Trung Quốc sẽ không đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba để “dọa” Mỹ
Trang National Interest của Mỹ nói rằng sẽ không có chuyện Trung Quốc đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba để dọa Mỹ, bởi Bắc Kinh không dại mà tự chui đầu vào một cuộc khủng hoảng hạt nhân không đáng có với Washington.
Một mẫu tên lửa đạn đạo Trung Quốc. (Ảnh: NT)
Trang tin Want China Times (WCT)của Đài Loan tuần này dẫn một bài báo trên trang tin điện tử Taihainet (ở Phúc Kiến, Trung Quốc) cho rằng: Bắc Kinh có thể sẽ đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba để dọa Mỹ. WCT viết: “Trung Quốc có thể tái lập cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, bằng cách triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong DF-31 đến quốc đảo hình cá sấu, nếu Mỹ quyết triển khai tên lửa hạt nhân chiến lược đến châu Á – Thái Bình Dương”.
Bình luận trước nhận định mới đây của Want China Times (WCT), trangNational Interest cho rằng tuyên bố của WCT là kỳ cục. Báo Mỹ đưa ra lý do đầu tiên là Mỹ chưa chắc sớm triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Theo National Interest, Hàn Quốc là nơi có thể đặt vũ khí để sử dụng nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, nhằm tấn công kho vũ khí hạt nhân hoặc các mục tiêu quân sự hay các đạo quân lớn của Bình Nhưỡng.
Trên thực tế, đã có những thời điểm, phần lớn người dân Hàn Quốc ủng hộ Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược đến bán đảo Triều Tiên. Gần đây, Hạ viện Mỹ cũng đề nghị Lầu Năm Góc xem xét khả năng này.
Tuy nhiên, Mỹ chưa chắc sẽ triển khai vũ khí đến Hàn Quốc vì hiện nay Washington và Seoul đang sở hữu lượng vũ khí thông thường áp đảo so với Bình Nhưỡng, đủ để đối phó với “mối đe dọa quân sự Triều Tiên”. Và trong mọi trường hợp, kho vũ khí hạt nhân của Lầu Năm Góc đủ để giúp Mỹ “che ô hạt nhân” cho các đồng minh nước ngoài.
Bình luận về vấn đề này, hồi năm ngoái, chuyên gia quan hệ quốc tế uy tín của Hàn Quốc Moon Chung-in từng nói với trang The Diplomat rằng: “Mỹ có tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tên lửa đạn đạo liên lục địa ở lục địa. Họ có thể sử dụng chúng dễ dàng. Và bởi thế, không có lý do nào để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược đến bán đảo Triều Tiên…”
Chuyên gia Moon cũng nói thêm: “Thực tế mà nói, Washington có thể tấn công mục tiêu ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào. Vậy thì tại sao phải triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược vốn đòi hỏi tốn kém thêm để canh gác và bảo vệ ?”
Đó cũng từng là những lý do ban đầu để Mỹ quyết định đơn phương rút vũ khí hạt nhân chiến lược khỏi bán đảo Triều Tiên. Hiện nay kho vũ khí hạt nhân của nước này ngày càng hiện đại hơn, càng củng cố cho lựa chọn của Lầu Năm Góc.
Tiếp đó, các chuyên gia của National Interest cho rằng dù Mỹ có quyết tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược đến Hàn Quốc, Bắc Kinh cũng sẽ không phản ứng lại bằng cách đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 đến Cuba, vì nhiều lý do:
Thứ nhất, điều này không phù hợp với học thuyết hạt nhân hiện nay của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên và bảo đảm không trả đũa.
Thứ hai, dù Bắc Kinh sẽ kịch liệt phản đối Washington đặt vũ khí hạt nhân chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương thì động thái giả định của Mỹ cũng không phải là mối đe dọa nghiêm trọng với Bắc Kinh, vì vũ khí hạt nhân chiến lược đặt ở Hàn Quốc có tầm phóng hạn chế.
Chúng sẽ có ít giá trị trong trường hợp cuộc chiến tranh Mỹ – Trung xảy ra ở miền nam Trng Quốc, như ở Đài Loan hoặc trên Biển Đông. Khi đó, máy bay ném bom tầm xa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân, hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ là lựa chọn tốt hơn cho Mỹ.
Thứ ba, đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba không giúp Trung Quốc đạt được nhiều giá trị quân sự. Với tầm bắn 8.000km, tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 chỉ phù hợp với phạm vi khu vực.
Tên lửa DF-31A thì có tầm bắn 11.000 km, tức có thể bắn tới bờ tây nước Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có các tên lửa đạn đạo liên lục địa khác, ví dụ như CSS-4/DF-5 có tầm bay xa hơn, tức có thể vươn đến hầu như toàn bộ nước Mỹ.
Hơn nữa, với kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba, Trung Quốc sẽ tự mình tạo ra một cuộc khủng hoảng với Mỹ, như Liên Xô với Mỹ từng có cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Cuba vào năm 1962.
Bạch Trúc
Theo Dantri/National Interest