Trùng tu di tích – kinh nghiệm từ nước Pháp
Theo thống kê, nước Pháp có hơn 45.600 cơ sở di tích, di sản, trong đó phần lớn là các nhà thờ, thánh đường và lâu đài cổ.
Để huy động nguồn vốn cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, bên cạnh phần đóng góp đáng kể của ngân sách địa phương, chính quyền Paris còn huy động sự tài trợ của các doanh nghiệp, hội đoàn, cùng sự đóng góp của người dân và khách du lịch.
Mặt tiền nhà thờ nhà thờ Sainte-Trinité được quây lại để trùng tu.
Trùng tu, tôn tạo di tích là những công việc tưởng không khó, nhưng kỳ thực lại khó không tưởng. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, vừa phải trân trọng lịch sử, vừa bảo tồn gìn giữ được nguyên gốc của di sản. Phóng viên TTXVN tại Pháp đã tìm hiểu kinh nghiệm của nước Pháp, nơi hàng năm có hơn 45.600 di tích cần được bảo tồn.
Nhà thờ thánh nữ Sainte-Trinité ở quận 9 (thủ đô Paris) đang được quây lại để trùng tu khu vực mặt tiền và các tháp chuông. Giàn giáo bao phủ từ dưới đất lên đến chóp nhà thờ, cao 67m. Tiến hành từ năm 2018 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2027, công trình trùng tu nhà thờ Sainte-Trinité hiện đang được coi là dự án bảo tồn di tích lớn nhất Paris hiện nay, với số vốn đầu tư lên đến 25 triệu euro.
Các hạng mục trùng tu bao gồm việc sửa chữa và gia cố các bức tường, kính màu, các bức tượng và tác phẩm điêu khắc bị hư hỏng; làm sạch toàn bộ mặt tiền và bề mặt ngoài của nhà thờ; bổ sung các chi tiết hoa văn trang trí bị bong tróc hoặc vỡ, hỏng; tạc mới tượng 4 nhà truyền giáo giống hệt phiên bản cũ để đặt ở bốn góc của tháp chuông, thay thế cho những bức tượng cũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng; chống thấm mái sân thượng bằng tấm chì; trùng tu các bức họa tiết tráng men phía trên cửa ra vào chính và mặt đồng hồ cổ; phục hồi các tấm lá chắn kim loại trên tháp chuông nhà thờ…
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Jean Rochard, Tổng công trình sư dự án nhà thờ Sainte-Trinité, cho biết đây là gói trùng tu lớn nhất Paris hiện nay. Nhà thờ được xây dựng từ giữa thế kỷ 19 bằng loại đá giòn và dễ vỡ nay đã bị xuống cấp nặng nề theo thời gian. Một số lượng lớn những phiến đá này đã bị hư hỏng, cần phải tu bổ hoặc thay thế. Nhiều phiến đá có kích thước lớn, nặng đến tận 2-3 thậm chí 4 tấn, nên không dễ gì tìm được những phiến đá tương tự. Và nếu có tìm được thì việc vận chuyển và thay thế các phiến đá cũng rất vất vả, vì không gian sửa chữa hạn chế với giàn giáo nhỏ hẹp, khó vận chuyển nguyên vật liệu.
Sau khi được tu bổ và làm sạch, các bức tượng và tháp chuông nhà thờ Sainte-Trinité đã có diện mạo mới.
“Không chỉ dùng cần cẩu, trục nâng hoặc thang máy để đưa các phiến đá cồng kềnh lên cao, nhiều khi chúng tôi phải huy động sức người để có thể đặt các phiến đá, các pho tượng vào vị trí của chúng. Đây là một thách thức rất lớn đối với công việc tu bổ các di tích trong thành phố”, ông Jean Rochard tâm sự.
Video đang HOT
Ông cho biết thêm: “Ngay cả việc tìm kiếm vật liệu tương ứng với vật liệu cũ cũng là một điều không dễ dàng. Về gạch ngói, chúng tôi thường cố gắng giữ và sử dụng tối đa các viên cũ, chỉ thay khi cần thiết. Với những viên bị hỏng, vỡ buộc phải thay thì chúng tôi tìm những vật liệu cùng chủng loại. Nếu không tìm được loại giống như nguyên gốc, thì chúng tôi phải đặt làm bằng công nghệ nung truyền thống để có thể có vật liệu giống hệt, và chi phí cho hạng mục này thường rất đắt”.
Một trong những công việc nặng nề và đòi hỏi nhiều sự tỉ mẩn, đó là việc lau chùi làm sạch các bức tường, vốn đã trở nên xám xịt, cáu bẩn, sau hàng thế kỷ phải hứng chịu nắng, gió và đặc biệt là khói bụi ô nhiễm của thành phố. Theo ông Jean Rochard, với các công trình trùng tu di tích cổ bằng đá như ở nhà thờ Sainte-Trinité, công nhân sẽ dán một lớp keo “cataplasme”. Khi lớp keo này khô lại, sẽ hút phần lớn những lớp bụi bẩn trên bề mặt tường đá của nhà thờ. Sau khi bóc tách, lớp keo này sẽ mang phần lớn những bụi bẩn đó đi.
Ở công đoạn tiếp theo, tường sẽ được tẩy sạch bằng công nghệ thủy lực để loại bỏ hết bụi bẩn còn lại mà không ảnh hưởng tới công trình, đồng thời cũng tránh gây ô nhiễm môi trường. Cuối cùng bức tường sau khi đã được tẩy sạch, sẽ được phun một loại dung dịch cát siêu mịn để bảo vệ và nhờ đó những bức tường đen đủi trước kia sẽ có được diện mạo sáng sủa như lúc ban đầu. Giá trị của di sản đòi hỏi từng người thợ phải làm việc cẩn thận, tỉ mẩn và kỹ lưỡng với một tinh thần trách nhiệm cao.
Nhà điêu khắc Sabine Cherki đang mải miết trùng tu một viên đá hoa văn đính ở đình vòm nhà thờ Saint-Eustache.
Nếu như công việc trùng tu nhà thờ Sainte-Trinité chủ yếu là tu bổ, tôn tạo mặt tiền và tường bên ngoài, thì tại nhà thờ Saint-Eustache ở quận 1 thủ đô Paris, việc trùng tu lại tập trung vào các bức tranh tường, các tác phẩm điêu khắc, họa tiết cột và mái vòm bên trong thánh đường, vốn đã trở nên xám xịt do bị ảnh hưởng của lớp bụi thời gian, khói nến và hương trầm. Theo Ban quản lý, công việc phục chế các tác phẩm nghệ thuật này được tiến hành từ năm 2019, nhưng đến nay cũng mới chỉ xong được một nửa các hạng mục. Công việc trùng tu đòi hỏi một sự cẩn thận và nghiêm túc nên không thể nóng vội.
Bà Ariel Bertrand, họa sĩ, chuyên gia về phục chế tranh tường, cho biết phần lớn các tác phẩm trong nhà thờ đều bị phủ một lớp bồ hóng và muội than, nhiều bức bị bong tróc do khí hậu thay đổi. Nhiệm vụ của các chuyên gia phục chế là phải khôi phục tối đa nguyên gốc của các bức tranh. Chỉ vào tác phẩm “Thánh Saint-André trên cây thập tự”, bà giải thích: “Với bức tranh này, trước tiên chúng tôi phải dùng keo đính lại tất cả các vẩy bị bong tróc để phục hồi nguyên trạng của bức tranh. Sau đó chúng tôi phải làm sạch bức tranh, từng tí một bằng chổi lông để loại bỏ tất cả bụi bẩn và bồ hóng. Những chỗ bị phai hoặc bay màu, sẽ phải “trang điểm” lại theo đúng tông màu gốc, và cuối cùng là phủ một lớp sơn dầu trong để bảo vệ bức tranh”.
Theo bà Ariel Bertrand, nói thì đơn giản như vậy, nhưng công việc trùng tu tranh cổ đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn. Mỗi ngày có 6-7 họa sĩ làm công việc này. Tùy vào khuôn khổ và mức độ xuống cấp của từng bức tranh, họ thường mất khoảng nửa năm cho việc phục chế một tác phẩm tranh tường ở đây.
Mải miết với một viên đá hoa văn đính ở đỉnh vòm nhà thờ, nhà điêu khắc Sabine Cherki cũng cho biết thêm rằng với các tác phẩm điêu khắc cổ, bà phải tham khảo các mẫu tương tự trong nhà thờ để tôn tạo giống hệt nguyên tác. “Đây không phải là chỗ để người nghệ sĩ có thể thăng hoa hoặc sáng tạo”, bà nhấn mạnh.
Vẻ đẹp nguyên bản của các bức tranh tường chái phía tây nhà thờ Saint Eustache đã được trả lại sau khi được trùng tu.
Để huy động nguồn vốn cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, bên cạnh phần đóng góp đáng kể của ngân sách địa phương, chính quyền Paris còn huy động sự tài trợ của các doanh nghiệp, hội đoàn, cùng sự đóng góp của người dân và khách du lịch. Theo ông Guillaume Lefevre, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các công trình di tích văn hóa và lịch sử của thành phố Paris, trừ các công trình lớn như Nhà thờ Đức bà Paris thuộc sự quản lý của Nhà nước, thành phố Paris quản lý khoảng 100 nhà thờ, đền đài, miếu mạo lớn nhỏ.
Do đặc thù Paris là thủ đô của nước Pháp nên đa số các di sản ở thành phố này đều quan trọng và có lịch sử lâu đời, đòi hỏi việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
“Chúng tôi có đủ các loại công trình tu bổ, tôn tạo, từ lớn đến nhỏ, từ bảo dưỡng thường xuyên đến sửa chữa đại tu, từ vài ngàn euro đến vài chục triệu euro. Nguồn vốn huy động cho công việc này chủ yếu đến từ ngân sách của thành phố, tuy nhiên chính phủ cũng có đóng góp. Ví dụ như trong tổng số 25 triệu euros đầu tư cho công trình nhà thờ Sainte-Trinité, Bộ Văn hóa Pháp đóng góp 3,5 triệu”, ông Guillaume Lefevre chia sẻ.
Theo thống kê, nước Pháp có hơn 45.600 cơ sở di tích, di sản, trong đó phần lớn là các nhà thờ, thánh đường và lâu đài cổ. Quỹ dành cho việc trùng tu các di tích này chiếm hơn 4,4% ngân sách 2024 của Bộ Văn hóa, tương đương với 490 triệu euro, một khoản tiền vẫn còn khiêm tốn so với chi phí cần thiết để bảo trì các tượng đài, nhà thờ và các tác phẩm nghệ thuật, hiện đang được coi là của cải vô giá của đất nước này. Phải khẳng định việc duy tu bảo dưỡng các di sản văn hóa đòi hỏi một sự đầu tư lớn. Tốn, nhưng đó là việc mà Pháp hay bất kể quốc gia nào cũng cần phải làm để có thể gìn giữ di sản cho muôn đời sau.
Thảm hoa Brussels 2024 - kiệt tác sống động giữa lòng châu Âu
Thủ đô Brussels một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi Quảng trường lớn Grand Place, di sản văn hóa được UNESCO công nhận và là biểu tượng của thành phố, khoác lên mình chiếc áo mới lộng lẫy bằng hoa.
Các tình nguyện viên trang trí thảm hoa. Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, diễn ra từ ngày 15-18/8, sự kiện "Thảm hoa Brussels" hứa hẹn mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và khó quên. Kể từ năm 1971, cứ hai năm một lần, người dân và du khách lại có cơ hội chiêm ngưỡng một kiệt tác nghệ thuật sống động được tạo nên từ hàng trăm nghìn bông hoa tươi. Năm nay, phiên bản thứ 23 của Thảm Hoa Brussels đánh dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên, hoa thược dược trở thành điểm nhấn trong thiết kế. Điều này hứa hẹn mang đến một diện mạo hoàn toàn mới và đầy bất ngờ cho tác phẩm nghệ thuật này.
Ý tưởng sáng tạo cho Thảm hoa Brussels năm nay đến từ nghệ sĩ trẻ Océane Cornille. Lấy cảm hứng từ phong cách nghệ thuật mới (Art Nouveau), tác phẩm của cô tái hiện vị trí quan trọng của Brussels trong lịch sử kiến trúc châu Âu.
Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng.
Các tình nguyện viên trang trí thảm hoa. Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ
Thảm Hoa Brussels không chỉ là một sự kiện văn hóa của riêng thành phố mà còn thu hút sự quan tâm của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Chị Mariam Barry Bah, một du khách đến từ nước Pháp, chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng chị và gia đình chọn thời điểm này để đến thăm thủ đô Brussels và lần đầu tiên chị được chiêm ngưỡng thảm hoa. Chị thấy rất thú vị và độc đáo.
Bà Delphine Houba, Phó Thị trưởng Brussels phụ trách về Du lịch và các sự kiện lớn, khẳng định: "Thảm hoa sẽ là sự kiện không thể bỏ qua trong mùa hè này. Nhờ các ý tưởng sáng tạo độc đáo, Grand Place trở thành một bức tranh khổng lồ, rực rỡ tôn vinh hình ảnh của Brussels tươi đẹp".
Các tình nguyện viên trang trí thảm hoa. Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ
Bên cạnh giá trị văn hóa, Thảm Hoa Brussels còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Ông Benhur Ergen, Phó thị trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế tại thành phố Brussels chia sẻ: "Thảm hoa là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời trong đời sống văn hóa Brussels, thu hút cả người Bỉ và khách du lịch về vẻ đẹp phù du của một nền nghệ thuật lâu đời được hiện đại hóa dưới ảnh hưởng của nghệ thuật đường phố. Một khoảnh khắc độc đáo góp phần tạo nên sự hấp dẫn và năng động cho thành phố, cùng với hoạt động kinh doanh nở rộ".
Lần đầu tiên, hoa thược dược trở thành thành phần chính trong thiết kế thảm hoa năm nay. Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ
Để tạo nên bức thảm hoa khổng lồ 1.600 m2, hơn 130 đôi bàn tay tài hoa đã khéo léo sắp xếp 500.000 bông hoa tươi. Mỗi bông hoa là một mảnh ghép nhỏ, cùng nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sống động và đầy màu sắc, trở thành niềm tự hào của thành phố. Anh Kevin Nicolai, một tình nguyện viên cho biết anh rất tự hào được tham gia phục vụ sự kiện thảm hoa năm nay. Theo anh, việc giữ cho hàng trăm nghìn bông hoa tươi tắn suốt 4 ngày diễn ra sự kiện là một thử thách lớn, đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ và không ngừng nghỉ. Cần phải giữ ẩm cho hoa và thay hoa mới khi các bông bị héo.
Thảm hoa Brussels là một minh chứng sinh động cho sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật, văn hóa và du lịch. Sự kiện này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của thành phố mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Với mỗi phiên bản, Thảm hoa lại mang đến một bất ngờ mới, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá và trải nghiệm.
Pháp bắt 3 người trong vụ vứt quan tài gần chân Tháp Eiffel Hôm (2.6), cảnh sát Pháp đã bắt giữ 3 người sau khi phát hiện 5 cỗ quan tài gần chân Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, theo AFP dẫn các nguồn thạo tin. Tháp Eiffel ở Paris, thủ đô Pháp. Ảnh AFP Các nguồn thạo tin nói với AFP vụ việc đang được điều tra theo hướng thế lực nước ngoài có khả...