Trung Quốc tăng ca nhiễm nCoV không triệu chứng
Trung Quốc ghi nhận 39 ca nhiễm nCoV mới, trong khi số trường hợp dương tính nhưng không có triệu chứng tăng lên 78.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho hay nước này đến cuối ngày 5/4 ghi nhận thêm 78 trường hợp nhiễm nCoV không triệu chứng, tăng đáng kể so với 47 ca một ngày trước đó. Trung Quốc từ đầu tháng này tuyên bố bắt đầu thống kê các ca nhiễm không triệu chứng vào báo cáo số liệu Covid-19 hàng ngày.
Sau khi tiếp tục áp các biện pháp ứng phó quyết liệt, Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới nCoV, tăng so với 30 ca một ngày trước đó, theo NHC. Trong số 39 ca bệnh mới này, số ca nhiễm “ngoại nhập” vẫn chiếm đa số, 38 trường hợp.
Nhiều người mặc trang phục bảo hộ bên ngoài một nghĩa trang ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 1/4. Ảnh: Reuters.
Một ca nhiễm nội địa được ghi nhận ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Bệnh nhân nhiễm nCoV này từng tới tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch. Trước đó một ngày, tỉnh Quảng Đông ghi nhận 5 ca nhiễm mới. Ủy ban Y tế Quảng Đông hôm 5/4 đã nâng mức độ rủi ro tại các thành phố trực thuộc gồm Quảng Châu, Thâm Quyến và Yết Dương từ thấp lên trung bình.
Tổng số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc đại lục hiện là 81.708 ca, trong đó 3.331 người đã tử vong. Nước này tuyên bố “đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh” và số ca nhiễm hàng ngày giảm đáng kể từ tháng 2. Tuy nhiên, giới chức lo ngại các trường hợp “ngoại nhập” và các ca nhiễm không triệu chứng gia tăng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực ứng phó dịch bệnh.
Trung Quốc đã cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh để đối phó với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, mặc dù hầu hết ca nhiễm ngoại nhập đều liên quan đến công dân Trung Quốc trở về từ nước ngoài. Chính quyền trung ương cũng đã hối thúc các địa phương xác định và cách ly bệnh nhân không triệu chứng, nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Video đang HOT
208 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã xuất hiện Covid-19, khiến gần 1,3 triệu người nhiễm, hơn 69.400 người chết và hơn 264.800 người hồi phục. Mỹ và châu Âu hiện là những vùng dịch lớn nhất toàn cầu.
Mai Lâm
Một tháng không biết cha qua đời
Suốt hơn một tháng nằm viện điều trị Covid-19, Wu Di không biết cha mình, ông Wu Chuanyong, 68 tuổi, đã qua đời vì nhiễm nCoV.
Trước khi Covid-19 càn quét Vũ Hán, ông Wu Chuanyong đang tận hưởng tuổi già yên bình tại thành phố thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Một ngày của ông bắt đầu bằng việc dạo bộ trong công viên và kết thúc bằng những bộ phim trên tivi vào buổi tối.
"Bố tôi rất tiết kiệm và lo lắng cho em út. Bố chăm lo cho họ từ thuở bé, vì bố là anh cả", Di, 34 tuổi, nói.
Những buổi đoàn tụ vào dịp Tết của gia đình họ Wu luôn tràn ngập tình thân, nhưng năm nay, mọi thứ đổi khác. Cuối tháng một, Di và mẹ sốt 39 độ. Ba ngày sau, bố anh cũng sốt 39 độ, mẹ vợ anh bắt đầu ho.
Vài tuần sau, tất cả họ có kết quả dương tính với căn bệnh mà sau đó được đặt tên là Covid-19, do nCoV gây ra, được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán và dẫn tới đại dịch toàn cầu.
Di và bố mẹ anh được đưa vào danh sách chờ nhập viện, nhưng phải đợi thêm vài ngày. Nửa đêm nọ, xe cấp cứu cuối cùng cũng đỗ trước nhà của bố mẹ anh, trong khi Di đang được điều trị tại một bệnh viện khác.
Xe cấp cứu đưa bố mẹ Di đến bệnh viện và khi họ quay đi, ông Chuanyong khuỵu xuống. Ông sau đó không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Không muốn con trai bị ảnh hưởng tâm lý khi đang điều trị, mẹ và vợ Di giữ kín chuyện bố đã qua đời. Tuy nhiên, Di vẫn cảm nhận được có gì đó không hay đã xảy ra qua giọng mẹ trong điện thoại.
"Khi tôi hỏi mẹ bố thế nào rồi, bà bảo 'ông ấy bình thường' ", Di nhớ lại.
Vợ chồng ông Wu Chuanyong trong chuyến du lịch Nga năm ngoái. Ảnh: AP
Bố Di chỉ là một người bình thường. Tuy nhiên, ông đã sống qua một thời kỳ phi thường của lịch sử Trung Quốc. Thời thanh niên, bố mẹ Di được điều từ thành phố lớn về nông thôn để lao động, khai phá. Họ trải qua cuộc sống khốn khó đến mức chỉ có một món đỗ để ăn.
Hoàn cảnh đã tạo cho Chuanyong bản tính tiết kiệm và cần cù. Gia đình họ hiếm khi ăn thịt và hải sản, quần áo cũng mặc đến khi nào không còn mặc được nữa mới dám bỏ đi. Dù sống giản dị, Di cho hay bố anh luôn đảm bảo cho vợ con mọi thứ thiết yếu.
Đời sống của họ được cải thiện đáng kể nhờ sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Sau khi nghỉ hưu, Chuanyong và các em của ông bắt đầu đi du lịch theo tour. Năm ngoái, vợ chồng ông thậm chí còn đến Nga và UAE.
Rồi Covid-19 xảy ra. Hôm 19/2, mẹ của Di xuất viện. Bà nói với anh rằng áo quần của hai ông bà đều đã được tiêu huỷ để tránh lây nhiễm. Vẫn giữ niềm hy vọng cuối cùng, Di không hỏi quá nhiều về bố.
Di vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và đến tháng ba mới xuất viện. Hai tuần sau đó, vợ anh, Peng Jing, nói rằng cô cần trao đổi một việc hệ trọng.
"Anh biết", Di nói với vợ.
Di không trách gia đình giấu chuyện bố mất, nhưng anh hối hận vì không thể nhìn mặt ông lần cuối. Kể cả anh có biết chuyện, điều đó cũng là không thể do quy định cách ly nghiêm ngặt.
Sau ba tháng bùng phát, dịch bệnh ở Vũ Hán đã gần như được khống chế khi số ca nhiễm mới hàng ngày giảm đáng kể. Những tuần gần đây, các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng và lệnh phong tỏa thành phố sẽ được dỡ bỏ vào ngày 8/4.
Tuy nhiên, chính quyền cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 vẫn còn cao, do các rủi ro cả bên trong lẫn bên ngoài, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục ở trong nhà, duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Peng Jing là người duy nhất trong gia đình không nhiễm nCov. Cô động viên chồng "hãy sống như một anh hùng" để xứng với cha mình, trụ cột của gia đình.
"Những người còn sống phải sống tiếp cuộc đời của người đã ra đi", Peng nói.
Anh Ngọc
Dân Vũ Hán vui buồn lẫn lộn về lệnh phong tỏa Một số người Vũ Hán tự hào vì chính phủ quyết liệt áp lệnh phong tỏa, nhưng số khác than phiền khi kế sinh nhai bị ảnh hưởng. Những hạn chế nghiêm ngặt nhất đã được chính phủ Trung Quốc áp đặt tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi Covid-19 bùng phát cuối năm ngoái. Thành phố 11 triệu dân này...