Trung Quốc ồ ạt đưa thêm 4 giàn khoan dầu vào Biển Đông
Trung Quốc đang điều 4 giàn khoan dầu vào Biển Đông trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đẩy mạnh việc thăm dò dầu mỏ và khí đốt trong khu vực, chưa đầy 2 tháng sau khi triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Biểu tượng xanh trong vòng tròn trắng là vị trí của giàn khoan Hải Dương-981. Các biểu tượng màu xanh còn lại là vị trí của 4 giàn khoan khác của Trung Quốc.
Theo các thông tin được đăng tải trên trang web của Cục hải sự Trung Quốc, giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 sẽ được triển khai trên vùng biển giữa phía nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ được kéo gần bờ biển Trung Quốc.
Cục hải sự Trung Quốc, vốn không cho biết ai sở hữu các giàn khoan trên, nói rằng tất cả 3 giàn khoan sẽ hoạt động trong khu vực đến ngày 12/8.
Hồi đầu tuần này, Cục hải sự Trung Quốc cũng thông báo về việc di chuyển giàn khoan một giàn khoan khác – Nam Hải số 9.
Di chuyển giàn khoan Nam Hải số 9 tới gần Việt Nam
Trong một động thái có liên quan, Trung Quốc cho biết nước này đang di chuyển một giàn khoan số 2 tới gần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho thấy sự ngang ngược của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền và tiếp tục tìm kiếm các tài nguyên trên biển, bất chấp một cuộc đối đầu căng thẳng với Việt Nam vì một giàn khoan khác ở phía nam.
Cục hải sự Trung Quốc cho hay giàn khoan Nam Hải số 9, dài 600 m, đang được kéo về phía đông nam từ vị trí hiện thời ở ngoài khơi đảo Hải Nam và sẽ tới vị trí mới gần bờ biển Việt Nam vào hôm nay 20/6. Cục hải sự đã đề nghị các tàu thuyền trong khu vực tránh ra xa.
Video đang HOT
Trong khi đó, Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết công ty này có 4 dự án mới dự kiến được triển khai tại khu vực phía tây và đông Biển Đông trong nửa cuối năm 2014.
Hiện chưa rõ 4 giàn khoan dầu trên có phải là các dự án mới của CNOOC hay không. Một phát ngôn viên của CNOOC đã từ chối bình luận, nhưng công ty này từ lâu vẫn nói rằng CNOOC muốn thăm dò trong vùng nước sâu ngoài khơi Trung Quốc để đẩy mạnh sản xuất.
CNOOC cho hay công ty này sẽ tăng 1/3 vốn đầu tư cho năm 2014 lên gần 20 tỷ USD.
“Động thái chiến lược”
Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, bày tỏ lo ngại về các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đã dẫn lời ông Zhuang Guotu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Xiamen, rằng việc triển khai các giàn khoan là một “động thái chiến lược”.
“Sự gia tăng của các giàn khoan chắc chắn sẽ làm gia tăng lo ngại đối với Việt Nam và Philippines”, ông Zhuang nói.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Trung Quốc đã triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương-981, trị giá khoảng 1 tỷ USD, sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố rằng giàn khoan Hải Dương-981 hoàn toàn nằm trong vùng biển nước này.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri
Cảnh sát biển sẽ giám sát chặt chẽ giàn khoan Nam Hải số 9
Sáng nay 20/6, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển - cho hay, mọi di biến động của giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) trên biển Đông sẽ được lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ.
Giám sát chặt chẽ di biến động của giàn khoan Nam Hải số 9 trên biển Đông.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho hay, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam sẽ giám sát chặt chẽ mọi di biến động của giàn khoan Nam Hải số 9 trên biển Đông.
Trước đó, ngày 17/6, Cục Hải sự Trung Quốc thông tin, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan dầu thứ 2 ra biển Đông. Thông tin cho biết, tàu kéo Đức Gia kéo giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) từ vị trí có tọa độ 1738 vĩ độ Bắc - 11012.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 1714.1 vĩ độ Bắc - 10931 vĩ độ Đông trên biển Đông. Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6.
Giàn khoan Nam Hải số 9 có chiều dài tổng cộng 600m và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ.
Giàn khoan Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi do Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), quản lý và vận hành. Nam Hải số 9 được chế tạo năm 1988 và nặng 21.714 tấn.
Báo chí Trung Quốc hồi đầu tháng này đưa tin, COSL đã ký hợp đồng với Công ty đóng tàu Đại Liên và Công ty công nghiệp nặng Trung Quốc tại Thâm Quyến để chế tạo 3 giàn khoan dầu mới, tên gọi Hải Dương 982, Hải Dương 943 và Hải Dương 944.
Trong khi đó, từ đầu tháng 5, CNOOC đã triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh còn điều hàng trăm tàu, trong đó có cả các tàu quân sự, để hỗ trợ việc lắp đặt và bảo vệ giàn khoan này. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa rút giàn khoan này ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang ồ ạt chế tạo các giàn khoan nhằm phục vụ tham vọng khai thác dầu khí để giải quyết cơn khát năng lượng và âm mưu độc chiếm Biển Đông của mình.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
"Phải theo dõi chặt giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc" "Giàn khoan Nam Hải số 9 mới di chuyển cũng chỉ là hoạt động bình thường. Tuy nhiên, phải theo dõi chặt chẽ, nếu phát hiện nó có xu hướng vi phạm vùng biển Việt Nam phải quyết liệt lên án, phản đối, cản trở để không lặp lại như giàn khoan Hải Dương 981". Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trần...