Trung Quốc tổng kiểm tra thu nhập, chi tiêu của quân nhân
Quân đội Trung Quốc sẽ bắt đầu cuộc kiểm tra kéo dài 1 năm liên quan tới các khoản thu nhập và chi tiêu công của tất cả quân nhân, trong bối cảnh chính phủ trung ương tiếp tục nỗ lực nhằm truy quét tham nhũng trong quân đội.
Các binh sĩ Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)
Ủy ban quân ủy trung ương (CMC), do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, gần đây đã công bố kế hoạch tiến hành một cuộc kiểm tra đối với thu nhập và chi tiêu của toàn bộ quân nhân trong năm 2013 và 2014, tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc ngày 11/2 đưa tin.
Ông Zhao Keshi, Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần của quân đội và là người đứng đầu đoàn kiểm tra, cho hay trong cuộc họp đầu tiên của nhóm điều tra hôm 11/2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cuộc kiểm tra, được tin là sẽ giúp cải thiện năng lực của quân đội trong việc sử dụng các nguồn tài chính.
Cuộc điều tra, dự kiến được thực hiện đối với tất cả các bộ bộ ngành và các cấp trong quân đội, sẽ có ảnh hưởng sâu rộng và có thể giải quyết các cuộc xung đột về lợi ích, ông Zhao nói.
Cuộc kiểm tra tài chính sẽ xem xét tất cả các dòng tiền, hóa đơn và chi tiêu vốn vượt quá ngân sách ban đầu nhằm phát hiện các vụ biển thủ hoặc các khoản tiền mờ ám mà các quân nhân tham nhũng đã lấy từ công quỹ.
CMC yêu cầu quân đội xem cuộc điều tra là ưu tiên hàng đầu và thường xuyên báo cáo về quá trình điều tra.
Thiếu tướng Xu Guangyu, cố vấn cấp cao của Hội đồng kiểm soát giải trừ quân bị Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng động thái trên cho thấy quyết tâm của giới chức trong việc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng và đảm bảo việc sử dụng tốt hơn các nguồn quỹ.
Video đang HOT
“Cuộc điều tra sẽ tìm ra thêm nhiều hổ ra và ruồi (các quan chức tham nhũng cấp thấp và cấp cao) vẫn chưa bị sờ đến trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cuộc điều tra cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý tài chính tốt hơn trong quân đội để tránh lạm dụng quyền lực và tăng cường kỷ luật tài chính”, ông Xu nói.
Trong một bài bình luận ngày 10/2, nhật báo quân đội Trung Quốc cho hay quân đội đã đạt được một số thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, sau khi đưa ra một loạt các quy định nhằm ngăn chặn việc chi tiêu sai công quỹ và nâng cao hiệu quả tài chính.
Trong một bài phát biểu trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói về tầm quan trọng của việc loại bỏ tham nhũng trong các quan chức quân đội cấp cao và cho biết các quân nhân bị cấm nhận các khoản tiền ngoài lương. Hồi tháng trước, quân đội Trung Quốc đã công bố các cuộc điều tra nhằm vào 16 quan chức quân đội cấp cao.
An Bình
Theo Dantri/China Daily
Tập Cận Bình muốn gì trong chuyến thăm Mỹ?
Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận lời mời thăm Mỹ vào tháng 9 trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama. Trang Diplomat dẫn những dự đoán của chuyên gia về chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tới California (Mỹ) và hội đàm với Tổng thống Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands. Tuy nhiên, ông Tập không đến Washington vào dịp này, do đó, chuyến đi năm 2013 không được xem là chuyến thăm Mỹ chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Phải đến tháng 9 năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình mới chính thức công du lần đầu tới Mỹ sau khi nhận lời mời của Tổng thống Obama. Washington và Bắc Kinh đã nhất trí sẽ chuẩn bị chu đáo để đảm bảo sự thành công cho chuyến công du quan trọng này của ông Tập.
Trang Diplomat đã đưa ra một số dự đoán về tác động của chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với tương lai của quan hệ Trung - Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama (phải) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở một khu nghỉ dưỡng Sunnylands tại California năm 2013.
Đầu tiên, chuyến thăm Mỹ của ông Tập đã được xác nhận sẽ diễn ra vào tháng 9. Một câu hỏi đặt ra là vì sao thời điểm này lại được chọn. Theo Diplomat, chuyến thăm Mỹ vào mùa thu của Chủ tịch Trung Quốc, trùng với lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, sẽ rất thuận tiện cho ông Tập bay tới New York tham dự sự kiện này sau khi hội đàm với ông Obama tại Washington.
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc ở New York cũng là dịp để nhà lãnh đạo Trung Quốc hẹn gặp song phương với các đối tác quan trọng khác, chẳng hạn Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi...
Ngoài ra, chuyến thăm mùa thu cũng cho phép các nhà ngoại giao Trung - Mỹ có đủ thời gian để chuẩn bị các chi tiết của Hiệp định Đầu tư Song phương Trung - Mỹ (BIT). BIT được cho sẽ là vấn đề nghị sự quan trọng trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập.
Thứ 2, về các chương trình nghị sự giữa hai lãnh đạo Trung- Mỹ, theo Diplomat, ông Tập và ông Obama sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến lợi ích chung cũng như những tranh chấp giữa 2 nước. Nhìn chung, theo giới quan sát, trong chuyến thăm cấp nhà nước, Mỹ và Trung Quốc sẽ muốn tập trung thảo luận về các vấn đề tích cực, giúp mang lại lợi ích chung cho cả 2 bên hơn.
Trước đó, khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới thăm Mỹ, chương trình nghị sự chủ yếu giữa hai bên tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế, xây dựng "lòng tin chiến lược", mở rộng quan hệ quân sự cũng như bàn về các "thách thức toàn cầu" mà cả hai bên đều quan tâm và có nhiều quan điểm chung.
Cả 2 bên có xu hướng tránh nói về các vấn đề đang tranh cãi gay gắt. Chẳng hạn, tháng trước, khi tới Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tập trung vào việc đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc nước này phải cắt giảm khí thải nhà kính và tăng sử dụng nhiêu liệu phi hóa thạch, thay vì giải quyết những vấn đề mà 2 nước đang tranh cãi gay gắt, quyết liệt như an ninh mạng.
Thêm một lý do để chương trình nghị sự Trung, Mỹ tháng 9 sẽ tránh thảo luận về những bất đồng, mâu thuẫn là Tổng thống Obama đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Do đó, nhân chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ, nhằm tăng thêm di sản ngoại giao trong suốt 8 năm cầm quyền của mình.
Thứ 3, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ được cho là có thể sẽ mang tới cái kết đẹp cho Hiệp định Đầu tư Song phương Mỹ-Trung (BIT) mà 2 nước đang nỗ lực xây dựng.
Nhiều người kỳ vọng, tới tháng 9 năm nay sẽ đánh dấu bước đột phá liên quan đến BIT khi Hiệp định này được xem là "quả ngọt hoàn hảo" giúp 2 nhà lãnh đạo "ăn điểm" với công chúng trong nước.
Đặc biệt, nếu BIT được hai bên nhất trí thông qua, Mỹ sẽ hưởng lợi khi có thể đưa ra thông điệp rằng, họ không tìm cách kìm chế Trung Quốc về kinh tế. BIT được cho là sẽ "bệ phóng" cho quan hệ Mỹ - Trung, tránh nguy cơ "Chiến tranh lạnh kinh tế" như một số nhà quan sát quan ngại.
Thứ 4, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thông qua chuyến thăm Mỹ chính thức để gửi gắm thông điệp quan trọng. Chủ tịch Tập, được cho là cũng giống như những người tiền nhiệm, thường có xu hướng đưa ra những câu khẩu hiệu để thể hiện quan điểm, tầm nhìn của mình trước công chúng.
Còn nhớ, Chủ tịch Tập từng đưa ra khái niệm về "quan hệ nước lớn kiểu mới" rất nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đối với đường lối đối ngoại của Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ năm 2012 khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm qua, quan hệ Trung - Mỹ gần như vẫn chưa thực sự phát triển theo khái niệm mới trên. Do đó, theo Diplomat, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới, Chủ tịch Tập sẽ không bỏ qua cơ hội để tái định hình lại quan hệ Trung-Mỹ, theo khái niệm cũ của ông trong năm 2012. Song cũng có thể, ông Tập sẽ đưa ra khẩu hiệu hoàn toàn mới.
Tóm lại, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 9 được cho là một trong những sự kiện đáng chờ đợi nhất trong năm 2015.
Theo Phương Đăng (Danviet.vn)
Trung Quốc lo ngại các nguy cơ an ninh quốc gia khó lường Trung Quốc cho rằng các nguy cơ hiện nay là rất khó lường trước nên nước này luôn luôn phải cảnh giác với các mối đe dọa tiềm tàng. Truyền thông Trung Quốc ngày 23/01 dẫn tuyên bố của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo nước này đang đối mặt với các nguy cơ...