Trung Quốc trả giá vì ngang ngược ở Biển Đông
Bất chấp mọi sự chỉ trích, lên án và cảnh báo của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngày một lấn tới, hung hăng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Hành động coi thường dư luận, chà đạp lên luật pháp và đi ngược lại mọi cam kết của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải trả cái giá rất đắt.
Tàu Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam.
Trung Quốc đã lấn tới trong tranh chấp Biển Đông như thế nào?
Có một điều rất dễ nhận thấy là trong những năm gần đây, khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh thì cũng là lúc người ta thấy nước này ngày một quyết liệt hơn, hung hăng hơn trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Trong tranh chấp với Philippines, khởi đầu từ một cuộc đối đầu giữa tàu thuyền của hai nước Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough, Trung Quốc dần dần giành luôn quyền kiểm soát bãi cạn này. Tiếp đó, Trung Quốc lại có cuộc đối đầu gay gắt với Philippines ở bãi cạn Second Thomas. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa lực lượng ra chặn không cho tàu thuyền Philippines vào tiếp tế cho người của họ ở khu vực này.
Hành động của Trung Quốc đã khiến Philippines buộc phải đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết ở toà án quốc tế bất chấp việc Bắc Kinh dùng đủ mọi cách để ngăn cản bước đi này. Manila giải thích rằng, họ đã dùng đủ mọi biện pháp hoà bình nhưng không có hiệu quả và vì thế, họ phải dùng đến “thanh gươm pháp lý”.
Trong cuộc tranh chấp với Việt Nam, Trung Quốc cũng liên tiếp gây sóng gió ở những vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Một trong những động thái hung hăng đáng chú ý đầu tiên ở Biển Đông trong những năm gần đây của Trung Quốc là việc nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” kèm theo một loạt những hoạt động dựng chính quyền, triển khai quân đội ở nơi này. Năm 2012, Trung Quốc đã thông báo thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và nhanh chóng đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này.
Tiếp sau đó, Trung Quốc còn nhiều lần thông báo chào thầu quốc tế tại các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam cũng như thường xuyên kéo một đội tàu hùng hậu đủ loại vào các vùng biển của Việt Nam để quấy nhiễu, gây rối.
Hành động hung hăng gây chú ý lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay chính là việc nước này đưa cả một giàn khoan và hàng chục tàu thuyền, trong đó có cả tàu chiến, vào vùng biển của Việt Nam. Đây được xem là một bước lấn tới cực kỳ nghiêm trọng trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 cùng các tàu ở vùng biển của Việt Nam rõ ràng là hành động cố tình và có chủ ý nhằm xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Hành vi và thái độ của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận và nhận thức chung giữa Lãnh đạo hai nước và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Các văn kiện này đều nhấn mạnh việc các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp và tiến hành đàm phán, thương lượng để giải quyết bất đồng.
Trung Quốc sẽ phải trả cái giá đắt như thế nào?
Những hành động ngày một hung hăng, lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông không tránh khỏi việc nước này phải trả giá. Gần đây, một tờ báo quốc tế từng đăng tải một bài bình luận có nhan đề: “Bạn bè Châu Á của Trung Quốc đã đi đâu hết rồi?”. Bài báo này đã chỉ ra rằng, chỉ trong mấy năm qua, tình hình ở Châu Á đã có nhiều thay đổi rất lớn, và chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân Trung Quốc. Từ một quốc gia mà luật pháp cấm sử dụng chiến tranh như là một cách để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế, Nhật Bản bắt đầu tăng cường chú trọng đến việc phát triển năng lực quân sự. Từ chỗ không mấy mặn mà với Mỹ, Philippines đang ra sức thắt chặt quan hệ liên minh với Mỹ, mở rộng vòng tay đón quân Mỹ vào nước này. Indonesia bắt đầu thay đổi lập trường trung lập trong khi Malaysia bắt đầu phát triển quan hệ với Mỹ sau 48 năm.
Người ta từng nói, “bán anh em xa mua láng giềng gần” để nhấn mạnh tầm quan trọng của những người láng giềng xung quanh. Một nước có những người bạn láng giềng tốt, thân thiện sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn và ngược lại. Việc Trung Quốc gần đây có nhiều hành động ngang ngược trên Biển Đông sẽ khiến các nước láng giềng tức giận, quay lưng lại với họ. Điều đó đã được thể hiện rất rõ qua việc một loạt nước Châu Á gần đây có xu hướng ngả về phía Mỹ, thiết lập quan hệ gắn bó hơn, thân thiết hơn với Mỹ. Nhật Bản không còn muốn “đá” quân Mỹ ra khỏi quần đảo Okinawa như cách đây một vài năm. Philippines ký thoả thuận quân sự mới với Mỹ, cho phép Mỹ tiếp cận một loạt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ. Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn cũng được củng cố thêm. Quan hệ giữa Mỹ và Malaysia cũng được tăng cường trong khi Myamar bắt đầu đón nhận “cái chìa tay” từ phía Washington.
Video đang HOT
Cùng với việc ngả về phía Mỹ, người ta cũng thấy bắt đầu có những dấu hiệu lập liên minh giữa các nước Châu Á để đối phó với Trung Quốc như liên minh Nhật Bản-Philippines.
Những diễn biến trên hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc bởi thế giới ngày nay đang toàn cầu hoá, các nước phụ thuộc lẫn nhau. Một quốc gia bị cô lập sẽ khó lòng mà phát triển được.
Mất mát thứ hai mà Trung Quốc phải hứng chịu khi có cách hành xử hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông là uy tín, là niềm tin, là danh dự.
Với sự lớn mạnh không ngừng của mình, Trung Quốc rõ ràng cũng muốn có được vị thế xứng đáng với sức mạnh của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể trở thành một cường quốc, Trung Quốc cần phải xây dựng cho mình hình ảnh một quốc gia có uy tín và trách nhiệm.
Việc Trung Quốc bất chấp dư luận quốc tế, coi thường luật pháp quốc tế và chà đạp lên chính những cam kết mà họ từng đưa ra đã khiến hình ảnh của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia
Lòng tin với Trung Quốc đã bị ảnh hưởng
Sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 2014 chiều 11-5, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: Muốn quan hệ tốt đẹp cần có lòng tin. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam đã tác động đến lòng tin
* Phóng viên: Ông có thể cho biết vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được các nước đặt ra như thế nào tại hội nghị lần này?
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Vấn đề biển Đông đã bao trùm hội nghị lần này. Năm qua, tình hình biển Đông tương đối yên ổn, tiến trình thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) vẫn duy trì và đang thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Mọi người thấy tiến triển tích cực, khả năng đang tham vấn chuyển thành thương lượng thực sự, tạo ra không khí thống nhất. Tuy nhiên, không khí ấy đã bị Trung Quốc làm bất ngờ.
Tại hội nghị, Việt Nam mạnh mẽ khẳng định Trung Quốc vi phạm DOC bởi nơi giàn khoan Trung Quốc đặt nằm ở phía Nam Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên các nước không liên quan trực tiếp cũng thấy lo ngại. Vì vậy, các nước ASEAN thấy cần phải tăng cường đoàn kết.
Nhìn lại lịch sử, đây là lần đầu tiên trong 20 năm, ASEAN mới có tuyên bố riêng. Đáng hoan nghênh hơn nữa là bấy lâu nay, nhiều nước ASEAN ngại "dính" đến các nước lớn. Vì vậy, lần này là sự đột phá. Và mức độ lo ngại, quan tâm đã được nâng lên rất cao khi trong tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao đã khẳng định "đặc biệt nghiêm trọng" trong các diễn biến gần đây trên biển Đông. ASEAN cũng kêu gọi các bên phải kiềm chế và tuân thủ DOC. Hiện nay, tình hình rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến ổn định, hòa bình khu vực. Nếu lần này không đoàn kết, không có tiếng nói chung thể hiện phản ứng thì vai trò của ASEAN sẽ mất.
Có thể nói hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến các nước ASEAN, họ bất ngờ trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào thềm lục địa Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí tại MyanmarẢnh: đỨC TÁM
* Các bộ trưởng ngoại giao đã ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
- Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và gần 80 tàu vào thềm lục địa Việt Nam là vi phạm DOC nên làm các nước lo ngại thực sự. Các nước nhận ra cần tăng cường đoàn kết; nếu không đoàn kết, không có tiếng nói chung thì sẽ bị chia rẽ.
* Sau tuyên bố riêng của ASEAN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phản bác. Vậy ASEAN sẽ làm gì để tiến tới COC với Trung Quốc, thưa ông?
- Giữa ASEAN và Trung Quốc có nhiều tuyên bố. Năm 2012, nhân 10 năm có DOC, tại Campuchia, các nhà lãnh đạo có tuyên bố chung về biển Đông... Có thể nói, tuyên bố riêng của các bộ trưởng ngoại giao về tình hình biển Đông lần này cũng nhắc lại những thỏa thuận, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc trước đây. Tuyên bố này sẽ chuyển đến Trung Quốc và là tiếng nói chung của ASEAN về vấn đề biển Đông.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp để giải quyết vấn đề trên biển Đông. Vậy bước tiếp theo là gì, sau ngoại giao song phương, đa phương?
- Chúng ta luôn mong muốn giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thông qua các kênh ngoại giao, trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Đây là chủ quyền thiêng liêng nên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp, cần thiết và hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
* Nhận định của các nước về việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép như thế nào?
- Chúng ta có thể hiểu việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc đã tuyên bố. Vì vậy, các nước ASEAN rất lo ngại.
* Sau việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thưa ông?
- Quan hệ 2 nước vẫn là đối tác chiến lược toàn diện và Việt Nam vẫn duy trì quan hệ này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép đã tác động đến "lòng tin". Mà quan hệ muốn xây dựng tốt đẹp cần có lòng tin. Và tất nhiên, vụ việc vừa qua đã ảnh hưởng đến lòng tin.
* Quan điểm của Campuchia về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ra sao?
- Việc ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông của bộ trưởng ngoại giao các nước đã thể hiện quan điểm của Campuchia là thống nhất với các nước ASEAN.
* Còn thái độ của Trung Quốc sau Tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, thưa ông?
- Họ nói đây là vấn đề song phương, không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Đến thời điểm này, tình hình ngoài thực địa vẫn rất căng thẳng.
Chính nghĩa sẽ thắng!
Chính nghĩa sẽ thắng!
Sáng 11-5, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tuyên bố, nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu, ông Phạm Ngạc, cho rằng Việt Nam không thể nói chung chung về việc đưa vấn đề biển Đông ra quốc tế mà cần có "địa chỉ" cụ thể. Theo ông, với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), Việt Nam hoàn toàn có thể và có trách nhiệm phải nêu vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên biển Đông đối với Việt Nam cho cơ quan này. "Họ vi phạm Hiến chương LHQ, Công ước về Luật Biển của LHQ thì phải đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ và cơ quan này phải có trách nhiệm lên tiếng. Nếu Trung Quốc phủ quyết, tức là một mình họ đã chống lại cả Hội đồng Bảo an" - ông Phạm Ngạc phân tích.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều cuộc đấu tranh thành công là nhờ phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam. Làm được điều này là vì chúng ta có chính nghĩa và kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc. "Cuộc đấu tranh lần này của chúng ta có chính nghĩa. Chúng ta đã có thái độ đàng hoàng, kiềm chế, trong khi phía Trung Quốc tỏ ra hung hăng. Chúng ta phải huy động sự ủng hộ của bạn bè thế giới để tạo thêm sức mạnh" - bà Nguyễn Thị Bình đề xuất.
Chiều cùng ngày, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chính thức lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Qua đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi giới luật sư quốc tế, giới học giả và nghiên cứu quốc tế về biển Đông lên án hành vi vi phạm của chính phủ Trung Quốc; kêu gọi nhân dân Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao, thành viên nhóm nghiên cứu về biển Đông thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị giới luật sư Việt Nam cần nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở pháp lý để giúp sức, kiến nghị với Chính phủ kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế của LHQ về hành vi thôn tính lãnh thổ là các đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước câu hỏi làm thế nào để chinh phục, tạo được phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân Trung Quốc về hành động ngang ngược của nhà cầm quyền nước họ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng thông tin đến với người dân Trung Quốc xung quanh vụ này chắc chắn sẽ chậm và lệch lạc nhưng rồi sự thật chắc chắn cũng sẽ đến với họ. "Tôi nghĩ người dân Trung Quốc không có lợi ích gì để xung đột với Việt Nam. Người dân Trung Quốc chắc chắn muốn hòa bình, hợp tác nên họ sẽ hiểu vấn đề. Chúng ta cũng sẽ cố gắng để dư luận Trung Quốc hiểu được chúng ta" - bà Nguyễn Thị Bình nói.
Ph.Nhung - V.Duẩn - Th.Kha
Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Ngày 11-5, kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, nước chủ nhà Myanmar, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 đã ra tuyên bố về tình hình biển Đông bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các vụ việc đang diễn ra.
Tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy, xây dựng lòng tin và kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)". Tuyên bố nhấn mạnh cần sớm đạt được COC.
Tuyên bố cũng ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở biển Đông.
B.Diệp
Theo NLĐ
Tình hình Biển Đông: Trung Quốc cố tình vu cáo Việt Nam Phía Trung Quốc cố tình vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam cũng như nhắc lại lập trường cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông. Trung Quốc không giải thích được lý do đưa 80 tàu ra giàn khoan Chiều 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nhằm biện minh cho việc đưa giàn khoan HD981 hoạt động...