Trung Quốc theo đuổi “ngoại giao pháo hạm”
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng Mỹ cần tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế(CSIS), trụ sở tại Washington, đã thúc giục Chính phủ Mỹ đưa thêm lính thủy đánh bộ, tàu ngầm tấn công, hệ thống tên lửa và những hỏa lực khác đến châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông.
Thách thức từ Bắc Kinh
Trong một báo cáo mới chuẩn bị cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, CSIS cho rằng những hành động khiêu khích mới đây của Trung Quốc tại vùng biển Đông và trên khắp các hòn đảo ở Thái Bình Dương cho thấy mối đe dọa an ninh phát triển nhanh nhất ở khu vực Nam và Đông Nam Á.
Vì thế, Washington cần làm nhiều hơn nữa để đối phó với thách thức này và giúp chiến lược chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á thành công. CSIS đánh giá: “Ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở châu Á không phải là chuẩn bị cho một xung đột với Trung Quốc mà là tạo ra một môi trường để một cuộc xung đột như thế không xảy ra”.
Video đang HOT
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ ở biển Đông. Ảnh: AP
Để làm được điều này, theo báo cáo, Mỹ nên đưa thêm ít nhất một tàu ngầm hạt nhân tấn công tại Thái Bình Dương. Tàu này có thể đóng tại đảo Guam và dùng để tấn công những hệ thống mà Trung Quốc thiết kế để ngăn quân đội Mỹ đến quá gần lãnh thổ nước này. Đặc biệt, CSIS còn kêu gọi việc triển khai thêm một đơn vị sẵn sàng đổ bộ của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (gồm khoảng 5.000 quân, tàu tấn công đổ bộ, máy bay, trực thăng chiến đấu…) từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã hoan nghênh bản báo cáo trên và cho biết chính sách của Mỹ là tìm kiếm sự tái cân bằng những nguồn lực quốc phòng, ngoại giao và kinh tế dành cho châu Á – Thái Bình Dương.
“Lấy thịt đè người”
Báo cáo của CSIS được đưa ra trong bối cảnh dư luận quốc tế đang ngày càng lo ngại trước những hành động sai trái của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với hầu hết biển Đông. Ông Michael Richardson, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, là một trong những học giả mới nhất bày tỏ sự lo ngại nói trên.
Trong bài viết tựa đề “China’s gunboat diplomacy” (“ Ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc”) đăng trên báo Japan Times hôm 30-7, ông Richardson nhận định rằng Trung Quốc luôn miệng nói những lời êm dịu về việc không thực hiện mộng bá quyền nhưng những hành động khiêu khích gần đây của nước này nhằm khẳng định chủ quyền đối với khoảng 80% biển Đông cho thấy điều ngược lại.
Bài viết đã liệt kê một loạt hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua như mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đưa đội tàu cá đông khác thường cùng với một tàu tuần tra tải trọng 3.000 tấn đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam… Mới đây, Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng ở biển Đông khi cho thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” kèm theo một loạt hoạt động xây dựng chính quyền, triển khai quân đội ở nơi này.
Ngoài những động thái đó, Trung Quốc gần đây còn dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” bằng cách liên tiếp huy động một số lượng lớn tàu thuyền đánh cá đến các khu vực tranh chấp. “Những đội tàu đánh cá lớn” của Trung Quốc có thể sẽ là một nhân tố chính trong chiến lược mở rộng sự hiện diện của nước này ở biển Đông.
Nhưng ông Hạ Kiến Bân, Chủ tịch Tập đoàn Quốc doanh Ngư nghiệp Bảo Sa tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), vẫn chưa muốn dừng lại ở đó. Ông này còn hung hăng đến mức đề xuất Chính phủ Trung Quốc biến các ngư dân của họ thành lực lượng dân quân để phục vụ ý đồ tranh giành chủ quyền ở biển Đông.
Tác giả bài viết kết luận rằngtất cả những động thái trên đã cho thấy rõ nét “chính sách ngoại giao pháo hạm” mà Trung Quốc đang theo đuổi để gây hấn ở biển Đông.
Nhật sẽ cấp 12 tàu tuần tra cho Philippines
Vào năm 2014, Philippines sẽ nhận được 12 tàu tuần tra khá hiện đại từ Nhật. Thông tin này do ông Shinsuke Shimizu, quan chức cấp cao thuộc Đại sứ quán Nhật Bản ở Philippines, tiết lộ với tờ Philippines Daily Inquirer trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần trước.
Theo ông Shimizu, Chính phủ Nhật Bản “vẫn chưa quyết định các tàu được chuyển giao cho Philippines theo diện hỗ trợ phát triển chính thức hay tài trợ”. 12 tàu tuần tra này sẽ được trang bị hiện đại khi chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Philippines. Trước đây, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng nói có khả năng Nhật Bản sẽ giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Philippines 12 tàu tuần tra. “Nhật Bản đang xem xét giao 10 tàu tuần tra dài 40 m theo diện hỗ trợ phát triển chính thức và 2 tàu lớn hơn theo diện tài trợ” – ông Del Rosario nói. Khi ấy, báo Kinh tế Nhật Bản nhận định: “Đây là một nỗ lực nhằm nâng cao năng lực hàng hải của Philippines tại biển Đông, nơi nước này đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc”.
Nhật Bản bắt đầu giúp hiện đại hóa Lực lượng Cảnh sát biển Philippines từ năm 1990. Cách đây 15 năm, Nhật Bản đã giao cho Philippines tàu tìm kiếm và cứu hộ mang tên BRP Corregidor. Đây là một trong 2 tàu Philippines đã đối mặt với các tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở biển Đông từ ngày 8-4 đến 15-6.
Theo NLD
Học giả Trung Quốc: Chính phủ cần bỏ chính sách "ngoại giao pháo hạm"
Học giả Trung Quốc (TQ) Chu Hao đã đề nghị Chính phủ TQ từ bỏ chính sách "ngoại giao pháo hạm" để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông với các nước láng giềng.
Lính thuỷ đánh bộ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung.
Trong bài xã luận trên tờ China Daily ngày 6.7, ông Chu Hao - chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Nam Á thuộc Học viện Quan hệ quốc tế hiện đại TQ - nhấn mạnh rằng, kể từ năm 2010, tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông đã ảnh hưởng đến hình ảnh của TQ ở Đông Nam Á.
Ông cho rằng, việc TQ sử dụng vũ lực chống Việt Nam và Philippines chỉ đẩy hai nước này - và có thể tất cả các thành viên ASEAN - gần với phương Tây hơn và làm cho những nỗ lực ngoại giao của TQ ở Đông Nam Á trở thành số không. Các tranh chấp đã làm cho hình ảnh của TQ là một cường quốc có trách nhiệm ở Đông Nam Á - mà khó khăn lắm TQ mới tạo dựng được - đã đối mặt với sự khủng hoảng lòng tin.
Theo ông Chu Hao, các nước liên quan đến biển Đông lo ngại rằng, việc TQ hiện đại hóa quân sự cùng với tình cảm dân tộc đang gia tăng có thể khiến TQ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực và vì vậy, các nước phải tìm kiếm sự tham gia của ASEAN hay Mỹ.
Ông Chu Hao cho rằng, TQ cần xử lý vấn đề biển Đông cũng như quan hệ ASEAN - TQ một cách thận trọng. Ông lưu ý rằng, đang có một làn sóng dư luận ở TQ tin rằng tình hình biển Đông đang rất dữ dội, và có một số tiếng nói cực đoan đang kêu gọi sử dụng vũ lực, từ bỏ hợp tác với ASEAN. Ông nhận định, về tổng thể, "hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ ASEAN - TQ".
"TQ nên tiếp tục bỏ qua những lời kêu gọi sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp" - ông Chu Hao viết. Sử dụng vũ lực sẽ tạo ra môi trường đối kháng. "Trong trường hợp đó, biển Đông sẽ thành cái bẫy trên con đường phát triển hòa bình của TQ". Ông cho rằng, từ giờ TQ nên tập trung vào quyền lực mềm trên 3 vấn đề khi giải quyết biển Đông: Tìm kiếm và duy trì nền tảng đạo lý, tăng cường lòng tin của các nước láng giềng để họ tin rằng sự nổi lên của TQ là hòa bình và xây dựng uy thế của TQ.
Trong khi đó, nội các Philippines hôm 5.7 đã có cuộc họp kín về an ninh và cách xử trí với TQ trong các tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, đến chiều 6.7, Philippines vẫn chưa công bố cụ thể các biện pháp này. Ngày 6.7, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng không quân, Philippines đã tổ chức buổi bay trình diễn của hơn 40 máy bay và trực thăng, hầu hết đã lỗi thời. Đây là buổi bay trình diễn đầu tiên của không quân Philippines trong 15 năm qua.
Cuộc trình diễn tại thành phố Lipa - phía nam thủ đô Manila - được khôi phục vào thời điểm Philippines đang tăng cường khẳng định chủ quyền tại các quần đảo và bãi đá ngầm ở biển Đông tranh chấp với TQ. Tư lệnh Không quân Philippines - Trung tướng Lauro Catalino Dela Cruz - khẳng định: "Trước hết, cần cho thấy chúng tôi không phải đang mở rộng thành lực lượng lục quân. Thay vào đó, chúng tôi đang nâng cấp sức mạnh không quân để phục vụ đất nước và nhân dân".
Buổi bay trình diễn có sự tham gia của những "phương tiện khiêm tốn" của không quân Philippines như máy bay T41-D, máy bay huấn luyện SF-260M và SF-260TP, máy bay ném bom OV-10, trực thăng chiến đấu đa năng Sokol, máy bay lên thẳng UH-1H, trực thăng tấn công MD-520MG, máy bay vận tải tầm trung F-27 và máy bay vận tải hạng nặng C-130.
Trả lời báo giới sau buổi trình diễn, cựu Tư lệnh Không quân Philippines Pedrito Cadungog cho biết: "Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay sẽ tác động gấp nhiều lần tới mọi người, buộc họ phải tin rằng chúng ta có khí tài không quân. Chúng ta ở đây không phải để gây chiến, mà để bảo vệ chủ quyền của mình".
Theo Lao Động