Trung úy công an dũng cảm cứu 8 người khỏi ‘cõi chết’
Trước cảnh 4 học sinh cùng người lớn bấu víu vào cành cây, run sợ, gào thét tuyệt vọng khi lũ đang dâng tới gần, trung úy Tài không đắn đo ôm cuộn dây thừng lao xuống dòng nước xiết cứu 8 tính mạng gặp nguy hiểm.
Hơn một năm sau ngày cơn bão số 2 ập vào Nghệ An, anh Lô Tú Tài (Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường và chức vụ công an huyện Tương Dương) vẫn nhớ như in hôm cùng đồng đội cứu 8 người dân xã Yên Na bị mắt kẹt trong lũ dữ.
Rạng sáng 25/6/2011, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2, lũ quét tràn về khe Chà Hạ chảy qua địa bàn xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Trời mưa không ngớt, dòng nước ngày càng dâng cao cuốn trôi nhà cửa, cô lập người dân và cắt đứt hoàn toàn giao thông.
Trên ngọn cây to bên bờ khe, 4 người lớn và 4 học sinh trên đường về nhà thì gặp lũ quét, không kịp chạy phải trèo lên cây tránh lũ, tính mạng đang hết sức nguy ngập. Người dân trong bản cố tìm cách cứu nhưng không được, vội báo công an đến ứng cứu.
Lô Tú Tài (giờ là thượng úy) kể lại giây phút cứu 8 người trong lũ.
Nhận được tin báo, tổ công tác đặc biệt do trung úy Lô Tú Tài làm tổ trưởng được phân công đến cứu người. Đường đến xã Yên Na lúc này sạt lở nghiêm trọng. Tới trưa, 6 người trong tổ mới đến được nơi nhưng không tiếp cận được vì địa hình hẹp và hiểm trở. Giữa dòng lũ sục sôi, 8 người vẫn bấu víu ngọn cây, kinh hãi nhìn nước ngày một dâng cao. Sợ chậm trễ, nước dâng lên cuốn trôi người dân, tổ công tác phải đi đường vòng sang bên kia mất cả tiếng đồng hồ.
Ở bên bờ kia, nhân thân của 8 người bị mắc kẹt đang gào khóc trong tuyệt vọng vì đã tìm mọi cách cứu nhưng không được. Khoảng cách từ bờ bên này đến cây có người bị mắc kẹt xa hàng chục mét.
Anh Tài nhận thấy chỉ còn cách bơi sang và dùng dây thừng buộc vào thân cây để nối vào bờ mới cứu được người. Bơi giỏi nhất tổ công tác, trung úy nhận nhiệm vụ khó khăn này. Anh dặn đồng đội “ở đây giữ một đầu dây, đợi tôi bơi sang bên kia buộc dây xong thì phối hợp cứu người” rồi ôm cuộn dây thừng lao mình xuống dòng lũ đang cuộn lên đục ngầu.
Video đang HOT
Mọi người nín thở nhìn anh lặn ngụp giữa dòng nước xiết. Bên kia, 8 người không ngừng kêu cứu, lũ đã lên gần sát tới họ.
Sang đến nơi, anh Tài nhanh chóng buộc dây thừng, thử lại một lượt để đảm bảo an toàn rồi mới cho người qua. 4 học sinh được đưa sang bờ trước. Sau hơn 2 giờ, 8 người bị mắc kẹt được đưa vào bờ an toàn trong sự vui mừng khôn xiết của người dân và tổ công tác.
“Chỉ vài phút sau, cây bật gốc và bị dòng nước cuốn trôi. Ai nấy đều hú vía”, anh Tài nhớ lại. Không kịp nghỉ ngơi, dù mệt nhoài, anh Tài cùng tổ công tác lại hối hả đến các địa bàn khác để hỗ trợ cứu người.
Vợ anh là giáo viên tại vùng núi Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: VT
Với nụ cười hiền lành, anh tâm sự, trước cảnh 8 người bấu víu ngọn cây trong tuyệt vọng đã không kịp nghĩ nhiều, chỉ biết quyết tâm cứu bằng được và lãnh trách nhiệm tiên phong. Quyết định thật nhanh cũng là một trong những “bí quyết” lấn át đi nỗi sợ của người cảnh sát chuyên đánh án ma túy.
Vợ anh, chị Lô Thị Thảo nhớ lại, hôm đó thấy chồng về muộn, bộ cảnh phục bê bết bùn đất, chị không hề biết anh vừa dũng cảm cứu người từ “cõi chết” trở về. Hôm sau thấy người dân nói, chị mới hay. Tự hào về chồng nhưng cũng không khi nào chị ngớt lo lắng mỗi khi anh đi làm nhiệm vụ.
Ở tuổi 29, anh Tài đã tham gia phá hàng trăm vụ án buôn bán ma túy trên địa bàn nóng của tỉnh Nghệ An. Năm 2004, anh được cử về phụ trách xã Yên Thịnh khi mới 21 tuổi. Trong lần vật lộn bắt kẻ buôn ma túy Lương Văn Viễn, trinh sát mới vào nghề này bị cào rách da, chảy máu. Hai tháng sau, Viễn chết vì nhiễm HIV. Lo sợ, anh Tài một mình bắt xe từ Nghệ An ra Bệnh viện lao phổi Trung ương xét nghiệm. “Ba ngày chờ đợi kết quả là thời gian tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Đến khi nhận được phiếu xét nghiệm âm tính, tôi bật khóc luôn tại chỗ và mới dám gọi điện về thông báo cho gia đình biết”, anh chia sẻ.
Ngày 17/8, thượng úy Tài là một trong 20 người được nhận giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” năm 2012 của Bộ Công an. Anh cũng là người duy nhất được nhận Huân chương dũng cảm do Chủ tịch nước trao tặng dịp này.
Theo VNE
Xác thiếu phụ vùi dưới bùn hé lộ tội ác kinh hoàng
Đang ăn cơm tối cùng đồng đội, chuông điện thoại của Trung tá Trần Văn Dũng, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Quốc, Kiên Giang chợt reo vang.
Một quần chúng ngụ tại tổ 1, ấp 4, thị trấn An Thới cấp báo vừa phát hiện xác chết một phụ nữ bị vùi trong bùn bên bờ Suối Lỡ, gần sông Cầu Sấu - khu vực giáp ranh giữa ấp 4, thị trấn An Thới với ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ. Ngay lập tức, Trung tá Trần Văn Dũng cùng 8 cán bộ, chiến sĩ kịp thời có mặt tại hiện trường...
Bà chủ tàu cá mất tích
Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy nạn nhân là một phụ nữ khoảng 35 tuổi, trên cơ thể có nhiều vết đâm hiểm ác, rất sâu bởi vật sắc nhọn. Chắc chắn nạn nhân tử vong do bị mất máu và tổn thương cơ quan nội tạng. Những dấu vết trên cơ thể chứng tỏ hung thủ đã ra tay sát hại rất tàn độc. Trong khi việc khám nghiệm đang được tiến hành, các điều tra viên bất ngờ nhận được tin chị Trần Thị Dư (SN 1974, ngụ ấp 4, thị trấn An Thới) mất tích. Căn nhà của chị Dư cách nơi hiện trường khoảng 160m. Ngay lập tức, các trinh sát có mặt tại nhà chị Dư. Con gái lớn của chị Dư cho biết mẹ em ở nhà một mình. Khi em về nhà không thấy mẹ đâu, trên sàn nhà, vách và nhiều vật dụng khác loang lổ nhiều vết máu. Nghĩ rằng mẹ gặp nạn nên em vội vàng chạy ra sân kêu cứu. Qua nhận dạng, nạn nhân bị vùi dưới bùn chính là chị Trần Thị Dư.
Nhận thấy đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, Công an huyện Phú Quốc quyết định thành lập tổ công tác do trung tá Trần Văn Dũng trực tiếp chỉ huy, phá án. Ngay trong đêm, việc khám nghiệm nhà chị Trần Thị Dư được tiến hành. Tủ quần áo nhà nạn nhân có dấu vết bị cạy, đồ đạc lục tung; dưới sàn có nhiều vết máu dù đã bị chùi xoá nhưng vẫn còn dấu vết. Người thân của chị Dư cung cấp thêm thông tin chồng nạn nhân sống bằng nghề biển, cứ chiều đi, sáng hôm sau về. Vợ chồng họ có 2 đứa con, đứa lớn đang học cấp III, đứa nhỏ hàng ngày được gửi chơi bên nhà bà ngoại cách đó không xa. Nạn nhân ngoài công việc nội trợ còn có quan hệ làm ăn thêm với người dân địa phương; trên người thường đeo nhiều vòng vàng, nữ trang... Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định đây là vụ án giết người, cướp tài sản.
Việc truy tìm hung thủ gây án thật không hề đơn giản, nhất là khu vực này có nhiều tàu đánh cá (cả tàu của gia đình nạn nhân) ra vào thường xuyên với hàng trăm ngư phủ đa số từ nơi khác đến. Cơ quan điều tra xác định hung thủ là người quen biết nạn nhân và chưa thể "cao bay xa chạy" sau khi gây án, do đó, trung tá Trần Văn Dũng nhanh chóng tập trung toàn bộ lực lượng khẩn trương truy tìm.
Vấn đề đặt ra lúc này là kẻ nào là hung thủ? Quanh khu vực nhà chị Dư dân cư khá đông, hầu hết là dân nghèo, có nhiều thành phần phức tạp, gần đây xuất hiện tệ cờ bạc, số đề. Cách đó không xa có những lùm cây rừng, cỏ dại um tùm, hiện trường bị xáo trộn. Do đó, công việc truy tìm thủ phạm của vụ trọng án quả thật không đơn giản. Công an Phú Quốc đã tổ chức phát động phong trào tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân; đồng thời chỉ đạo lực lượng triển khai đồng loạt biện pháp nghiệp vụ.
Hiện trường vụ án
Lật mặt gã ngư phủ độc ác
Sau khi sàng lọc hàng chục đối tượng, các trinh sát thấy nổi lên nghi can Nguyễn Văn Trọng tự Bảo (SN 1984, trú ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang). Trọng là người làm công cho gia đình chị Dư, cách hôm xảy ra vụ án hai ngày, Trọng xin chồng chị Dư nghỉ làm với lý do bị bệnh, mệt mỏi. Vậy nhưng nhiều người nhìn thấy Trọng đi quán uống cà phê tán dóc, chơi bi-da "thả phanh" suốt ngày, hoàn toàn không giống người mắc bệnh. Ngoài ra còn một điểm mấu chốt khác là là chiếc dép thu được tại hiện trường, giống như đôi dép mà Trọng thường mang. Cùng với nhiều tình tiết khác, các điều tra viên cho rằng Trọng là nghi can số một. Các trinh sát quyết định mời Trọng về trụ sở Công an thị trấn An Thới để làm rõ.
Ban đầu, Trọng tỏ thái độ bất hợp tác với Cơ quan điều tra, y luôn miệng kêu oan, cho rằng các trinh sát bắt nhầm người. Bằng lời lẽ hùng hồn, Trọng trưng ra nhiều chứng cứ ngoại phạm: Trọng nói vào thời điểm xảy ra án mạng, anh ta đang uống cà phê, có nhiều người nhìn thấy. Hơn nữa, Trọng không thù, không oán bà chủ, sao bỗng dưng lại nhẫn tâm ra tay giết người? Thậm chí Trọng còn "lập luận" y là trụ cột gia đình, không dại gì làm liều, gây liên luỵ đến cuộc sống vợ con... Tuy nhiên, lý lẽ ngụy biện của Trọng đã không qua được sự đấu tranh sắc sảo, kiên trì của trung tá Trần Văn Dũng và đại úy Trần Hữu Chương (Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Phú Quốc). Các điều tra viên vừa kiên trì đấu tranh kết hợp cảm hóa, giáo dục đối tượng, đồng thời tiếp tục thu thập chứng cứ để đấu tranh tội phạm. Khi các điều tra viên yêu cầu khám người, Trọng tái mặt, run lẩy bẩy. Trên cơ thể y có nhiều vết trầy sướt còn mới nguyên, không thể lý giải được nguyên nhân... Nhận thấy hành tung đã bại tội, Trọng gục đầu kể lại toàn bộ quá trình phạm tội.
Do cuộc sống ở đất liền khó khăn nên đầu năm 2010, Nguyễn Văn Trọng, đưa vợ con ra huyện đảo Phú Quốc sinh sống. Trọng đến nhà chị Trần Thị Dư chủ tàu cá để xin làm ngư phủ. Được chị Dư tạo công ăn việc làm, thay vì chuyên tâm lao động nuôi sống gia đình, Trọng lại tiêu xài vô độ khiến y luôn thấy túng thiếu. Hàng ngày đi làm thấy chị Dư đeo nhiều nữ trang, Trọng nảy sinh ý định giết cả ân nhân để chiếm đoạt tài sản. Một kế hoạch giết người tỷ mỉ được gã ngư phủ tàn ác âm thầm lên kế hoạch.
Ngày 11/8, Trọng báo mệt, xin không đi theo tàu cá. Đến sáng 15/8, Trọng qua nhà chị Dư hỏi mượn tiền nhưng chị Dư hẹn chiều. Đầu giờ tối, Trọng thủ sẵn dao nhọn sang nhà chị Dư. Lúc này, chị Dư ở nhà một mình và đang ngồi sử dụng máy vi tính. Vào nhà, Trọng vờ cất tiếng hỏi: "Chị Dư có tiền cho tụi em mượn chưa?". Nghĩ Trọng là người làm công cho gia đình nên chị Dư không đề phòng, mắt vẫn nhìn vào màn hình vi tính, trong khi Trọng xuất hiện từ phía sau lưng và đang cầm dao. Nghe Trọng nói, chị Dư trả lời: "Chị đã cho con gái cầm tiền qua nhà cho em rồi mà". Chị Dư vừa dứt lời cũng là lúc Trọng dùng dao đâm liên tiếp vào người chị. Bị trúng nhiều nhát dao ác hiểm, chị Dư gục xuống.
Trọng nhanh chóng kéo xác chị Dư ra bên hông nhà. Kiểm tra thấy nạn nhân đã chết, Trọng bắt đầu gỡ hết số bông tai, nhẫn... Sau đó y vào nhà lấy 1 điện thoại di động và vào buồng cạy tủ lấy hộp nữ trang. Gom tài sản xong, Trọng phát hiện các vết máu trên nền nhà nên cẩn thận dùng nước rửa sạch nhằm xóa dấu vết; đồng thời y kéo xác chị Dư đến mương bùn, dìm xuống nhằm phi tang. Sau đó, Trọng đem giấu tài sản vừa cướp được vào bụi cây gần nhà, còn cây dao gây án vứt xuống sông để phi tang, y bình tĩnh về nhà như không có chuyện gì xảy ra.
Mặc dù hung thủ rất ma mãnh, chuẩn bị kỹ "kế hoạch" gây án, dựng cả chứng cớ ngoại phạm để đối phó khi sa lưới nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", cuối cùng kẻ sát nhân cũng phải khuất phục trước những điều tra viên mưu trí, giàu kinh nghiệm. Chiến công phá vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng của Công an huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã được Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an khen thưởng.
Theo Báo Công Lý
Khi mẹ hiền còn ác hơn hổ dữ Người ta nói "Hổ dữ không ăn thịt con" vậy mà những bậc làm cha, làm mẹ trong lúc phẫn uất, tuyệt vọng đã đang tâm sát hại chính đứa con bé bỏng của mình chỉ vì những mâu thuẫn trong gia đình. Có những cháu bé may mắn được phát hiện và cứu sống kịp thời nhưng cũng không ít cháu đã...