Trung Quốc ‘yêu cầu sơ tán nhân viên không thiết yếu khỏi Myanmar’
Bắc Kinh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước “sơ tán nhân viên không thiết yếu khỏi Myanmar” sau khi 32 nhà máy vốn đầu tư Trung Quốc bị đập phá.
Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) cuối tuần qua chỉ thị các doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar sơ tán nhân viên không thiết yếu liên quan các dự án đã bị tạm dừng, theo nguồn tin từ các doanh nghiệp. Người được sơ tán gồm nhân viên hết thời gian luân chuyển, công nhân chưa được tiêm vaccine Covid-19, nhân viên sống ở khu vực xa xôi và những người đối mặt với tình huống nghiêm trọng tại địa phương.
Một nhân viên công ty xây dựng nhà nước làm việc trong dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar xác nhận đã nhận được chỉ thị từ SASAC, nơi giám sát 90 doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.
“Chúng tôi nhận được chỉ thị vào cuối tuần, khi một số nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị tấn công”, nguồn tin giấu tên cho biết. “Thực tế, hầu hết các dự án ở đây đã bị dừng. Chúng tôi đang thảo luận xem ai sẽ ở lại để theo dõi diễn biến. Tôi nghĩ hầu hết chúng tôi sẽ về nước vì không thể làm được gì nhiều”.
Khói bốc lên từ khu công nghiệp ở Yangon, Myanmar hôm 14/3 sau khi một số nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị đốt phá. Ảnh: AP .
Video đang HOT
SASAC cũng yêu cầu tất cả doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar tổ chức diễn tập khẩn cấp, đảm bảo họ có đủ phương tiện, nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong trường hợp sơ tán.
Nguồn tin thứ hai trong doanh nghiệp nhà nước, làm việc tại dự án thủy điện, cũng xác nhận đã nhận được chỉ thị và công ty đã đưa “nhân viên không thiết yếu” trở lại Trung Quốc.
“Các đồng nghiệp của tôi đã về đến Trung Quốc an toàn. Nhân viên ở Myanmar được yêu cầu ở lại trong các khu nhà, trừ khi ra ngoài mua thức ăn và nước uống”, nguồn tin cho biết. “Tất cả ngân hàng đều đóng cửa, chúng tôi phải tìm tiền mặt để mua đồ dự trữ, liên lạc với đại sứ quán bằng điện thoại cố định vì mạng di động liên tục bị cắt. Tình hình khá căng thẳng”.
Phát ngôn viên của SASAC từ chối bình luận về kế hoạch sơ tán. Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cũng chưa phản hồi.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar hôm qua cho biết 32 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc tại khu công nghiệp ở Myanmar đã bị đập phá, gây thiệt hại 240 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD). Hai công nhân Trung Quốc bị thương trong vụ tấn công.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 15/3 không bình luận liệu Bắc Kinh có kế hoạch sơ tán công dân, nhưng nói rằng Myanmar nên “thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn cho công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar”.
Phần lớn Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước, với hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối đảo chính và yêu cầu thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), hơn 180 người đã chết trong các cuộc biểu tình.
Người Myanmar tháo chạy khỏi khu vực thiết quân luật
Người dân các quận bị áp lệnh thiết quân luật ở Yangon tháo chạy trên những chiếc xe tải, xe tuk tuk, trong khi tình hình ngày càng hỗn loạn.
Hãng truyền thông địa phương Irrawaddy hôm nay công bố những hình ảnh người dân đang cố rời khỏi các thị trấn bị áp lệnh thiết quân luật tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar và cũng là một trong những trung tâm các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Họ chen chúc trên những chiếc xe tải đang mắc kẹt giữa dòng xe cộ đông đúc.
Dân nhập cư rời khỏi các quận bị áp lệnh thiết quân luật ở thành phố Yangon, Myanmar hôm nay. Ảnh: Irrawaddy .
Một số người chở thú cưng bằng xe máy, trong khi những người khác nhét đồ đạc vào túi nhựa trên các xe tuk-tuk.
"Những lao động nhập cư ở quận Hlaing Tharyar đang tháo chạy để trở về bang quê nhà của họ. Chúng tôi có thể quan sát họ trên đường bằng mắt thường", Irrawaddy cho hay.
Phần lớn Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước, với hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối đảo chính và yêu cầu thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự.
Xe cộ nối đuôi nhau trên đường chở người dân rời các khu vực thiết quân luật ở Yangon hôm nay. Ảnh: Irrawaddy .
Cảnh sát và quân đội đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để trấn áp đám đông gần như hàng ngày. Chính quyền quân sự cũng cắt Internet hàng đêm để ngăn người biểu tình kêu gọi hoạt động.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 20 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm qua, nâng số người chết lên hơn 180. Hôm 14/3 được xem là ngày đẫm máu nhất từ sau đảo chính khi 74 người thiệt mạng, phần lớn ở quận nghèo khó Hlaing Tharyar của Yangon. Đây là khu vực sản xuất hàng may mặc với hầu hết các nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc.
Chính quyền quân sự phản ứng bằng cách áp đặt thiết quân luật đối với Hlaing Tharyar và 5 quận khác, nơi sinh sống của khoảng hai triệu người, chiếm hơn 1/4 dân số thành phố. Bất cứ ai bị bắt ở đó đều phải đối mặt với sự xét xử của tòa án quân sự, với mức án từ ba năm lao động khổ sai đến tử hình.
"Việc áp dụng thiết quân luật cực kỳ đáng lo ngại và thể hiện bước thụt lùi đáng kể của tình hình ở Myanmar", Melissa Crouch, chuyên gia về luật Myanmar tại Đại học New South Wales, cho hay.
Lý do nhà máy Trung Quốc chịu 'vạ lây' trong biểu tình Myanmar Hàng chục nhà máy do Trung Quốc rót vốn đã bị đốt phá, sau khi nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc đang trợ giúp chính quyền quân sự Myanmar. Thị trấn Hlaing Tharyar ở rìa phía tây Yangon là một trong những khu vực lớn nhất và đông dân cư nhất của Myanmar. Rộng 67 km2 với 700.000 dân, nơi đây...