Trung Quốc tuyên bố đóng tàu sân bay mới lớn hơn Liêu Ninh
Tân Hoa xã dẫn lời phó đô đốc hải quân Trung Quốc cho biết, nước này sẽ xây dựng đội tàu sân bay mới lớn hơn tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh-tàu sân bay được xây dựng từ một vỏ tàu cũ của Liên Xô và được đưa vào sử dụng vào năm ngoái.
Tàu sân bay Liên Ninh của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, tại buổi lễ kỷ niệm 64 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc vào 23/4, Phó đô đốc Song Xue cho biết với phái đoàn quân sự nước ngoài tại Bắc Kinh rằng, các tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc sẽ có nhiều chiến đấu cơ hơn chiếc tàu sân bay Liêu Ninh.
“Trung Quốc sẽ có hơn một tàu sân bay. Chúng tôi hi vọng tàu sân bay kế tiếp sẽ lớn hơn…có khả năng chuyên chở nhiều máy bay hơn và mạnh mẽ hơn. Đó là mục tiêu của chúng tôi”, ông Song Xue cho hay.
Tuy nhiên ông cho biết một số thông tin của báo chí nước ngoài cho rằng các tàu sân bay mới của Trung Quốc đang được xây dựng ở Thượng Hải là không chính xác.
Cũng theo ông Song, tàu sân bay Liêu Ninh hiện không thuộc về hạm đội nào trong 3 hạm đội của hải quân Trung Quốc, mà nằm dưới sự chỉ huy và quản lý trực tiếp của trụ sở hải quân.
Thông tin trên cho thấy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa được một khoản ngân sách khổng lồ, tăng 10,7% so với năm ngoái, hỗ trợ. Giờ đây Trung Quốc đã trở thành quốc gia có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Taylor Fravel, giáo sư tại Viện công nghệ Massachusetts, chuyên gia về quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, cho hay, “thông tin trên càng chứng tỏ điều mà nhiều người nhận thấy: Liêu Ninh chỉ là tàu sân bay huấn luyện hay “tàu khởi đầu”. Cuối cùng Trung Quốc sẽ phát triển những tàu lớn hơn, có khả năng tốt hơn”.
Ông cũng cho rằng, thông tin chứng tỏ “PLA hiện nay tự tin hơn nhiều trước kia, dựa trên việc họ sẵn sàng nói về các chương trình quân sự tương lai của mình”.
Trong khi đó Tân Hoa xã dẫn lời ông Zhang Zheng, chỉ huy tàu Liêu Ninh, cho biết với phái đoàn nước ngoài rằng, thủy thủ trên tàu đã được huấn luyện thành thục các hệ thống vũ khí trên tàu. Theo ông Song, các chiến đấu cơ J-15 phải cần thử nghiệm thêm trước khi được triển khai hoạt động trên tàu sân bay.
Và 4 ngày trước đây, báo chí nhà nước Trung Quốc cũng cho biết Liêu Ninh sẽ thực hiện chuyến ra khơi xa đầu tiên “trong năm nay”. Hồi tháng 3, Lan Yun, chuyên gia đóng tàu Trung Quốc cũng cho biết trên báo chí nhà nước Trung Quốc rằng chuyến ra khơi lớn đầu tiên của Liêu Ninh có thể diễn ra trong vòng 1-3 tháng nữa và Liêu Ninh sẽ tiến tới “vùng biển gần quần đảo Okinawa của Nhật Bản và thậm chí là cả Guam”.
Video đang HOT
Quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai các hệ thống tên lửa có khả năng phá hủy tàu sân bay. Những tên lửa chống hạm này được đặt dọc bờ nam của Trung Quốc, chĩa sang Đài Loan. Thông tin được trung tướng Mỹ Michael Flynn, giám đốc Cơ quan tình báo quân sự tiết lộ hôm 18/4 vừa qua trước Ủy ban vũ trang thượng viện Mỹ.
Theo Dantri
"Mổ xẻ" kế hoạch phòng thủ tên lửa của Nhật Bản
Nhật Bản đã triển khai các tên lửa đánh chặn Patriot tại thủ đô Tokyo để bảo vệ khoảng 30 triệu cư dân của thành phố trước bất kỳ một cuộc tấn công nào từ Tiều Tiên. Liệu Tokyo có bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng?
Một binh sĩ Nhật đứng gác gần bệ phóng tên lửa PAC-3 cạnh trụ sở Bộ quốc phòng ở Tokyo.
Tiềm lực của quân đội Nhật Bản?
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có tổng cộng gần 250.000 quân nhân. Tính tới tháng 3/2012, Nhật Bản có 143 tàu quân sự và 420 máy bay chiến đấu. Tokyo đã chi khoảng 50 tỷ USD cho quân đội mỗi năm, tương đương với khoảng 1% GDP.
Quân đội Nhật Bản được trang bị và huấn luyện tốt, và tận dụng tốt công nghệ.
Mỹ hiện có khoảng 47.000 quân nhân đồn trú tại Nhật Bản, kèm theo nhiều thiết bị quân sự.
Nhật Bản đã triển khai 2 tàu khu trục Aegis, mỗi bờ biển bố trí một tàu, được trang bị các hệ thống cảnh báo radar tiên tiến để theo dõi các vụ phóng tên lửa.
Nhật Bản đã làm gì để phòng thủ trước tên lửa của Triều Tiên?
4 tàu khu trục Aegis thường tuần tra vùng biển quanh quần đảo. Hiện tại, 2 trong số đó đang có mặt tại biển Nhật Bản.
Có 16 khẩu đội phóng tên lửa Patriot (PAC-3) đặt tại 4 khu vực khác nhau của Nhật Bản. Số bệ phóng PAC-3 đơn lẻ được cho là 28. Lực lượng Mỹ tại Okinawa được cho là có 24 bệ phóng khác.
Để đề phòng vụ phóng của Triều Tiên, 4 khẩu đội PAC-3 đã được di chuyển tới trụ sở Bộ quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo và 3 căn cứ quân sự quanh thủ đô.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận cảnh báo rằng công nghệ tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên cho phép họ phóng từ phía sau một bệ phóng di động. Điều này có thể khiến bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên đang lại gần trở nên khó đánh chặn hơn vì khó tính toán đường đi của tên lửa hơn.
Trong những trường hợp nào Nhật Bản có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên?
Luật pháp Nhật Bản cho phép quân đội bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên trên bầu trời lãnh thổ nước này hoặc bên trên vùng biển khi nó đang tiến tới lãnh thổ Nhật Bản hoặc được cho là có thể gây nguy hiểm cho người dân và tài sản của Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho hay Nhật Bản không có khả năng trở thành mục tiêu của bất kỳ vụ phóng nào, nhưng các sự cố kỹ thuật hoặc công nghệ của tên lửa Triều Tiên được phóng vào Thái Bình Dương có thể khiến tên lửa hoặc các bộ phận của tên lửa rơi xuống Nhật Bản.
Tình huống bất ngờ đó có thể xảy ra và Tokyo đang cảnh giác trước điều đó.
Điều gì đã xảy ra trong các vụ phóng trước đây của Triều Tiên?
Triều Tiên đã phóng một tên lửa mà không đưa ra cảnh báo nào vào ngày 31/8/1998 mà nước này khẳng định là một nỗ lực nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Tầng đầu của tên lửa đã rơi xuống biển Nhật Bản và tầng thứ 2 bay ra đảo Honshu và rơi xuống Thái Bình Dương.
Vụ phóng đó khiến Nhật Bản quyết định triển khai các tàu khu trục Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 trên biển và tên lửa đất đối không Patriot trên đất liền vào năm 2003.
Ngày 27/3/2009, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã ký lệnh bắn hạ lần đầu tiên để đối phó với sự chuẩn bị của Triều Tiên nhằm phóng một tên lửa.
Tên lửa đó đã được phóng vào ngày 5/8, bay hàng trăm km trên bầu trời vùng đông bắc Nhật Bản. Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã không đánh chặn nó.
Vào ngày 30/3/2012, một lệnh bắn hạ khác đã được đưa ra khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng một vệ tinh. Tuy nhiên, vệ tinh tầm xa đã phát nổ ngay sau khi được phóng lên ngày 13/4.
Một lệnh bắn hạ thứ 3 được ký vào ngày 7/12/2012, khi Triều Tiên sẵn sàng cho một tên lửa, vốn bay về phía nam qua quần đảo Okinawa 5 ngày sau đó.
Tên lửa đã bay qua quần đảo Okinawa ngoài phạm vi của các tên lửa đánh chặn SM-3 và PAC-3 của Nhật Bản.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản đã ra lệnh bắn hạ tên lửa mới nhất vào ngày 7/4.
Chuyện gì sẽ xảy ra trong lần phóng này?
Toshimitsu Shigemura, giáo sư tại Đại học Waseda ở Tokyo và là một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, cho hay Triều Tiên không nhắm tên lửa vào Nhật Bản.
"Theo luật quốc tế, Nhật Bản có quyền bắn hạ một tên lửa đang bay qua nước này nếu nó được phóng mà không có cảnh báo trước. Triều Tiên có thể chỉ trích Nhật Bản vì một hành động như vậy, nhưng có thể không làm gì hơn", ông Shigemura nói.
Masao Okonogi, một giáo sư danh dự tại Đại học Keio, cho rằng Triều Tiên có thể nhắm tên lửa về phía đảo Guam hoặc Hawaii.
"Ít có khả năng các phần của tên lửa sẽ rơi xuống Nhật Bản. Những mảnh vỡ như vậy sẽ cháy trên không, vì thế nhiều khả năng chúng không rơi xuống lãnh thổ Nhật", ông Okonogi nhận định.
"Tuy nhiên, nếu tên lửa được bắn về phía Nhật Bản, đó là một hành động quân sự rõ ràng và trong trường hợp đó Nhật Bản chắc chắn sẽ bắn hạ nó".
Theo Dantri
Tân Hoa xã đưa tin về phương án chiến tranh với Trung Quốc của Mỹ Mỹ liên tiếp điều chỉnh thế bố trí chiến lược mới theo tư tưởng "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" nhằm vào Trung Quốc. Ngày 3/8, cuộc diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương-2012" do Mỹ chủ trì kết thúc, tàu sân bay Mỹ dẫn đầu tàu chiến các nước thể hiện sức mạnh trên biển. Hai năm trở lại đây, Bộ...