gia đình. Anh luôn là người sống gương mẫu cho các em noi theo. Tháng 3.2002, anh lên đường nhập ngũ và công tác tại Tiểu đoàn 865, Lữ đoàn 126 Hải quân.
Tháng 8.2007 đến tháng 4.2013, anh Hạnh được phong quân hàm từ thiếu úy lên trung úy quân nhân chuyên nghiệp, công tác tại Trạm 94 đảm bảo căn cứ hậu cần kỹ thuật 696 Hải quân.
Từ tháng 5.2013, anh được điều động về Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân và nhận nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 17.1, trên đường đi tuần tra tại đảo Tốc Tan C, xuồng của Trung úy Phan Văn Hạnh đã bị lật và anh đã vĩnh viễn ra đi.
Sau khi trung úy Hạnh hy sinh, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi đưa về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai, bằng tàu Hải quân. Từ đây, lãnh đạo Vùng 4 Hải quân và đồng đội đưa anh về Bệnh viện 175 Bộ quốc phòng (đóng tại TP.HCM), làm lễ nhập quan và truy điệu. Chiều tối 22.1, thi thể trung úy Hạnh về đến quê nhà.
Theo TNO
Thêm một người lính Trường Sa ngã xuống biển khơi
Không phải cứ chiến tranh bom rơi đạn nổ mới có sự mất mát hi sinh, mà ngay giữa thời bình nơi tiền tiêu tổ quốc, vẫn có những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vào lòng biển mẹ, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đảo.
Trung úy Phan Văn Hạnh hi sinh tại đảo Tốc Tan C quần đảo Trường Sa vào ngày cận Tết Giáp Ngọ là một mất mát lớn cho gia đình và đồng đội. Tên anh được khắc ghi vào lịch sử Vùng 4 Hải quân.
8 giờ sáng ngày 18/1, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên, thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương. Mặc dù đã cố gắng điều khiển xuồng, nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm chiếc xuồng lật úp.
Trung úy Phan Văn Hạnh trong một ca gác tại đảo Tốc Tan C.
Ngay sau khi Trung úy Hạnh hi sinh, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu hải quân về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai. Lãnh đạo Vùng 4 và đồng đội đón anh về Bệnh viện 175 Bộ quốc Phòng và làm lễ truy điệu tại đây. Theo nguyện vọng của gia đình, thi thể trung úy Hạnh được chuyển bằng xe đông lạnh đặc biệt, an táng tại quê nhà tại Nghệ An ngày 22/1.
Trung úy Phan Văn Hạnh sinh năm 1981, quê Nghệ An, thuộc Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trung úy Hạnh nhập ngũ năm 2002 và đã có hơn 5 tháng làm việc trên đảo. Anh hi sinh tròn tuổi 33. Hiện Phòng chính sách Hải quân đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ quốc phòng công nhận Liệt sĩ cho Trung úy Phan Văn Hạnh.
Tốc Tan là một trong những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, có chiều dài khoảng 20km, rộng khoảng 7km, diện tích trung bình 75km2. Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá phía Tây 3 nhà lâu bền: Một nhà ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B); một nhà ở thềm san hô phía Bắc (nhà C) và một nhà ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A).
Theo Mai Thắng
Baotintuc.vn
Sắc xuân ở Trường Sa Mùa Xuân cũng là dịp giao - nhận quân ở huyện đảo Trường Sa. Cùng với mọi miền tổ quốc, quân dân nơi đây đang háo hức sắm sửa chào đón năm mới - Xuân Giáp Ngọ 2014. Tân binh chia tay đất liền ra nhận nhiệm vụ mới ở huyện đảo Trường Sa. Lương thực, thực phẩm được tiếp tế từ đất...