Trung Quốc trở lại là thị trường số 1 của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Thị trường này trở lại là thị trường lớn nhất của XK cá tra Việt Nam trong quý I năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày 22/4 cho biết, ba tháng đầu năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ tới XK cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường, tổng giá trị XK cá tra quý I/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực đã trở lại từ tháng 3 khi ghi nhận giá trị XK cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông tháng 3/2020 đã tăng đến 109% so với tháng 1/2020.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ
Tính đến hết tháng 3/2020, giá trị XK sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng giá trị XK cá tra và vượt qua Mỹ để trở lại là thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt. Mặc dù vẫn giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song đây là mức XK lạc quan so với những ngày đầu năm. Dự báo trong quý II/2020, XK cá tra sang thị trường này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.
Với thị trường Mỹ, giá trị XK cá tra tháng 3/2020 đạt 23 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ 2019. Tính hết tháng 3/2020, giá trị XK sang Mỹ đạt 61,7 triệu USD, chiếm 18,5% tổng XK cá tra. Mặc dù vẫn giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã cho thấy phản ứng tích cực từ thị trường này. Hy vọng trong quý II, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vượt lên tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, kể từ tháng 2 và 3, dịch COVID-19 làm đảo lộn hoạt động vận tải, phân phối cũng như hoạt động kinh doanh của các nước EU, XK cá tra sang thị trường này bị ảnh hưởng ngày càng rõ.
Qúy đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang EU đạt gần 36,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cạnh đó, XK cá tra sang các thị trường lớn khác như ASEAN, Brazil, Mexico, Colombia, Australia vẫn giảm mạnh.
Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL từ hai tháng nay vẫn dao động mức 18.000-18.500 đồng/kg, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và ở mức giá này người nuôi vẫn lỗ trên 3.000 đồng/kg.
Do tình hình một số thị trường XK đang tạm lắng, cộng với hạn hán và xâm nhập mặn khiến cả nhà máy và người dân giảm thả nuôi, sản lượng thu hoạch sắp tới có thể giảm, song đây là điều kiện để giá cá tra nguyên liệu có thể tăng. Mặt khác, tín hiệu lạc quan đang trở lại ở một số thị trường lớn, hy vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, XK trở lại trong thời gian tới.
Video đang HOT
Cảnh Kì
Ngành hàng cá tra giữ 'đường bơi,' vượt qua giai đoạn khó khăn
Trước biến động lớn hiện nay, khi ngành cá tra Việt không làm chủ được thị trường thì toàn ngành phải quay lại kiểm soát chính mình để giữ "đường bơi" cho cá tra, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cá tra là nhóm hàng có tăng trưởng âm sâu nhất trong các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xác định mục tiêu, không để ngành chế biến, xuất khẩu cá tra chịu bế tắc trong giai đoạn này.
Xuất khẩu giảm do dịch
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 tác động mạnh đến ngành cá tra. Kể từ tháng 3/2020 trở đi, hầu hết các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam trên thế giới đều "đóng băng," làm cho doanh số chế biến, xuất khẩu cá tra giảm mạnh.
Theo thống kê, hai tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng nặng nề về thương mại đối với cá tra Việt Nam tại thị trường châu Âu, nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 26 triệu USD, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra nhập khẩu trung bình tại nhiều thị trường giảm.
Kể từ tháng 3/2020, khi Italy, Đức và Anh là những thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam trở thành trung tâm của đại dịch đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ. Nhiều đơn hàng đã bị ngưng và khách hàng thông báo chưa biết thời điểm nào sẽ giao dịch trở lại.
Một số khách hàng châu Âu còn khả năng tương tác lại đang liên tục đưa ra yêu cầu giảm giá bán, trong khi, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang một số quốc gia tại châu Âu trong đầu năm nay đã giảm từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các thị trường xuất khẩu lớn, trong quý I/2020, xuất khẩu cá tra sang Brazil giảm 16%, Mexico giảm 58,7%, Colombia giảm 6%, Australia giảm 22,7%. Nhưng trong tháng 2/2020, xuất khẩu cá tra sang Brazil, Colombia và Australia tăng trưởng lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Những ảnh hưởng này làm cho người nuôi cá tra trong nước cũng trì trệ.
Ông Lê Thanh Vân, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết tình hình xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng hạn chế thu mua vì không có đơn hàng, làm cho giá cá giảm, chỉ còn 18.300 đồng/kg. Tình thế này buộc ông chỉ bán ra 70 tấn cá.
Hiện ông Vân còn hai ao cá tra thịt với sản lượng khoảng 170 tấn, mặc dù cá chưa đạt kích cỡ xuất bán nhưng cũng không dám cho ăn nhiều, chỉ nuôi cầm chừng để chờ giá tăng trở lại.
Ngoài ra, ông có một ao cá giống thả nuôi từ năm ngoái nhưng vẫn không bán được nên đành để vậy nuôi lớn bán cá thịt.
Giữ "đường bơi" cho cá tra
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, tình hình dịch bệnh đã bủa vây toàn thế giới, các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu có thể dự đoán được xu thế tiêu thụ trong thời gian tới, do nhu cầu tiêu dùng lớn từ các thị trường này. Tuy nhiên, các thị trường nhỏ rất khó đoán được sự thay đổi vì dịch bệnh.
Xuất khẩu cá tra sụt giảm do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Bức tranh xuất khẩu cá tra Việt trong năm 2020 lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ.
Do đó, trước biến động lớn hiện nay, khi ngành cá tra Việt không làm chủ được thị trường thì toàn ngành phải quay lại kiểm soát chính mình để giữ "đường bơi" cho cá tra, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Để làm được điều này, những người nuôi cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xác định được mối liên kết thu mua với doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cá lớn lên được tiêu thụ và nuôi đúng kích cỡ do doanh nghiệp yêu cầu.
"Nếu sản xuất tự phát mà không có nguồn tiêu thụ, tất yếu người nuôi sẽ chịu thiệt hại trước tiên, phía doanh nghiệp được đặt hàng đúng kích cỡ sẽ chỉ thu mua đúng với những hợp đồng đã được ký liên kết với người nuôi cá," ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ghi nhận từ VASEP, trong khi phần lớn các thị trường xuất khẩu đều sụt giảm thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU tăng 13% so cùng kỳ, đạt 127 triệu USD.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra, VASEP cho rằng, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin từ đối tác Trung Quốc, để tranh thủ thông quan các đơn hàng đặt trước ngay khi được phép, giảm thiểu chi phí bảo quản, kho bãi.
Tùy vào diễn biến thực tế, các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến, đồng thời, thông tin cho các vùng nuôi điều chỉnh thời vụ, sản lượng nguyên liệu cho phù hợp, tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu, gây thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp.
Về lâu dài, cần có bước chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội xuất khẩu vào các thị trường có giá trị cao hơn nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn. Trong số đó, yếu tố quyết định đầu tiên là chất lượng con giống.
Đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, giá thành nuôi cũng như chất lượng cá tra nguyên liệu.
Từ đó, các doanh nghiệp có thể tính toán những chi phí, giảm hao hụt đến mức thấp nhất, đảm bảo lợi nhuận duy trì doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này./.
Hồng Nhung
Thủy sản Mekong (AAM): Nguồn thu xuất khẩu giảm, quý 1 báo lãi 666 triệu đồng Theo AAM nguyên nhân lãi giảm là do doanh thu xuất khẩu trong quý 1/2020 sụt giảm. Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (mã CK: AAM) đã công bố BCTC quý 1/2020. Theo đó doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 41 tỷ đồng giảm 8% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán lại tăng cao nên lợi nhuận...