Trung Quốc toan tính gì với Hy Lạp?
Với tình thế hiện giờ, Hy Lạp rõ ràng đang trở thành nỗi ám ảnh với Bắc Kinh khi họ là cửa ngõ lớn phía nam của Trung Quốc (TQ) với châu Âu.
Việc Liên minh châu Âu (EU) đang là đối tác thương mại lớn nhất của TQ là lý do để Thủ tướng Lý Khắc Cường công du đến các nước thuộc châu lục này liên tục. Năm ngoái ông đến thăm Athens và năm nay là Brussels.
Thời điểm chuyến thăm châu Âu lần này có những thuận lợi. Ông bắt đầu ở Brussels với hội nghị thượng đỉnh thường niên TQ-EU và sau đó là các chuyến thăm chính thức Bỉ và Pháp.
Vấn đề đang nóng nhất ở châu Âu là cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính của Hy Lạp được cho là một nội dung được đề cập nổi bật trong cuộc gặp của Thủ tướng TQ với quan chức châu Âu.
Hy Lạp là cửa ngõ phía nam của TQ với châu Âu. (Ảnh: BBC)
Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ toàn diện và phải rời khỏi Eurozone ngay trong ngày 30/6 nếu không thanh toán xong các khoản nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF). Trong khi cả Athens và IMF đều không tìm thấy tiếng nói chung cho một giải pháp thì TQ dường như sẵn sàng nhảy vào giúp đỡ.
“TQ đã sẵn sàng đóng một vai trò tích cực”, Thủ tướng TQ trả lời khi được hỏi về vấn đề Hy Lạp trong cuộc họp báo tại Brussels.
Nỗi ám ảnh Hy Lạp
Vật lộn để cố giữ mức tăng trưởng ổn định ở trong nước với sự biến động cực lớn trên thị trường chứng khoán những ngày gần đây, TQ mất không ít từ cơn bão đang xảy ra ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế ở EU có thể là một thảm họa với nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại của TQ.
Tầm nhìn của TQ với khu vực Á – Âu nằm trong chiến lược “một vành đai, một con đường” – kế hoạch đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và khuếch trương ảnh hưởng về phía tây bằng đường bộ, đường biển.
Trong đó, tuyến đường bộ là dự án tham vọng nhất để tích hợp lục địa Á – Âu kể từ thời Thành Cát Tư Hãn cách đây 800 năm. Tuyến đường biển là mạng lưới các cảng và cơ sở từ phía nam TQ xuyên qua Ấn Độ Dương tới vùng Sừng châu Phi và Địa Trung Hải.
Với tình thế hiện giờ, Hy Lạp rõ ràng đang trở thành nỗi ám ảnh với Bắc Kinh khi nó là cửa ngõ lớn phía nam của TQ với châu Âu.
TQ có thể toan tính gì từ vấn đề của Hy Lạp?
Theo nghiên cứu của tập đoàn Baker & McKenzie và Rhodium Group, là nhà đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng Hy Lạp, trong trái phiếu euro và cả toàn bộ nền kinh tế EU, các hợp đồng của TQ tăng từ 2 tỉ USD năm 2010 lên 18 tỉ USD năm 2014.
Một nguy cơ đe doạ lợi ích đó là ngừng tư nhân hóa cảng Piraeus mà TQ có cổ phần rất lớn. Đầu năm nay, một số báo chí TQ chỉ trích Hy Lạp “đã quên đi từng là cái nôi văn minh phương Tây”, mô tả Thủ tướng Hy Lạp “mất sự kiểm soát và gần như phá hủy trái đất”.
Toan tính
Video đang HOT
“Đừng bao giờ lãng phí khủng hoảng”, câu nói này khá phổ biến ở TQ cũng như châu Âu.
Đã có một số nhà quan sát chỉ ra rằng, sự ra đi của Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể cung cấp cơ hội tốt để TQ thúc đẩy nghị trình chiến lược của họ lên vài bước thông qua việc mua thêm nhiều tài sản Hy Lạp ở mức giá dưới đáy.
Một bài viết phân tích trên tờ Diplomat chỉ ra rằng, ngoại giao của TQ với châu Âu (gồm cả EU và các nước châu Âu riêng biệt) chủ yếu là do kinh tế.
Khi Thủ tướng TQ và những quan chức châu Âu bắt đầu gặp gỡ thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh nói rằng: “TQ hy vọng Hy Lạp sẽ ở lại eurozone”.
Bà Hoa đồng thời ngụ ý rằng, Bắc Kinh sẽ không tích cực góp phần tìm ra một giải pháp. “Chúng tôi tin rằng, các thành viên eurozone có khả năng và đủ khôn ngoan để giải quyết vấn đề nợ một cách hợp lý”, bà nói.
Tại cuộc họp báo ở Brussels, khi ông Lý được hỏi về việc liệu TQ có sẵn sàng cung cấp các khoản vay hay hỗ trợ tài chính giúp Hy Lạp hay không, ông trả lời, Bắc Kinh mong muốn một “châu Âu thống nhất, thịnh vượng và một khu vực đồng tiền chung mạnh. Về vấn đề nợ Hy Lạp, theo nguyên tắc đó là chuyện nội bộ của EU. Nhưng câu chuyện đi hay ở của Hy Lạp không chỉ liên quan tới châu Âu mà còn với cả TQ. Và đó là lý do vì sao TQ nỗ lực giúp Hy Lạp vượt qua khủng hoảng nợ”.
TQ có thể giúp Hy Lạp theo nhiều cách gián tiếp, nhất là khi Hy Lạp là một phần của kế hoạch Con đường Tơ lụa TQ.
Năm ngoái, khi ông Lý Khắc Cường dừng chân ở Athens, TQ và Hy Lạp đã ký các thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD, tập trung vào dự án cảng Piraeus nhằm gia tăng cổ phần của TQ.
Hơn thế nữa, mối quan tâm của TQ ở Hy Lạp sẽ như một đối trọng làm giảm mức độ đầu tư nước ngoài từ những nước khác.
Còn câu chuyện cho Athens vay nợ? Khi ông Lý Khắc Cường tươi cười trên đường công du từ Bỉ đến Pháp, ông sẽ phải phân tích lợi – hại một cách kỹ lưỡng.
Đây là một phương trình khó. Một bên là các lợi ích quyền lực mềm Bắc Kinh sẽ nhận được từ việc giải cứu Hy Lạp – điều mà Brussels không thể và bên kia là cái giá rốt cuộc phải trả khi gánh phần lớn món nợ không thể hoàn lại của Athens.
Tại Brussels, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch EC Jean Claude Juncker đã cùng thiết lập một cơ chế được coi như “nền tảng kết nối” cổ xúy cho sự tham gia của TQ vào một quỹ đầu tư châu Âu cho các dự án cơ sở hạ tầng, dự án chiến lược.
Trong khi đó, ở Bắc Kinh, 57 quốc gia của châu Âu đã tham gia buổi lễ khai trương ngân hàng phát triển do TQ dẫn dắt.
Cùng với chiến lược “một vành đai, một con đường”, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á được cho là cỗ máy phô diễn sức mạnh TQ về quy hoạch tổng thể, công nghệ và ảnh hưởng.
Với rất nhiều gánh nặng của mình, đặc biệt là Hy Lạp, EU không có cách nào chống lại sự phát triển chiến lược của TQ.
Theo Thái An/BBC, Diplomat
Vietnamnet
5 điều đáng chú ý về khủng hoảng nợ của Hy Lạp
Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khi nguy cơ quốc gia này phải rời khỏi Eurozone ngày một hiển hiện, kéo theo hậu quả khôn lường đối với EU. Sau đây là 5 điều đáng chú ý về cuộc khủng hoảng này.
Với tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng tại Hy Lạp đang rất xa vời. Những lo ngại về một vụ vỡ nợ không thể kiểm soát, cùng hậu quả nó để lại đối với sự ổn định trong khu vực đang ngày một tăng tại Eurozone.
Người Hy Lạp vẫn đang ngày đêm xếp hàng rút tiền khỏi ngân hàng (Ảnh:AP)
Nhưng ai sẽ là người chịu tổn thất thực sự, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đến đâu và liệu Hy Lạp có nên rời khỏi Liên minh châu Âu? Sau đây là những điều cần biết về cuộc khủng hoảng này.
Ai sẽ thiệt hại nhiều nhất?
Hy Lạp, với tư cách nước đặt nền móng cho nền dân chủ hiện đại, sẽ khiến cả khu vực, thậm chí thế giới bị ảnh hưởng, nhưng chịu tác động nặng nề nhất chính là người dân Hy Lạp.
Nếu quốc gia này buộc phải rời EU, hậu quả với nền kinh tế của họ là vô cùng tồi tệ. Giá tài sản sẽ lao dốc, lạm phát tăng vọt, thất nghiệp thêm trầm trọng và nền kinh tế Hy Lạp vốn đã rất èo uột có khả năng sụp đổ.
Riêng về mặt tài chính, việc Hy Lạp rời EU sẽ khiến khối này bị mất toàn bộ các khoản tín dụng cấp cho Athens - thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp - hiện ở mức khoảng 331 tỷ euro (480 tỷ USD).
Pháp và Đức sẽ là những nước chịu thiệt hại lớn nhất khi đang cho Hy Lạp vay hơn 110 tỷ euro. Tiếp đó sẽ là các khoản cho vay của các ngân hàng. Hy Lạp hiện nợ các ngân hàng Đức, Pháp và Anh khoảng 30 tỷ euro, nợ IMF hơn 20 tỷ euro.
Do đó, một khi Hy Lạp buộc phải rời Eurozone, những chủ nợ trên sẽ phải xóa nợ cho Hy Lạp. Đó cũng là lí do vì sao rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện để giữ quốc gia này ở lại EU.
Các chủ nợ chính của Hy Lạp hiện nay (Ảnh: BBC)
Vì sao vụ việc đáng chú ý?
Với quy mô GDP 242 tỷ USD, nền kinh tế Hy Lạp rất nhỏ so với các quốc gia khác tại EU. Và cho dù các khoản nợ công của nước này là rất lớn, có vẻ nó vẫn không đủ để đẩy châu Âu vào khủng hoảng? Nhưng đó cũng từng là lập luận được đưa ra năm 2007, khi thị trường bất động sản Mỹ sụp đổ.
Thị trường tài chính mang tính toàn cầu và có mối liên hệ chặt chẽ. Nhiều nghi ngờ và lo sợ sẽ phát sinh một khi Hy Lạp vỡ nợ, bởi không ai dám chắc ai an toàn, ai sẽ là bị ảnh hưởng, và mức động nghiêm trọng ra sao. Hậu quả là không ai sẽ còn dám cho vay và thị trường tài chính hầu như "đông cứng".
Những nghi ngờ dù nhỏ nhất về khả năng một ngân hàng nào đó sụp đổ đều khiến cả thị trường tài chính lo lắng. Kế đó, có thể là "hiệu ứng tuyết lở" khi các quốc gia châu Âu khác cũng có thể theo chân Hy Lạp và không thể thực hiện nghĩa vụ nợ. Nếu viễn cảnh này thành hiện thực, EU sẽ tan rã.
Vì sao Hy Lạp rơi vào tình cảnh hiện nay?
Theo kênh ABC News của Úc, EU lẽ ra ngay từ đầu không nên kết nạp Hy Lạp. Giống như nhiều quốc gia láng giềng, nước này chưa bao giờ tuân thủ các quy định về nợ công của EU.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp cao hơn rất nhiều các quốc gia EU khác (Ảnh:Eurostats)
Trong nhiều năm, nước này đã khôn khéo che giấu mức độ nghiêm trọng thực sự của tình trạng nợ công. Tất cả chỉ phơi bày khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Tháng 10/2009, chính phủ Hy Lạp lần đầu thừa nhận đã nhiều năm báo cáo con số nợ công thấp hơn thực tế.
Nhưng thay vì đối phó với khủng hoảng ngay từ năm 2010, hoặc lần bùng phát mới nhất năm 2012, giới chức EU lại quyết định "lảng tránh" vấn đề.
Hy Lạp sẽ không thể hoàn trả các khoản nợ khi tỷ lệ nợ công hiện tại đã bằng 178% GDP, một mức không bền vững. Các chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ khiến nền kinh tế thêm teo tóp, làm giảm hơn nữa khả năng trả nợ.
Chỉ có hai lựa chọn vào lúc này: các chủ nợ chấp nhận xóa một phần lớn số nợ của Hy Lạp, hoặc nước này phải rời EU.
Vì sao hậu quả của việc vỡ nợ sẽ nghiêm trọng?
Trong điều kiện bình thường, hậu quả của một vụ vỡ nợ không đến mức thảm khốc. Thực tế Iceland đã tuyên bố vỡ nợ sau khủng hoảng tài chính và Argentina cũng rơi vào tình cảnh tương tự hồi năm ngoái, đó là lần thứ 7 kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1818.
Một vụ vỡ nợ sẽ khiến một quốc gia bị ngân hàng đưa vào "sổ đen". Đồng nội tệ sẽ mất giá thảm hại và chi phí nhập khẩu hàng hóa thường tăng chóng mặt. Nhưng vỡ nợ cũng cho phép một quốc gia có được khởi đầu mới, mà Iceland là minh chứng.
Vấn đề của Hy Lạp đó là đồng bản tệ của nước này đã không còn sau khi gia nhập Eurozone, và việc đưa đồng tiền này trở lại lưu thông sẽ là một "ác mộng" về mặt hậu cần.
Hiện chỉ có cơ chế để các quốc gia châu Âu gia nhập Eurozone, mà không có cơ chế nào để họ rời khỏi khối này.
Liệu Hy Lạp và EU có tránh được đổ vỡ?
Hy Lạp đã cho thấy những điểm yếu trong nền tảng của EU. Sau nhiều thế kỷ xung đột và chiến tranh, ý tưởng về một đồng tiền duy nhất như một công cụ thống nhất toàn châu Âu quả thật tuyệt vời.
Tuy vậy, từ quan điểm kinh tế, đồng euro chỉ có lợi cho các nước giàu và quyền lực, như Đức, trong khi khiến những nước nghèo như Hy Lạp chịu thiệt.
Tình hình kinh tế èo uột tại các quốc gia Nam Âu kéo giá trị đồng euro đi xuống so với USD và các ngoại tệ mạnh khác. Đây quả là điều tuyệt vời cho một quốc gia xuất khẩu xe BMW và Mercedes Benz sang Trung Quốc.
Nhưng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của những nước giàu như Đức khiến các quốc gia nghèo hơn không thể cạnh tranh, do sức mạnh tương đối của đồng euro.
Hy Lạp cùng với Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ phát triển tốt hơn với một đồng nội tệ yếu, giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước và hàng hóa xuất khẩu của họ có giá cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Vậy câu trả lời là gì? Xem ra đây là điều mà cả các chính trị gia và chuyên gia chưa thể trả lời.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ ABC News
Mũi tên trúng hai đích của Trung Quốc tại Mỹ Latinh Thời kỳ Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Mỹ Latinh dường như đã qua, "sân sau" của Washington đang trở thành "vườn nhà" của Trung Quốc. Địa bàn chính quốc tế hoá đồng nhân dân tệ Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thăm chính thức 4 quốc gia Mỹ Latinh gồm Brazil, Colombia, Peru và Chile....