Trung Quốc xây căn cứ trực thăng sát eo biển Đài Loan
Căn cứ trực thăng của quân đội Trung Quốc tại tỉnh Phúc Kiến, bên bờ eo biển Đài Loan, có 10 bãi đáp và ít nhất 27 nhà chứa máy bay.
Ảnh vệ tinh được tài khoản Twitter detresfa, một chuyên gia phân tích dữ liệu tình báo làm việc cho Intel Lab, công bố ngày 11/3 cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ trực thăng khổng lồ ở huyện Chương Phố thuộc tỉnh Phúc Kiến, cách đảo Đài Loan khoảng 240 km. Việc xây dựng căn cứ này được cho là bắt đầu vào khoảng tháng 5-6/2019.
Căn cứ trực thăng có đường băng dài 600 m cùng đường lăn dài 1,7 km. Ảnh vệ tinh chụp hôm 18/2 cho thấy căn cứ có 27 nhà chứa máy bay, bao gồm 18 nhà chứa đã hoàn thành và 9 công trình khác đang được xây dựng dọc theo đường lăn.
Phía trên đường băng có 10 bãi đáp cùng nhiều ô vuông sơn trắng dọc theo đường lăn, có thể là khu vực khởi động trực thăng. Trên đường lăn có ba trực thăng, có thể là Mi-8 hoặc Mi-17 đang được quân đội Trung Quốc sử dụng.
Ảnh vệ tinh căn cứ trực thăng của Trung Quốc ở huyện Chương Phố, tỉnh Phúc Kiến, ngày 18/2. Ảnh: PlanetLabs .
Video đang HOT
Chưa rõ tình trạng hoạt động của căn cứ, ảnh vệ tinh cho thấy dường như các tòa nhà hành chính, doanh trại và các công trình khác ở phía tây nam đang được xây dựng. Chưa có tuyến đường nội bộ hoàn thiện nào nối sân bay với khu vực hành chính của căn cứ.
Biên tập viên Joseph Trevithick của Drive nhận định dù các cơ sở phục vụ bay mới hoạt động hạn chế, “sân bay trực thăng tại huyện Chương Phố là địa điểm huấn luyện có giá trị và có thể là điểm tập kết cho các chiến dịch quanh eo biển Đài Loan”.
Theo Trevithick, quân đội Trung Quốc có thể phát động các chiến dịch không quân quy mô lớn với hàng chục trực thăng nhằm vào đảo Đài Loan, đảo Kim Môn, Bành Hồ và Đông Sa từ căn cứ Chương Phố. Căn cứ này còn có thể hỗ trợ trực thăng tuần thám săn ngầm hoạt động ở khu vực eo biển Đài Loan, trong bối cảnh hòn đảo đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của mình.
Vị trí của sân bay trực thăng (đánh dấu đỏ). Đồ họa: Google .
Ngoài trực thăng, đường băng của căn cứ này có thể hỗ trợ máy bay không người lái (UAV) tầm xa của quân đội Trung Quốc. Các UAV xuất phát từ đây có thể thực hiện nhiệm vụ tình báo, trinh sát và giám sát xung quanh eo biển Đài Loan lâu hơn. Tuy nhiên, ít có khả năng căn cứ này được cải hoán để vận hành tiêm kích có người lái do thiếu các yếu tố hỗ trợ.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố có thể sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân ở eo biển Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm từng cảnh báo việc đảo Đài Loan độc lập “đồng nghĩa với chiến tranh”.
Máy bay Trung Quốc áp sát Đài Loan 380 lần năm 2020
Máy bay quân sự Trung Quốc tiếp cận đảo Đài Loan 380 lần trong năm 2020, mức cao kỷ lục khi căng thẳng hai bờ eo biển gia tăng.
"Điều này gây ra mối đe dọa an ninh đối với chúng tôi và khu vực", phát ngôn viên cơ quan phòng vệ Đài Loan Shih Shun-wen hôm nay cho hay, đề cập đến số vụ máy bay Trung Quốc đại lục tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở phía tây nam hòn đảo ở mức chưa từng thấy trong năm qua.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan tăng lên đáng kể từ khi bà Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo năm 2016 và tái đắc cử hồi đầu năm ngoái.
Căng thẳng lên mức đỉnh điểm trong năm 2020, khi Trung Quốc điều chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay trinh sát vào ADIZ của Đài Loan với tần suất chưa từng có.
Tiêm kích F-16 của Đài Loan (dưới) bay cạnh một oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không Đài Loan hồi tháng 2/2020. Ảnh: AFP .
Máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên tiến vào khu vực này "để kiểm tra khả năng phản ứng của lực lượng vũ trang Đài Loan, gây áp lực với hệ thống phòng không và thu hẹp vùng trời hoạt động của chúng tôi", ông Shih nói thêm.
Những con số trên được công bố khi Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, trực thuộc Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, vừa công bố báo cáo thường niên về Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó nhận định "mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1996 ở Eo biển Đài Loan".
Trong cuộc khủng hoảng này, PLA đã phóng nhiều tên lửa xuống eo biển Đài Loan, khi người dân hòn đảo lần đầu tiên đi bầu lãnh đạo. Động thái của Trung Quốc đã khiến Mỹ điều tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để răn đe.
Jeremy Hung, đồng tác giả báo cáo, cho biết các máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần Đài Loan hơn và thường xuyên tiến vào khu vực phòng thủ của hòn đảo ít nhất 110 ngày trong năm ngoái, cao hơn rất nhiều so với chỉ 6 chuyến huấn luyện đường dài quanh đảo Đài Loan năm 2016 và 20 lượt năm 2017. Theo ông Hung, các hành động quân sự gia tăng của Bắc Kinh được coi là "tín hiệu cảnh báo Đài Loan không vượt lằn ranh đỏ" trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo với Mỹ đang ấm lên.
Máy bay Trung Quốc cũng vượt qua cái gọi là "đường trung tuyến" trên eo biển Đài Loan khi các quan chức cấp cao Mỹ thực hiện hai chuyến thăm đến hòn đảo. Đường trung tuyến là đường không chính thức phân chia eo biển giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Năm ngoái, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đường này không tồn tại.
Bắc Kinh cũng tỏ ra tức giận bởi mối quan hệ ngày càng nồng ấm mà Đài Loan xây dựng với Washington trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Ngoài các chuyến thăm cấp cao, chính quyền Trump phê duyệt các hợp đồng bán vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Đài Loan, trong khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan 13 lần vào năm ngoái.
Lý do TQ khó tấn công thu hồi Đài Loan đúng dịp bầu cử Mỹ Trước các động thái tập trận gần eo biển Đài Loan của Trung Quốc đại lục, nhiều người dự đoán Bắc Kinh sẽ tấn công đảo Đài Loan đúng dịp bầu cử Mỹ. Một chuyên gia Mỹ đã đưa ra nhận định về vấn đề này. Trung Quốc sẽ không tấn công đảo Đài Loan đúng dịp bầu cử Mỹ, theo chuyên gia....