Trung Quốc: Xu hướng ’sang trọng thầm lặng’ lên ngôi, nhiều người chạy theo để chứng tỏ sự giàu có
Ở Trung Quốc, có một câu nói đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ: ‘Người ta tôn trọng quần áo trước, sau đó mới đến người mặc nó’.
Câu nói này dường như đã trở thành bài học đơn giản cho tất cả những người muốn trở nên giàu có, hoặc ít nhất là nhìn ‘có vẻ giàu có’.
Đối với người Trung Quốc, ý nghĩa của việc “trông có vẻ giàu có” đã thay đổi qua nhiều năm, nhưng có một điều nhất quán từ trước đến nay: họ không tiếc tiền. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý của Mỹ Bain & Co, người mua sắm Trung Quốc sẽ chiếm 40% tổng số người tiêu dùng xa xỉ trên thế giới vào năm 2030, bất chấp những biến động gần đây về kinh tế.
Tuy nhiên, bộ mặt của người giàu Trung Quốc đang thay đổi. Đã qua rồi thời kỳ ai cũng khoác lên mình bộ quần áo với logo hào nhoáng mà bạn có thể nhận ra từ khoảng cách hàng km. Xu hướng sang trọng thầm lặng, với phong cách điển hình là “laoqianfeng” đang lên ngôi, và nếu muốn được tôn trọng, bạn cần phải đi theo xu hướng đó.
Người tiêu dùng bị thu hút bởi phong cách thời trang sang trọng nhưng giản dị
Các quy tắc thực ra rất đơn giản: Không có Gucci từ đầu đến chân, không có màu sắc sặc sỡ, không có họa tiết Louis Vuitton toàn thân.
Theo nhân vật Tom Wambsgan của “Succession” – bộ phim khiến phong cách old-money trở nên thịnh hành – bạn chỉ nên dùng những chiếc túi nhỏ, khiêm tốn, bởi vì việc mang theo chiếc túi “có sức chứa lớn một cách lố bịch” là điều không cần thiết.
Giải mã xu hướng mới của thời trang
Để hiểu phong cách và tiền bạc ở Trung Quốc, có 3 thuật ngữ bạn cần làm quen: laoqianfeng (Lão tiền phong), xinqianfeng (Tân tiền phong) và tuhao ( Thổ hào).
Đầu tiên, mức độ giàu có của một người ở Trung Quốc được thể hiện trên chính con người họ, từ quần áo cho đến mái tóc và làn da.
Khi cố gắng xây dựng hình ảnh của mình theo phong cách laoqianfeng (lão tiền phong) – thường được gọi là phong cách old-money ở phương Tây – bạn phải có một vẻ ngoài chỉn chu, nhưng đủ tự nhiên để trông như thể bạn không hề cố ý chăm chút cho nó.
Ngược lại, đối với xinqianfeng (tân tiền phong) – được gọi là new-money ở phương Tây – bạn cần mặc những bộ quần áo phô trương, càng nhiều logo nổi tiếng càng tốt để thể hiện rằng bạn đã đạt đến một mức độ giàu có nhất định.
Các cửa hàng được lấp đầy bởi những bộ trang phục thanh lịch, không có logo hay màu sắc rực rỡ
Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có thuật ngữ “laoqian” (lão tiền), dùng để chỉ người có tài sản tích lũy qua nhiều thế hệ. Đó là những người giàu có với khối tài sản khổng lồ, những người có tầm ảnh hưởng đến cả giới chính trị, những “phú nhị đại” được giáo dục tại các trường Ivy League và quay về nhà ở thủ đô Bắc Kinh vào mỗi mùa hè.
Cuối cùng – tuhao (thổ hào) – là một thuật ngữ dùng để chỉ “những người giàu có” ở địa phương, chủ yếu là nông thôn. Thông thường, đó là những người đàn ông địa phương với bộ quần áo lòe loẹt, lái chiếc xe thể thao màu đỏ chạy vụt qua những chiếc xe thông dụng đang lưu thông trên đường.
Video đang HOT
Tại sao sự sang trọng phô trương lại biến mất?
Có một số lý do nhất định khiến những món quần áo xa xỉ và phô trương ở Trung Quốc dần lụi tàn. Tương tự như ở Mỹ và châu Âu, phong cách thẩm mỹ “sang trọng thầm lặng” (quiet luxury) đã nổi lên như một phản ứng với tình hình kinh tế hiện tại. Trong khi nền kinh tế ngày càng trì trệ và đất nước phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 20%, việc phung phí của cải vào thời trang rõ ràng không phải là một lựa chọn thông minh.
Phong cách thời gian sang trọng thầm lặng là kết quả của tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua
Đồng thời, suy thoái kinh tế đang tác động đến những người mua sắm trẻ tuổi, những người đã giúp tạo ra sự bùng nổ về doanh số bán hàng xa xỉ ở Trung Quốc trong vài năm qua.
Những người này từng là người mua chính của hàng hóa xa xỉ trong thời kỳ đại dịch. Và tất nhiên, khi mua được một món đồ đắt tiền lần đầu tiên trong đời, họ sẽ muốn nói cho người khác biết. Vì vậy, những logo và thương hiệu nổi tiếng chiếm vị trí tối cao vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, khi số tiền dư thừa của họ cạn kiệt, họ ngày càng lùi bước. Thay vào đó, họ trở nên ưa thích những bộ quần áo thời trang thanh lịch, sang trọng nhưng không quá hào nhoáng.
Để so sánh sự khác nhau giữa phong cách laoqianfeng và xinqianfeng, nhà tư vấn thương hiệu xa xỉ Erica Zohar đã đưa ra ví dụ rằng: “Nếu những người mua sắm theo xu hướng laoqianfeng là chú chim đại bàng, thì những người theo xinqianfeng là chú vẹt đuôi dài”.
Chia sẻ về quan điểm này, Predraxa cho hay: “Một khi họ đã trưởng thành và có giá trị tài sản ròng cực cao, họ sẽ là một con đại bàng – đứng ở vị trí cao nhất nhưng lại vô cùng dè dặt”.
Trong khi đó, ông cho rằng những người chạy theo xu hướng xinqianfeng cư xử như những chú vẹt đuôi dài. Những chú chim này nổi tiếng nhờ có giọng hát, và trong tình huống này, đó chính là những người mặc quần áo quá phô trương, luôn muốn thu hút mọi sự chú ý của người khác.
Khi thời trang trở thành một bộ môn nghiên cứu khoa học
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người dành hàng giờ để mổ xẻ và phân tích đặc điểm cũng như sắc thái của phong cách laoqianfeng. Họ cố gắng giải mã các mẹo và thủ thuật cần thiết để đạt được phong cách sang trọng nhưng lại giản dị một cách hoàn hảo.
Các bài đăng có hashtag #laoqian đã thu hút tổng cộng 1,67 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Đa phần trong số đó là những bài viết hay đoạn video chia sẻ về bí quyết để có được diện mạo laoqian.
Điểm chung của tất cả các bài viết này là họ ưu tiên sử dụng tông màu trầm, kiểu dáng đơn giản, nhấn mạnh vào sự thích hợp đối với người mặc. Những trang phục này có màu đơn sắc như kem, nâu hoặc đen – tương tự như cách giải thích của phương tây về phong cách old-money.
Những người nổi tiếng trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ các bí quyết để mặc đẹp theo xu hướng mới
Với xu hướng thời trang này, các chuyên gia cho rằng những thương hiệu xa xỉ sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi. Đó là những thương hiệu lâu đời như Richemont, Louis Vuitton, Dior – những thương hiệu dù theo đuổi phong cách nổi bật hơn những vẫn giữ nguyên những tác phẩm kinh điển, biểu tượng của sự sang trọng tinh tế.
Thomaï Serdari, giám đốc chương trình giảng dạy MBA về thời trang tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, chia sẻ với Insider rằng trọng tâm của người tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ là các chi tiết thiết kế, chất lượng vật liệu và sự tinh tế – thay vì sự dễ thấy. Vì lý do đó, những thương hiệu trẻ hơn như The Row, Goop và Nili Lotan đi theo triết lý này cũng có thể được hưởng lợi.
Xu hướng sang trọng thầm lặng: Phong cách sống dẫn đầu năm 2023
Cùng với sự phổ biến trên mạng xã hội và mức độ yêu thích của công chúng trong thời gian gần đây, có lẽ không ngành công nghiệp nào có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của xu hướng độc đáo này.
Ảnh minh họa
Kể từ đầu năm 2023, có một xu hướng đặc biệt đã tạo ra sự đột phá trong lối sống của nhiều người, đặc biệt là về thời trang, đó là xu hướng "quiet luxury" (tạm dịch: Sự sang trọng thầm lặng).
Với tầm ảnh hưởng của mình, xu hướng này đã chứng kiến vô số tín đồ thời trang chuyển đổi từ những sản phẩm của nhà sản xuất lớn sang những sản phẩm thời trang không logo, tập trung vào chất liệu tinh tế và có tông màu trầm làm chủ đạo. Điều này đồng nghĩa với việc những sản phẩm đắt tiền từ các thương hiệu cao cấp đang dần thất thế, thậm chí là bị đánh giá thấp.
Sự sang trọng thầm lặng là gì?
Nói một cách dễ hiểu, sự sang trọng thầm lặng là một phong trào thời trang định kỳ, tập trung đầu tư vào những món đồ tối giản nhưng chất lượng cao, không bị lỗi mốt theo thời gian. Về cốt lõi, xu hướng này tôn vinh sức mạnh của sự tinh tế và vẻ đẹp của sự kiềm chế.
Thay vì thể hiện sự giàu có, sự sang trọng thầm lặng tạo ra một tủ quần áo chứa đầy những món đồ thời trang cao cấp, có tính ứng dụng cao và thể hiện sự hiểu biết tinh tế của người mặc về phong cách.
Quần áo, phụ kiện đi theo phong cách sang trọng thầm lặng thường không có logo hay họa tiết đặc trưng của nhãn hàng
Dù thuật ngữ này chỉ mới trở nên phổ biến vào đầu năm 2023, nhưng trên thực tế, nó đã xuất hiện và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Vào thời kỳ Phục Hưng, những người Ý giàu có thường thuê thợ may tạo ra các sản phẩm may mặc và phụ kiện độc đáo, được cá nhân hóa và có chất lượng vượt trội (không có logo hoặc tên thương hiệu). Chất liệu vải tốt, hình thêu phức tạp và những chi tiết trang trí tỉ mỉ là đặc điểm nổi bật của xu hướng sang trọng thầm lặng.
Tiếp nối xu hướng này, nhiều nhãn hiệu thiết kế nổi tiếng như Bottega Veneta, The Row và JW Anderson đã bắt đầu tạo ra các bộ sưu tập độc quyền dành cho nhóm khách hàng cao cấp. Các thương hiệu của Ý như Brunello Cucinelli và Ermenegildo Zegna cũng chuyên tạo ra những bộ quần áo và giày đặt riêng cho những vị khách sành điệu.
Theo thương hiệu thời trang Karen Millen, có 2 lý do chính khiến xu hướng này trở nên thu hút như vậy:
1. Hiệu ứng nối tiếp
Sự tăng trưởng chưa từng có cùng với độ phổ biến ngày càng tăng của xu hướng sang trọng thầm lặng phần lớn nhờ vào buổi ra mắt của bộ phim truyền hình mang tên "Kế vị" mùa 4 của kênh HBO.
Loạt phim đã càn quét phương Tây bằng câu chuyện xoay quanh gia đình Roy - chủ sở hữu của một tập đoàn giải trí và truyền thông toàn cầu. Nội dung chính của phim kể về cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty của bốn anh chị em nhà Roy trong lúc cha của họ đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Các từ ngữ liên quan đến xu hướng này như "phong cách old-money" cũng đang được tìm kiếm nhiều trên các trang mạng xã hội kể từ khi bộ phim được ra mắt. Điều này đặc biệt phổ biến ở thế hệ cuối 8x, đầu 9x và Gen Z.
2. Vụ án dân sự của Gwyneth Paltrow
Một sự kiện khác góp phần khiến xu hướng sang trọng thầm lặng trở nên nổi tiếng vào năm 2023 là vụ kiện dân sự của nữ diễn viên Gwyneth Paltrow hồi tháng Ba. Cụ thể, nữ diễn viên kiêm chủ sở hữu thương hiệu Goop bị buộc tội gây tai nạn khi trượt tuyết tại thành phố Park City, thuộc tiểu bang Utah (Mỹ).
Tuy nhiên, điều khiến mọi người bàn tán nhiều nhất không phải là nội dung vụ kiện, mà là bộ trang phục nữ diễn viên đã mặc trong phiên tòa hôm đó. Tại phiên điều trần, Paltrow đã mặc bộ trang phục với màu chủ đạo là nâu, be đến từ nhà mốt Celine và đi bốt Prada - sự kết hợp khiến quần áo của cô trở thành chủ đề thảo luận chính trong suốt phiên tòa .
Hình ảnh của nữ diễn viên Gwyneth Paltrow tại phiên tòa
"Cô ấy có thể đeo chiếc vòng cổ trị giá 25.000 USD (khoảng 593 triệu đồng) và đôi bốt trị giá 1.500 USD (khoảng 35 triệu đồng), nhưng bạn sẽ không biết được điều đó trừ khi bạn cũng là một tín đồ thời trang", Liz Teich, người điều hành The New York Stylist cho biết.
Sang trọng thầm lặng trong những khía cạnh khác
Mặc dù nguồn gốc của xu hướng đặc biệt này xuất phát từ thời trang, nhưng tính thẩm mỹ của nó thậm chí còn ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, tiêu biểu như lĩnh vực thiết kế nội thất.
Sự sang trọng có thể nằm ngay trước mắt chúng ta, nhưng chỉ những người thực sự tinh tế mới có khả năng phát hiện chúng. Nói một cách dễ hiểu, nguồn gốc của những sản phẩm nội thất đi theo xu hướng này sẽ không rõ ràng ngay lập tức, chỉ khi bạn nhìn kỹ hơn thì những yếu tố như chất lượng, hình thức và sự khéo léo mới tiết lộ cho bạn nguồn gốc của nó.
Ngành thiết kế nội thất cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của xu hướng mới
Xu hướng sang trọng thầm lặng trong ngành nội thất đã phần nào phản ánh mong muốn tạo ra không gian yên tĩnh, thanh bình nhưng cũng không kém phần sang trọng và hấp dẫn. Tuy nhiên, xu hướng này thường được cá nhân hóa bằng nhiều cách phối màu khác nhau, từ mềm mại, trầm tính, tông màu đất đến việc sử dụng các loại vật liệu chất lượng cao, bền vững có nguồn gốc hữu cơ.
Nhìn chung, mục đích cuối cùng của những sản phẩm này là tạo ra một không gian nội thất không ồn ào, sặc sỡ mà thay vào đó là mang nét yên bình, êm dịu, mang tính thẩm mỹ đơn giản và không khiến người xem bị rối mắt.
Để nắm bắt được xu hướng đặc biệt này, các thương hiệu cao cấp cần có chiến lược tiếp thị độc đáo và nhắm đến mục tiêu cao cấp. Một chiến lược thực sự hiệu quả cần bao gồm nội dung được trau chuốt cẩn thận, khai thác triệt để các điểm chính của sự sang trọng thầm lặng như tính độc quyền, độc đáo, chất lượng và tinh xảo.
Phong cách thập niên 1950 truyền cảm hứng vào tủ quần áo mùa xuân của bạn Thời trang, là một ngành công nghiệp theo chu kỳ, không bao giờ thất bại trong việc đưa ra các xu hướng mà chúng ta nghĩ rằng sẽ bị bỏ lại trong quá khứ từ lâu. Kể từ sau đại dịch, các xu hướng từ những năm 90 và đầu những năm 2000 đã thống trị làng thời trang, với các phong cách...