Trung Quốc: Những bất định trước giờ chuyển giao lãnh đạo
Sự bất định không chỉ xoay quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo, mà còn cả các diễn biến chính trị rộng hơn tại Trung Quốc tiếp đây, cũng như bản chất của việc nước này tham gia vào thế giới bên ngoài.
Những sự kiện gần đây cho thấy những sự bất định đang ảnh hưởng đến hệ thống chính trị Trung Quốc. Sự bất định này không chỉ xoay quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo, mà còn cả các diễn biến chính trị rộng hơn tại Trung Quốc tiếp đây, cũng như bản chất của việc nước này tham gia vào thế giới bên ngoài.
Gần đây, cựu quan chức cấp cao Bạc Hy Lai, với vợ là người dính líu đến cái chết của một người Anh, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và đứng trước hàng loạt tội danh từ tham nhũng cho tới ăn hối lộ. Thời điểm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã được ấn định, tại đó, sẽ công bố ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện trở lại trước công chúng sau hai tuần vắng bóng.
Tuy nhiên, ở mức độ sâu sắc hơn, những sự kiện gần đây cho thấy những sự bất định đang ảnh hưởng đến hệ thống chính trị Trung Quốc. Sự bất định này không chỉ xoay quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo mà còn cả các diễn biến chính trị rộng hơn tại Trung Quốc tiếp đây cũng như bản chất của việc nước này tham gia vào thế giới bên ngoài – và đây chính là điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải giải quyết cấp bách nhất.
Giới lãnh đạo Trung Quốc gần như đã không lường trước một kịch bản chuyển giao chính trị phức tạp đến như vậy. Mùa thu này, phần lớn các vị trí trong Ban Thường vụ Bộ chính trị – cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc – sẽ có những thay đổi. Cuộc chuyển giao chính là sự thay đổi thế hệ lãnh đạo quan trọng nhất trong một thập niên, nhưng nó đã bị kìm hãm bởi những vụ bê bối và cuộc đấu đá nội bộ.
Trong khi đó, một sự thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra trong ý thức chính trị của người dân Trung Quốc. Trong khi các quan chức và học giả tranh luận về tốc độ và tính chất phù hợp trong cải cách chính trị, thì trên mạng internet đã giúp đưa một mức độ minh bạch chưa từng có, trách nhiệm giải trình chính thức và ngay cả vấn đề pháp quyền vào trong hệ thống chính trị. Thông qua mạng internet, người dân Trung Quốc đã buộc các chính quyền địa phương phải công bố thống kê chính xác về chất lượng không khí, tranh luận về mối liên hệ giữa các cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan với tương lai của họ, yêu cầu đảm bảo tính nghiêm minh của công lý – đặc biệt đối với các quan chức có hành động phi pháp -và tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn gây áp lực lên quan chức địa phương phải tuân thủ luật pháp. Với hơn 500 triệu người dùng tại Trung Quốc, internet không phải là một hiện tượng của riêng nhóm người được coi là tinh túy của xã hội. Đó là một lực lượng tổ chức chính trị nhiều sức mạnh trong xã hội dân sự mà Bắc Kinh cần phải thích nghi với.
Video đang HOT
Cách tiếp cận mới của Trung Quốc đối với thế giới cũng có đặc trưng là sự bất định ngày càng cao. Các nước láng giềng và cả những nước ở xa hơn đang rất bối rối trước sự thay đổi quá mau chóng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc những năm qua. Bắc Kinh dường như đã từ bỏ chủ trương đã theo đuổi trong gần một thập niên là “trỗi dậy hòa bình – phát triển hòa bình” và thay vào đó bằng một giọng điệu quyết liệt hơn, đơn cử như tuyên bố chuyển từ phòng vệ gần bờ sang phòng vệ từ xa trên biển. Với việc Trung Quốc không nỗ lực ngoại giao “đôi bên cùng có lợi”, nhiều cuộc xung đột khu vực đã leo thang với tốc độ nhanh. Bắc Kinh đang tranh chấp với Philippines và Việt Nam trong các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, và Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang tham gia một cuộc đối đầu ngày càng gay gắt xung quanh các đảo Senkaku/Điếu Ngư không người trong khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.
Không có một tín hiệu kiềm chế mạnh mẽ từ giới lãnh đạo, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thể hiện qua giới truyền thông, nơi mà những người dân tộc chủ nghĩa đã kêu gọi tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Nhật Bản, trong khi những tiếng nói ôn hòa hơn thì kêu gọi quay trở lại bàn thương lượng. Gần như trong suốt tháng 9, khi những người biểu tình giận dữ đã tấn công các công dân Nhật Bản sinh sống tại Trung Quốc và đập phá các cửa hiệu Nhật Bản, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn lặng im trước cảnh lộn xộn, và như thể họ đã cố tình để cho sự bức xúc từ công chúng đưa đẩy hướng đi của cuộc tranh chấp, hay nói cách khác họ không chắc chắn nên để mọi việc diễn ra theo hướng nào. Nhưng dù là trường hợp nào, người ta vẫn tự hỏi liệu Trung Quốc sẽ trở thành hạng cường quốc như thế nào.
Khi sự bất định lên cao, thì rủi ro cũng sẽ tăng theo. Khi Trung Quốc chuyển giao lãnh đạo, phần còn lại của thế giới hy vọng sự cân bằng sẽ được thiết lập không sớm thì muộn. Bắc Kinh nên hiểu cộng đồng quốc tế không có nhiều lựa chọn trong thời điểm này ngoài việc phải đi nước đôi – tìm kiếm triển vọng can dự sâu hơn vào Trung Quốc, đồng thời tự bảo vệ mình bằng cách củng cố các liên minh và chuẩn mực quốc tế đã tồn tại. Đó không phải là chính sách ngăn chặn – mà đơn giản họ chỉ đang kiềm chế sự bất định vốn có ngay trong chính Trung Quốc hiện nay.
Theo Dantri
Trung Quốc: Ẩn số trước giờ chuyển giao lãnh đạo
Mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ như đang có sự quyết tâm của cả khối, Trung Quốc vẫn đang tồn tại những mặt mâu thuẫn, vừa thể hiện sự tự tin nhưng bên trong vẫn đầy những yếu tố gây bất ổn.
Trong một chuyến đi thực tế gần đây tới Trung Quốc do Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu tổ chức, ban đầu tôi chỉ nghĩ rằng thách thức lớn nhất đối với nước này chỉ xoay quanh nhu cầu phát triển tiêu dùng trong nước để đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhưng đến cuối chuyến đi thì điều đọng lại lại là một bức tranh hỗn độn giữa sự quyết đoán và thiếu chắc chắn, giữa sự tự tin và lo lắng.
Mặc dù đã sắp diễn ra, nhưng Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn khá bí mật. Trong khi đại hội dự kiến diễn ra vào tháng 10, thì thời điểm cụ thể vẫn chưa được chỉ định, cũng giống như quá trình nội bộ hay các cuộc thảo luận trù bị.
Trong phần lớn thời gian của năm nay, dường như có một điều chắc chắn trong cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp diễn ra: Tổng bí thư mới của CCP sẽ là Tập Cận Bình, người được đánh giá là rất có tầm nhìn.
Mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ như đang có sự quyết tâm của cả khối, Trung Quốc vẫn đang tồn tại những mặt mâu thuẫn, vừa thể hiện sự tự tin nhưng bên trong vẫn đầy những yếu tố gây bất ổn. Thành tựu kinh tế không thể phủ nhận - cùng với sự gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế thế giới - đối lập mạnh mẽ với cảm giác khủng hoảng và bất an đang rình rập đâu đó.
Ở trong nước, trong khi Trung Quốc đã có những bước tiến từ quốc gia đói nghèo diện rộng thành một nền kinh tế sung túc hơn, nhưng chỉ riêng tăng trưởng kinh tế - dù là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính chính danh của CCP - là chưa đủ. Cảm giác không hài lòng đang lan rộng: các thống kê còn nhiều khác nhau, tùy thuộc vào định nghĩa của các cơ quan chính phủ, nhưng có thể ước đoán, chỉ tính riêng năm 2011 đã có khoảng 180.000 vụ rắc rối liên quan đến quần chúng (mass incidents) tại Trung Quốc.Tầng lớp trung lưu thành thị ngày một đông đảo cùng với những cộng đồng nông thôn tổ chức tốt hơn của Trung Quốc đang đòi hỏi phải giảm tham nhũng và chính phủ phải có trách nhiệm hơn, nguồn nước và không khí sạch hơn, thực phẩm và thuốc thang an toàn hơn, và một hệ thống tư pháp độc lập và vận hành hiệu quả.
Sự chưa hài lòng của dân chúng phần nào phản ánh một hiện tượng thường đươc nêu trong các buổi tọa đàm với giới học giả, trí thức và quan chức cấp cao: sự mù mờ của pháp luật đang tồn tại ở Trung Quốc. Sự mơ hồ của luật pháp tạo cơ hội cho các nhà chức trách hành động cẩu thả, bừa bãi.
Trong khi đó, pháp quyền luôn chiếm vị trí nổi bật trong tranh luận chính trị tại Trung Quốc. Nhưng, mặc dù thừa nhận trên danh nghĩa tầm quan trọng của nó, các quan chức thường mỗi người một cách hiểu về vấn đề này. Điều này được thể hiện rõ trong vụ khai trừ Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai của CCP nhằm "bảo vệ các quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, bỏ qua những tuyên bố chính thức sang một bên, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc muốn đáp ứng nguyện vọng của dân chúng và giải quyết những bất mãn đang gia tăng, họ cần phải cam kết thực thi pháp luật trên thực tế. Một động thái như vậy cũng sẽ có lợi nhiều mặt cho vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc gần đây với tư cách là một tay chơi chính trên trường quốc tế (dù có vẻ miễn cưỡng) cũng thể hiện sự chưa chắc chắn của giới lãnh đạo về vai trò tương lai của Trung Quốc trên thế giới, cũng như đặt ra những câu hỏi sự sẵn sàng gánh vác trách nhiệm tương xứng với vị thế ấy. Trung Quốc vẫn đang thất bại trong việc xây dựng quyền lực mềm hay chấn an các bên đối thoại gần xa rằng sự trỗi dậy hòa bình của mình vẫn sẽ giữ nguyên ý nghĩa của nó.
Quả thực, Trung Quốc ngày nay ngày càng được cảm nhận là đang làm thay đổi trật tự quốc tế và bóp méo các khái niệm như dân chủ, đa nguyên và đại diện. Với nhiều người, thái độ của Trung Quốc đối với Syria - cùng Nga phản đối các hành động quốc tế - và các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo với các nước láng giềng chính là hiện thân tiêu biểu cho xu hướng này.
Các chính sách của Trung Quốc được nhìn nhận rộng rãi là sự phán ánh tư duy chiến lược của cố Thủ tướng Đặng Tiểu Bình "giấu mình chờ thời". Nhưng khả năng thuyết phục các nước khác rằng cách ứng xử trên trường quốc tế của Trung Quốc chỉ bắt nguồn từ nhu cầu muốn tìm kiếm sự cân bằng sẽ phụ thuộc vào khả năng đảm bảo pháp quyền của giới lãnh đạo - về bản chất không phải chỉ bằng lời nói.
Cho đến nay, sự tồn tại của hệ thống chính trị Trung Quốc dựa nhiều vào việc xác định và xử lý khéo léo những vấn đề bức thiết nhất của thời đại. Mỗi nhà lãnh đạo kể từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 đều để lại một dấu ấn khó phai. Với Đặng Tiểu Bình, đó là quyết định đi theo nền kinh tế thị trường, thể hiện trong chủ trương "Bốn hiện đại hóa". Người kế nhiệm ông, Giang Trạch Dân, thực hiện chấn chỉnh nội bộ CCP và mở rộng nền tảng của CCP thông qua học thuyết "Ba đại diện". Và mục tiêu của vị Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào là phát triển, đặc biệt là tại các vùng rộng lớn sâu bên trong nội địa, thể hiện qua công cuộc tư nhân hóa quy mô lớn.
Mặc dù còn nhiều điều chưa chắc chắn xung quanh cuộc chuyển giao chính trị sắp tới, nhưng nhiều người hy vọng rằng tính thực dụng đó - một sợi chỉ đỏ xuyên suốt giữa các thế hệ lãnh đạo sau Mao Trạch Đông - sẽ nối tiếp sang giới lãnh đạo mới. Để làm được như vậy, họ cần phải hiểu rằng chiến lược tốt nhất của họ, cả với trong nước lẫn quốc tế, là phải dành nguồn lực và năng lượng đáng kể củng cố cho các thể chế pháp trị của Trung Quốc và ngay cả khi phải thực hiện các cải cách đôi khi làm giảm quyền lực của CCP.
Theo Dantri
Trung Quốc chuyển giao tàu sân bay đầu tiên cho hải quân Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã được chuyển giao cho lực lượng hải quân, báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay 23/9 cho hay, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các vùng biển tranh chấp trên Hoa Đông và Biển Đông. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đánh số 16 hồi tháng 8...