Trung Quốc tức giận với phát biểu của Anh về phiên tòa Biển Đông
Trung Quốc ngày 20.4 bày tỏ sự bực tức về phát biểu của một nhà ngoại giao Anh khi nói rằng London thiên vị và phân biệt đối xử với Bắc Kinh trong vụ tranh tụng pháp lý Biển Đông liên quan đến Philippines.
Trung Quốc giận dữ với phát biểu của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh về phiên tòa Biển Đông – Ảnh: Reuters
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Nam Á, ông Hugo Swire hôm 19.4 kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan). Ông này nói rằng nước Anh nhận thấy phán quyết là cơ hội cho cả Trung Quốc và Philippines xem xét lại những đối thoại của 2 bên về vấn đề Biển Đông.
“Những lời bình luận của ông Swire đã bỏ qua những sự thật, rất phân biệt đối xử, một chiều và đi ngược lại một cách nghiêm trọng lời hứa của nước Anh không đứng về phe nào trong vụ tranh chấp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói trong cuộc họp báo hàng ngày.
“Chúng tôi cực kỳ thất vọng với những lời bình luận đó”, bà Hoa Xuân Doanh nói tiếp, theo Reuters.
Bà ta đổ lỗi căng thẳng ở Biển Đông là do Mỹ và Philippines gây ra chứ không phải Trung Quốc khi nói rằng máy bay và tàu chiến của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng biển này.
Video đang HOT
“Thực tế chứng minh rằng nếu Biển Đông căng thẳng thì đó là do Mỹ, kẻ có trách nhiệm lớn nhất của việc này”, bà Hoa tiếp tục đổ lỗi.
Quân đội Philippines đồn trú trên một tàu chiến dùng làm căn cứ ở Biển Đông. Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện, gọi đó là “sự lạm dụng của luật pháp quốc tế”.
Dự kiến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.2016, tòa sẽ đưa ra phán quyết đối với vụ tranh chấp mà Philippines khởi kiện Trung Quốc. Giới nghiên cứu luật quốc tế dự đoán phán quyết sẽ có lợi cho Manila, đồng thời lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết này.
Hồi tháng 2.2016, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU, mà Anh là một thành viên) đã thúc giục Trung Quốc tôn trọng phán quyết của toà án The Hague.
Anh ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du của ông hồi tháng 10.2015 đến London. Khi đó có nhiều chỉ trích nhắm vào Thủ tướng Anh David Cameron, cho rằng London dễ dãi bỏ qua vấn đề Biển Đông vì lợi ích kinh tế của nước Anh.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Anh: Phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông phải được tuân thủ
Ông Hugo Swire, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á, ngày 18.4 cho biết phán quyết của tòa án quốc tế về đơn kiện của Philippines liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông phải được tuân thủ.
Ông Hugo Swire, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á - Ảnh: Reuters
Philippines hồi năm 2013 đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan), phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh từ chối tham gia các phiên phân xử. Tòa trọng tài thường trực dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.2016.
Ông Swire cho biết biết phán quyết của Tòa trọng tài thường trực là cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại về tranh chấp trên Biển Đông, theo Reuters.
Theo ông Swire, mặc dù quan hệ Anh-Trung Quốc trở nên ấm áp hơn và London muốn thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa Anh phớt lờ vấn đề nhân quyền hoặc nỗ lực bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Chúng tôi muốn nói rõ với phía Trung Quốc rằng chúng tôi chỉ có thể ký kết những thỏa thuận một cách minh bạch theo hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế", ông Swire phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tại thủ đô Washington.
Thủ tướng Anh David Cameron đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 tại London - Ảnh: Reuters
"Dưới hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế mà cả thế giới tuân theo, chúng tôi kỳ vọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực phải được các bên liên quan tuân thủ", ông Swire cho hay.
Ông Swire khẳng định Anh xem tự do hàng hải và hàng không là quyền lợi "hoàn toàn không cần thương lượng" của tất cả quốc gia trên thế giới.
Hồi tháng 2.2016, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) từng cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa án này.
Washington từng bày tỏ quan ngại Trung Quốc có thể dùng phán quyết của tòa, nếu phán quyết này chống lại Bắc Kinh, làm cái cớ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Một khi Bắc Kinh đã lập ADIZ ở Biển Đông như ở biển Hoa Đông trước đây, thì tất cả các chuyến bay đi qua Biển Đông phải xin phép, thông báo cho chính quyền Trung Quốc.
Phúc Duy
Theo Thanhnien