“Trúng trầm 23 tỉ”: Khốn khổ vì tin đồn
Tin đồn ông “Tám Ánh” ở làng Mèo lớn (Kon Chro, Gia Lai) trúng hàng chục kilôgam kỳ nam ở xã Đắk Song, Kon Chro làm hàng ngàn người dân ở thị xã An Khê tấp nập kéo vào trong đêm.
Xe ôm, taxi không chở kịp khách vào rừng với giá đắt đỏ. Nhưng sau khi đến nơi, mọi người mới nhận ra chỉ là tin đồn mất tiền quay về tay không…
Hơn một tuần nay, không chỉ người dân ở Gia Lai mà cả nước bàn tán xôn xao chuyện về một nhóm người trúng đậm kỳ nam ở xã Sơ Ró, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai, bán được hơn 23 tỷ đồng. Có nhiều thông tin cho rằng người dân ở thôn Bàn Nham và Thạch Chẩm, xã Hoà Xuân Tây, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên đã trúng lớn kỳ nam ở rừng Sơ Ró, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai, bán được hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên có nguồn tin khác lại cho biết, nhóm người trúng kỳ nam tiền tỷ là dân ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai chứ không phải Phú Yên… Để làm rõ vấn đề, trong hai ngày 13 và 14/4, PV đã về nơi “đất trầm” ở Kon Chro và thị xã An Khê (Gia Lai) tìm hiểu sự việc.
Về nơi “đất trầm”
Vừa xuống xe đò đến cửa ngõ thị xã An Khê để vào huyện Kon Chro (Gia Lai), giới xe ôm đã “bu” lại hỏi: “Anh đi Sơ Ró tìm trầm hả? Để em đưa anh hai đi nhé!”. Tôi chưa kịp trả lời thì giới xe ôm ra giá 300 ngàn đồng chở tới bìa rừng. Trong khi giá xe thường ngày (khi chưa xảy ra sự kiện trúng kỳ nam) khoảng 100 ngàn đồng/lượt. Mấy anh xe ôm còn kể: “Bữa nay thưa khách, chứ 5 ngày trước tụi em không kịp chở khách vào rồi quay đầu ra nhanh”.
Anh Chức tâm sự với PV
Nghe tin nhiều người trúng kỳ nam, hàng trăm người dân chuyên đi trầm từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai đổ xô đến rừng Kon Chro để tìm kỳ nam với khát vọng đổi đời. Rừng ở Kon Chro, Gia Lai có thời điểm “ nóng” đến hàng ngàn người vào đây tìm trầm nhưng rồi cuối cùng quay về tay không.
Thượng tá Lê Hoài Nam – Trưởng Công an huyện Kon Chro cho biết, bắt đầu từ ngày 8/4, thông tin về một nhóm người ở An Khê, Gia Lai trúng kỳ nam tiền tỷ đã lôi cuốn nhiều người quan tâm. Có ngày hàng trăm người kéo vào rừng ở xã Sơ Ró, Kon Chro để tìm trầm nhưng sau đó quay về vì không tìm được.
Đặc biệt là đêm 12/4, tin đồn ông “Tám Ánh” ở làng Mèo lớn, xã Đắk Pling (Kon Chro, Gia Lai) trúng hàng chục kilôgam kỳ nam ở xã Đắk Song, Kon Chro đang chở về nên hàng ngàn người dân ở thị xã An Khê đã tấp nập kéo vào trong đêm.
Video đang HOT
Đêm đó, xe ôm, xe taxi không chở kịp khách vào rừng với giá đắt đỏ. Nhưng sau khi đến nơi, mọi người mới nhận ra tin đồn trên là không có thật nên ngậm đắng nuốt cay, mất tiền quay về. Nhiều người dân mắc phải cú lừa điên đảo, chỉ có các tài xế xe ôm và taxi là trúng đậm. Hôm ấy, hơn 1h đêm, lực lượng Công an huyện Kon Chro cũng phải lặn lội vào rừng để khuyên bà con ra về, không nên nghe tin đồn thất thiệt. Đây không phải lần đầu tiên rừng Kon Chro bị xáo động bởi những tin đồn thổi thất thiệt.
Vào khoảng tháng 10/2010 cũng đã xảy ra nhiều trận đồn trúng trầm tiền tỷ ở đây đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự ở địa phương. Tin đồn trúng đậm kỳ nam đã làm người dân khắp nơi cứ khăn gói lén lút vào rừng, khiến cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát và ngăn chặn. Trước đó, tháng 8/2010, tin đồn người dân ở Quảng Nam trúng kỳ nam ở rừng Lơ Ku, Kbang, Gia Lai hàng chục tỷ đồng khiến người dân khắp nơi kéo vào rừng rồi cũng quay về tay không.
Gặp những người từ rừng trở về
Lần theo tin đồn về 15 người trúng kỳ nam ở rừng Sơ Ró (Kon Chro, Gia Lai), tôi rời rừng Kon Chro trở về thị xã An Khê, Gia Lai để tìm hiểu sự thật. Theo tin đồn cả nhóm 15 người này đều ở An Khê, sau nhiều ngày tìm kiếm đã đào được hơn 3kg kỳ nam, bán được hơn 20 tỉ đồng. Sau khi nghe tin, một số người dân cũng đã đến khu vực núi Sơ Ró này để đào “mót” và trúng được 0,4kg kỳ nam, bán được gần 3 tỷ đồng…
Tôi lặn lội tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Hùng ở tổ 9, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai, gia đình được nhiều người đồn là trúng kỳ nam bạc tỷ trong nhóm 15 người tìm trầm ở rừng Sơ Ró vừa qua. Tôi vừa gõ cửa bước vào nhà, vợ chồng anh Hùng đã lắc đầu không muốn tiếp vì cho rằng chuyện bé xé ra to, trúng ít đồn nhiều, gia đình mệt mỏi lắm. Tôi thuyết phục mãi vợ chồng anh Hùng mới chịu ngồi tâm sự về chuyện trúng kỳ nam vừa rồi.
Theo vợ chồng anh Hùng thì trong nhóm 15 người đi tìm trầm ở rừng Sơ Ró đều ở thị xã An Khê và chỉ chia nhau được vài trăm triệu chứ không có tiền tỷ như tin đã đồn thổi. Anh Hùng cũng từ chối không cho tôi chụp ảnh lên báo vì không muốn “nổi tiếng” và phải tiếp thêm nhiều nhà báo khác nữa.
Tôi đến nhà ông “Chín Vẹn” cùng ở tổ 9, phường Tây Sơn (An Khê, Gia Lai) thì thấy cửa đóng then cài bên trong im ỉm. Hỏi những người hàng xóm xung quanh thì bảo do ông mới trúng kỳ nam hàng tỷ đồng nên đi du lịch chơi rồi. Có người khác lại bảo, gia đình ông Vẹn không tiếp khách vì mệt mỏi chuyện đồn trúng kỳ nam.
Đến nhà anh Phan Đình Chức ở tổ 8, phường An Bình, thị xã An Khê thì thấy cả nhà sum họp nên được tìm hiểu câu chuyện trúng kỳ nam từ đầu đến cuối. Anh Chức cho biết, mình mới bị sốt 3 ngày sau đợt đi rừng tìm trầm trở về. Anh Chức thừa nhận chuyện trúng kỳ nam ở rừng Sơ Ró trong nhóm 15 người ở thị xã An Khê là có thật, nhưng mỗi người chia được nhiều nhất là 400 triệu đồng chứ không có hàng chục tỷ đồng như tin đã đồn. Anh kể, trước kia mình làm nghề xe ôm ở thị xã An Khê, bắt đầu từ năm 2010 theo một số anh em vào rừng tìm trầm. Năm ngoái trúng kỳ nam được chia vài chục triệu đồng, lần này là trúng đậm nhất nên được chia 400 triệu đồng về trả tiền vay ngân hàng và xoay xở cho gia đình, vợ con. Nhưng khoản tiền ấy cũng không thấm vào đâu với chuyện nợ ngân hàng, tiền đau ốm, sốt rét do đã ăn nằm ở rừng.
Trở về từ vùng “đất trầm”, tôi mang theo nhiều câu chuyện bi hài về việc trúng kỳ nam và cảm thấy đau lòng cho những cánh rừng, đau cho nhiều người dân chân lấm tay bùn vì nghèo khổ ở vùng nông thôn đã bị lừa vào rừng chịu cảnh tiền mất tật mang.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cơn 'sốt' kỳ nam náo loạn rừng Gia Lai
"Cơn sốt" tìm trầm bùng phát sau khi thông tin một nhóm 15 người ở thị xã An Khê (Gia Lai) trúng đậm kỳ nam với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thu về hàng trăm tỉ đồng ngày càng lan rộng.
Mấy ngày nay, cả ngàn người từ khắp nơi đổ về khu vực núi So Ró thuộc huyện Kon Choro (Gia Lai) để sục sạo tìm kiếm kỳ nam.
Từ anh xe ôm trở thành tỉ phú
Phải mất hơn một ngày, thông qua sự giới thiệu của anh Đặng Đức Bình (ở phường An Bình, thị xã An Khê) tôi mới liên lạc được một số người trong nhóm vừa trúng kỳ nam. Từ khi tin đồn ngày càng lan rộng, nhóm người này hoàn toàn "án binh bất động", nhiều người tạm lánh mặt khỏi địa phương và hầu như không nghe điện thoại từ các số máy lạ. Người đầu tiên tôi liên lạc được là anh NVK, quê gốc Phú Yên, đưa gia đình lên sinh sống gần 10 năm nay ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Anh K. dè dặt nói: "Mấy chuyện này mà viết báo mệt lắm!".
"Nghe nói vừa rồi trúng đậm lắm hả anh Sáu?" - "Ừ, ông trời thương, sơn thần phù hộ nên cũng khá!" -"Người ta đồn nhóm anh Sáu trúng tới hăm mấy ký. Người ta nói chia mỗi người cả mười mấy tỉ?" - "Chỉ mới bán một ít để anh em tạ lễ thôi".
Từ những câu trả lời ngắn ngủn, đầy cảnh giác của những người trong nhóm trúng kỳ nam như Sáu K., LHS... chuyến "đi điệu" đầy may mắn của những phu trầm đang đổi đời này dần hiện ra.
Chiều 13/4, nhiều nhóm người ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) đón xe đi Gia Lai để tìm kỳ nam
Hôm đó, sau hơn một tháng quần nát hòn núi So Ró ở huyện Kon Choro, 15 người trong nhóm của Sáu K. mệt mỏi ngồi nghỉ bên bờ một con suối trước khi lên đường trở về. Bất ngờ, một người nhìn dấu vết của một thân cây mục và cả nhóm cứ thế lần theo. Nhiều nguồn tin đoán chắc rằng nhóm này lấy được đầy ba chiếc ba lô kỳ nam, về cân được hơn 25 kg. Hôm sau, cả nhóm thuê một xe du lịch 16 chỗ ngồi đi TP Quy Nhơn (Bình Định) bán trước 1 kg với giá 6,5 tỉ đồng rồi chia nhau. Khi tin đồn lan ra, cả nhóm người này gần như không tiếp xúc với ai.
Người may mắn nhất trong nhóm này là anh PVC (ở phường An Bình, thị xã An Khê) vốn làm nghề chạy xe ôm. Rong ruổi khắp nơi từ sáng đến đêm khuya nhưng quanh năm gia đình chật vật, C. nản chí theo bạn đi tìm trầm gần một năm nay. Liên tiếp mấy đợt trước, mỗi đợt một hai tháng trời, C. đều trở về tay không. C. tiết lộ nếu bán hết số kỳ nam vừa trúng, mỗi người có thể được hơn 10 tỉ đồng.
Nghe có nhiều người trúng kỳ nam, đàn ông, trai tráng khắp nơi đổ về Kon Choro để sục sạo khắp núi rừng với giấc mơ đổi đời. Anh LHS, một người trong nhóm trúng kỳ nam, cho biết: "Nhờ mấy anh em chỉ, mới đây một nhóm 40 người ở An Khê lên mót lại về bán, mỗi người được chia 57 triệu đồng".
Đến những triệu phú nhờ "giũ rơm"
Ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa (Phú Yên) cũng rộ lên thông tin có nhiều người tại địa phương này vừa trúng kỳ nam ở núi So Ró ở huyện Kon Choro. Khi đến Hòa Xuân Tây, hỏi thăm ai vừa trúng trầm kỳ, hầu như ai cũng kể vanh vách tên hàng loạt người và chỉ rõ từng nhà. Những ngày này ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây đang có nhiều gia đình tưng bừng tổ chức ăn mừng trúng kỳ nam, đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện trúng trầm.
Gia đình ông Trương Minh Kế cùng lúc có hai con trai là Trương Minh Nhàn và Trương Minh Tùng trúng được mỗi người 600 triệu đồng. Chỉ riêng con đường nhỏ dẫn vào nhà ông Kế còn có hai người khác cũng may mắn tương tự. Ở thôn Ban Nham Nam, có đến bốn người được chia hàng tỉ đồng trong đợt này. Ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông, anh Phan Tấn Ninh cùng cha vợ của mình đi chung với nhóm người ở Hòa Xuân Tây và được chia mỗi người 600 triệu đồng. Ông Trần Văn Thu (ở thôn Bàn Nham Nam) cho biết: "Ở huyện Đông Hòa chỉ có anh tôi là ông Tâm trúng đậm nhất trong đợt vừa rồi nhưng đã đi vào TP HCM để chữa đau mắt. Tất cả những người còn lại kiếm được vài trăm triệu đều nhờ "giũ rơm" (từ của dân "đi điệu" chỉ mót lại).
Ở xã Hòa Xuân Tây hiện có hàng trăm người quanh năm sống bằng nghề lên núi tìm trầm. Địa phương này từng nổi tiếng bởi đã có không ít người đổi đời nhờ trúng được "lộc trời". Mấy năm trước, sau khi rộ lên thông tin nhiều người ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trúng đậm kỳ nam tại các khu rừng Tây Nguyên, nhiều người ở Hòa Xuân Tây đưa gia đình lên sinh sống hẳn ở thị xã An Khê để làm nghề "đi điệu". Trong nhóm 15 người ở thị xã An Khê trúng đậm kỳ nam có không ít người quê Phú Yên. Chính họ đã gọi về nhắn anh em bà con kéo nhau lên mót lại. Theo tiết lộ của một số người, chỉ sau vài ngày tìm kiếm, một nhóm chín người ở huyện Đông Hòa đã mót được gần 1 kg kỳ nam, về bán chia nhau mỗi người 600 triệu đồng. Ông Phan Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây, thừa nhận: "Mấy hôm nay tôi cũng nghe rộ có nhiều người ở địa phương trúng kỳ nam. Tuy nhiên, do những người này đi tìm trầm ở xa nên xã không thể xác minh".
Đổ xô đi sục sạo núi rừng
Những thông tin trên đã khiến "cơn sốt" đi tìm trầm kỳ tái bùng phát và đang lan rộng ra nhiều tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Những ngày qua, cả ngàn người từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa kéo đến sục sạo các khu rừng ở núi So Ró của huyện Kon Choro để tìm kỳ nam. Chiều 13/4, nhiều nhóm thanh niên đứng dọc quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên đón xe đi Tây Nguyên. Anh Cao Văn Tuấn, một phu trầm lâu năm ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, háo hức: "Tôi biết chắc chắn không dễ tìm, hơn nữa mấy ngày nay họ tìm nát hết rồi nhưng thấy dân "đi điệu" lên đó nhiều quá, mấy anh em tôi cũng rủ nhau đi thử. Biết đâu vận may đến với mình".
Theo những người đi tìm trầm, núi So Ró chỉ cách thị xã An Khê gần 70 km và chỉ mất gần hai tiếng đồng hồ đi bộ là vào được rừng sâu. Do đó, phần lớn dân tìm trầm không ở hẳn trong rừng mà cứ sau vài ngày lùng sục lại kéo ra tạm trú ở thị xã An Khê hoặc thị trấn Kon Choro. Ông Phó Khải Nghĩa, một người làm nghề xe ôm ở phường An Bình, thị xã An Khê cho biết: "Mấy ngày nay, thanh niên trai tráng ở đây kéo đi tìm trầm hết. Dân nơi khác đến cũng đông nên phức tạp lắm. Nếu một mình vào trong đó ớn lắm!". Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay rất nhiều thương lái, "cò" mua bán kỳ nam đổ về nằm chờ ở thị xã An Khê.
Thượng tá Lê Hoài Nam, Trưởng Công an huyện Kon Choro, cho biết: "Mấy hôm nay có thông tin có vài nhóm trúng kỳ nam ở Kon Choro nhưng đều là người địa phương khác nên chúng tôi không thể xác minh. Từ khi có thông tin này, nhiều người từ các nơi kéo đến tìm trầm nên chúng tôi phải tăng cường lực lượng để ngăn chặn, xử lý. Ban ngày, chúng tôi phối hợp với các lực lượng tuần tra nên họ dạt ra khỏi rừng, ban đêm họ kéo vào lại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình".
G iá trị của kỳ nam Kỳ nam và trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó; kỳ nam quý hơn trầm hương, nếu không sành dễ bị nhầm lẫn. Chỉ một số cây dó có bệnh mới chứa trầm ở phần lõi của thân. Trầm hương và kỳ nam có các công dụng: trừ sơn lam chướng khí, chữa đau bụng, sốt rét, bệnh đường tiểu... đồng thời là hương liệu quý để sản xuất nước hoa. Do quá trình tìm kiếm thường rất khó khăn, vất vả, kéo dài hàng tháng và trầm hương, kỳ nam có rất nhiều công dụng nên giá thành của chúng rất cao. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế. Trầm hương, kỳ nam thường được tìm thấy ở các tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận...
Theo Pháp luật TP HCM
Thực hư chuyện săn tắc kè bán 50 triệu/con Chỉ vì những tin đồn về giá trị thực của tắc kè mà trong thời gian gần đây ở Nghệ An đã xuất hiện một "cơn sốt" săn tắc kè. Điều này đang khiến cho loài động vật quý hiếm này có nguy cơ biến mất. Cố kiếm tắc kè 3 lạng để mong đổi đời! Cơn sốt săn tắc kè đang lan...