Trung Quốc phát thông điệp ngang hàng với Mỹ
Trong cuộc họp với giới chức cấp cao Mỹ tại Alaska tháng trước, thay vì nhún nhường “chìa cành oliu”, phái đoàn Trung Quốc mang đến một thông điệp mới.
Như dự đoán của các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì, trợ lý đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Washington rút lại những chính sách thù địch nhắm vào Bắc Kinh từ thời Donald Trump.
Tuy nhiên, ông Dương còn gây bất ngờ với bài phát biểu dài 16 phút, “lên lớp” Mỹ về vấn đề sắc tộc và nhân quyền của nước này. Các quan chức Trung Quốc cho hay mục tiêu của họ là làm rõ rằng Bắc Kinh giờ đây coi mình “bằng vai phải lứa” với Washington.
Theo bình luận viên Lingling Wei và Bob Davis của Wall Street Journal , đây là thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của giới lãnh đạo Trung Quốc , những người suốt nhiều thập kỷ qua luôn cẩn trọng và tránh thách thức vị trí của Mỹ trên thế giới, tuân theo chính sách “giấu mình chờ thời” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Một số quan chức Trung Quốc thậm chí còn gọi Mỹ một cách hài hước là “đại ca”.
Giờ đây, ông Tập dường như cho rằng thời cơ của Trung Quốc đã đến và đang tái định hình mối quan hệ với Mỹ.
“Trung Quốc giờ có thể nhìn ra thế giới ở mức độ ngang hàng”, ông Tập phát biểu trong phiên họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh hồi đầu tháng 3. Truyền thông Trung Quốc sau đó diễn giải rộng rãi rằng bình luận này là lời tuyên bố Bắc Kinh không còn phải ngước nhìn Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc hội đàm ở Anchorage, bang Alaska, Mỹ, hôm 18/3. Ảnh: CNN .
Các bình luận viên của WSJ còn chỉ ra rằng trong khi Mỹ thường xuyên mô tả Trung Quốc là đối thủ chiến lược, Bắc Kinh từ trước tới nay hiếm khi sử dụng cụm từ này, mà nhấn mạnh những khái niệm như “đôi bên cùng có lợi” và hợp tác.
“Một trong những thay đổi rõ ràng hơn về thái độ của Bắc Kinh là họ giờ đây thừa nhận sự tồn tại của cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia, điều chưa bao giờ được đề cập trong quá khứ”, Wang Huiyao, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho hay.
Quan hệ Mỹ – Trung vốn đã lao dốc trầm trọng dưới thời Trump. Sau khi chiến tranh thương mại kéo dài hai năm tạm ngừng với một thỏa thuận đầy thận trọng, Trump lại không ngừng công kích Trung Quốc về đại dịch Covid-19, trong khi Bắc Kinh kịch liệt phủ nhận các cáo buộc.
Tình hình vẫn không thay đổi sau khi Biden tiếp quản Nhà Trắng. Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, phía Bắc Kinh đã tìm cách sắp xếp một cuộc họp cấp cao giữa hai bên trước cả khi Tổng thống Mỹ nhậm chức, nhưng bị từ chối. Thay vào đó, chính quyền Biden liên tục nói về kế hoạch hợp tác cùng các đồng minh để đối phó Trung Quốc.
Trước cuộc họp ở Alaska, Mỹ một lần nữa báo hiệu cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, bằng cuộc họp trực tuyến giữa Biden và lãnh đạo các nước Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng bay tới Tokyo và Seoul để trao đổi với các đối tác. Chỉ một ngày trước cuộc họp ở Alaska, Mỹ còn áp lệnh trừng phạt hơn 20 quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị cáo buộc hạn chế quyền tự trị của đặc khu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đối ngoại Mỹ đánh giá Washington đã đi quá đà. “Càng cố khẳng định quyền lực của mình đang không suy yếu, lập luận của bạn càng kém thuyết phục hơn”, Jeffrey Bader, quan chức cấp cao về Trung Quốc dưới thời Bill Clinton và Barack Obama, nêu ý kiến.
Trong cuộc họp ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Ngoại trưởng Blinken chỉ trích những hành động của Trung Quốc tại Hong Kong và Tân Cương, cũng như thái độ đe dọa Đài Loan. Đáp lại, ông Dương Khiết Trì công kích những vấn đề nhân quyền “sâu xa” của Mỹ, đồng thời tuyên bố Washington “không đại diện cho dư luận quốc tế”.
Ông Dương còn cảnh báo Washington không thách thức Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan , hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất theo chính sách “Một Trung Quốc”. Giới quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc có thể dẫn tới xung đột đáng lo ngại như thế nào.
“Trung Quốc lo ngại về khả năng Mỹ can dự sâu thêm vào vấn đề Đài Loan dưới thời Biden. Họ đang ngày càng tăng áp lực lên hòn đảo, đồng thời gửi thông điệp đến Mỹ rằng tốt hơn hết nên cẩn thận”, Bonnie Glaser, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.
Mỹ cam kết giúp đảo Đài Loan duy trì quyền tự chủ theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, dù vẫn đồng ý với chính sách “Một Trung Quốc”. Đội ngũ của Biden cũng khẳng định kế hoạch tăng cường hợp tác với hòn đảo. Trong khi đó, Bắc Kinh coi vấn đề Đài Loan là “lằn ranh đỏ” và “không có chỗ cho thỏa hiệp”.
Các bình luận viên của WSJ nhận định có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, bất chấp một loạt động thái quân sự gần đây. Ngay sau cuộc họp giữa giới chức Mỹ – Trung tại Alaska, ông Tập đã thị sát tỉnh Phúc Kiến, phía bên kia eo biển Đài Loan. Các máy bay quân sự Trung Quốc gần đây cũng tăng cường áp sát hòn đảo từ phía tây, trong khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập ở phía đông, hình thành thế gọng kìm “siết chặt” Đài Loan.
Tuy nhiên, tại một hội nghị do Đại học California ở thành phố San Diego tổ chức, điều phối viên về Trung Quốc của Nhà Trắng Kurt Campbell cho hay Bắc Kinh đã trở nên “mất kiên nhẫn” với phương án thu hồi Đài Loan, theo những người dự hội nghị.
Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, hồi đầu tháng 3 cũng cảnh báo trong phiên điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Trung Quốc có thể tấn công đảo Đài Loan vào cuối thập kỷ này, có lẽ chỉ trong vòng 6 năm nữa. Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho rằng Bắc Kinh có thể hành động vội vã bởi niềm tin quyền lực của Washington đang suy giảm.
Tại Trung Quốc, bài phát biểu trong hội nghị ở Alaska của ông Dương trở thành một biểu tượng, đại diện cho bước ngoặt chính sách rõ ràng so với đường lối hợp tác với Mỹ mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình theo đuổi ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Quan điểm này được người kế nhiệm Giang Trạch Dân tiếp nối, dẫn đến các cuộc đàm phán giữa hai nước để đưa Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu năm 2001. Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo tiếp theo, thậm chí đi xa hơn khi chấp nhận vị thế dẫn đầu của Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã ký vào kế hoạch do cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra, nhằm kích cầu kinh tế Trung Quốc và giúp đưa thế giới thoát khỏi suy thoái.
Trong giai đoạn đầu cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là cũng đi theo con đường tương tự. Cuối năm 2017, ông chiêu đãi Trump một bữa tối riêng tại Tử Cấm Thành, bất chấp lời đe dọa trừng phạt Trung Quốc của tổng thống Mỹ khi đó. “Chúng tôi có hàng nghìn lý do để đưa quan hệ Mỹ – Trung đi đúng hướng, và không có cớ gì để phá hỏng nó”, Chủ tịch Trung Quốc cho hay.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá một loạt động thái quyết liệt của Trump khiến ông Tập nghĩ rằng Mỹ đã trở thành đối tác không đáng tin cậy , dẫn đến nỗ lực giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào họ, đặc biệt là về công nghệ.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là đang trong giai đoạn chạy đua tìm đồng minh. Trong vòng một tuần kể từ cuộc họp ở Alaska, Ngoại trưởng Blinken đã cùng Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) lên án chính sách ở Tân Cương của Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia thường dè chừng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, dường như cũng tỏ ra xích lại gần hơn với Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 3, sự kiện được tờ Global Times đặt tiêu đề “Trung Quốc và Nga sẽ phá vỡ gọng kìm của Mỹ với ‘trật tự thế giới’”. Ông Vương sau đó công du đến Trung Đông và ký một thỏa thuận lớn với Iran. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đáp trả những lệnh trừng phạt của EU, bằng cách đưa một loạt nghị sĩ và tổ chức châu Âu vào danh sách đen.
“Đây là một ván cược lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chưa chắc đã thua canh bạc này”, Daniel Russel, cựu quan chức Mỹ phụ trách vấn đề Trung Quốc dưới thời Obama, nhận định.
Khe hẹp cho quan hệ Mỹ - Trung
Hội đàm Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời Biden bắt đầu căng thẳng, nhưng kết thúc với sự đồng thuận được cho mở ra khe hẹp cho quan hệ hai nước.
Quan chức hai nước Mỹ - Trung Quốc đã có ba phiên trao đổi trong cuộc gặp tại Anchorage, bang Alaska vào ngày 18 - 19/3. Sau cuộc gặp, hai bên đều nhận ra những "hố sâu" giữa họ trong nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhưng cam kết hợp tác ở lĩnh vực khác như biến đổi khí hậu, Iran, Triều Tiên và Afghanistan.
Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, tuyên bố hội đàm hai nước "trực tiếp, thẳng thắn và mang tính xây dựng".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hội đàm "là một cuộc trao đổi rất thẳng thắn về một chương trình nghị sự mở rộng", bao gồm kinh tế, thương mại và công nghệ. Nhưng Blinken cũng cho biết phía Trung Quốc vẫn "phòng thủ" trong nhiều vấn đề mà hai nước "cơ bản mâu thuẫn", gồm Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng, Đài Loan và không gian mạng.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, Bắc Kinh nói hai nước sẽ thành lập nhóm công tác chung về biến đổi khí hậu. Trung Quốc thêm rằng họ đã thảo luận về việc sắp xếp cho nhân viên ngoại giao và lãnh sự quán hai nước được tiêm vaccine Covid-19, cũng như cách thúc đẩy trao đổi giữa các phái đoàn và tổ chức khác, gồm cả truyền thông. Họ cho biết chính sách du lịch và thị thực cũng đang được thảo luận, dấy lên hy vọng hạn chế được dỡ bỏ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) tại cuộc họp với phái đoàn Trung Quốc tại Alaska tuần trước. Ảnh: AFP.
Giới quan sát cho rằng cuộc gặp đã cho mỗi bên cơ hội để đánh giá về đối phương trước khi họ có thể xây dựng một chiến lược dài hạn hơn về hợp tác trong tương lai.
"Dù không đạt được nhiều kết quả tại cuộc gặp này, hai bên đã có thể đạt được đồng thuận ban đầu về một số vấn đề", Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói. "Chính quyền Biden vẫn kiên định với chiến lược Trung Quốc của họ. Chúng ta hiện thấy phe ủng hộ cạnh tranh hệ tư tưởng và địa chính trị thắng thế so với phe thúc đẩy hợp tác kinh tế và quản trị toàn cầu".
Wu Xinbo cho rằng Trung Quốc cần gửi một thông điệp tới chính quyền Joe Biden thông qua cuộc đối thoại lần này rằng "cách tiếp cận cứng rắn sẽ không hiệu quả với Trung Quốc".
Cuộc "chạm mặt" ban đầu đã cho thấy giọng điệu đối đầu giữa hai cường quốc, khi phiên khai mạc diễn ra đầy căng thẳng trong hơn một tiếng.
Trong bài phát biểu mở màn dài hơn thường lệ, ông Dương Khiết Trì ca ngợi thành công của Trung Quốc về kiểm soát Covid-19 và chống đói nghèo, trong khi Mỹ chật vật với đại dịch. Ông thêm rằng quan chức Mỹ không có quyền thuyết giảng cho Bắc Kinh về nhân quyền, khi người gốc Phi vẫn bị giết ở Mỹ.
Sau cuộc gặp, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói phái đoàn Mỹ đã "dự kiến có cuộc nói chuyện trực tiếp, cứng rắn về hàng loạt vấn đề và đó chính xác là những gì chúng tôi có, cơ hội để đưa ra các ưu tiên và dự định của chúng tôi, cũng như lắng nghe điều tương tự từ phía Trung Quốc".
"Chúng tôi sẽ trở về Washington và tiếp tục đánh giá xem chúng tôi đang ở đâu và tham vấn thêm đồng minh", Sullivan nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc, trong khi để ngỏ khả năng hợp tác. "Trung Quốc và Mỹ nên hướng tới nhau, trong khi tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẵn sàng có thái độ cởi mở với Mỹ", ông nói.
Giới quan sát nhận định cuộc "chạm trán nảy lửa" ban đầu giữa hai nước nhằm hướng tới khán giả trong nước của họ.
"Cả hai bên đều đối mặt với áp lực chính trị trong nước. Trung Quốc cần thể hiện sức mạnh của họ trước nhiều chỉ trích từ phía Mỹ. Nhưng hai bên có thể sẽ thực tế hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo", Wang Yong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói.
Ông Wang nói biến đổi khí hậu có thể mở ra con đường hợp tác cho hai nước, mang tới cho Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cơ hội để tổ chức thêm nhiều cuộc hội đàm trong những tháng tới.
"Hội nghị trực tuyến của Liên Hợp Quốc để kỷ niệm Ngày Trái đất sẽ được tổ chức vào ngày 22/4. Đây là cơ hội lớn để Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden thảo luận một lần nữa về cách tiếp cận của họ trước đó", ông nói.
Hai phái đoàn Mỹ - Trung hội đàm ở Alaska ngày 18-19/3. Video: Reuters.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung khó có thể lập tức được cải thiện , theo các chuyên gia. Chính quyền Biden đã tiếp nối quan điểm cứng rắn của chính quyền Donald Trump, trong đó đánh giá Trung Quốc là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ. Washington gần đây có nhiều động thái báo hiệu đang tăng cường hợp tác với đồng minh toàn cầu để chống Bắc Kinh.
Trung Quốc tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong chuyến thăm hai ngày 22 - 23/3, và mối quan hệ với Mỹ là chủ đề thảo luận giữa hai bên. Trong khi đó, Blinken tới Brussels để họp với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thảo luận về Trung Quốc với các đồng minh châu Âu.
Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuần trước đã tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong chuyến công du đầu tiên dưới thời chính quyền Biden. Ông chủ Nhà Trắng trước đó cũng tổ chức thượng đỉnh đầu tiên với nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Phó Oánh, cựu đại sứ và thứ tưởng ngoại giao Trung Quốc, cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xấu đi nhưng cuối cùng sẽ ổn định.
"Các mối quan hệ sẽ tiếp tục xấu thêm trước khi ổn định, trở lại bình thường và phát triển", bà nói tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ngày 20/3. "Điều quan trọng là liệu Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết các lo ngại của họ và cùng tồn tại một cách hòa bình trong khuôn khổ quốc tế hay không".
Trung Quốc và Mỹ bất ngờ hợp tác sau cuộc đàm phán căng thẳng ở Alaska Theo tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc, Trung Quốc và Mỹ sẽ thành lập một nhóm làm việc chung về vấn đề biến đổi khí hậu sau những chỉ trích căng thẳng ở Alaska. Hôm 20/3, tờ Tân Hoa Xã đưa tin phái đoàn Trung Quốc cho biết hai bên đã "cam kết tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh...