Trung tâm Vân Sơn lờ tác quyền nhiều nhạc sĩ tại Việt Nam
Nhạc sĩ Giao Tiên bày tỏ sự bất bình về việc các tác phẩm của ông bị một trung tâm sản xuất âm nhạc ở hải ngoại sử dụng nhiều lần nhưng không hề có phản hồi gì về bản quyền.
Và không chỉ riêng nhạc sĩ Giao Tiên…
Còn nhiều tác giả khác cũng có ý kiến rằng liệu tác quyền của nhạc Việt trong thời buổi giao thương hiện nay có thể truy thu được không? Đặc biệt là khi dòng chảy các nghệ sĩ hải ngoại về nước trình diễn, làm ăn… ngày càng rộng mở?
Một buổi quay hình của Trung tâm Vân Sơn tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn SECC. Ảnh: Gia Tiến
Nhiều nhạc sĩ không đòi được tác quyền
Mới đây, nhạc sĩ Giao Tiên liên lạc về chuyện này, bày tỏ sự bất bình của ông qua cách ứng xử của Trung tâm Vân Sơn về bản quyền các tác phẩm của mình.
Người nhạc sĩ sống ở Cam Ranh, lừng danh với các ca khúc như Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non… nói rằng ông tìm thấy trung tâm này suốt một thời gian dài sử dụng các tác phẩm của ông rồi làm ngơ về chuyện tác quyền khi còn ở Mỹ.
Nhưng giờ đây, ngay khi Trung tâm Vân Sơn về Việt Nam chính thức làm ăn trong nước thì ông Vân Sơn cũng không đả động gì với nhạc sĩ Giao Tiên (và nhiều tác giả khác) về vấn đề tác quyền đã qua.
Theo lời của nhạc sĩ Giao Tiên, vào khoảng năm 2005, đích thân ông Vân Sơn – giám đốc Trung tâm Vân Sơn – gọi điện thoại đến tận nhà của nhạc sĩ Giao Tiên nhờ gửi các bài hát sang cho công ty của ông để giúp thực hiện chương trình.
Ông Vân Sơn còn đề nghị nhạc sĩ Giao Tiên gửi nhiều bài hát để “có thể sẽ dựng một chương trình riêng của chú”.
Nhạc sĩ Giao Tiên cho biết ông gửi đi khoảng 15 bài hát. Nhưng từ đó thì Trung tâm Vân Sơn không còn liên lạc gì nữa.
Video đang HOT
Khoảng một năm sau, nhạc sĩ Giao Tiên vô tình được người ta tặng một DVD của Trung tâm Vân Sơn thực hiện, mới tìm thấy bài hát của mình được song ca Trường Vũ – Băng Tâm trình diễn.
Rồi lần lượt sau đó, người quen, khán giả… cũng liên lạc cho biết ông có thêm nhiều bài hát được thực hiện CD và DVD như Chôn vùi tâm sự, Nhớ nhau trong đời…
Vì lẽ đó, nhạc sĩ Giao Tiên nhiều lần gọi điện thoại sang Mỹ để hỏi về tác quyền của mình mà vẫn không nói chuyện được.
Nhạc sĩ Giao Tiên cho biết ông cũng gửi thư bằng bưu điện đến Trung tâm Vân Sơn để nói về chuyện này. Thư này không được hồi âm.
Nhạc sĩ Hà Phương – tác giả của các ca khúc Em về miệt thứ, Hương rừng Cà Mau… – nói mình cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Ông cho biết liên tục trong nhiều năm, Trung tâm Vân Sơn sử dụng nhiều tác phẩm của mình như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Bông điên điển, Mùa mưa đi qua… nhưng ông không cách nào liên lạc được với nhà sản xuất.
Tổng số bài hát của nhạc sĩ Hà Phương tìm thấy được qua DVD karaoke hay CD… lên đến hơn 10 bài.
Trong những album có liên quan đến Trung tâm Vân Sơn còn có tác phẩm của nhạc sĩ Hàn Châu, nhạc sĩ Hoàng Phương (đã mất)…
Các tác giả (và gia đình) khi gặp nhau, qua việc thăm hỏi đều ngạc nhiên nhận ra mỗi người đều có các tác phẩm bị sử dụng mà không hay, cũng như không có ai nhận được phản hồi gì về tác quyền.
Nghệ sĩ Vân Sơn. Ảnh: Tư liệu TT
Nhạc sĩ Giao Tiên cần một lời xin lỗi
Đáng nói hơn, từ năm 2013, khi về Việt Nam tổ chức chương trình kỷ niệm 20 năm của trung tâm và đặt cơ sở làm việc, ông Vân Sơn vẫn chưa liên lạc với bất kỳ tác giả nào nói trên, dù ông tìm cách gặp lại rất nhiều người trong giới văn nghệ để chuẩn bị công việc.
Nhạc sĩ Hà Phương muốn gặp ông Vân Sơn để làm việc cho rõ về bản quyền của ông. Nhưng nhạc sĩ Giao Tiên thì muốn nhà sản xuất phải cần có một lời xin lỗi công khai.
“Việc cắt đứt liên lạc không lý do, mà lại vẫn tiếp tục sử dụng tác phẩm của mình là điều thiếu tôn trọng” – nhạc sĩ Giao Tiên nói.
Câu chuyện bản quyền ở Việt Nam vẫn còn nhiều góc khuất, mỗi lúc đang lộ ra thêm nhiều sự phức tạp. Đặc biệt là chuyện quyền tác giả có liên quan đến các nhà sản xuất ở bên ngoài Việt Nam.
Ngoài các trung tâm âm nhạc quen thuộc như Thúy Nga hay Asia gửi trả bản quyền cho các tác giả khá thường xuyên, hầu hết các cá nhân hay công ty sản xuất làm ngơ phần tác quyền.
Qua các sự kiện nói trên, câu hỏi được đặt ra ở đây với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là: một nghệ sĩ hay một nhà sản xuất hải ngoại khi về nước làm việc hoặc sinh sống có còn phải chịu trách nhiệm về công việc trước đó của mình liên quan về bản quyền hay không?
Và việc truy thu hoặc xử lý các đơn kiện đòi bồi thường sẽ khác với tiền bản quyền thông thường như thế nào, mà Trung tâm Vân Sơn là một ví dụ?
Theo Tuấn Khanh/Tuổi Trẻ
Sẽ có Hội Bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc
Chuyên gia bản quyền âm nhạc của Nhật Bản cho biết sự ra đời của điện thoại thông minh tạo nên hướng thưởng thức âm nhạc mới khiến các chuyên gia bản quyền... không theo kịp.
Ngày 28/1, hội thảo Hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả VN phối hợp với Cơ quan văn hóa Nhật Bản tổ chức diễn ra tại TP HCM. Tham gia hội thảo là đại diện các tổ chức bảo vệ quyền tác giả VN và Nhật Bản.
Hiện nay, trong nước có các tổ chức tập thể đại diện quyền tác giả như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (VLCC), Hiệp hội Quyền sao chép (VIETRRO).
Sự ra đời của Hội bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN sẽ bảo vệ quyền của người biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc - Ảnh: T.T.D
Tuy nhiên, hiện nay chưa có tổ chức nào bảo vệ quyền của người biểu diễn (diễn viên, ca sĩ, nhạc công... thuộc đối tượng quyền liên quan). Cho nên hội thảo được xem là cơ hội trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản để tiến tới việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN (APPA).
Nhạc sĩ Lê Quang cho biết dự định hội sẽ ra mắt tháng 2/2016, do NSND Thanh Hoa làm chủ tịch hội, còn anh là trưởng đại diện phía Nam.
"Trước mắt, hội chúng tôi chỉ bảo vệ quyền của người biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc. Ở VN có khoảng 5.000 người là ca sĩ, nhạc công... có hoạt động biểu diễn thuộc đối tượng bảo vệ của hội. Do mới thành lập, chưa tổ chức được bộ máy nên dự định trước mắt chúng tôi vẫn nhờ vào bộ máy của VCPMC" - nhạc sĩ Lê Quang tâm sự.
Anh cũng cho hay trong tương lai các tổ chức Nhật Bản sẽ hỗ trợ APPA trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tế...
Cũng ở hội thảo, ông Yasushi Kusumoto - trưởng phòng bản quyền và hợp đồng của Hiệp hội Ghi âm Nhật Bản (RIAJ) - chia sẻ khó khăn với các đồng sự VN trước những thách thức trong việc thu tiền bản quyền trên internet hiện nay.
Ông cho hay tiền thu bản quyền âm nhạc của Nhật Bản cũng giống như tình trạng chung của thế giới, đạt ngưỡng cao những năm 2008-2009. Nhưng từ năm 2010 đến nay, số tiền này của Nhật Bản và thế giới bị mô tả là "suy thoái".
Nguyên nhân được ông Y. Kusumoto cho biết là sự ra đời của điện thoại thông minh tạo nên hướng thưởng thức âm nhạc mới khiến các chuyên gia bản quyền không theo kịp.
Mặc dù Nhật Bản là quốc gia có những phần mềm phát hiện mọi vi phạm trên thế giới nhưng hiện nay có quá nhiều cách chia sẻ âm nhạc vi phạm bản quyền trên internet...
Để ứng phó, Nhật Bản tăng mức phạt về vi phạm bản quyền âm nhạc trên internet lên đến mức truy tố hình sự 10 năm tù, hoặc bị phạt tối đa 10 triệu yen.
Nhưng theo ông Y. Kusumoto: "Đa số người sử dụng sản phẩm âm nhạc miễn phí vi phạm ở Nhật là người trẻ, vì vậy chúng tôi phải giáo dục họ ý thức bảo vệ tác quyền".
Cách làm của Nhật Bản là công bố các trang web sử dụng âm nhạc bất hợp pháp, dán pa nô, áp phích ở trường học và các shop bán băng đĩa, làm những video kêu gọi bảo vệ tác quyền chiếu ở rạp chiếu phim toàn quốc...
Theo thống kê gần nhất năm 2014, tổng thu của VCPMC là hơn 67 tỷ đồng, của RIAV là hơn 8,5 tỷ đồng, của VIETRRO là hơn 1,5 tỷ đồng. Riêng VLCC đã thống kê được con số tổng thu năm 2015 là hơn 645 triệu đồng.
Theo Q.Thi/ Tuổi Trẻ
Trịnh Công Sơn 5 năm liên tiếp nhận tác quyền cao nhất Chiều 22/1, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam đã báo cáo tổng kết hoạt động năm 2015 với nhiều thông tin tích cực. Theo đó, tổng số hợp đồng mà VCPMC phía Nam đã ký là 3.171 hợp đồng, tương ứng với số tiền đã thu là hơn 44,688 tỷ đồng, vượt 7%...