Trung tâm kiểm định: ‘Tàu lượn hất văng 2 trẻ được kiểm tra đúng quy trình’
Nguyên nhân khiến tàu lượn hất văng hai trẻ ở Cà Mau được cho là vỏ tàu bị xé khỏi các con ốc vít vặn vào khung sắt của phần thân, dù mớt được kiểm định hơn tháng trước, song trung tâm kiểm định khẳng định đã làm đúng quy trình.
Tàu lượn bị văng khỏi đường ray khiến hai bé bị thương. Ảnh: Phúc Hưng
Ông Lê Công Sơn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (CISR, TP HCM), Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, xác nhận tàu lượn lắp ở Nhà văn hóa thiếu nhi Cà Mau hất văng 2 trẻ bị thương do Trạm kiểm định Miền Tây (thuộc trung tâm kiểm định, trụ sở ở TP Cần Thơ) tiến hành kiểm định.
Tàu lượn này do Công ty TNHH – SXTM Đăng Khoa (quận Thủ Đức, TP HCM) lắp đặt năm 2009, vận tốc nhanh nhất 18 km/h, chiều dài đường chạy 116 m, lượng chở tối đa 12 người/lượt, sức chứa mỗi toa xe 2 người. Hôm 9/2, Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II đã có biên bản kiểm định tàu lượn này “đạt yêu cầu” các yếu tố kỹ thuật về độ an toàn theo quy định đến tháng 2/2017.
Tuy nhiên, tối 13/3, bé Nguyễn Kim Ánh (14 tuổi) và anh họ 10 tuổi Branyn (Việt kiều Úc) phải nhập viện cấp cứu khi chiếc tàu lượn này bất ngờ trật khỏi đường ray, hất hai cháu xuống đất. Bước đầu, nguyên nhân tai nạn được xác định là do vỏ tàu lượn được làm bằng chất liệu composit. Khi di chuyển, vỏ tàu bị xé ra khỏi các con ốc vít vặn vào khung sắt của phần thân, băng ghế bị nghiêng, lật đổ đã quăng hai trẻ ra ngoài.
Về việc tàu lượn do trung tâm kiểm định mới hơn một tháng thì xảy ra tai nạn, ông Sơn khẳng định: “Các kiểm định viên được đào tạo và thực hiện kiểm định đúng quy trình của nhà nước. Hiện trung tâm cử anh em bộ phận kỹ thuật xuống nắm tình hình, kiểm tra. Còn quá trình vận hành, diễn biến vụ việc, hiện trường xảy ra sự cố như thế nào thì trung tâm đang thu thập”. Vị Phó giám đốc từ chối trả lời chi tiết quá trình kiểm định con tàu lượn bị nạn.
Video đang HOT
Theo ông Sơn, sự cố xảy ra sẽ có rất nhiều nguyên nhân nên phải chờ kết quả điều tra của các cơ quan chức năng mới có thể đưa ra kết luận. “Quy định tàu lượn này có 6 toa, chở 12 người, nhưng thực tế có quá tải hay không, người sử dụng có đúng, chất lượng tàu như thế nào? Chúng tôi đang đợi kết quả kết luận từ các cơ quan chức năng, báo cáo từ bộ phận kỹ thuật mới có thể đưa nguyên nhân tai nạn”, ông nói.
Trong khi đó, theo quy định việc kiểm tra, bảo dưỡng (tính an toàn của tàu lượn) của Viện cơ học ứng dụng (Viện khoa học Công nghệ Việt Nam), khi kiểm tra ray, kỹ thuật viên phải đi dọc theo ray xem có vết nứt trên đó hay tại các mối hàn; kiểm tra các buloon liên kết ray và trụ, chân trụ, dây điện tiếp đất… 15 ngày một lần. Đối với xe phải kiểm tra thùng và khung xe, khớp nối xe có bị rơ lắc hay không, các bánh xe, ốc bánh xe… mỗi buổi/lần; kiểm tra hệ thống thắng 3 chuyến/lần; hệ thống dẫn độ mỗi ngày/lần; an toàn điện một tuần/lần và cô dầu mỡ tất cả các vòng bi, bạc trượt mỗi tháng một lần.
Phần đế tàu lượn rách sau vụ tai nạn hất văng hai bé bị thương. Ảnh: Phúc Hưng.
Đây không phải lần đầu xảy ra tai nạn do trò chơi cảm giác mạnh ở các khu vui chơi. Tối 28/9/2014, một cabin trong trò chơi đu quay ở tổ hợp giải trí lưu động Max Carnival ở tỉnh Quảng Ninh văng xuống đất khiến 3 bố con bị thương phải cấp cứu. Nguyên nhân của sự cố được xác định là do bộ phận ốc vít của cabin này bị lỏng với đường ray, khiến cabin bị văng ra ngoài.
Trước đó, 12 học sinh cấp 2 ở Hà Nội cùng tham gia tour du lịch lên khu Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) và thử cảm giác mạnh ở trò chơi “vũ trụ bay”. Khi chiếc đu quay từ trên cao hạ xuống sát mặt đất rồi tiếp tục bay vút lên thì rơi tự do xuống đất ở độ cao 2 mét khiến 12 em rơi xuống. 6 học sinh phải nhập viện.
Là đơn vị kinh doanh nhiều trò chơi cảm giác mạnh, ông Nguyễn Hữu Trung – Phó giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen (TP HCM) – cho biết, khi đưa những trò chơi này vào hoạt động kinh doanh phải tìm hiểu kỹ và chọn lựa những trò chơi của các công ty có uy tín, xuất xứ rõ ràng. Sau đó làm việc với nhà sản xuất đưa ra quy trình vận hành, bảo trì bảo dưỡng theo chu kỳ hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Ngoài ra, khi lắp đặt những trò chơi này, đơn vị kinh doanh phải phối hợp với cơ quan kiểm định độc lập của nhà nước để kiểm tra về chất lượng.
Ngoài ra, trong cả quá trình vận hành, theo chu kỳ 6 tháng hoặc một năm tùy vào từng loại trò chơi, nhà đầu tư phải phối hợp với đơn vị kiểm định giám định độc lập của nhà nước để giám định lại và cấp phép cho những trò chơi đủ an toàn. Ông Trung cũng nhìn nhận, hiện có rất nhiều khu vui chơi mọc ra ở khắp nơi nhưng không rõ đơn vị nào có trách nhiệm quản lý.
Phó giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen cũng khuyến cáo người chơi cũng cần phải có ý thức về sự an toàn cho chính bản thân mình và luôn tuân thủ theo những hướng dẫn của nhân viên khi tham gia trò chơi. Ông lấy ví dụ, đối với những khách hàng có bệnh lý về tim mạch thì tuyệt đối không nên chơi những trò chơi cảm giác mạnh, có tính mạo hiểm. Hay những người quá khổ, quá độ tuổi quy định đối với loại trò chơi đó thì không ngồi vào hay chồng lấn với người khác mà phải tuân theo hướng dẫn của nhân viên.
An Nhơn – Hải Duyên – Phúc Hưng
Theo VNE
Vỏ tàu lượn hất văng hai trẻ đã bị xé khỏi ốc vít
Tàu lượn được làm bằng composit, khi di chuyển vỏ tàu bị xé ra khỏi ốc vít vặn vào khung sắt của phần thân, băng ghế bị nghiêng, lật đổ đã quăng hai em bé xuống đất.
Tàu lượn cũ, thiếu an toàn ở Nhà Văn hóa thiếu nhi Cà Mau. Ảnh: Phúc Hưng.
Ngày 16/3, Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi Cà Mau Huỳnh Chí Dũng cho biết đã đình chỉ vô thời hạn trò chơi tàu lượn siêu tốc hất văng hai em bé bị thương. Bức đầu, nguyên nhân tai nạn được xác định là do vỏ tàu lượn được làm bằng chất liệu composit. Khi di chuyển vỏ tàu bị xé ra khỏi các con ốc vít vặn vào khung sắt của phần thân, băng ghế bị nghiêng, lật đổ đã quăng hai em bé rơi xuống đất.
Liên quan đến con tàu lượn này, hôm 9/2, Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (CISR, TP HCM) có văn bản xác nhận trò chơi tàu lượn nơi đây đạt các yếu tố kỹ thuật về độ an toàn theo quy định đến tháng 2/2017. Tuy nhiên, chỉ sau lần kiểm định này hơn một tháng thì vụ tai nạn xảy ra.
Phần đế tàu lượn rách sau vụ tai nạn hất văng khiến hai em bé bị thương. Ảnh:Phúc Hưng.
Theo đó, tối 13/3, cháu Nguyễn Kim Ánh (14 tuổi, TP Cà Mau) và anh họ Branyn (10 tuổi, Việt kiều Úc) ngồi chung một toa tàu tại khu vui chơi tàu lượn trong Nhà văn hóa thiếu nhi Cà Mau. Bất ngờ toa tàu bị trật ra khỏi đường ray khiến cả 2 bị hất văng xuống đất.
Do vết thương nặng, bé trai được gia đình chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ngay trong đêm. Các bác sĩ xác định nạn nhân bị gãy xương vai trái, xương đòn trái, xương sườn số 6 bên trái, dập phổi... Hiện, bé Ánh (14 tuổi) cũng chuyển lên đây điều trị. Công an TP Cà Mau đã khám nghiệm hiện trường, kiểm tra các thiết bị vận hành tàu lượn và dự kiến tuần tới sẽ có kết luận về nguyên nhân tai nạn.
Phúc Hưng
Theo VNE
Hai em bé bị văng từ tàu lượn như thế nào? Khi tàu lượn chạy từ trên cao xuống khúc cua nghiêng gần mặt đất thì toa tàu bé Branyn và cô em họ ngồi bị trật khỏi đường ray, hất văng hai đứa trẻ. Cả hai người đầy máu, kêu khóc hoảng loạn. Bé Branyn Đình Trần đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: An Nhơn Sáng 14/3, Branyn Đình Trần...