Trung ương và cả nước sát cánh cùng TP.HCM, quyết tâm đẩy lùi đợt dịch COVID-19 cam go nhất
Kết luận cuộc làm việc với TP.HCM chiều ngày 11/7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn sát cánh bên cạnh Thành phố với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển của Thành phố.
Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM và đi kiểm tra công tác phòng – chống dịch tại TP.HCM.
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Trung ương và cả nước sát cánh cùng TP Hồ Chí Minh, quyết tâm đẩy lùi đợt dịch cam go nhất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là cuộc làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn Thành phố. Trước đó, trong chiều tối ngày 10/7 và sáng 11/7, Thủ tướng đã đi kiểm tra, động viên, đôn đốc công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh tại Long An, Tây Ninh.
Trước khi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra khu bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 tại khu tái định cư Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Đây là khu vực gồm bệnh viện dã chiến số 3 đã đi vào hoạt động từ ngày 7/7 và bệnh viện dã chiến 6,7,8,9 vừa được triển khai trong sáng nay với quy mô 18.000 giường.
Thủ tướng đã lần lượt đi kiểm tra khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế, phòng điều trị, phòng cấp cứu đệm và khu vực đang chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến số 6 có quy mô 6.000 giường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc TP.HCM trưng dụng chung cư tái định cư chưa đi vào hoạt động để làm bệnh viện điều trị COVID-19 là rất tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý vấn đề tổ chức điều trị làm sao để nhân viên y tế, lực lượng chống dịch không bị lây nhiễm ra ngoài.
Thủ tướng cùng đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra phường Tân Phú, TP Thủ Đức. Khu vực này được UBND TP Thủ Đức phong toả từ 0h ngày 6/7 cho đến khi có thông báo mới. Khu vực bị phong tỏa gồm 6 khu phố, 47 tổ dân phố với diện tích 351 ha, có hơn 12.000 hộ dân với hơn 34.000 nhân khẩu.
Thủ tướng đề nghị chính quyền thành phố và địa phương phải đảm bảo việc ăn, ở và các nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời nên có trung tâm cứu trợ và tận dụng công nghệ để liên lạc trực tuyến, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu cho người bên trong khu phong toả. Đây là nơi có nhiều công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy xí nghiệp sinh sống.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị thành phố nên áp dụng mô hình 3 tại chỗ đối với khu vực này để vừa đảm bảo được sản xuất, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng nghe lực lượng chức năng báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 16 tại phường Tân Phú, TP. Thủ Đức- TP.HCM Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành để TP.HCM thành công trong đợt chống dịch cam go nhất từ trước tới nay
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình dịch bệnh tại Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ 6h ngày 10/7 tới 6h ngày 11/7, Thành phố ghi nhận 1.403 ca nhiễm, phần lớn tại các khu cách ly, phong tỏa. Hiện đang điều trị 11.308 ca dương tính mới.
Từ ngày 25/6 đến ngày 10/7, Thành phố đã làm hơn 766.000 xét nghiệm kháng nguyên nhanh, lấy mẫu hơn 1,8 triệu mẫu xét nghiệm, đã có kết quả hơn 1,59 triệu mẫu, hơn 218.000 mẫu đang chờ kết quả.
TP.HCM đã lập Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 do Chủ tịch UBND Thành phố là Chỉ huy trưởng; lập Trung tâm điều phối xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố là Trưởng Trung tâm; lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu về dịch bệnh.
Thành phố bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với người dân, công bố 2.833 điểm được bán hàng phân bố rộng khắp; thí điểm thành công mô hình đưa hàng hóa thiết yếu đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn… Đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ người dân, đạt tỷ lệ 24%, đồng thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo các đối tượng khó khăn.
Video đang HOT
Thành phố xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới về tổ chức xét nghiệm; điều trị; tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Thành phố đã xây dựng và thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị với gần 30.000 giường; chuẩn bị phương án 50.000 giường. Gần 1 triệu người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng sắp tới với hơn 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong 2 đến 3 tuần tới.
Thành phố sẽ tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly; tăng cường kiểm tra giám sát, nếu cơ sở sản xuất không an toàn thì dừng hoạt động ngay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người gặp khó khăn, người nghèo, người yếu thế theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Các Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác của Thủ tướng đều nhận định Thành phố đang đi đúng hướng, cần tiếp tục giữ vững, không thay đổi hướng đi dù những ngày tới có thể tiếp tục phát hiện thêm nhiều các ca nhiễm. Đồng thời, có các điều chỉnh cần thiết cho phù hợp hơn với tình hình.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Thành phố tận dụng thời gian vàng trong 15 ngày giãn cách xã hội để tăng tốc các biện pháp chống dịch, từ xét nghiệm, cách ly cho tới điều trị. Nhiều Bí thư tỉnh ủy đã gọi điện cho lãnh đạo Bộ Y tế và sẵn sàng chung tay với Thành phố. Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành để Thành phố thành công trong đợt chống dịch cam go nhất từ trước tới nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, kể cả trong tình huống đạt được mục tiêu kéo giảm các ca nhiễm mới.
Quyết định đúng đắn, thực hiện từng bước có hiệu quả
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tới Thành phố nói chung và tình hình thực hiện Chỉ thị 16 nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện thật tốt các giải pháp phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đến giờ này, tình hình thực tế tiếp tục khẳng định, đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, cần thiết, được thực hiện từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình của Trung ương, sự ủng hộ của nhân dân, của doanh nghiệp, sự tham gia, hưởng ứng, góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia.
Thủ tướng khẳng định, tình hình càng khó khăn càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp của TP Hồ Chí Minh với cả nước. Trong 3 tháng 5 ngày kể từ Chính phủ được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc trực tiếp và 2 cuộc làm việc trực tuyến với Thành phố.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội chuyển lời qua tôi để động vên, hỏi thăm, chia sẻ và đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng của Thành phố vượt qua khó khăn, thử thách thời gian qua, nhất là cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự vào cuộc của nhân dân, của doanh nghiệp; đánh giá rất cao TP.HCM trong thực hiện 2 nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu cần phát huy cái làm được, mổ xẻ nguyên nhân những việc hạn chế để khắc phục khi triển khai thực hiện. Ưu tiên phòng chống dịch, chăm lo đời sống nhân dân là trên hết, không để người dân nào thiếu ăn thiếu mặc, hạn chế tối đa các ca tử vong.
Thực hiện tiếp cận vắc xin bình đẳng với tất cả người dân và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, mất việc làm, đối tượng lang thang, theo thứ tự ưu tiên của Nghị quyết 68, không được để xảy ra tiêu cực.
“Cố gắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường, cả nước đang mong đợi, cả nước đang trông chờ, cả nước đang tin tưởng TP.HCM. Phải huy động sức mạnh của tập thể, sáng kiến của nhân dân và phải, không hoảng hốt, bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra các quyết định phù hợp, trên tinh thần là lợi ích quốc gia và nhân dân lên trên hết” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng lưu ý, diễn biến của dịch bệnh là chưa có tiền lệ, vì vậy khi triển khai thực hiện nên căn cứ và tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tích cực tuyên truyền người dân, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn. Phải xem khó khăn thách thức này là động cơ phấn đấu, khẳng định và trưởng thành đội ngũ chính quyền các cấp. Thách thức này nếu vượt qua thì là cơ hội để khẳng định mình…
Trong thời gian tới, TP.HCM cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập để thực hiện thành công giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thủ tướng thăm cơ sở xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR tại BV đa khoa quốc tế Vinmec (Quận Bình Thạnh). Ảnh:VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác, lãnh đạo TP.HCM tại cuộc họp đồng lòng nhất trí khẳng định quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, vì “cả nước đang hy vọng, đang trông đợi, đang tin tưởng vào TP.HCM”.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, quan trọng nhất là không để khủng hoảng truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, truyền cảm hứng, động viên nhân dân cùng vào cuộc, đồng hành, hưởng ứng với hệ thống chính trị, không để kẻ xấu xuyên tạc, chống phá, lợi dụng.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố tổ chức thực hiện thật tốt các giải pháp phòng, chống dịch. “Trung ương luôn rất quan tâm, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng luôn luôn bên cạnh các đồng chí, giải quyết các kiến nghị nhanh nhất, tốt nhất có thể. Các đồng chí gọi, chúng tôi trả lời”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định cuộc chiến đấu này chỉ có một con đường là chiến thắng và Thành phố quyết tâm tổ chức thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tặng Thành phố 500.000 găng tay y tế, góp phần cùng Thành phố chống dịch hiệu quả hơn.
Đồng Nai: Hàng ngàn người dân đi làm xét nghiệm, nhiều nơi quá tải
Từ 0h ngày 5-7, toàn bộ người đi, về, đến Đồng Nai từ TP.HCM và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính .Để có giấy "thông hành" này, hàng ngàn công nhân, tài xế, học sinh đã đi làm xét nghiệm.
Hàng trăm người đến phòng khám đa khoa Nguyễn An Phúc (TP Biên Hòa, Đồng Nai) lấy mẫu xét nghiệm sáng 4-7 - Ảnh: N.Đ.N.
Lượng người đi làm xét nghiệm tăng 'đột biến' khiến nhiều bệnh viện, trung tâm y tế và các phòng khám đa khoa được phép xét nghiệm ở Đồng Nai rơi vào tình trạng quá tải.
Xếp hàng dài tràn ra lòng đường
Sáng 4-7, hàng trăm người có mặt tại phòng khám đa khoa Nguyễn An Phúc (đường Đồng Khởi, phường Tân Phong) để làm xét nghiệm.
Phòng khám đã bố trí bàn đăng ký, phòng test nhanh, ghế ngồi tách biệt nhưng do lượng người quá đông chiếm hết vỉa hè, một số người đứng tràn ra cả lòng đường.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Hồng Phước (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài), hàng trăm người chen chúc, đứng từ trong bệnh viện kéo dài ra tới đường.
So với các phòng khám, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark... cũng chịu sức ép không nhỏ khi người dân đi làm xét nghiệm quá đông.
Trong 3 ngày trở lại đây, lượng người đến làm test nhanh tại Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark Đồng Nai tăng mạnh, mỗi ngày đón khoảng 2.000 trường hợp đến làm xét nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu của "khách hàng", bệnh viện phải bố trí người làm việc xuyên đêm.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, riêng ngày thứ bảy (3-7) đón hơn 1.100 trường hợp đến làm xét nghiệm (cả test nhanh, mẫu gộp và mẫu đơn), gấp gần 10 lần so với ngày thường; Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đón gần 2.000 trường hợp, tăng 4 lần so với tuần trước; Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đón gần 500 khách mỗi ngày, bằng gần cả tuần trước đó...
Người đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai được bố trí ghế ngồi, đảm bảo giữ khoảng cách trong lúc chờ tới lượt lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: A LỘC
Người đến làm xét nghiệm chủ yếu là lực lượng công nhân, tài xế và học sinh chuẩn bị lên TP.HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sắp tới.
Chi phí xét nghiệm nhanh từ 200.000 đến 400.000 đồng/lần trong khi xét nghiệm PCR mẫu đơn có giá 734.000 đồng, mẫu gộp là 300.000 đồng.
Anh Nguyễn Anh Khoa - ngụ TP Biên Hòa - cho biết anh làm về cáp quang, thường xuyên phải di chuyển qua nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM và Bình Dương, nên tranh thủ cuối tuần đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm test nhanh để tiện đi lại, chi phí do công ty trả.
Còn ông Huỳnh Hữu Cường - ngụ huyện Vĩnh Cửu - cho biết sắp tới con ông thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Do TP.HCM yêu cầu phải có giấy xét nghiệm khẳng định âm tính mẫu đơn nên ông Cường đưa con đi xét nghiệm tại CDC Đồng Nai. Ông Cường chỉ đi chung nên "đăng ký làm mẫu gộp với một số người khác để tiết kiệm chi phí".
Giấy xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị trong 7 ngày nên hầu hết mọi người chọn cuối tuần đi làm xét nghiệm, từ đó gây ra tình trạng quá tải. Mặt khác, việc tập trung quá đông khiến nhiều người lo ngại không đảm bảo công tác phòng chống dịch tại những địa điểm này.
Người đến lấy mẫu xét nghiệm xếp hàng tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để đóng tiền làm xét nghiệm - Ảnh: A LỘC
Tăng cường nhân lực, dựng lán trại để giãn cách
Để đảm bảo phòng chống dịch, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark Đồng Nai sắp xếp vị trí riêng biệt cho việc lấy mẫu, dán vị trí thứ tự đảm bảo giữ khoảng cách khi thực hiện lấy mẫu test nhanh, đồng thời tăng cường nhân lực, làm thêm giờ, thậm chí xuyên đêm khi khách hàng có nhu cầu.
Theo đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, đơn vị đang triển khai app điện thoại để hỗ trợ khách hàng đăng ký trước, trong đó có tính năng tiện ích đăng ký test nhanh cho khách hàng. Khi đến bệnh viện, khách hàng chỉ cần đưa QR code đã đăng ký trước đó ra để được hỗ trợ nhanh nhất, giảm tải áp lực khâu đăng ký và khai báo y tế ban đầu.
Ông Ngô Đức Tuấn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho biết sau khi tỉnh ban hành "lệnh" phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào địa phương, đơn vị đã dự đoán được lượng người đến làm xét nghiệm sẽ tăng mạnh, nhất là 2 ngày cuối tuần.
Theo đó, bệnh viện xây dựng 3 khu vực lấy mẫu xét nghiệm; tăng cường đội ngũ nhân viên hướng dẫn, lấy mẫu, bảo vệ, kế toán; dựng thêm lán trại tại khu vực bên ngoài, không để ở trung tâm bệnh viện, kê thêm ghế đá, bạt cho người dân ngồi để đảm bảo giữ khoảng cách.
Một học sinh tại Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM - Ảnh: A LỘC
Theo bác sĩ Tuấn, không chỉ vấn đề giữ khoảng cách trong lúc làm xét nghiệm mà còn phải chấp nhận nguy cơ "dương tính" bất kỳ lúc nào, do đó toàn bộ nhân viên đều được tập huấn, trang bị đầy đủ.
"Ngay từ đầu, bệnh viện đã lên nhiều biện pháp, làm sao tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tới lấy mẫu xét nghiệm cũng như đảm bảo thực hiện tốt nhất tinh thần 5K" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, áp lực quá tải chỉ diễn ra trong nay mai, qua tuần sau sẽ dễ thở hơn bởi người đến làm xét nghiệm xen kẽ không tập trung như đợt này, nhất là số học sinh làm xét nghiệm để dự thi tốt nghiệp THPT và phụ huynh đi theo sẽ không còn.
Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết toàn tỉnh có hơn 30 cơ sở test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Trong đó, có 3 cơ sở xét nghiệm khẳng định và 1 cơ sở xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp PCR.
Trong tuần tới, một số cơ sở tiếp tục được tăng cường nhiều trang thiết bị mới, do đó Đồng Nai hoàn toàn đủ năng lực xét nghiệm cho toàn bộ người dân có nhu cầu.
Đối với một số phòng khám quá tải, không đảm bảo thực hiện đúng tinh thần 5K, ông Vũ cho biết đã chỉ đạo chấn chỉnh, yêu cầu các phòng khám không được nhận khách vượt quá sức chứa "an toàn" của cơ sở.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ ngày 26-6 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 68 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và lây nhiễm thứ phát, chủ yếu liên quan chợ đầu mối Hóc Môn. Ngoài ra, còn có một số ca liên quan chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), Công ty House Ware (Bình Dương), Công ty Jabill (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức)...
1.000 sinh viên y khoa TP.HCM đăng ký tình nguyện đi chống dịch Trong lúc lực lượng y tế TP.HCM đang căng mình, mệt nhoài tại điểm nóng về COVID-19 thì sự hỗ trợ của nhiều bạn sinh viên ngành y, tình nguyện viên tiếp thêm sức giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn. Trưa 4-7, tại điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Trường THCS Lương Thế Vinh, quận 3, TP.HCM, nhóm bốn...