Trung Quốc tái mở cửa – Bài 2: Đánh đổi để chờ thời cơ chín muồi?
Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện.
Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023.
Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ đan xen, tác động như thế nào cũng là vấn đề phải quan tâm.
Nhân viên y tế chuyển rào chắn tại một khu dân cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/12/2022 sau khi các quy định về phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc từng tổ chức thành công hai sự kiện thể thao lớn là Olympic mùa đông vào tháng 2/2022 và Paralympic mùa đông hồi tháng 3/2022 tại thủ đô Bắc Kinh. Nhưng sau đó, nước này đã phải lùi thời gian tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 một năm, từ dự kiến ban đầu vào tháng 9/2022 sang tháng 9 – 10/2023. Quyết định này có thể xuất phát từ nhận định trận chiến với COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Quả thực, biến thể Omicron cùng các dòng phụ và những loại virus bí ẩn khác luôn khiến chúng ta phải bất ngờ.
Nhìn lại từ mùa hè 2021, trong khi phần lớn thế giới đã nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch, sau đó toàn cầu chuyển sang trạng thái sống chung với đại dịch từ đầu năm nay, thì Trung Quốc vẫn kiên trì với “Zero COVID”, một chính sách kiểm soát chặt chẽ, hướng tới mục tiêu hoàn toàn sạch dịch mới bình thường hóa mọi hoạt động. Không thể phủ nhận chính sách Zero-COVID đã cứu sống nhiều sinh mạng ở Trung Quốc. Nhưng cũng không thể phủ nhận việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách này trong một thời gian kéo dài liên tục dã khiến nền kinh tế Trung Quốc và đời sống của người dân đối mặt với không ít khó khăn.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy thông hành của người dân khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được ban hành tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 1/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ năm 1980 đến năm 2020, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 9%. Tuy nhiên, trong năm 2022 – 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng dưới 4%. Riêng năm 2022, Goldman Sachs dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ở mức dương, nhưng đã suy giảm nghiêm trọng so với trước đây.
Tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, những đợt phong tỏa liên tiếp, kéo dài đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh số bán lẻ, tiêu dùng và rất nhiều lĩnh vực dịch vụ sử dụng số lượng lớn lao động, dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Số liệu mới nhất cho thấy sau khi giảm 0,5% trong tháng 10/2020 so với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trở thành nỗi thất vọng lớn trong tháng 11 khi giảm tới 5,9%, cao hơn nhiều so với dự đoán của thị trường là 3,7%, là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2022. Đây rõ ràng là chỉ báo không tốt cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý IV/2022.
Dữ liệu kinh tế mới nhất còn cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường (3,6%) cũng như mức tăng trưởng 5% trong tháng 10. Đồng thời, từ tháng 10/2022, tín hiệu xấu đã xuất hiện khi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 bất ngờ giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục giảm 8,7% trong tháng 11, cao hơn gấp đôi so với dự báo của thị trường (giảm 3,5%). Nhập khẩu của Trung Quốc tháng 11/2022 cũng giảm mạnh (10,6%) so với mức giảm 0,7% trong tháng 10/2022.
Ngoài ra có thể thấy, chính sách Zero-COVID còn thúc đẩy làn sóng rời khỏi thị trường Trung Quốc của nhiều công ty lớn. Trang Global Trade Review dẫn lời chuyên gia Kaho Yu của Verisk Maplecroft cho hay sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. “Trong nhiều thập niên, các công ty lệ thuộc vào chuỗi cung ứng chỉ từ Trung Quốc. Đại dịch là lời cảnh báo cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc và tránh bị gián đoạn tương tự trong tương lai”, chuyên gia này phân tích. Về phần mình, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Mỹ từng gọi hoạt động thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc là “chưa từng có”.
Video đang HOT
Một tàu chở dầu bơm dầu xuống tại cảng Chu Sơn, tỉnh Chiêt Giang. Ảnh: Reuters
Nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng việc theo đuổi chính sách Zero-COVID tức là Trung Quốc khoanh tay ngồi nhìn. Bắc Kinh vẫn mở những ô cửa lớn dõi theo tình hình thế giới và phản ứng rất mau lẹ. Trung Quốc chi hàng tỷ USD mua dầu Nga để dự trữ; ký thành công nhiều hợp đồng khí đốt, dầu thô khổng lồ với Qatar, Iran; từng bước thâu tóm những dự án liên quan tới lợi ích chiến lược ở Trung Á, Nam Á; kéo Nga vào liên minh tài chính nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế… Các nhà ngoại giao con thoi Trung Quốc cũng liên tục bay đi bay về giữa Trung Đông, vùng Nam Thái Bình Dương để thỏa thuận hợp tác kinh tế, quốc phòng, hàng hải.
Có thể nói trong hơn ba năm đại dịch, Bắc Kinh đã hoàn thành khối lượng công việc ngoại giao khổng lồ, thiết lập ảnh hưởng ngày càng rộng. Sau khi tích lũy đủ năng lực chống lạm phát và suy thoái kinh tế, đồng nhân dân tệ đã hồi phục mạnh so với đồng USD và dự trữ năng lượng cũng dồi dào, phải chăng đây chính là thời cơ chín muồi để Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế?
Ca mắc COVID-19 kỷ lục, Trung Quốc tìm cách thu hẹp khoảng trống miễn dịch
Đầu tháng 11 này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch nới lỏng kiểm soát đáng kể nhất cho đến nay.
Nhưng nỗ lực phá vỡ các chu kỳ phong tỏa đã có một khởi đầu khó khăn khi phần lớn trong 1,4 tỉ dân của Trung Quốc vẫn chưa từng tiếp xúc với virus.
Người dân đăng ký xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh ngày 24/11. Chính quyền thành phố mới đây một lần nữa phải đóng cửa các cửa hàng, bảo tàng và trường học. Ảnh: Getty Images
Một đợt bùng phát COVID-19 đang trên bờ vực trở thành đợt lớn nhất trong đại dịch ở Trung Quốc đã bộc lộ lỗ hổng nghiêm trọng trong chiến lược "không COVID" (Zero COVID) của nước này: một lượng lớn dân số không có khả năng miễn dịch tự nhiên. Sau nhiều tháng chỉ thỉnh thoảng phát hiện các điểm nóng lây nhiễm, phần lớn dân số 1,4 tỷ người của nước này vẫn chưa từng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Với con số kỷ lục 31.656 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 24/11, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Họ đã tung ra một chiến dịch tiêm vaccine tích cực hơn để tăng cường khả năng miễn dịch, mở rộng năng lực của các bệnh viện và bắt đầu hạn chế sự di chuyển của các nhóm có nguy cơ. Người cao tuổi, nhóm có tỷ lệ tiêm chủng đặc biệt thấp, là mục tiêu chính.
Những nỗ lực nói trên nhằm ngăn chặn một làn sóng bệnh nhân tăng vọt gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ông Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận xét: "Nhiều giường chăm sóc đặc biệt hơn và phạm vi tiêm chủng tốt hơn lẽ ra phải được chuẩn bị từ 2 năm rưỡi trước, nhưng việc tập trung duy nhất vào kiểm soát lây nhiễm đồng nghĩa là họ có ít nguồn lực hơn tập trung cho việc này".
Chuyên gia Huang tin rằng, ngay cả với các mũi vaccine tăng cường công nghệ mRNA, hiệu quả hơn trong việc chống lại các biến thể Omicron mới nhất, giờ đây cũng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản do mục tiêu loại bỏ lây nhiễm thay vì giảm nhẹ các triệu chứng của Trung Quốc. Ông cho rằng, việc nâng cao khả năng miễn dịch bằng cách cho phép lây nhiễm trong cộng đồng ở một mức độ nào đó "vẫn không được chấp nhận ở Trung Quốc".
Chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc ban đầu nhằm bảo vệ cuộc sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế đồng thời ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong. Nhưng chiến lược này ngày càng trở nên tốn kém khi các biện pháp chặt chẽ cũng không theo kịp các biến thể dễ lây lan hơn.
Các nhân viên dựng rào chắn kim loại bên ngoài một cộng đồng ở Bắc Kinh đang bị phong tỏa. Ảnh: Getty Images
Nỗ lực nới lỏng gặp khó, "Zero COVID" quay trở lại
Đầu tháng 11 này, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch nới lỏng kiểm soát đáng kể nhất cho đến nay, với thời gian cách ly ngắn hơn và ít yêu cầu xét nghiệm hơn.
Nhưng nỗ lực phá vỡ các chu kỳ phong tỏa đã có một khởi đầu khó khăn. Một số thành phố nới lỏng các biện pháp, trong khi các quận ở những thành phố khác lại yêu cầu cư dân không được đặt chân ra khỏi nhà. Kết quả là tâm lý bối rối, sợ hãi và tức giận.
Căng thẳng đã nổ ra ở một số địa điểm, nổi bật nhất là tại một nhà máy khổng lồ của Foxconn ở miền trung Trung Quốc, nơi sản xuất một nửa số điện thoại iPhone trên thế giới. Hàng nghìn công nhân đã phản đối việc công ty không cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính và tôn trọng các điều khoản của hợp đồng lao động.
Chiến lược kiểm soát bùng phát một lần nữa được ưu tiên. Thạch Gia Trang, thành phố 11 triệu dân cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 450km, đã đình chỉ các yêu cầu giảm bớt xét nghiệm hàng loạt vào ngày 21/11, và công bố 5 ngày tiến hành sàng lọc toàn thành phố.
Những trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận kể từ tháng 5 - dù chỉ 1-2 ca mỗi ngày - đã làm gia tăng mối lo ngại rằng các bệnh viện chuẩn bị kém để xử lý những đợt gia tăng mạnh ca nhiễm nặng. Bloomberg Intelligence ước tính rằng việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp kiểm soát COVID-19 có thể khiến 5,8 triệu người Trung Quốc cần được chăm sóc đặc biệt trong một hệ thống có tỉ lệ 4 giường ICU /100.000 người.
Các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu và Trùng Khánh đã ra lệnh cho cư dân ở một số khu vực không ra khỏi nhà. Các trung tâm mua sắm, bảo tàng và trường học một lần nữa phải đóng cửa. Các trung tâm hội nghị lớn đang được chuyển trở lại thành các trung tâm cách ly tạm thời, giống như cách tiếp cận được áp dụng ở Vũ Hán thời bắt đầu đại dịch. Một số hạn chế chặt chẽ nhất được áp dụng với các viện dưỡng lão, trong đó 571 cơ sở ở Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, ngăn chặn tất cả hoạt động ra vào ngoại trừ trường hợp thiết yếu.
Các quan chức lo ngại rằng việc mở cửa với một thế giới đang sống chung với virus có thể gây ra một làn sóng tử vong.
Người phụ nữ nhìn vào một cửa hàng thực phẩm phải đóng cửa ở Bắc Kinh ngày 23/11. Ảnh: EPA-EFE
Từ chối vaccine ngoại, thúc đẩy vaccine nội địa
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc chỉ dựa vào các nhà sản xuất vaccine trong nước. Họ đã phê duyệt 9 lựa chọn vaccine nội địa, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine nước ngoài nào hoặc giải thích quyết định đó của họ. Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Bắc Kinh vào đầu tháng 11 đã kết thúc với một thỏa thuận cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech cho người nước ngoài sống ở Trung Quốc thông qua đối tác Shanghai Fosun Pharmaceutical.
Khi được hỏi vào tuần trước liệu chính phủ có chấp thuận sử dụng vaccine BioNTech cho dân chúng hay không, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc cho biết các nhà chức trách đang nghiên cứu một kế hoạch tiêm chủng mới sẽ sớm được công bố.
Không tiếp cận các vaccine mRNA hiệu quả nhất từ Pfizer-BioNTech và Moderna, đã được cập nhật để chống lại biến thể Omicron, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn phụ thuộc vào vaccine nội địa được phát triển bằng chủng virus ban đầu.
Tiêm vaccine COVID dạng hít, được phát triển bởi công ty dược phẩm Trung Quốc CanSino Biologics, cho một phụ nữ tại một trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng ngày 23/11. Ảnh: Reuters
Jin Dong-yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho rằng: "Trung Quốc nên phê duyệt vắc xin BioNTech và Moderna cho người dân nói chung càng sớm càng tốt".
Thay vào đó, Trung Quốc đang cố gắng phát triển 10 ứng cử viên vaccine mRNA của riêng mình. Nghiên cứu đi xa nhất là từ nhóm công nghệ sinh học Abogen Bioscatics và Học viện Khoa học Quân y do nhà nước điều hành.
Indonesia đã phê duyệt vaccine này để sử dụng khẩn cấp vào tháng 9, nhưng nó chưa nhận được sự đồng ý từ các cơ quan quản lý Trung Quốc và có thể phải chờ đến khi có dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 ở Indonesia và Mexico. Các thử nghiệm dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5/2023.
Các lựa chọn khác ở Trung Quốc bao gồm vaccine dạng hít do CanSino phát triển, đã có mặt ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu từ tháng 10. Một loại thuốc kháng virus do Trung Quốc phát triển, Azvudine, ban đầu được sử dụng cho bệnh nhân HIV, đã được phê duyệt để điều trị COVID-19 vào tháng 7. Các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc cũng được sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, các loại vaccine mới và hiệu quả hơn vẫn là ưu tiên hàng đầu và các công ty dược phẩm hàng đầu của Trung Quốc đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. CanSino đang hoàn thiện một cơ sở sản xuất ở Thượng Hải có thể sản xuất 100 triệu liều mỗi năm sau khi vaccine được phê duyệt.
Trung Quốc tái mở cửa - Bài 1: Bước đi mạnh bạo Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ...