Trung Quốc “nổi đóa” khi Mỹ – Nhật hợp tác ở vùng biển tranh chấp
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/2 cho biết Mỹ đang đặt an ninh khu vực Đông Á vào mối nguy hiểm sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định sẽ đứng về phía Nhật Bản trong tranh chấp ở biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền từ nhiều năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản hôm 3/2 (Ảnh: EPA)
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ duy trì thái độ có trách nhiệm, ngừng đưa ra những tuyên bố sai lệch trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư, đồng thời tránh làm cho vấn đề này thêm phức tạp cũng như đem lại sự bất ổn cho tình hình khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm 4/2, đề cập tới quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh gọi quần đảo này là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku.
Cũng theo ông Lục, hiệp ước Mỹ – Nhật ký năm 1960 là “một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh” và không nên được đưa ra để “làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền hợp pháp” của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Trước đó, trong chuyến công du tới Nhật Bản hôm 3/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn giữ nguyên cam kết bảo vệ Nhật Bản với tư cách là một đối tác theo hiệp ước song phương và khẳng định cam kết phòng vệ chung này cũng được mở rộng đối với quần đảo tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Trung Quốc cũng bày tỏ sự bất bình của nước này đối với phát biểu của Bộ trưởng Mattis rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục duy trì cam kết của chính quyền tiền nhiệm trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Mục tiêu của THAAD là nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như bảo vệ lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại 2 quốc gia này, trước sức mạnh tên lửa của Triều Tiên.
Video đang HOT
Theo phát ngôn viên Lục Khảng, “Trung Quốc kiên định lập trường phản đối việc triển khai THAAD” vì cho rằng sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ “làm tổn hại đến an ninh và lợi ích chiến lược của các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu sự cân bằng chiến lược trong khu vực”.
Theo AP, Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc vì lo ngại rằng sóng radar cực mạnh của hệ thống này sẽ đi sâu vào lãnh thổ phía đông bắc của Trung Quốc, từ đó có thể cho phép Washington theo dõi mọi hoạt động quân sự của Bắc Kinh.
Giới chức và học giả Trung Quốc dự đoán quan hệ Trung – Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ tiếp tục trải qua nhiều sóng gió do quan điểm bất đồng giữa hai nước trong nhiều vấn đề. Nhà lãnh đạo Mỹ từng chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự tại Biển Đông, “tố” Trung Quốc thao túng thị trường tiền tệ và duy trì các chính sách thương mại thiếu công bằng, đồng thời phê phán Bắc Kinh hành động hời hợt trong việc gây áp lực cho quốc gia láng giềng Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của nước này.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ tuyên bố bảo vệ Nhật ở biển Hoa Đông, Trung Quốc phản ứng
Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây bất ổn khi tuyên bố đứng về phía Nhật Bản, bảo vệ chuỗi đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo, Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis duyệt đội danh dự Nhật Bản. Ảnh: Guardian
"Tôi muốn chắc chắn rằng Điều 5 trong Hiệp ước Phòng thủ Chung thực tế được hiểu như cách đây một hay 5 năm và nó sẽ có hiệu lực trong một năm, 10 năm tới, kể từ bây giờ", Guardian dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết
Bộ trưởng Mattis nói điều này với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tối qua, nhân chuyến thăm hai ngày tới Tokyo.
Tướng Mattis tuyên bố chuỗi đảo không người ở Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện do Nhật quản lý, nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Washington có nghĩa vụ bảo vệ tất cả khu vực thuộc sự quản lý của Tokyo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay kêu gọi Mỹ ngừng đưa ra "các tuyên bố sai lầm" về chuỗi đảo nói trên ở biển Hoa Đông. Bộ này kêu gọi Mỹ nên tránh làm phức tạp tình hình và "mang lại bất ổn trong khu vực".
"Tôi muốn không có sự hiểu lầm nào về quá trình chuyển giao quyền lực ở Washington. Chúng tôi chắc chắn 100% sẽ sát cánh cùng Nhật Bản", ông Mattis khẳng định.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời nhấn mạnh với người đồng cấp Nhật Tomomi Inada rằng liên minh hai nước là "hòn đá tảng" trong ổn định khu vực.
Ông Mattis bên cạnh đó cũng đưa ra cam kết Mỹ đứng về phía các đồng minh trong chuyến thăm Hàn Quốc.
Quyết định chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là các điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đánh giá như nỗ lực xoa dịu tình hình.
Ông Donald Trump năm ngoái tuyên bố Mỹ có thể thu gọn đáng kể sự hiện diện quân sự ở châu Á bất chấp những mối lo ngại ngày càng tăng trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và vấn đề hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Trái ngược với ngôn từ thường được các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump sử dụng, Mattis nói ông thấy Mỹ "không cần thiết" phải có hành động quân sự ở Biển Đông, song ông lặp lại rằng tự do hàng hải trong chiến lược và thương mại đường biển là "tuyệt đối".
Mỹ hiện có 28.500 lính ở Hàn Quốc và 47.000 lính ở Nhật Bản, hầu hết đóng tại các đảo phía nam của Okinawa, nơi ông Mattis từng phục vụ với tư cách sĩ quan hải quân đầu những năm 1970.
Văn Việt
Theo VNE
Trump có thể coi châu Á là nơi gây thách thức nghiêm trọng nhất Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chọn châu Á là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức được đánh giá là thể hiện mối quan tâm lớn của Tổng thống Donald Trump với khu vực này. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trái, và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ảnh: Washington Post "Thông điệp rõ ràng của Mỹ là...