Trung tâm ngoại ngữ bị “khủng bố” bằng sơn đen
Bước đầu, theo nhận định của cơ quan công an, có khả năng đây là đòn cạnh tranh phá hoại nhau của các trung tâm ngoại ngữ.
Ngày 2/3, đội CSĐT tội phạm về TTXH công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ từ công an phường Linh Chiểu để điều làm rõ vụ một số cơ sở của trung tâm anh ngữ Úc Châu trên địa bàn phường liên tục bị tạt sơn đen. Sự việc làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như gây tâm lý bất an cho ban giám đốc, nhân viên và học sinh đang theo học tại các cơ sở này.
Bà Đan Phạm Ngọc Hằng, quản lý các cơ sở trung tâm Anh ngữ Úc Châu tại số 187, 189, 203 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu bức xúc cho biết: Tình trạng biển hiệu quảng cáo tại 3 địa chỉ trên bị tạt sơn xảy ra từ ngày 25/2 nhưng với mức độ ít nghiêm trọng. Tuy nhiên sáng 29/2, khi bảo vệ tại cơ sở 203 và 189 mở cửa thì phát hiện toàn bộ các biển hiệu, cửa trước sân đều bị tạt sơn đen khắp nơi. Vụ việc nhanh chóng được trình báo về công an phường Linh Chiểu.
Một trong nhiều cơ sở của trường Anh ngữ Úc Châu bị tạt sơn khủng bố vừa được sửa chữa lại
Video đang HOT
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, công an phường đã đến ghi nhận hiện trường đồng thời lấy lời khai những người có liên quan.
Bà Hằng cho biết thêm, cũng trong thời gian này cơ sở thường nhận được điện thoại từ số máy lạ của một người đàn ông gọi đến hăm dọa “Có người thuê giang hồ 100 triệu đồng với điều kiện trong 1 tuần phải làm nhân viên nghỉ việc hết!”.
Được biết, tình trạng bị tạt sơn đen cũng xảy ra tại văn phòng chính của trung tâm Anh ngữ Úc Châu trên đường Lê Văn Việt, P.Tăng Nhơn Phú B, quận 9-TP.HCM.
Thiếu tá Phạm Đức Liêm, trưởng công an phường Linh Chiểu nhận định có khả năng đây là sự cạnh tranh phá hoại giữa các trung tâm ngoại ngữ với nhau. Xét thấy tính chức phức tạp của vụ việc công an phường đã lập hồ sơ ban đầu rồi chuyển về đội CSĐT công an quận nhờ hỗ trợ điều tra truy xét.
Theo Bee.net.vn
"Vắt giò" chạy bằng Anh văn
Chứng chỉ B, C Anh văn là một trong những điều kiện để các trường đại học xét tốt nghiệp cho sinh viên, nhưng nhiều trường lại không dạy Anh văn trong chương trình học mà sinh viên tự đi "kiếm" bằng ở bên ngoài.
Theo nhiều sinh viên thì mùa "chạy" chứng chỉ Anh văn đã bắt đầu từ đầu học kỳ thứ tám và việc "kiếm" bằng khiến sinh viên tiền mất tật mang cũng là chuyện thường.
Từ học lấy lệ, thi "bao đậu"...
"Học Anh văn bao đậu" là cách bán bằng theo kiểu "lấy vải thưa che mắt thánh". Người có nhu cầu chứng chỉ Anh văn, dù chưa học lớp vỡ lòng cũng dễ dàng sở hữu một tấm bằng loại khá giỏi khi đăng ký vào các lớp học này. Nguyễn Anh T - ĐH Nông lâm TPHCM - muốn có một chứng chỉ B loại ưu, điểm tuyệt đối ở cả 4 kỹ năng, nghe, nói, đọc, viết dù trước đó không qua được kỳ thi cấp chứng chỉ A của trung tâm ngoại ngữ của trường đã đăng ký vào trung tâm ngoại ngữ do cô Dung đứng lớp tại làng ĐH Thủ Đức, chi phí 3 triệu đồng với lời đảm bảo "bao đậu" và chắc chắn đạt loại giỏi. Anh T cho biết: "Thi ở trường mấy lần không đậu cũng đã mất cả triệu, nên chuyển qua trung tâm của cô Dung thi, lệ phí cao nhưng lại không lo rớt".
Để có bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã phải vất vả chạy chứng chỉ ngoại ngữ (ảnh minh hoạ).
Dịch vụ học, thi Anh văn "bao đậu" không chỉ được SV truyền miệng nhau, mà trên các trang web, rao vặt thị trường mua bán bằng cũng sôi nổi không kém. Vào vai một người cần mua gấp chứng chỉ B Anh văn để hoàn tất hồ sơ TN, liên lạc với một số ĐT 0909 2326xx trên trang web www.vn-zom.com, chúng tôi hẹn gặp một người thanh niên tên Thủy - ngụ đường Nguyễn Khoái, quận 4 để trao đổi việc mua. Theo lời Thủy, chúng tôi đảm bảo sẽ có bằng Anh văn của trường ĐH Ngân hàng, mỗi tháng sẽ có một đợt thi vào các ngày đầu tháng, 15 ngày sau ngày thi sẽ có bằng. Thủy sẽ trực tiếp nhận tiền và nhận hồ sơ dự thi với lệ phí 1.200.000 đồng cho chứng chỉ B và 1.600.000 đồng cho chứng chỉ C.
Ngoài Thủy, khi liên lạc với một vài số ĐT khác, chúng tôi cũng nhận được nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 800.000 đến 2.000.000 đồng cho chứng chỉ B hoặc C Anh văn. Khi chúng tôi tỏ vẻ lo lắng trình độ Anh văn của mình rất tệ thì được Thủy trấn an: "Đã bao đậu thì lo gì, chỉ cần có hồ sơ, đến ngồi cho có, còn những phần khác chúng tôi lo".
...đến tiền thật bằng giả
SV Nông Văn Kh - khoa Địa Lý, Trường ĐH KHXHNV TPHCM - đã mất 3 triệu đồng cho việc mua bằng Anh văn qua lời giới thiệu của một người bạn. Theo lời kể của Kh, nếu gom được 10 khách hàng thì người ta mới chịu làm, vì là bằng của ĐH Sư phạm TP đàng hoàng nên giá phải cao hơn. Kh cùng vài người bạn gom được 30 triệu, hẹn người xưng là Hùng, tại quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 để giao dịch. Hùng nhận tiền và hẹn 1 tháng sau sẽ "giao hàng" với xếp loại thấp nhất cũng là khá. Đến ngày hẹn, khi liên lạc với số ĐT đã cho thì không liên lạc được, cả bọn mới nháo nhào hỏi thăm tung tích của Hùng thì cũng đã muộn. Kh chia sẻ: "Bằng đã không có lại bị mất tiền, tiền mất tật mang, lỗi ở mình cả. Không chịu học thì ráng chịu chứ biết sao".
Nhiều trường hợp rao bán trên các trang web, không cần thi nhưng vẫn có chứng chỉ muốn xếp loại nào, của trung tâm nào cấp cũng được mà giá lại rẻ bèo, chỉ từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/chứng chỉ. Tuy nhiên, đây là những chứng chỉ chỉ cần qua vài kỹ thuật sao chép, chỉnh sửa đã có thể "sản xuất" hàng loạt. Người mua khó mà phát hiện ra hoặc phát hiện ra thì cũng đành chịu.
Hiện nay, việc học, thi và cấp chứng chỉ Anh văn khá dễ dàng, nhưng việc quản lý chất lượng lại càng bị thả nổi. Một số trường lại quản lý bằng cách chỉ nhận bằng của một số trung tâm ngoại ngữ mà trường quy định như Trường ĐH KHXHNV TPHCM chỉ chấp nhận bằng của các trung tâm ngoại ngữ thuộc ĐHQG và Trường ĐHSP TPHCM. Tuy nhiên, thực tế SV của trường vẫn "nô nức" chạy bằng Anh văn khi mùa xét TN tới gần.
Trao đổi với chúng tôi, TS Đoàn Hữu Hải - nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM - cho biết: "Khi phát hiện SV nộp bằng Anh văn giả thì hình thức kỷ luật cao nhất là hủy kết quả xét TN, căn cứ theo quy định của Bộ GDĐT để xử lý, nhưng một khi bằng đã công chứng và nộp vào trường thì sẽ rất khó phát hiện đâu là thật, giả. Hơn nữa, bằng đó được mua từ các trung tâm thì việc xác minh lại càng khó, họ đảm bảo HV có học và thi ở đó thì trường cũng đành chịu. Theo tôi, việc một số trường không dạy Anh văn trong trường mà lại chấp nhận chứng chỉ Anh văn từ các trung tâm khác sẽ khó mà kiểm tra trình độ của SV. Chính điều này đã tạo điều kiện cho việc mua bán bằng ngày càng nhộn nhịp hơn".
Theo Dân Trí
Thu nhập 'siêu' của cô nàng 1988 Một mình cô đơn giữa đất Hà thành nhưng với tính cách mạnh mẽ, vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Mai Phương, sinh năm 1988, tự mở trung tâm ngoại ngữ và nay đã có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. "Làm giàu" từ lớp 7 Bố mẹ chia tay nhau năm cô bé tên Phương lên 7. Mẹ làm công...